Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-01-2016

 Việt Nam thời hậu Nguyễn Tấn Dũng ?

dhd 03



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội Đảng 12, Hà Nội, ngày 21/01/2016
REUTERS/Hoang Dinh Nam/Pool

Liên quan đến Đại hội Đảng lần thứ 12 đang bước vào giai đoạn cuối ở Hà Nội, tờ New York Times có bài viết mang tựa đề « Đảng Cộng sản Việt Nam giao phó cho người lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa » : tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục chức vụ.

Tờ báo cho biết theo các nhà phân tích, việc ông Nguyễn Phú Trọng, 71 tuổi, được tái bổ nhiệm có thể làm chậm lại quá trình mở cửa của Việt Nam về phía một nền kinh tế thị trường, nhưng ít có khả năng ảnh hưởng đến chiến lược tái cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo của phái cựu trào, được huấn luyện trong một nền kinh tế theo kiểu xô-viết và coi nước láng giềng Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, đồng minh chiến lược và ý thức hệ quan trọng.

 Đáng chú ý là ông Trọng đã tỏ ra miễn cưỡng khi phải chỉ trích Trung Quốc khi Bắc Kinh cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa trong năm 2014.

Nhưng chuyến viếng thăm Nhà Trắng của ông hồi tháng 7/2015 cho thấy cái nhìn của giới lãnh đạo đảng : ngày càng chú trọng hơn việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, đối trọng chính chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, coi đây là lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Ông Trọng đã chỉ đạo Việt Nam tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đề xướng, trong đó Trung Quốc bị loại ra ngoài.

Tiếp tục cải thiện quan hệ Việt-Mỹ

Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, nguyên phó viện trưởng Viện Quản Lý Kinh tế Trung Ương, cho biết 19 ủy viên Bộ Chính Trị vốn có nhiều quyền lực nhất so với các quan chức khác, hoàn toàn đồng thuận về sự cần thiết của việc chuyển đổi kinh tế trong nước lẫn quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ.
Bà nói : « Những cải cách và đổi mới về hướng kinh tế thị trường sẽ được tiếp tục », và quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến triển một cách vững chắc.

Nhưng việc ông Trọng tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa sẽ khiến thủ tướng thân Mỹ Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ dòm ngó chức tổng bí thư, phải lui vào hậu trường trong năm nay, tuy không phải là quá sớm.

Theo giới ngoại giao và các nhà phân tích, trong cương vị thủ tướng, ông Dũng đã giám sát làn sóng đầu tư nước ngoài và vun bồi mối quan hệ nồng ấm với các quan chức Mỹ hàng đầu.

Ông cũng có những tuyên bố mạnh mẽ hơn các lãnh đạo khác trong đảng, chống lại các hành vi quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, giành được sự ủng hộ của những người dân Việt Nam bình thường vốn tin rằng đất nước cần thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc - phương cách để giữ được độc lập kinh tế.

Khi Bắc Kinh đem giàn khoan khổng lồ đến vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, gần bờ biển miền trung Việt Nam năm 2014, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra tại các thành phố Việt Nam, và những vụ bạo động hiếm hoi đã diễn ra tại nhiều khu công nghiệp.

 Hoa Kỳ sau đó đã nới lỏng lệnh cấm vận lâu nay về vũ khí sát thương cho Việt Nam, tuy Nga vẫn tiếp tục cung cấp phần lớn nhu cầu thiết bị quân sự của Hà Nội.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, 66 tuổi, về nguyên tắc bị cấm làm thêm một nhiệm kỳ nữa, theo quy định của Đảng, vì ông đã quá 65 tuổi và đã ở ngôi vị thủ tướng được hai nhiệm kỳ.
Ông Trọng cũng vậy vì đã quá tuổi, nhưng Đảng đã cho ông biệt lệ thêm lần thứ hai.

Phát triển kinh tế sẽ chậm lại ?

Một số nhà phân tích dự đoán nhịp độ của nền kinh tế Việt Nam vốn đã chậm chạp, sẽ còn chậm hơn sau khi ông Dũng nghỉ hưu trong năm nay.

Một phần do ông nắm rõ hơn ông Trọng cung cách giao tiếp với các nhà đầu tư ngoại quốc, và ông Dũng cũng nhiệt tình hơn trong việc rũ bỏ chiếc vỏ bọc ý thức hệ Mác-Lênin của đảng.

Ông Tường Vũ chuyên về khoa học chính trị ở trường đại học Oregon nói rằng ông Trọng có thể sẽ tiếp thu dễ dàng hơn so với các quan chức bảo thủ cứng rắn nhất trong Đảng, muốn chống lại việc mở cửa lãnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho các nhà cạnh tranh nước ngoài ; và một dự luật hợp pháp hóa các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

Cả hai thay đổi này đều được cho là rất quan trọng để tuân thủ TPP. Nếu được Quốc hội thông qua, hiệp định đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa hơn nữa cho cạnh tranh từ các nước, phải nhượng bộ về quyền lao động, sở hữu trí tuệ và những lãnh vực khác.

Giáo sư Vũ trả lời New York Times qua điện thoại: « Tất cả các phe phái đều đồng ý là cần phải phát triển thương mại và đầu tư.
Nhưng phe ông Trọng có thể chống lại các nhượng bộ, trong khi phe ông Dũng cố gắng làm những động thái cải cách để thu hút nguồn tiền ».

Cuộc « nội chiến » đã không xảy ra

Sami Kteily, chủ tịch điều hành PEB Steel, một công ty xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định tự do mậu dịch gần đây chứng tỏ đất nước này thực sự muốn trở thành một thành viên tích cực của nền kinh tế thế giới.
 Ông nói : « Tôi nghĩ việc kinh doanh sẽ như thường lệ. Việt Nam là một quốc gia của những định chế, và các chính sách không chỉ do một người quyết định ».

Frederick Burke, người quản lý tại Việt Nam của công ty luật Mỹ Baker & McKenzie nói rằng việc chuyển đổi chính trị êm ái tại Đại hội Đảng tuần này là đáng khích lệ, vì nhấn mạnh sự ổn định chính trị và tôn trọng quy định luật pháp.
Theo ông : « Đối với những người sống ở đây, đó là những điều họ muốn. Họ không mong một cuộc nội chiến trên mạng tiếp diễn ».

Trong những tuần lễ gần đây, đã có một loạt tin đồn chính trị trên các blog tiếng Việt và các bài viết trên Facebook – một số được thúc đẩy từ các bài báo nước ngoài – về một cuộc chiến tranh tương tàn giữa phe cải cách và phe bảo thủ trong Đảng.

Nhưng theo ông Burke thì có một sự đồng thuận hơn trong nội bộ đảng Cộng sản so với những gì mà báo chí hay quan sát viên chính trị nhận định, và ông Trọng chưa bao giờ tỏ khuynh hướng thoái trào, bảo thủ.
Ông nói :''Người ta cố tạo ra một vở kịch, nhưng kịch bản hiện nay khác với thực tế''

500 tỉ đô la vốn chạy khỏi Trung Quốc trong năm 2015

Về Trung Quốc, phụ trang kinh tế của Le Figaro nhấn mạnh đến « Dòng vốn bỏ đi làm Trung Quốc thêm dễ tổn thương ».
Không khí ngờ vực khiến các nhà đấu tư rút vốn đưa sang các nước khác, đạt mức kỷ lục 500 tỉ đô la.

Tờ báo khi nhắc đến vụ tự tử mới nhất của giám đốc một công ty môi giới chứng khoán ở Vũ Hán vì bị điều tra, cho biết vòng xoáy tiêu cực hôm đầu tuần lại tiếp tục với thị trường Thượng Hải sụt đến 6,4%.
Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014, xóa hết mọi lợi tức thu được trong năm 2015.

Chính quyền liên tục can thiệp, và vừa bơm thêm 62 tỉ euro để phòng ngừa nạn « cảm cúm » của nền kinh tế trong dịp Tết âm lịch, nhưng vẫn không đủ vực dậy lòng tin.
Đồng nhân dân tệ đã mất đến 4,5% giá trị so với đồng đô la từ năm ngoái, và tiền bạc của các nhà đầu tư trong nước lại tiếp tục đổ ra nước ngoài để bảo vệ nguồn vốn của mình.

Vào cuối năm, nhịp độ này lại càng tăng lên với 154 tỉ đô la chỉ riêng trong tháng 12/2015.
 Tại Mỹ, người Trung Quốc lần đầu tiên đã qua mặt người Canada trong việc mua nhà đất. Úc, châu Âu, Đông Nam Á cũng là các mục tiêu chọn lựa của các nhà đầu tư Trung Quốc, muốn tìm một hậu cứ an toàn cho gia đình và cho việc học hành của con cái – nhưng đây cũng là một đòn nặng cho đất mẹ Hoa lục.

Bản sắc Đài Loan khác biệt với Trung Quốc

Cũng tại châu Á, nhà Trung Quốc học Stéphane Corcuff khi trả lời nhật báo Libération nhận xét, bản sắc của Đài Loan càng được làm đậm thêm trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ngày càng rõ nét, tách biệt hẳn với Trung Quốc.

Và theo ông, thật ra Đài Loan không hề gắn liền với lịch sử ngàn năm của Trung Quốc theo như tuyên truyền lâu nay.
Nhà Mãn Thanh đã nhượng lại hòn đảo này cho Nhật Bản năm 1895, và mãi đến năm 1950 thì Bắc Kinh mới bắt đầu rêu rao là Đài Loan thuộc về Hoa lục.

Những người chủ trương độc lập nhìn nhận họ chia sẻ nền văn hóa Trung Hoa, nhưng đây không phải là duy nhất.
 Trong hàng ngàn năm qua, đã có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống tại hòn đảo này, và xã hội Đài Loan chấp nhận đa văn hóa.
 Chuyên gia này kết luận, cứ nhìn vào chính sách của Bắc Kinh đối với người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ thì sẽ thấy ngay sự khác biệt.

Nga hết gánh nổi chi phí cho quân nổi dậy

Nhìn sang châu Âu, thông tín viên nhật báo La Croix tại Matxcơva cho biết « Nga đang tìm kiếm một thỏa hiệp về Ukraina », trong bối cảnh phương Tây nói rõ khả năng dỡ bỏ cấm vận đối với Nga.

Tuy về mặt chính thức Nga chối cãi việc can thiệp vào Ukraina, nhưng trên thực tế tình báo và quân đội Nga vẫn hoạt động mạnh tại Donetsk và Lougansk.

Khủng hoảng kinh tế khiến Matxcơva đành phải cắt giảm chi tiêu, trong khi việc hỗ trợ quân nổi dậy rất tốn kém, ít nhất là một tỉ euro trong năm 2015, theo ước tính của nhật báo Đức Bild.

Tổng thống Rohani, khuôn mặt ôn hòa của Iran

Còn về « Rohani, Tổng thống của một Iran có thể giao du được », tựa một bài viết Le Monde, đây là khuôn mặt đại diện cho cánh ôn hòa của chế độ Teheran, muốn thu được lợi ích từ hiệp định nguyên tử.

Được bầu vào Quốc hội năm 1980, ông Rohani làm chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng trong suốt 10 năm, trong và sau cuộc chiến với Irak. Hassan Rohani tiếp tục làm tổng thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia trong 14 năm sau đó (1989-1997) và chính trong vai trò này, ông đã chủ trì các cuộc thương lượng với phương Tây về hồ sơ nguyên tử.

Trong 19 tháng đàm phán, những người đối thoại khám phá nơi ông tính cách vui tươi, thân thiện tuy vẫn quyết đoán.
Trong đối nội, ông Rohani dù vẫn bị nhiều người chống đối, nhưng ông là người có khả năng tiếp cận nhiều xu hướng chính trị khác nhau và làm giảm căng thẳng.

Iran, nhập cư, Hy Lạp : Tựa chính báo Pháp

Trên trang nhất Libération đăng ảnh Tổng thống Iran đang cười rất tươi với hàng tựa « Rohani tại Pháp, sự hòa dịu đối với một giáo chủ ».
Theo tờ báo, tuy ông Hassan Rohani mang lại cho Teheran một khuôn mặt ôn hòa, lịch sự, nhưng Iran vẫn chưa phải là một chế độ có thể giao du được.
 Le Monde nói về « Schengen : châu Âu muốn loại Hy Lạp ra hai năm », đó là đề nghị hôm thứ Hai của các bộ trưởng Nội Vụ châu Âu.

La Croix quan tâm đến « EDF, người khổng lồ đang bị lung lay ».Tập đoàn điện lực Pháp một thời độc quyền, nay sẽ phải sa thải 3.500 nhân viên do nhiều khó khăn : lò phản ứng EPR ở Flamanville hoàn thành chậm và đội giá, buộc phải mua lại một phần tập đoàn Areva và đóng cửa nhà máy điện nguyên tử Fessenheim.

Cũng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết « Các phi công gây áp lực lên Air France ». Các công đoàn bác bỏ kế hoạch mới của ban giám đốc và đòi phải có sự hỗ trợ của chính phủ.

Về điện ảnh, Le Figaro chạy tựa « Salafiste, bộ phim gây xì-căng-đan ». Bộ Văn Hóa hôm nay phải ra quyết định về bộ phim tài liệu bạo lực và nhập nhằng, gần như là cổ vũ cho chủ nghĩa khủng bố.

Nhìn chung, chuyến viếng thăm Pháp của tổng thống được cho là ôn hòa của Iran, ông Rohani ; Đan Mạch thông qua luật tịch thu tài sản của người nhập cư ; Hy Lạp bị đề nghị tạm thời cho ra khỏi không gian Schengen để kìm hãm bớt làn sóng di dân, trong lúc thủ tướng Tsipras uy tín đang xuống thấp.

Đó là những chủ đề chính được bàn luận nhiều nhất trên mặt báo Pháp hôm nay 27/01/2016.

Switch mode views: