• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase
lỗi
  • Error loading module User 'saigonec_sgenew' has exceeded the 'max_questions' resource (current value: 1) SQL=SELECT m.id, m.title, m.module, m.position, m.content, m.showtitle, m.params, mm.menuid FROM sge_modules AS m LEFT JOIN sge_modules_menu AS mm ON mm.moduleid = m.id LEFT JOIN sge_extensions AS e ON e.element = m.module AND e.client_id = m.client_id WHERE m.published = 1 AND e.enabled = 1 AND (m.publish_up = '0000-00-00 00:00:00' OR m.publish_up <= '2024-12-23 02:54:39') AND (m.publish_down = '0000-00-00 00:00:00' OR m.publish_down >= '2024-12-23 02:54:39') AND m.access IN (1,1) AND m.client_id = 0 AND (mm.menuid = 184 OR mm.menuid <= 0) AND m.language IN ('vi-VN','*') ORDER BY m.position, m.ordering

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-01-2016

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Từ khiêu khích đến làm thật

Bac Trieutien

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chỉ huy một cuộc bắn thử tên lửa chiến thuật. Ảnh do thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA phổ biến ngày 15/08/2014.
REUTERS/KCNA/Files

Vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên hồi đầu tháng Giêng 2016, mà Bình Nhưỡng khẳng định là bom nhiệt hạch, bị quốc tế phản đối dữ dội.

Các cường quốc đang chuẩn bị các biện pháp tương thích để đối phó. Le Monde có bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề : « Đằng sau vụ thử hạt nhân Bắc Triều Tiên », với nhận định « Bắc Triều Tiên chuyển từ khiêu khích sang làm thật ».

Bài phân tích mở đầu với câu hỏi : « Vụ thử hạt nhân ngày 6 tháng Giêng có phải là một bước ngoặt ? ».

Với những dấu hiệu được biết cho đến nay, giả thuyết được nhiều chuyên gia đưa ra là Bắc Triều Tiên chưa làm chủ được bom nhiệt hạch (bom H). Trái bom vừa được thử chỉ là bom phân hạch, tức bom nguyên tử thông thường (bom A), được kết hợp với các đồng vị hydro (deuterium và tritium), để làm tăng gấp bội sức công phá.

Theo ông Jeffrey Lewis, một trong các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ, để biết được chính xác những gì xảy ra, cần phải đợi khoảng 55 ngày, để bụi phóng xạ từ Bắc Triều Tiên bay đến một trạm phân tích gần nhất tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Le Monde, đối với các chuyên gia, các kết luận về mặt kỹ thuật đối với lần thử hạt nhân thứ tư này, tỏ ra ít quan trọng hơn là ý nghĩa của chính hành động thử.

Chuyên gia Jeffrey Lewis phê phán thái độ thụ động của chính quyền Obama, ẩn đằng sau khái niệm « kiên nhẫn chiến lược ».

Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí chính trị quốc tế « Foreign Policy », chuyên gia Lewis cảnh báo : Bình Nhưỡng đang trên đường phát triển các đầu đạn hạt nhân, có thể lắp vào tên lửa.

Điều mà các nhà quan sát ghi nhận là, trước vụ thử hạt nhân này, Bình Nhưỡng đã không đưa ra các tuyên bố rầm rộ như các lần trước, cho dù cũng giống như những lần trước, tiếp theo vụ thử bom là một vụ bắn thử tên lửa.

Theo các chuyên gia Pháp, vụ thử hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng « hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện hệ thống vũ khí hạt nhân » của nước này.

Như vậy, vấn đề mà cộng đồng quốc tế phải trả lời là : « Làm thế nào đối phó với một nước Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân ? ».

Vụ thử ngày 6 tháng Giêng không còn là một hành động khiêu khích, mà là một hành động cho thấy quốc gia này đang trên đường làm chủ vũ khí hạt nhân liên lục địa.

Với đe dọa từ Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ đứng trước áp lực phải tăng cường lá chắn tên lửa tại châu Á, kể cả vũ khí hạt nhân răn đe, để trấn an các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, người ta đã bắt đầu thảo luận về hệ thống lá chắn tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) và vũ khí hạt nhân chiến thuật Mỹ. Bài viết kết luận : « Một thế giới không vũ khí hạt nhân, như mong muốn của tổng thống Mỹ Obama được đưa ra hồi 2009 tại Praha, dường như đã trở thành ảo vọng ».

Tác giả bài viết của Le Monde là phóng viên Nathalie Guibert, người phụ nữ đầu tiên trải nghiệm cuộc sống bên trong một tàu ngầm hạt nhân chiến đấu của Pháp hồi 2014.

2016 : Kinh tế thế giới có nguy cơ « trật đường ray »

Chủ đề lớn có mặt trên khắp các mặt báo Pháp hôm nay là dự phóng tăng trưởng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF). Les Echos chạy tựa trang nhất : « Tăng trưởng : những cú sốc mà IMF lo cho năm 2016 ».

Phụ trương kinh tế Le Monde có hồ sơ IMF lo kinh tế thế giới « trật đường ray ».

IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 0,2% trong cả hai năm 2016 (+4,3%) và 2017 (4,7%). Les Echos điểm lại một loạt cảnh báo cụ thể về nguy cơ đối với kinh tế thế giới, theo báo cáo mới nhất của IMF.  Lần lượt là : xu thế tăng trưởng Trung Quốc giảm mạnh, đồng đô la tăng giá, điều kiện đầu tư siết chặt, căng thẳng địa chính trị gia tăng…

IMF kêu gọi các quốc gia thành viên xử lý tốt các nguy cơ nói trên để tránh cho kinh tế toàn cầu nguy cơ trật đường ray.

Về chủ đề này, trong khi mức tăng trưởng của các nước phát triển được đánh giá là ổn định, Le Monde nhấn mạnh đến sự tương phản rất lớn trong khối các nước đang trỗi dậy. Một bên là các nước như Nga (-1,0%), Brazil (-3,1%) với tăng trưởng dưới 0%, và nhóm các nước dẫn đầu như Ấn Độ, với dự phóng 7,5% (vượt Trung Quốc 6,3%).

Diễn đàn Davos : Hãy thích nghi với « cách mạng công nghiệp thứ 4 !

Cũng về kinh tế toàn cầu, Diễn đàn kinh tế thế giới Davos lần thứ 46 khai mạc tại Thụy Sĩ hôm nay, với chủ đề trọng tậm : kinh tế kỹ thuật số, « cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 », như tựa đề bài viết trên Les Echos.

Tham dự Diễn đàn Davos, kéo dài bốn ngày, có khoảng 2.500 khách mời, bao gồm 1.500 lãnh đạo các doanh nghiệp, 300 giới chức, 250 phóng viên, 400 « lãnh đạo văn hóa »…

Chủ đề chính của Diễn đàn năm nay là : Làm thế nào để làm chủ được cuộc cách mạng kỹ thuật số, « đang làm thay đổi hết sức nhanh chóng, mạnh mẽ, rộng rãi nền kinh tế, xã hội, đời sống chính trị" - và ‘‘có thể cả bản chất của con người ».

Les Echos có bài phỏng vấn người sáng lập Diễn đàn Davos, ông Klaus Schwab, 77 tuổi, người Đức, với tựa đề « Các quốc gia phải thích ứng với cuộc cách mạng số ». « Thay đổi hiện nay đến quá nhanh đến mức giới chính trị khó lòng đóng được vai trò này » là nhận xét của người sáng lập Davos. Điều này khác hẳn với  quá khứ, khi  giới chính trị dễ dàng xác định được « các luật chơi » và « làm cho chúng được tôn trọng ».

Người sáng lập Davos nhấn mạnh đến bài học « thành công của Thượng đỉnh khí hậu COP 21 tại Paris », khi các doanh nghiệp, xã hội dân sự, hợp tác chặt chẽ với các chính phủ. 

Theo ông Klaus Schwab, « sứ mạng căn bản của Diễn đàn Davos là tổ chức một cuộc đối thoại toàn cầu giữa (…) các khu vực công và tư, giữa những người hành động và các chuyên gia, với các tổ chức quốc tế lớn, các tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông ».« Sáng tạo các mô hình mới » là kêu gọi của ông Schwab

. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ngoài các nhân vật lịch sử như de Gaulle, Churchill, Alcide De Gasperi (nhà chính trị Ý, một trong các cha đẻ của Liên Hiệp Châu Âu), người sáng lập Davos nhắc đến bốn nhà chính trị đã để lại dấu ấn nhiều nhất với cá nhân ông : nhà chính trị Pháp Raymond Barre, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, cựu ngoại trưởng Mỹ Henri Kissinger, Nelson Mandela và thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

Hội nghị chưa từng có giữa các bộ trưởng Quốc phòng liên quân chống Daech

Về cuộc chiến chống khủng bố, Les Echos chú ý đến cuộc họp bảy bộ trưởng Quốc phòng liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, họp tại Paris hôm nay.

Tờ báo ghi nhận, kể từ khi liên quân được thành lập đến nay, chưa từng có một cuộc họp nào để bàn về nhằm phối hợp trên một loạt  lĩnh vực, như về mức độ hợp lý của sự phối hợp, quy tắc tiến hành không kích, trao đổi tin tức tình báo, các nhóm binh sĩ hoạt động trên bộ.

Sáu thành viên khác của liên quân tham gia vào cuộc họp này là : Hoa Kỳ, Úc, Đức, Anh Quốc, Ý và Hà Lan.

Theo một nguồn tin thân cận với bộ trưởng Quốc phòng Pháp, công thức họp giữa các bộ trưởng Quốc phòng các thành viên liên quân sẽ được duy trì. Mục tiêu sắp tới của liên quân ít liên quan đến không kích, mà chủ yếu nhắm vào việc huấn luyện các lực lượng Peshmerga của người Kurdistan, và quân đội Irak.

Cho đến nay, liên quân chưa có các phối hợp với Nga trong không kích tại Syria. Matxcơva chỉ hứa hẹn sẽ tấn công nhiều hơn vào Daech, và ít hơn vào các nhóm đối lập chống chế độ Assad.

Đối mặt với khu vực Trung Cận Đông đang khủng hoảng trầm trọng, bộ trưởng Quốc phòng Pháp đề nghị các đồng minh có thái độ « thận trọng chiến lược ».

Không gian tự do đi lại Schengen trên bờ tan vỡ

Trở lại châu Âu, khủng hoảng nhập cư đe dọa khối tự do đi lại châu Âu là chủ đề một hồ sơ chính của báo Le Monde, với tựa đề « Châu Âu đang dần dần từ bỏ Schengen ».

Chỉ còn hai tháng nữa là bầu cử cấp vùng tại Đức (ngày 13/03). Đảng cực hữu AFD có khả năng giành thành lợi lớn. Thủ tướng Angela Merkel đứng trước áp lực ngày càng tăng với thay đổi chính sách tiếp đón người nhập cư, chạy trốn chiến tranh, bị những người chỉ trích lên án là quá rộng rãi.

Hôm qua, khoảng 50 nghị sĩ đảng bảo thủ cầm quyền đã viết thư cho thủ tướng Merkel, khẳng định nước Đức đã « quá tải » trước làn sóng tị nạn.
Về mặt chính thức, thủ tướng Đức tuyên bố tìm kiếm « các giải pháp bền vững trong khuôn khổ quốc gia và toàn châu Âu », để giảm dòng người tị nạn.

Trên thực tế, khoảng hai tuần nay, Đức có nhiều biện pháp để đẩy lui khoảng 200 người tị nạn, muốn từ Áo sang Đức, tiếp theo việc Đan Mạch và Thụy Điển gia tăng kiểm soát biên giới.

Tình hình căng thẳng đến mức mà theo một lãnh đạo châu Âu, nếu trong hai tháng nữa mỗi quốc gia vẫn tự động siết chặt kiểm soát biên giới, hiệp ước Shengen có thể sẽ tan vỡ.

Vẫn theo hồ sơ của Le Monde, Hội Đồng Châu Âu sẽ có hai cuộc họp quan trọng trong tháng 2 và 3 tới để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Le Monde dự đoán, trước cuộc bầu cử cấp vùng, chính phủ Đức chắc chắn sẽ phải hối thúc châu Âu đưa ra nhiều biện pháp chung, trong đó có việc lập một sắc thuế chung của Liên Hiệp Châu Âu để tài trợ cho việc bảo đảm an ninh trên đường biên giới bên ngoài lãnh thổ toàn khối.

Xâm hại tình dục : các nạn nhân phải lên tiếng !

Về vụ hàng trăm phụ nữ Đức bị xâm hại tình dục đêm Giao thừa 2016, Le Monde có một phóng sự đặc biệt gửi về từ Cologne, với ba nhân chứng - nạn nhân, tựa đề « Đêm của những kẻ săn người ».

Cho đến nay, có tổng cộng 766 đơn khiếu nại về việc bị bạo hành trong đêm Giao thừa, trong đó hơn một nửa liên quan đến bạo hành tình dục. Điều đáng nói là rất ít người phát biểu công khai, đa số chọn thái độ im lặng.

Lisa, một phụ nữ Đức 24 tuổi, là một trong những người hiếm hoi đã lên tiếng. Theo cô, vụ xâm hại tình dục trên quy mô lớn, hôm Giao thừa vừa qua là một đe dọa lớn đối với các giá trị và lối sống của nước Đức, xâm phạm các quyền tự do, nguyên tắc bình đẳng nam nữ, mà người Đức đã phải trả giá rất lớn để có được ngày hôm nay. Thực tế này nghiêm trọng hơn nhiều so với điều mà thủ tướng Merkel nghĩ.

Le Monde dẫn lại ý kiến của một chuyên gia, bà Monika Hauser, chủ tịch hiệp hội Medica Mondiale, làm việc trong lĩnh vực này từ hai thập niên. Theo bà, bạo hành tình dục là điều không phải mới ở Đức. Hàng năm, có khoảng 8.000 trường hợp như vậy được thống kê chính thức, trong khi đó, trên thực tế, con số này có thể lên đến 100.000.

Đã đến lúc cần phải hành động để chấm dứt tệ nạn này và « điều này lại càng cần thiết, khi các phong trào cực hữu tìm mọi cách để lợi dụng ».

Hãy báo với cảnh sát, hãy lên tiếng, « đó là cách duy nhất để các tội chống lại phụ nữ được nhìn nhận một cách nghiêm túc ». Đó là quan điểm của Elisa, một phụ nữ Đức 19 tuổi, nạn nhân xâm hại tình dục đêm Giao thừa vừa qua.

Trang nhất các báo Pháp : bê bối diesel của Renault và tuổi thọ, mức sinh giảm

Về thời sự nước Pháp, Libération chạy trên trang nhất : « Ô nhiễm. Phải chăng hãng xe hơi Renault đã lừa dối ? ».

Libération có bài phỏng vấn bác sĩ Thomas Bourdrel với tựa đề « Diesel, một bê bối y tế cùng quy mô như thuốc lá hay chất amiăng » trước đây. Theo Libération, hãng xe Renault đã phải gọi về 15.000 xe, do động cơ vượt quá tiêu chuẩn ô nhiễm cho phép.

Báo kinh tế Les Echos dành hồ sơ chính cho vấn đề này : « Chống ô nhiễm : Tại sao Renault lại rơi vào cơn sóng gió ? ».
Hai báo Le Monde và Le Figaro cùng quan tâm đến các kết quả điều tra dân số quốc gia vừa công bố. Tít lớn của Le Monde : « Năm 2015, tuổi thọ trung bình bị kéo xuống ».

Đây là lần đầu tiên tuổi thọ trung bình ở Pháp bị tụt kể từ năm 1969. Tuy nhiên, vẫn theo Le Monde, hiện tại chưa có gì cho thấy đây là một xu thế. Một loạt yếu tố khiến số lượng tử vong tại Pháp tăng lên mức cao nhất kể từ Thế chiến Hai (41.000 người nhiều hơn so với năm 2014), trong đó có yếu tố mang tính cơ cấu như xu thế dân cư lão hóa, có yếu tố mang tính thời điểm như đợt nóng lớn hồi mùa hè.

Về kết quả điều tra dân số, Le Figaro chú ý đến việc tỉ lệ sinh tụt xuống thấp nhất, kể từ năm 1999. « Tỉ lệ sinh nở : những lý do của một sự sụt giảm đáng ngại » (với 791.000 bé ra đời, ít hơn 19.000 so với 2014).

Trong bài xã luận mang tựa đề « Gia đình thiêng liêng », tờ báo đối lập chỉ trích chính sách gia đình của tổng thống Hollande là thủ phạm của tình trạng này, đặc biệt với việc cắt giảm với tổng cộng 3 tỉ euro các trợ cấp giành cho trẻ em.

Switch mode views: