Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 05 tháng10-2015

Tương lai của Syria : Đất nước bị chia cắt ?

Grande collonade


Biểu tượng của đất nước Syria, di tích Palmyra bị IS tàn phá.
Photo: Jerzy Strzelecki; source: Wikipédia

Về quốc tế chủ đề được bình luận, phân tích nhiều hôm nay vẫn là tình hình chiến tranh Trung Đông, với sự năng nổ của Nga can thiệp mạnh mẽ và trở nên một tác nhân trọng yếu trong hồ sơ Syria.

Trong bài « điều tra » của nhà báo George Malbrunot, tựa đề « Syria ngày mai có thể ra sao ? »
Le Figaro nhìn thấy đây sẽ là quốc gia bị chia cắt. Trước mắt, trên thực tế, nhiều vùng Syria bị các nhóm, tổ chức cạnh tranh nhau kiểm soát.

Sự can thiệp ngày càng nhiều các quốc gia bên ngoài (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Iran), càng làm tăng thêm việc xé nhỏ Syria, tạo trên thực tế 4 vùng ảnh hưởng.
Theo Le Figaro, trong những tháng tới đây, những người đỡ đầu cho các ‘mini quốc gia’ này sẽ tìm cách tăng cường ảnh hưởng cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Nhưng cuối cùng, nếu không có thỏa thuận giữa các phe lâm chiến và những « sponsor » của họ, thì sẽ đi đến việc chia cắt đất nước, phân chia theo cộng đồng như Liban đã kinh qua sau 15 năm nội chiến.

Le Figaro nhìn thấy như sau bản đồ phân chia các vùng Syria hiện nay :

Thứ nhất là khu vực do chế độ Damas kiểm soát, thân Nga và Iran, trải dài từ vùng Đại Damas, gồm thủ đô Syria và vùng phụ cận, vươn ra đến Địa Trung Hải.
Đây là khu vực mà Mátxcơva có những quyền lợi chiến lược, và có những thành phố quan trọng như Homs, Hama, và có những khu vực nằm trong Alep.
 Đây là nước « Syria hữu ích » mà các đồng minh của ông Assad từng khuyên ông giữ lại trong lúc thiếu quân để đương đầu với phe nổi dậy, hy sinh những vùng bị xem là « không cần thiết ».

Vùng thứ hai, phía tây bắc Syria là vùng chịu ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út, có tỉnh Idlib và một phần của Alep.
Phe nổi dậy đã chiếm vùng này nhờ hậu thuẫn của không những Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út mà cả Qatar. Dưới tên gọi « Quân đội Chinh phục », họ tập hợp nhiều tổ chức vũ trang, trong đó có cả quân thánh chiến al Nostra.

Trong hàng ngũ thánh chiến có cả người Tchetchenya, Uzbekistan, Tadjikistan... Không lạ là Nga đã cho oanh kích vào các lực lượng này.
Vùng thứ 3 là vùng người Kurdisstan ở phía bắc, dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Và thứ tư là vùng trong tay Daesh – Tổ chức Nhà nước Hồi giáo bao trùm phía bắc và đông Syria. Daesh đang tìm cách vươn xuống Damas.
 Tổ chức Nhà nước Hồi giáo kiểm soát như thế phần lớn các mỏ dầu hỏa.

Le Figaro nêu câu hỏi một sự chia cắt toàn bộ Syria còn có thể tránh được không ?
Theo tờ báo, nếu nhìn tính toán chiến lược của các người đứng sau lưng các phe lâm chiến, như Nga, Iran, Ả Rập Xê Út, thì có lẽ không dễ.

Syria : Vai trò không thể bỏ qua của Nga

Muốn kềm hãm tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã chiếm đa phần lãnh thổ Syria, và vãn hồi hòa bình tại đây, thì không thể bỏ qua Matxcơva, tuy phương Tây vẫn bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria al Assad mà Tổng thống Nga vẫn muốn duy trì.

Trên vấn đề này Le Monde trở lại cuộc gặp giữa hai tổng thống Pháp Nga thứ Sáu vừa qua, và ghi nhận trong hàng tựa trang nhất : « Tại điện Elysée, trao đổi « thẳng thắn » với Putin.
Tờ báo nêu lại là Putin tái khẳng định hậu thuẫn đối với chế độ Assad, còn Tổng thống Hollande thì nói rõ là « tương lai của Syria thông qua sự ra đi của ông Assad ».

Ở mục bình luận, tờ báo tự hỏi trong tình hình này thì còn có thể nói đến liên minh thế giới chống lại Daesh hay không ?
Theo chuyên gia François Géré, Viện phân tích chiến lược IFAS của Pháp, có thể hợp tác với Nga, nhưng liên minh thì khó thể và cũng nguy hiểm.

Le Figaro cũng nhìn thấy khó liên minh được với Nga. Tờ báo cũng trích lời tổng thống Pháp đã khẳng định Putin « không phải là đồng minh của chúng ta ở Syria ».

Trung Quốc: Dân Thiên Chúa giáo Ôn Châu tiếp tục đọ sức với chính quyền

Châu Á hôm nay không mấy được chú ý ngoại trừ trên báo le Figaro và Les Echos.
Trên bình diện xã hội Le Figaro đã nhìn đến Ôn Châu ở Trung Quốc, nơi chính quyền truy bức người theo đạo Thiên Chúa qua bài phóng sự tựa đề « Săn đuổi người Thiên Chúa giáo trong ‘Jêrusalem của Trung Quốc’ ».

Sự kiện là chính quyền địa phương từ tháng 5/2014, đã mở chiến dịch chống Thiên Chúa giáo, bị gọi là đạo của ngoại bang và cho tháo gỡ thánh giá nơi các nhà thờ. Người theo đạo thì quyết tâm bảo vệ.

Tác giả bài phóng sự mở đầu với cảnh thánh đường rất đẹp của Fuyin Jang với cây thánh giá màu đỏ, nằm phía sau ngọn đồi xanh mát.
Có điều trước cổng thánh đường có các tảng đá chắn ngang. Bên trong nhà thờ không khác gì một trại chiến đấu.
 Ông Lin một người ngoan đạo giải thích với nhà báo, là các con chiên túc trực canh giữ thánh đường, nhất là ban đêm, thay phiên nhau canh gác không để cho người đột nhập.

Theo Le Figaro, cảng Ôn Châu, Chiết Giang, có 9 triệu dân, được mệnh danh là ‘Jérusalem của Trung Quốc’, đã trở thành trọng điểm của một chiến dịch chống Thiên Chúa giáo chưa từng thấy từ thời Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông.
Người Thiên Chúa giáo tại tỉnh là hơn triệu người : 300.000 người Công giáo, cộng thêm với 1 triệu người đạo Tin Lành.

Từ tháng 5/2014, chính quyền tại đây đã làm dấy lên nỗi bất bình dẫn đến phản ứng của người theo đạo sẵn sàng đọ sức với Nhà nước, khi cho cần cẩu giựt chuông của nhà thờ, nhưng không thành công.

Theo Le Figaro, từ năm 2013, chính quyền tại đây đã cho tháo gỡ 1.200 cây thánh giá và cũng phá hủy nhiều nhà thờ. Nguyên nhân đưa ra cho việc phá hủy thánh giá, như báo chí Trung Quốc giải thích, là thánh giá của nhiều nhà thờ xây từ cuối thế kỷ XIX, quá cao không phù hợp với quy định mới và cũng làm cho người không theo đạo khó chịu.

Có điều theo bài báo, chính quyền không ngờ là đã gặp phải sự chống đối quyết liệt như thế của con chiên, không ngần ngại lấy thân mình làm lá chắn bảo vệ cộng đồng và tín ngưỡng của mình.

Tác giả bài báo cũng lấy làm tiếc là dù thế, họ đã không ngăn chặn được những vụ công an mặc thường phục lẻn vào bên trong bắt người, tra khảo : Người thì bị kết tội phá rối trật tự công cộng, nặng hơn nữa là « tiết lộ bí mật quốc gia ».

Theo Le Figaro, những sự kiện trên càng tạo ra lo ngại vì thể hiện một quyết tâm mới của chính quyền, muốn kiểm soát tôn giáo từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Trung Quốc nâng đỡ kinh tế Venezuela

Trên bình diện kinh tế, Le Figaro nêu bật sự kiện Venezuela buộc phải sống nhờ « Tiền do Trung Quốc bơm vào » tựa bài viết trang kinh tế.

Tờ báo giải thích là đất nước giàu dầu hỏa Nam Mỹ này chịu hậu quả dầu mất giá đã bị siêu lạm phát, và lâm vào suy thoái.
Bắc Kinh đã cho Venezuela vay 60 tỷ đô la để khỏi bị phá sản.

Tiền cho vay này vô cùng hữu ích, giúp Vênzuela sống còn vì không chỉ để trả nợ đáo hạn mà còn để trả lương nhân công, giới hạn thiếu hụt đối với dân chúng, trong lúc bầu cử quốc hội chỉ còn hai tháng nữa là diễn ra.

Nếu Trung Quốc nâng đỡ được người bạn xa xôi Nam Mỹ, thì Les Echos chú ý đến ảnh hưởng xấu của kinh tế Trung Quốc đối với các láng giềng gần Châu Á.

Ngân hàng Thế giới : Trung Quốc đè nặng trên vùng Đông Nam Á

Sự kiện Ngân hàng Thế giới công bố bản báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vào hôm nay không qua khỏi mắt của nhật báo kinh tế Les Echos.
 Trong bài viết mang tựa : « Trung Quốc đè nặng trên vùng Đông Nam Á, theo thẩm định của Ngân hàng Thế giới », tờ báo ghi nhận sự kiện Ngân hàng Thế giới xác nhận tác hại của việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đối với nền kinh tế các nước Đông Nam Á.

Theo ghi nhận của hai thông tín viên báo này tại Tokyo và Bắc Kinh, Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng tăng trưởng ở các nước đang phát triển ở vùng Đông Nam Á sẽ « chỉ » còn là 6,5% trong năm nay, sau khi đã tăng 6,8% trong năm 2014.

Nguyên nhân khiến Đông Nam Á bị trì trệ là các khó khăn mà kinh tế Trung Quốc đang gặp phải, những khó khăn ngày càng rõ nét hơn vì lẽ chỉ mới tháng Tư vừa qua, Ngân hàng Thế giới còn dự báo là Đông Nam Á sẽ tăng 6,7% trong năm nay.

Hai nước thuộc Đông Nam Á xuất khẩu nguyên liệu là Indonesia và Malaysia vốn rất bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ bị tác hại mạnh nhất, trong lúc Việt Nam thì lại khá hơn, thạm chí tỷ lệ tăng trưởng còn cao hơn.

Về nguyên nhân sâu xa khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Les Echos nêu bật những khó khăn mà cường quốc này đang gặp phải trong công cuộc chuyển đổi từ một mô hình tập trung trên xuất khẩu, qua một mô hình dựa trên khu vực dịch vụ và tiêu dùng nội địa.

Les Echos trích lời ông Sudhir Shetty, Trưởng nhóm Chuyên gia Kinh tế Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Nam Á sẽ chậm lại do sự chuyển đổi kinh tế tại và sự nâng cao lãi suất đang được chờ đợi tại Hoa Kỳ… Các yếu tố đó có thể kéo theo tình trạng bấp bênh tài chính trong ngắn hạn, nhưng đó là những điều chỉnh cần thiết cho tăng trưởng bền vững dài hạn.”

Thời sự Pháp : Đại hồng thủy tại miền Nam

Như thông lệ, thời sự Pháp chiếm tựa đầu các báo ngày đầu tuần này, nhưng mỗi báo mỗi vẻ : Le Figaro cũng như La Croix trở lại hiện tượng mà La Croix gọi là ‘nạn hồng thủy’ ỏ vùng Côte d’Azur miền nam nước Pháp tối thứ 7, làm hơn 20 người chết và mất tích.
Le Figaro đã cố tìm hiểu ‘nguyên nhân của thảm họa’.


Switch mode views: