Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khủng bố tại Bangkok : Thủ phạm là thành phần nào ?

Thaiblast

Quân đội tuần tra chung quanh đền Erawan, Bangkok, ngày 20/08/2015.
Reuters

Vài ngày sau vụ đặt chất nổ tại đền Ấn Độ giáo Erawan ở thủ đô Thái Lan, khiến 20 người chết và hơn 100 người bị thương, nghi vấn vẫn dầy đặc về tác giả thực thụ vụ tấn công đẫm máu.

Giới chuyên gia phân tích vẫn phân vân trên hai khả năng : Thủ phạm thuộc các thành phần đã được biết tới, thường bị quy là tác giả các vụ khủng bố ở Thái Lan, hay là những thành phần hoàn toàn mới, chưa được ai biết tới ?

Điều chắc chắn duy nhất là quy mô chưa từng thấy tại Thái Lan của vụ đặt bom, và việc đối tượng bị nhắm rõ ràng là du khách.
Hai yếu tố này đã thể hiện một sự leo thang trong các hành vi khủng bố.

Hãng tin Pháp AFP vào hôm qua đã tìm hiểu nơi các chuyên gia và liệt kê những gì đã được công cuộc điều tra đang tiến hành phanh phui ra, và những câu hỏi chưa có lời giải.

Chính quyền Thái Lan đã nói gì?

Theo cảnh sát Thái Lan thì một người đàn ông tình nghi là một người nước ngoài đã đặt bom, và người này thuộc một mạng lưới bao gồm hơn 10 người, và cơ quan Cảnh sát Quốc tế Interpol được yêu cầu giúp đỡ Bangkok trong việc thu thập thông tin từ nước ngoài.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của chính quyền quân sự cầm quyền tại Thái Lan thì lại cho rằng các tổ chức khủng bố trên thế giới không bị nghi ngờ.
Hai tuyên bố mâu thuẫn nhau này đã nêu bật tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược từ phía chính quyền được thấy trong những ngày qua.

Nhân dạng kẻ bị tình nghi ?

Cảnh sát Thái Lan đang tình nghi một người đàn ông tóc đen, mặc áo màu vàng mà hình ảnh đã được video giám sát ghi lại.
Trong đoạn video, người ta thấy nghi phạm này đi vào ngôi đền và để lại một chiếc ba lô được cho là chứa chất nổ dưới một băng ghế.

Nhà chức trách cũng đang tìm kiếm hai người đàn ông khác mà trong video người ta thấy đứng trước nghi phạm chính, như là để che cho anh ta giấu chiếc ba lô dưới ghế.
Theo cảnh sát Thái Lan, đoạn video còn cho thấy người đàn ông áo vàng sau đó vừa đi ra khỏi đền thờ, vừa nhìn vào chiếc điện thoại thông minh của mình, trước khi rời đền trên một chiếc xe ôm.

Cảnh sát đã phác thảo được chân dung của kẻ tình nghi này, với mái tóc đen, và mắt cũng đeo một cặp kính đen.
Theo cảnh sát thì nhân vật này khá cao, có nước da trắng.
 Cũng theo chính quyền, có nhân chứng đã tình cờ nghe thấy người này nói một « ngoại ngữ, nhưng không phải là tiếng Anh ».

Nghi phạm là người nước nào thì không thể biết được nếu chỉ căn cứ vào các đoạn video hay bản phác họa chân dung.
 Khi được hỏi về quốc tịch của nghi can, phát ngôn viên cảnh sát Prawut Thavornsiri đã sử dụng một cụm từ tiếng Thái để mô tả một người Hồi giáo da trắng gốc từ Nam Á, Trung Á và Trung Đông.

Và trong trường hợp này cũng vậy, nhiều quan chức an ninh cao cấp khác nhau đã liên tục đưa ra những thông tin trái ngược nhau về nghi phạm, có người cho rằng kẻ đó có thể là người châu Âu, hoặc một người lai Thái.

Ai có thể có đứng sau vụ đánh bom ?

Vấn đề đang được đặt ra, theo AFP, là cho đến nay, chưa hề có một tác nhân quân sự hay nhóm đấu tranh nào tại Thái Lan là đã tiến hành một cuộc tấn công trắng trợn, có vẻ được lên kế hoạch tốt, và gây nhiều thương vong như thế.
Điều này đã khiến giới chuyên phải ngạc nhiên và làm gia tăng mối quan ngại về sự xuất hiện của một mô hình khủng bố mới và nguy hiểm.

Trong một bài nhận định, Joseph Liow, chuyên gia chống khủng bố thuộc Viện nghiên cứu Brookings, đã viết : « Dù các thủ phạm là ai, dù động cơ của họ là gì, thực tế là một cái ngưỡng đã bị vượt qua, và nền chính trị cũng như xã hội Thái Lan rất có thể sẽ chuyển qua một hướng đi hoàn toàn khác trong những tháng, thậm chí có thể là trong những năm tới đây ».

Các nhóm nào có thể bị nghi ngờ :

Trước hết là các lực lượng chính trị đối lập nhau tại Thái Lan.
Trong một thập niên gần đây, Thái Lan đã phải chịu đựng tình trạng bạo lực chính trị chết người, bắt nguồn từ cuộc đấu tranh quyền lực giữa quân đội – được tầng lớp ưu tú và trung lưu của thủ đô hậu thuẫn – và giới dân nghèo ở nông thôn và cả thành thị trung thành với hai Thủ tướng bị lật đổ là Yingluck và Thaksin Shinawatra.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không bên nào được lợi khi tung ra một cuộc tấn công đẫm máu vào những người vô tội tại một ngôi đền được người Thái tôn kính.
Anthony Davis, một nhà phân tích an ninh thuộc IHS Jane nhận xét : « Thật khó mà tin được là nhóm chính trị Thái Lan nào đó, dù có cực đoan đến đâu, lại dám tiến hành một công việc như thế này ».

Phiến quân Hồi giáo ?

Phiến quân Hồi giáo quả là từ lâu nay đã tiến hành một cuộc nổi dậy võ trang để đòi quyền tự trị rộng rãi hơn tại ba tỉnh có đa số dân là người Hồi giáo ở miền nam Thái Lan giáp giới Malaysia.

Mặc dù các vụ đánh bom xẩy ra thường xuyên ở đó, nhưng các chuyên gia thấy rằng một cuộc tấn công lớn ở Bangkok không phù hợp với cách làm việc của các nhóm phiến quân, thường chỉ hoạt động ở miền Nam, và đối tượng tấn công thường là cảnh sát Thái mà thôi.

Gần đây, đã có những cuộc tiếp xúc để bàn về việc tái lập hòa bình, nhưng điều đó đã không dẫn đến các cuộc đàm phán đầy đủ với một quân đội Thái Lan bị quân nổi dậy nghi kỵ.

Theo nhà phân tích chuyên về khủng bố Rohan Gunaratna, nỗi thất vọng có thể đã tăng lên nơi các chiến binh trẻ tuổi : « Nếu quả thật thủ phạm là người đến từ miền nam Thái Lan, thì điều đó có nghĩa là tình hình đã thay đổi đáng kể, và cuộc xung đột ở miền Nam đã lan rộng ra ».

Thế nhưng chuyên gia Gunaratna cũng nói thêm rằng cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy sự can dự của quân nổi dậy vào vụ khủng bố ở Bangkok.

Người Duy Ngô Nhĩ ?

Một số phương tiện truyền thông Thái Lan đã gợi lên giả thuyết thủ phạm là các chiến binh Duy Ngô Nhĩ hay là cảm tình viên của họ, muốn trả thù việc chính quyền Thái Lan, hồi tháng trước, đã buộc hơn 100 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ hồi hương về Trung Quốc bất chấp số phận bấp bênh của những người này khi trở về.
Người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc luôn than phiền về sự đàn áp của chính quyền Bắc Kinh, và đã gia tăng các vụ tấn công – thường là bằng dao – tại Trung Quốc.
Thế nhưng, chưa hề thấy người Duy Ngô Nhĩ tiến hành một cuộc tấn công nào bên ngoài Trung Quốc, hoặc một vụ khủng bố nào phức tạp như vụ đánh bom tại đền Erawan ở Bangkok.

Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích các phương tiện truyền thông đưa ra giả thuyết này là 'vô trách nhiệm'.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo/Katibah Nusantara

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã nói rõ ràng là họ muốn xuất khẩu thánh chiến, hoặc kích động thánh chiến bên ngoài cứ địa của họ ở Irak và Syria.
 Các chuyên gia an ninh đã cho biết là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã thành lập một đơn vị người Đông Nam Á nói tiếng Mã Lai mang tên là Katibah Nusantara, tự nhận là đã tuyển dụng được hàng trăm người Indonesia và Malaysia

Các chuyên gia đã cảnh báo về khả năng nhóm này mở ra những cuộc tấn công bạo lực.
Chuyên gia Davis của IHS Jane cho biết : « Rõ ràng là một nhóm như vậy có động lực, kỹ năng quân sự và kỹ thuật làm bom để tiến hành một vụ khủng bố tương tự ». Tuy vậy, ông Davis cũng cho là cho đến nay, vẫn chưa có gì cho thấy sự can dự của nhóm này.

Theo ông Davis, tổ chức Nhà nước Hồi giáo thường hay phô trương các vụ khủng bố do họ tiến hành.
 Các tác nhân mới như Katibah có thể có phương pháp tiếp cận khác, và việc giữ im lặng có thể là một chiến thuật để gieo rắc hoang mang và sợ hãi.

Các nhóm đấu tranh khác ở Đông Nam Á ?

Trong quá khứ, các nhóm Hồi giáo khác nhau ở Đông Nam Á đã tiến hành một số vụ khủng bố đẫm máu ở các nước khác, ví dụ như vụ Bali năm 2002 làm 202 người chết.

Nhưng các nhóm bị coi là mối đe dọa lớn nhất - như nhóm Jemaah Islamiyah – hầu như đã bị khống chế sau những đợt đàn áp, và không bao giờ biến Thái Lan thành một mục tiêu chính.

Một nhóm nào đó thù Trung Quốc ?

Cuộc tấn công vào một ngôi đền nổi tiếng là thu hút đông đảo du khách Trung Quốc - trong một đất nước mà Trung Quốc là nguồn cung cấp du khách lớn nhất - đã làm rộ lên những tin đồn không được kiểm chứng về khả năng thủ phạm thuộc thành phần bài Hoa.

Tuy nhiên vào hôm qua, phát ngôn viên chính quyền quân sự Thái Lan, Đại tá Winthai Suvaree khẳng định : « Người Trung Quốc không phải là mục tiêu trực tiếp ».

Switch mode views: