Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-07-2015

Giữ Hy Lạp trong euro, Châu Âu tránh được tan vỡ

EUROZONE-GREECE 2

Đồng euro và khủng hoảng Hy Lạp. Nền bức ảnh : quốc kỳ Hy Lạp.
REUTERS

Hy Lạp tiếp tục là chủ đề trung tâm của báo chí Pháp hôm nay 14/07/2015, một ngày sau thỏa thuận lịch sử giữa lãnh đạo 19 quốc gia khu vực đồng euro về nợ công của Athens.

Hồ sơ « Châu Âu tránh bị tan vỡ khi giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro » của Le Monde thuật lại « cái đêm (Chủ nhật qua sáng thứ Hai) mà nước Đức đã buộc ông Tsipras phải khuất phục  ».

Tuy nhiên, chính nỗ lực tối đa giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro của Pháp và một số lãnh đạo chủ chốt khác của Châu Âu, khiến nhiều mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ khối tìm được điểm dung hòa.

Bài « Châu Âu tránh bị tan vỡ khi giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro », tựa trang nhất Le Monde, ghi nhận : « Vào lúc 9 giờ sáng, Bruxelles dưới ánh mặt trời nhợt nhạt. Châu Âu tỉnh giấc. Hy Lạp vẫn còn trong khu vực đồng euro….

Thỏa thuận cho một kế hoạch trợ giúp tài chính Hy Lạp cuối cùng đã được thông qua, sau 17 giờ thương thuyết hết sức căng thẳng ».
Kết quả của đàm phán là Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp thuận kế hoạch trợ giúp hơn 80 tỷ euro trong ba năm, đổi lại là nhiều cải cách nghiệt ngã với Hy Lạp.

Thảm bại

Đánh giá về biến cố này, Le Figaro chạy tựa lớn « Châu Âu-Hy Lạp : một cuộc giải cứu đắt giá ».
Tờ báo thiên hữu bình luận (bài xã luận « Châu Âu của các chủ nợ ») : « Hy Lạp có thể được cứu khỏi tình trạng phá sản, nhưng không thoát được các chủ nợ.
Nếu như các chấn động lớn có thể tránh được trong ngắn hạn, thì chủ quyền của Hy Lạp sẽ bị cầm cố trong nhiều năm.

Thủ tướng Tsipras, được bầu với cam kết từ chối ‘‘nền độc tài của bộ ba chủ nợ’’, nay hoàn toàn thúc thủ, buộc phải chấp nhận các cải cách không thể bàn cãi.
Hành trình vô cùng kỳ lạ của ngôi sao băng – kẻ dự đoán một ngày mai tươi đẹp – cuối cùng sau 6 tháng (thương thuyết) đã trở thành người thực thi chỉ đạo của các nhà độc tài Đức ».

Báo thiên tả Libération cũng cùng một ghi nhận. « Hy Lạp : Thảm bại quốc gia » là tựa trang nhất. Libération mở đầu với bình luận : « Khói trắng (tức chỉ dấu của tin vui) bay lên từ khối euro, cũng là khói của tro tàn đối với Hy Lạp ».
Lời nói trên đây là của nguyên nghị sĩ Châu Âu Manolis Gelzos (thành viên đảng cầm quyền Hy Lạp Syriza, một kháng chiến quân chống phát xít, nổi tiếng với hành động giật cờ Hitler năm 1941).

« Ích kỷ » là tên bài xã luận của Libération, lên án thái độ của nhiều quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu « buộc các đối tác của mình - một cách nghiệt ngã, và không hề minh bạch - phải tham gia vào cuộc chơi chung và với tương quan sức mạnh, hơn là với sự thỏa hiệp.
Một cách thức hành động như vậy ngăn cản bất cứ dự án xây dựng Châu Âu nào ».

 Theo Libération, một thái độ ích kỷ quốc gia như vậy « sẽ bất lực khi đối mặt với các thách thức trong hiện tại và tương lai ».

Châu Âu chia rẽ cao độ vì Hy Lạp

Hồ sơ « Châu Âu tránh bị tan vỡ khi giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro » của Le Monde thuật lại « cái đêm mà nước Đức đã buộc ông Tsipras phải khuất phục », với nhiều nhân nhượng mới, đặc biệt là một quỹ tư hữu hóa các cổ phiếu của Nhà nước Hy Lạp, ước tính 50 tỷ euro.

Vào buổi sáng tinh mơ ngày thứ Hai 13/07, một người thân cận với Thủ tướng Hy Lạp thổ lộ sự mệt mỏi pha lẫn hài hước : « Các chủ nợ muốn tất cả tài sản của Hy Lạp, kể cả bộ quần áo của tôi ».

Le Monde ghi nhận : kỳ thương lượng cuối tuần qua (đặc biệt là cuộc thương lượng ở cấp Bộ trưởng Tài chính vùng euro) bộc lộ sự phân hóa vô cùng sâu sắc trong nội bộ Châu Âu.

Một bên là « phe ‘‘diều hâu’’, ủng hộ Grexit – tức khả năng Hy Lạp ra đi -, hoặc hạ nhục Thủ tướng Hy Lạp, thậm chí cả hai ».
Nhóm này gồm các nước Đức, ba quốc gia Baltich, Phần Lan, Slovakia… Nhóm còn lại ít hơn nhiều, muốn Hy Lạp bằng mọi giá ở lại trong euro : chủ yếu là Pháp và Ý.
Lời đi tiếng lại giữa hai nhóm được đánh giá là « vô cùng quyết liệt ».
Cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính euro căng thẳng đến mức, nhiều bộ trưởng phản ứng « bằng cảm xúc nhiều hơn lý trí ».

Khi Chủ tịch Ngân hàng trung ương người Ý, ông Mario Draghi, nhắc đi nhắc lại tính chất nghiêm trọng của tình hình, để nhấn mạnh định chế này không muốn bị quy trách nhiệm nếu Hy Lạp phá sản, Bộ trưởng Tài chính Đức Schauble (được coi là đại biểu của phái « diều hâu ») ngắt lời thô bạo với câu hỏi : « Chẳng lẽ ông coi tôi là kẻ ngớ ngẩn ? ».

Cũng Le Monde có bài giới thiệu các đề xuất « đầy tính công phá » của Bộ trưởng Tài chính Đức, trong đó có đề nghị phó thác cho Ủy ban Châu Âu nhiệm vụ « phi chính trị hóa hệ thống hành chính Hy Lạp ».

« Phương án B » và nỗ lực bằng mọi giá đạt thỏa hiệp

Trong khi đó, phóng sự « Trong 17 giờ đối địch, Berlin và Athens nhiều lúc tưởng đoạn tuyệt nhau » của Le Figaro cho thấy tính quyết liệt của cuộc thượng đỉnh, với bốn phiên khoáng đại và ba phiên họp riêng giữa Thủ tướng Hy Lạp với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tại Văn phòng của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk.

Bên lề cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nguyên thủ Đức-Hy Lạp với sự môi giới của nguyên thủ Pháp (người quyết tâm triệt để cho một thỏa thuận), Le Figaro cũng chú ý tới nỗi giận dữ của Thủ tướng Ý Matteo Renzi nhắm vào đồng cấp Hà Lan và nhiều lãnh đạo Châu Âu khác, đã bị lạc hướng trong một cuộc tranh luận sa vào chi tiết, trong khi Châu Âu đang phải đối đầu với nhiều vấn đề lớn khác như Ukraina hay nguy cơ khủng bố.

Vẫn theo Le Figaro, Thủ tướng Hy Lạp bảo vệ các quan điểm của mình trong tình trạng « súng kề mang tai ».
Vào 6 giờ sáng, các trợ lý của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu bắt đầu chuẩn bị « phương án B » (Grexit – thất bại của thương thuyết dẫn đến việc Hy Lạp ra khỏi khối).

Trên thực tế, đây là lúc hai đồng cấp Đức – Hy Lạp đang đối đầu quyết liệt xung quanh vấn đề Quỹ tư nhân hóa các cổ phiếu của Nhà nước Hy Lạp, 50 tỷ euro, mà Berline muốn dùng để bảo đảm Hy Lạp hoàn nợ.

Đòi hỏi cuối cùng Hy Lạp buộc phải chấp nhận, với một bác bỏ  : Quỹ sẽ được đặt tại Athens, thay vì ở Luxembourg theo đề nghị ban đầu (từ phía Đức). « Không dưới 10 phiên bản khác về quỹ này đã được soạn thảo ».

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu yêu cầu lãnh đạo Hy Lạp, Đức và Pháp ở không rời văn phòng cho đến khi nào một thỏa hiệp được đưa ra : « Tiếng còi chung cuộc vang lên, ít phút trước 9 giờ, giờ mở cửa các sàn chứng khoán Châu Âu ».

Syriza rạn nứt, lãnh đạo Hy Lạp và Tổng thống Pháp được ca ngợi

Thỏa thuận lịch sử được đánh giá là chính phủ Hy Lạp nhiều lần thua thiệt được đón nhận như thế nào trong nước.
 Libération có bài « Tại Hy Lạp, đảng Syriza bị rạn nứt bởi một thỏa hiệp khó được chấp nhận ».

Bài « Cuộc marathon của Tsipras chỉ mới bắt đầu » của Le Figaro chỉ ra hàng loạt các thách thức trước Thủ tướng Hy Lạp, « mà nặng nề nhất là việc tái khởi động lại cỗ máy kinh tế ».

Tuy nhiên, cũng có quan điểm lạc quan. Phát biểu trên l’Humanité, Chủ tịch đảng Cánh tả Châu Âu, thư ký đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent cho rằng : « một thỏa thuận như trên đã được ký kết là nhờ sự dũng cảm của Thủ tướng Hy Lạp.

Lần đầu tiên, một người đứng đầu chính phủ đã dám đối đầu với các thế lực đầy quyền uy, cho rằng họ có quyền làm mọi thứ tại Châu Âu (…). Tôi vui mừng về việc nước Pháp đã đóng vai trò tích cực bên cạnh ông ấy ».

Trong việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng Hy Lạp vừa qua, Tổng thống Pháp François Hollande có lẽ là người thu được nhiều thành công nhất.
 « Ông Hollande hy vọng tăng uy tín với thành tích đạt được tại Bruxelles » là một bài trên Le Figaro, « François Hollande khiến liên minh đa số của ông sững sờ » là tựa một bài khác của Libération.

Trung Quốc : đàn áp và triệt hạ uy tín của các nhà hoạt động nhân quyền

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro chú ý đến đợt đàn áp mới nhắm với các luật sư Trung Quốc, với ghi nhận : Bắc Kinh vừa câu lưu khoảng 50 nhà hoạt động nhân quyền, trong những ngày gần đây.
Một nửa trong số những người bị bắt được thả về trong ngày.

Theo Le Figaro, đây là một tín hiệu cứng rắn mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « đối với vào những ai còn chưa hiểu : sẽ không cho phép bất cứ một chỉ trích nào nhắm vào quyền lực của lãnh đạo Trung Quốc hay của đảng Cộng sản Trung Quốc ».

Trong những tháng gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một đợt tuyên truyền thô bạo trên truyền thông, nhằm hạ uy tín của các nhà hoạt động nhân quyền, bị cáo buộc « đe dọa ổn định, an ninh và trật tự xã hội, khi sử dụng các mạng xã hội ».

Vẫn theo Le Figaro, Trung Quốc còn xa mới trở thành một quốc gia pháp quyền, như chính quyền nước này hứa hẹn.

Cuộc « cách mạng » của Giáo hoàng Phanxicô

Một tâm điểm thời sự được Le Monde dành nhiều trang báo là chuyến công du của Giáo hoàng tại Châu Mỹ Latinh vừa kết thúc, đặc biệt là bài xã luận tựa đề « Cuộc cách mạng xã hội của Giáo hoàng Phanxicô ».

Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hoàng người Achentina lại chọn ba quốc gia nghèo khổ Nam Mỹ làm đích đến.
Lãnh đạo Công giáo mong muốn mỗi người có được một mái nhà, một công việc, một mảnh đất, và đòi hỏi một sự phân chia của cải công bằng.

Với ngôn từ gần như « cách mạng », Giáo hoàng lên án « lòng tham tiền vô bờ bến đang điều hành », « nền kinh tế mang lại sự hủy diệt »…
Ông cũng không ngần ngại chỉ trích trực diện Tổng thống Paraguay theo đường lối bảo thủ, tố cáo tình trạng tham nhũng, bất bình đẳng, bất công tại nước này.

Theo Le Monde, Giáo hoàng không phải là đệ tử của nền « Thần học giải phóng » từng rất được tôn vinh tại Châu Mỹ Latinh trước đây.

 Tại Bolivia, nói chuyện trước Tổng thống Evo Morales, một người được đánh giá là theo cánh tả triệt để, Giáo hoàng khẳng định : « Chúng ta đã học được bài học kinh nghiệm đau đớn rằng, một sự thay đổi cấu trúc xã hội không đi kèm với một sự chuyển hóa chân thành của lương tâm sớm hay muộn sẽ bị quan liêu hóa, sự thoái hóa và thất bại ».

Xã luận Le Monde kết luận : vấn đề là xem xem quan điểm gây chấn động của Giáo hoàng, về vấn đề nói trên, « hay các vấn đề khác, như gia đình hay sinh thái sẽ được Giáo hội của ông kế tục như thế nào ».

Hội nghị chống nghèo đói toàn cầu : Bất đồng Bắc – Nam đặc biệt về cơ chế tài trợ
Cũng liên quan đến cuộc chiến chống nghèo đói, trang doanh nghiệp của Le Monde có bài « Phát triển : Bắc và Nam bất đồng ».

Hội nghị quốc tế lần thứ ba về tài trợ cho phát triển khai mạc hôm qua tại thủ đô Ethiopia, với sự tham gia của 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Mục tiêu của hội nghị quan trọng này là thảo luận về các biện pháp chống nghèo đói, với khoảng gần một tỷ người đang là nạn nhân, với thu nhập dưới 1,25 đô la/ngày, cùng lúc đó là cổ vũ cho một phương thức phát triển khác, phù hợp với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo một đại diện của các tổ chức từ thiện Secours catholique, Caritas Pháp, việc hội nghị chỉ ra một tuyên bố không có tính cưỡng chế có thể sẽ có tác động tiêu cực đến các diễn biến tiếp theo, đặc biệt là tới Thượng đỉnh Khí hậu tại Paris cuối năm nay.

Một điểm bất đồng chính tại hội nghị này là việc thành lập một tổ chức tài chính dưới sự điều hành của Liên Hiệp Quốc. Nhóm 77, bao gồm 134 quốc gia đang phát triển và đang nổi lên, ủng hộ sáng kiến này, cho phép các nước nghèo và trung bình có cơ hội có tiếng nói.

Các nước phát triển thì cho điều này là thừa, vì việc này đã có Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OCDE (gồm 34 quốc gia kinh tế lớn) và Diễn đàn xã hội của tổ chức này đảm nhiệm.

Một đồng thuận được ghi nhận : Tổng thư ký OCDE nhắc lại tại thủ đô Ethiopia về việc đề nghị của 14 nước đang phát triển liên quan đến việc trao đổi thông tin về thuế giữa 127 quốc gia sẽ được thực hiện kể từ năm 2017, để tránh « nạn gian lận », « biển thủ tài chính ».

Tại hội nghị này, các nước đang phát triển cũng muốn Tuyên bố cuối cùng ghi rõ « trách nhiệm chung (đối với vấn đề khí hậu), nhưng gánh nặng khác nhau », với ngụ ý nhắc các nước giàu phải tài trợ nhiều cho việc « chuyển đổi mô hình năng lượng », và tách trợ giúp phát triển với tài trợ cho vấn đề khí hậu.

Nhiều tổ chức phi chính phủ yêu cầu các tài trợ thông qua tổ chức tư nhân phải được đặt dưới sự theo dõi nghiêm ngặt.
Hội nghị sẽ kết thúc ngày 16/07.


Switch mode views: