Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-06-2014

 Paris và Washington căng thẳng vì ngân hàng BNP Paribas

bnp paribas



Logo của ngân hàng Pháp BNP Paribas.
REUTERS/Charles Platiau


Báo chí Pháp ra ngày cuối tuần thứ Bảy 07/06/2014 đều tập trung nhận định về lễ kỷ niệm D-Day, ngày quân đồng minh đổ bộ lên vùng Normandie – Pháp.

Thế nhưng, một hồ sơ nổi cộm khác đang gây sóng gió cho mối quan hệ giữa Paris và Washington là vụ ngân hàng hàng đầu của Pháp là BNP Paribas bị cáo buộc đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ khi giao dịch bằng đô la với các quốc gia như Sudan, Iran và Cuba.

Ngân hàng BNP Paribas có thể bị phạt món tiền kỷ lục lên tới 10 tỷ đôla, theo thẩm định của báo chí Mỹ. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đe dọa Mỹ là sẽ ngưng việc thương lượng Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nếu như ngân hàng Pháp lãnh các biện pháp trừng phạt mà ông đánh giá « hoàn toàn không tương xứng và bất công » vì đã vi phạm lệnh cấm vận.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Pháp còn đề nghị nên xem lại vai trò bá chủ của đồng đô la trong nền kinh tế thế giới. Đó là nội dung bài viết trên tờ Le Figaro đề tựa: “ BNP Parisbas: Pháp lên giọng”.

Trong một bài viết khác trên Le Figaro: “Dùng Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương để dọa là một chiến lược đầy rủi ro của Paris », tác giả nhận định, hai nền kinh tế quan trọng là Hoa Kỳ và Châu Âu chiếm 40% tỷ trọng thương mại của toàn thế giới, cho nên nếu chỉ vì để bảo vệ một ngân hàng mà Pháp đưa Hiệp định TTIP ra để đánh đổi, thì đây quả mà một chiến lược đầy rủi ro cả về chính trị lẫn kinh tế.

Các chuyên gia ước tính, hiệp định này nếu được ký kết sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế quan trọng và dự báo một mức tăng trưởng của tổng sản phẩm nội địa GDP cho Châu Âu từ 0,5% đến 0,7%.

Nhiều ngành nghề như may mặc, hóa chất hay sản xuất xe hơi hy vọng hiệp định này sẽ đưa ra các tiêu chuẩn quy định cho việc giao thương của cả hai bên.

Paris cũng đang đấu tranh để đưa các dịch vụ tài chính vào Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng Châu Âu xâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ dễ dàng. Hiện nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Bất cứ quốc gia nào trong Liên hiệp Châu Âu đều có quyền phủ quyết đối với Hiệp định TTIP. Sébastien Jean, giám đốc trung tâm nghiên cứu và giám định kinh tế thế giới CEPII nhận định: “Khi mà Pháp đã nâng BNP Parisbas thành vụ việc chính trị, thì cũng logic khi Pháp đặt TTIP lên bàn cân làm tâm điểm trong mối quan hệ Pháp-Mỹ”.

Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với Tổng thống Obama, vì ông xem chính sách thương mại là một ưu tiên và là một vũ khí địa chiến lược.

Để mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ và cầm chân Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ đã nhắm đến các đối tác phía Tây với Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) và phía Đông là Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

D-Day: ngày của ngành ngoại giao

Trở lại với đề tài phủ kín các trang nhật báo ra ngày hôm nay là sự kiện Pháp tổ chức thành công lễ kỷ niệm ngày quân đồng minh đổ bộ xuống Normandie. Trang nhất báo Le Monde chạy tựa: “Khủng hoảng Ukraina: D-Day cho ngành ngoại giao”.

Tờ báo cho biết, lễ kỷ niệm diễn ra vào hôm qua đã cho phép nối lại đàm phán với Tổng thống Putin. Phương Tây cho Matxcơva thời hạn đến cuối tháng Sáu để làm dịu tình hình tại Ukraina.

Tổng thống Obama ra thời hạn này trước khi gia tăng các biện pháp trừng phạt ,trong khi Tổng thống Pháp Hollande lại cố gắng đóng vai trò hòa giải.

Paris yêu cầu Tổng thống Putin nên thực tâm và nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt, trong khi điện Kremlin đe dọa cắt cung ứng khí đốt cho Ukraina.

Đây không chỉ là thách thức sống còn cho tân Tổng thống Ukraina Porochenko, mà còn đối với nền kinh tế Ukraina. Kinh tế nước này vốn đang khó khăn sẽ chìm ngập trong hỗn loạn, nếu như tập đoàn Gazprom cắt cung cấp khí đốt.

Những thương lượng trong tuần rồi cho thấy dấu hiệu cởi mở từ phía Nga, nhưng suy cho cùng, Nga vẫn khăng khăng giữ vững nguyên tắc của mình là đòi Ukraina phải cho các vùng phía Đông Ukraina có quyền tự chủ và bảo đảm xây dựng một quân đội trung lập.

Cho dù có dấu hiệu cởi mở, báo Le Monde ghi nhận là bất ổn vẫn tiếp diễn tại miền Đông Ukraina: ba binh sĩ Ukraina bảo vệ biên giới bị các chiến binh đến từ Nga tấn công tại Louhansk vào thứ 5 vừa qua.

Trả lời phỏng vấn báo Le Monde qua điện thoại, cựu tỷ phú Mikhaïl Khodorkovski, đối lập với Tổng thống Putin, nhận định: “Các biện pháp trừng phạt của phương Tây chẳng là gì đối với ông Putin”.

Bên cạnh đó, nhật báo Libération có bài viết: “Hollande, một ngày D-Day gần như tuyệt vời”. Theo tờ báo, 19 nguyên thủ quốc gia tề tựu dự buổi lễ kỷ niệm tại Normandie. Trong số đó, Tổng thống Putin và Porochenko đã có hành động thân thiện là bắt tay nhau.

Nhật báo Le Figaro đặc biệt quan tâm đến nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị qua bài viết: “Nữ hoàng Elizabeth II, ngôi sao giữa các cựu chiến binh” vì đây là lãnh đạo quốc gia duy nhất cớ mặt tại buổi lễ đã từng kinh qua Đệ nhị Thế Chiến.

Tờ báo mô tả, với trang phục lộng lẫy màu xanh lục, bà thật rạng rỡ dưới ánh nắng mùa hè bên bờ biển Normandie.

Việt Nam chiến đấu chống chất độc màu da cam

Tạp chí L’Express số ra tuần này quan tâm đến những thảm họa mà người dân Việt Nam phải gánh chịu do chất độc màu da cam gây ra gần 40 năm sau chiến tranh. Một người Pháp gốc Việt, bà Trần Tố Nga, hiện đang tiến hành kiện các tập đoàn sản xuất hóa chất.

Bà cáo buộc các tập đoàn này đã chế tạo ra chất độc màu da cam, một chất diệt cỏ vô cùng độc hại mà không quân Hoa Kỳ đã trút xuống Việt Nam và cho đến nay, nhiều nạn nhân của hóa chất này phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng.

L’Express thống kê, trong suốt cuộc chiến (1961-1975), Mỹ đã đổ 80 triệu lít các chất độc hại khác nhau xuống Việt Nam. Riêng chất độc màu da cam cực kỳ độc đã chiếm 60% trong tổng số hóa chất này. Chất độc diệt sạch cỏ, ngấm vào trái cây đặc biệt là dứa, làm cho trái này có hình thù kỳ quặc. Khắp nơi, chất dioxin ngấm dần vào đất và các mạch nước ngầm bị nhiễm độc, dây chuyền thức ăn cũng bị đầu độc trong nhiều năm.

Bà Trần Tố Nga là nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam. Bà sinh 3 người con : đứa con đầu lòng qua đời lúc mới 17 tháng. Hai người con sau cũng đều mắc các chứng bệnh hiểm nghèo.

Trong hồ sơ đi kiện, bà thu thập tài liệu cho thấy chất độc dioxine gây ra khoảng 15 chứng bệnh khác nhau, trong đó có nhiều loại ung thư và khoảng 20 loại dị dạng ở bào thai. Thường dân Việt Nam cũng đã thử kiện các công ty chế tạo chất diệt cỏ từ những năm gần đây nhưng không thành.

Thái Lan : Quân đội cứng rắn hơn với người biểu tình

Liên quan đến Châu Á, nhật báo Libération quan tâm đến khủng hoảng chính trị tại Thái Lan, qua vụ việc một cư dân mạng theo phe « Áo đỏ » thân với gia đình Thaksin Shinawatra là ông Sombat Boonngamanong vừa bị bắt vào hôm qua (06/06/2014).

Ông Sombat Boonngamanong là một trong những nhân vật chính, chủ xướng chiến dịch phản đối cuộc đảo chính trên mạng xã hội và kêu gọi mọi người xuống đường bất chấp lệnh cấm biểu tình.

Theo báo Libération, ông cũng chính là người khởi xướng ra hành động giơ 3 ngón tay lên để thể hiện sự nghi ngờ đối với tập đoàn quân sự Thái. Hình ảnh này được bắt chước từ bộ phim The Hunger Games. Từ đó, hành động này trở thành đặc điểm để nhận diện những người biểu tình chống lại độc tài, bạo chúa. Nhiều cư dân mạng đăng ảnh của mình với ba ngón tay giơ lên trên các trang mạng xã hội.

Libération trích lời Sirichan Ngathong, phát ngôn viên của chính quyền quân sự: “Chúng tôi có một nhóm chuyên vây ráp trên mạng để bắt anh ta”.

Ông Sombat là một trong số hàng trăm người nằm trong danh sách bị quân đội triệu tập trong ngày tiến hành đảo chính, 22/05/2014 nhưng ông đã không tuân lệnh. Ông Sombat có nguy cơ phải lãnh hai năm tù vì hành vi này. Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch đã lên án hành động truy lùng này của quân đội. Phía quân đội biện minh là muốn lập lại trật tự sau bảy tháng biểu tình và đồng thời cho biết sẽ không diễn ra bầu cử trước một năm.

Trung Quốc : người già tự tử để có đất chôn

Tạp chí Le Nouvel Observateur quan tâm đến những người già sống tại Trung Quốc. Vài ngày gần đây, tại tỉnh An Huy, một số cụ lão đã tự tử nhằm có được một suất chôn cất trong nghĩa trang. Tuy nhiên, chính quyền không thừa nhận sự việc này.

Số là gần đây, chính quyền tiến hành cải cách trong việc an táng người chết. Kể từ sau ngày 1/06, người dân không được phép chôn cất người chết trong hòm nữa nhằm giữ đất đai cho nông nghiệp và công nghiệp. Thậm chí, chính quyền còn đi từng nhà tịch thu các quan tài do người cao tuổi có thói quen sắm sẵn để trong nhà để chờ đến ngày lìa trần là được yên nghỉ trong mồ yên mả đẹp. Sau thời hạn này, người nào chết đều phải bị hỏa táng.

Người dân ở miền quê, đặc biệt tại Trung Quốc luôn tin rằng hỏa táng không mang lại may mắn cho con cháu, nên họ mới « vội » chết trước thời hạn 1/06 để mong được chôn cất trong nghĩa trang cho linh hồn được yên nghỉ.


Switch mode views: