Ukraine bắt đầu 'chống khủng bố'
- Thứ Ba, 15 tháng Tư năm 2014 23:11
- Tác Giả: BBC
Tổng thống tạm quyền Ukraine, Olexander Turchynov, tuyên bố bắt đầu "chiến dịch chống khủng bố" nhắm vào phe ly khai thân Nga.
Chiến dịch bắt đầu tại Vùng Bắc Donetsk, ông nói với quốc hội, và được triển khai "từng giai đoạn một cách có trách nhiệm".
Người ta có thể thấy xe thiết giáp được điều tới trong lúc dân quân ly khai chuẩn bị đón các cuộc tấn công.
Trước đó Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thúc giục người tương nhiệm phía Nga Vladimir Putin dùng ảnh hưởng của mình để kiềm chế phần tử ly khai ở miền Đông Ukraine.
Cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo diễn ra sau khi các nhà hoạt động thân Nga vẫn tiếp tục chiếm đóng nhiều tòa nhà ở các thành phố phía Đông.
Về phần mình, ông Putin phủ nhận cáo buộc can thiệp của Nga, gọi các báo cáo là “không đáng tin”.
Trong khi đó, Tổng thống lâm thời của Ukraine, Olexander Turchynov, đã thông báo bắt đầu “chiến dịch chống khủng bố.
Ông nói trước quốc hội rằng chiến dịch đã bắt đầu ở “phía Bắc vùng Donetsk” vào sáng thứ Ba 15/04 và được thực hiện “từng bước, một cách có cân nhắc và trách nhiệm”.
Việc mở rộng chiến dịch trước đó chưa rõ ràng, nhưng nhiều bài báo chưa được xác nhận trên truyền thông Nga dẫn lời phe ly khai, nói rằng xe bọc thép của Ukraine đang di chuyển về hai thành phố điểm nóng Sloviansk và Kramatorsk.
Hôm thứ Hai 14/04, người ta nhìn thấy xe tăng và xe bọc thép chở người đóng cách Sloviansk khoảng 70 cây số.
Các ngoại trưởng EU nói hôm thứ Hai 14/04 rằng họ sẽ mở rộng danh sách tên những đối tượng bị cấm vận.
Căng thẳng dần tăng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng trước, nơi từng thuộc về Ukraine.
Động thái trên bị Kiev và phương Tây cho là bất hợp pháp, diễn ra sau khi Tổng thống ủng hộ Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi tháng Hai.
Các diễn biến khác:
- Ít nhất một điểm chốt của phe ly khai gần Sloviansk được báo là bị bắn từ xe hơi trong đêm qua bởi một người mang súng không rõ danh tính, nhưng không có ai bị thương
- Ứng viên tổng thống từ miền Đông Ukraine, ông Oleh Tsarev, được coi là người ủng hộ Nga, xuất hiện trước báo giới ở Kiev với một bên mắt thâm tím sau khi bị những người biểu tình tấn công khi rời một phòng thu truyền hình.
‘Lo ngại nghiêm trọng’
Sở cảnh sát ở Horlivka là một trong những nơi bị nhóm biểu tình thân Nga tấn công
Tòa Bạch Ốc nói cuộc trò chuyện “thẳng thắn và trực tiếp” giữa hai vị lãnh đạo diễn ra theo yêu cầu từ phía Nga.
“Ngài Tổng thống bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về sự hậu thuẫn của chính phủ Nga đối với các hành động của phần tử ly khai có vũ trang, thân Nga, đe dọa làm suy yếu và gây mất ổn định chính quyền Ukraine,” theo thông cáo của Hoa Kỳ.
“Ngài Tổng thống nhấn mạnh rằng mọi lực lượng bất thường ở quốc gia này cần từ bỏ vũ khí, và ông thúc giục Tổng thống Putin dùng ảnh hưởng của mình lên các nhóm mang vũ trang, ủng hộ Nga, nhằm thuyết phục họ rời khỏi các tòa nhà họ đang chiếm đóng.”
Thông cáo cũng đe dọa sẽ áp dụng thêm cấm vận lên Moscow, nói “cái giá mà Nga đang phải trả sẽ còn lớn hơn thế nếu còn hành động cố chấp”.
Theo tuyên bố của Điện Kremlin thì bạo loạn ở miền đông Ukraine là kết quả của việc ‘chính quyền Kiev không sẵn sàng và không có khả năng xét đến lợi ích của cộng đồng nói tiếng Nga’.
Sau một cuộc họp ở Luxembourg, các ngoại trưởng EU cho biết họ đã quyết định mở rộng ‘danh sách những nhân vật bị cấm thị thực và đóng băng tài sản’.
Trước đó, Ngoại trưởng Anh William Hague đã nói với các phóng viên ông tin rằng việc chiếm giữ trụ sở chính quyền ở các thành thị miền đông Ukraine là ‘do Nga lên kế hoạch và thực hiện’.
Moscow bác bỏ vai trò của mình trong các sự kiện ở Đông Ukraine.
EU đã phê chuẩn các biện pháp viện trợ kinh tế trị giá đến 1 tỷ euro cho Ukraine.
Các ngoại trưởng châu Âu cũng ủng hộ ‘bãi bỏ hoặc giảm thuế quan tạm thời’ cho hàng hóa xuất khẩu của Ukraine vào EU.
Còn ở Washington, Hoa Kỳ ký một thỏa thuận cho vay bảo đảm cho Ukraine sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew và người đồng cấp Ukraine Oleksandr Shlapak.
Cũng trong hôm thứ Hai, những người thân Nga đã tấn công một cơ quan chính quyền khác ở đông Ukraine, phớt lờ hạn chót phải rời đi nếu không sẽ bị trục xuất mà Kiev đưa ra.
Đám đông đã tấn công một đồn cảnh sát ở thị trấn Horlivka gần Donetsk và chiếm giữ nơi này.
‘Chống khủng bố’
Xe tăng và xe bọc thép của Ukraine đóng cách thành phố Sloviansk khoảng 70km
Ông Turchynov nói hôm thứ Ba 15/04 rằng mục tiêu của chiến dịch ở Donetsk là để "bảo vệ công dân Ukraine, ngưng các cuộc khủng bố, chặn đứng tội ác và ngăn chặn các nỗ lực xé lẻ đất nước của chúng ta".
Tổng thống tạm quyền Ukraine lên án ‘sự hung hăng’ của Nga và đề xuất Liên Hiệp Quốc hỗ trợ cho chiến dịch "chống khủng bố" của họ.
Điều này rất khó xảy ra vì Nga có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng Kiev ‘không phản đối’ trưng cầu dân ý về tương lai đất nước, một yêu sách chủ chốt của phe thân Nga.
Những người này đang yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng cho họ quyền tự trị lớn hơn hoặc sáp nhập vào Liên bang Nga.
Giờ đây ông Turchynov nói Kiev để ngỏ khả năng chuyển từ thể chế cộng hòa sang liên bang, tức là cho phép cộng đồng nói tiếng Nga ở đông Ukraine có quyền tự trị rộng lớn hơn.
Tuy nhiên dường như ông muốn có một cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc thay vì các cuộc bỏ phiếu ở các tỉnh miền đông.
Nhiều nhà quan sát cho rằng chưa có gì chắc chắn về kết quả của một trưng cầu dân ý ở cấp quốc gia như vậy vì đa số người dân ở Kiev và miền tây Ukraine không đồng ý với ý tưởng nhà nước liên bang.
Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói nước ông không có lợi ích trong việc chia cắt Ukraine nhưng nhấn mạnh rằng Moscow muốn tất cả người dân Ukraine đều được chính quyền đối xử bình đẳng.
Ông bác bỏ cáo buộc điệp viên Nga đứng đằng sau các cuộc biểu tình ở đông Ukraine và cho biết Moscow đang muốn Mỹ giải thích lý do chuyến đi Kiev của Giám đốc CIA John Brennan.
Nhà Trắng xác nhận rằng ông Brennan đã có mặt ở Kiev hồi cuối tuần qua nhưng nói rằng đó là một chuyến đi thường kỳ.
Phát ngôn nhân của Putin cho biết Tổng thống Nga đã nhận được ‘nhiều lời kêu gọi từ miền đông Ukraine yêu cầu ông giúp đỡ bằng cách nào đó’ và rằng ông Putin đang theo sát những diễn biến ở đây ‘với quan ngại lớn’.
Bộ Ngoại giao Ukraine nói hôm thứ Hai ngày 14/4 rằng họ có bằng chứng Nga đứng đằng sau ‘chiến dịch ly khai’ và họ sẽ trình bằng chứng này tại một cuộc họp ở Geneva, Thụy Sỹ, vào cuối tuần này.
Tin mới
- Đập thủy điện Xayaburi của Lào nằm trên vùng địa chấn - 19/04/2014 23:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-04-2014 - 18/04/2014 22:56
- Nổ súng tại biên giới Việt – Trung : Bảy người chết - 18/04/2014 21:33
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-04-2014 - 17/04/2014 20:35
- Nhật Bản ngồi trên ‘núi vàng’ năng lượng chưa khai thác - 17/04/2014 19:52
- Trung Quốc nhìn nhận cả triệu kilômét vuông đất đai bị ô nhiễm - 17/04/2014 19:38
- Putin công nhận : Lính Nga hiện diện tại Crimée vào lúc trưng cầu dân ý - 17/04/2014 19:13
- Nga tìm mọi cách thúc ép thành lập liên bang Ukraina - 16/04/2014 20:02
- Putin cảnh báo Ukraina đứng bên bờ vực nội chiến - 16/04/2014 19:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-04-2014 - 16/04/2014 19:16
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-04-2014 - 15/04/2014 20:29
- Căng thẳng Mỹ Nga leo thang : Phi cơ Nga khiêu khích tàu Mỹ - 15/04/2014 20:18
- Tiết lộ vụ Snowden : Báo Anh, Mỹ đoạt giải Pulitzer - 15/04/2014 19:52
- Trung Quốc phản đối bản báo cáo nhân quyền của Anh - 15/04/2014 19:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-04-2014 - 14/04/2014 20:43
- Cháy rừng ở Chilê : 12 người chết, 850 hecta bị thiêu trụi - 14/04/2014 20:32
- Chi phí quân sự : Thế giới cứ giảm, châu Á cứ tăng - 14/04/2014 20:19
- HRW kêu gọi Việt Nam tiếp tục thả các nhà bất đồng chính kiến - 14/04/2014 19:40
- Kiev mở chiến dịch « chống khủng bố » ở Slaviansk - 13/04/2014 22:15
- Việt Nam: Mẹ tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh điều trần tại Quốc hội Đức - 13/04/2014 21:19