Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Một Người Tội Nghiệp

sad sitting man
Tôi không định viết về ông ta, một người đàn ông bất hạnh, thật tội nghiệp có cái tên là Xẹt, nếu không có hiện tượng

những vì sao băng, sao xẹt trong một đêm trời mùa Ðông như năm nay. Tôi bỗng dưng nhớ tới người đàn ông mang

tên Xẹt ở Cần Thơ ngày xưa, qua hình ảnh những vì sao nằm rải rác trên giải ngân hà, mà mỗi vị sao hình như đã

gắn bó với số phận của mỗi con người nơi trần thế.

Hồi còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe kể câu chuyện về các vì sao, theo tính cách truyện dân gian. Mỗi một vì sao khi

băng trên nền trời rồi tắt lịm đi, đấy là dấu hiệu vừa có một người vĩnh biệt cõi đời. Nhưng mỗi lúc ấy, nếu ai ao ước

điều gì, mà lại ước kịp với khoảng thời gian ngắn ngủi của một vì sao xẹt thì sẽ được toại nguyện. Ðiều thú vị ấy đã

ám ảnh bọn trẻ con, ngồi dưới đất mà mơ tưởng chuyện trên trời, bởi vậy tôi đã nhiều lần ngồi nhìn sao băng mà ao

ước những chuyện không bao giờ xảy tới. Nó ám ảnh đến độ khi lớn khôn, hiểu rằng điều ấy chỉ là chuyện hoang

tưởng của những mơ ước, thế mà mỗi khi thấy một vì sao rơi, hay băng ngang trên nền trời khuya, tôi vẫn cứ thầm

thì nói nhanh những mơ ước của mình.

Ðấy chỉ là chuyện những vì sao, những kỳ bí của trời đất, cho thế giới thần tiên của trẻ con. Còn chuyện người đàn

ông mang tên Xẹt, tôi sẽ lần lượt kể về cuộc đời của ông ta, thì thôi, cứ xem như số phận ông ta đã gắn bó với một

vì sao xấu.


***

Không biết tên thật của ông là gì, nhưng vì cái chân không cất bước được bình thường như những cái chân khác, nó

cứ lẹt xẹt trên mặt đường, nên lũ trẻ con đều gọi ông là ông Xẹt. Một tay chống gậy, cái thân hình ấy lắc lư đi trong

con ngõ nhỏ là nỗi kinh hoàng của lũ trẻ con độ tuổi Mẫu giáo hồi đó. Ðúng ra thì ông ta không dữ như “Ba Bị chín

quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ con”, nhưng cũng vì lời hù dọa của người lớn, khiến lũ trẻ con nhìn ông Xẹt qua

hình ảnh một người quái đản, chỉ hay ăn thịt con nít. Vì được đem ra làm trò hề để hù dọa lũ trẻ yếu bóng vía, ông

Xẹt bỗng dưng quen thuộc với vai trò này, và vì thế bất cứ một đứa trẻ nào được ông nhìn tới, cũng đều nem nép

ngồi yên trong lòng mẹ.

Chả hiểu ông bị tật từ hồi cha sinh mẹ đẻ, hay là qua một cơn bịnh bại liệt, khiến một cái chân bị teo dần đi, thêm

một chiếc gậy trong tay, chân này dựa vào chân kia mà bước. Tiếng gậy gõ lộp cộp trên con đường tráng xi măng

trong ngõ, dáng xiêu vẹo như một chiếc cột đổ nghiêng, người đàn ông quần áo bẩn thỉu đi đến từng nhà trong xóm,

để ăn xin một chút tình thương của đồng loại, những con người có lòng may mắn hơn ông vì còn hai chân đứng ngay

ngắn trong cuộc đời.

Ông ta có cái mặt hơi dị hợm, đôi mắt to, hơi lồi ra trên khuôn mặt đen đủi, mỗi khi nói lại cà lăm cho nên tất cả

những cái xấu dường như đã được ông Trời tô điểm thêm thành một cách không bình thường. Nghe người ta kể,

ngày xưa gia đình ông ta rất khá giả, nhưng ông bố vì ăn chơi trác táng mà của cải cứ thế lần lượt đội nón ra đi. Ðến

lúc ông ta sinh ra thì lại ốm đau tật nguyền, mẹ chết sớm, bởi thế khu vườn rộng và căn nhà lợp ngói âm dương đã

lọt vào tay người khác. Chỉ còn lại một cái chái nhỏ ở góc vườn, hồi xưa là chuồng heo, đó là nơi trú ngụ của ông ta

để lê lết nốt cuộc đời khốn nạn, trả cho xong cái nghiệp làm người.

Khi nghe tiếng gậy gỗ lộc cộc đi vào ngõ, bà nội trợ vội vét nốt chút thức ăn thừa vào một chiếc chén đá, với một

muỗng to cơm nguội, ông Xẹt đã có một bữa đỡ lòng với những của bố thí ấy. Có nhà rộng rãi và khá giả hơn, cho

ông ta đồng bạc rồi xua ngay đi như xua một con chó ốm bẩn thỉu. May ra ông Xẹt chỉ có chút uy dũng đối với lũ trẻ

con ba bốn tuổi, đang khóc nhè để ăn vạ, bỗng nín thinh ngay khi thấy bóng dáng xiêu vẹo với chiếc gậy gỗ của ông

gõ vào cánh cổng.


***

Không biết ông Xẹt bao nhiêu tuổi, và không biết tại sao người ta cứ gọi ông là “ chú Xẹt”, nhưng dẫu là tuổi gì thì

ông Xẹt vẫn có số cầm tinh “bị , gậy”, con cháu nhà cái bang. Thời kỳ đó tương đối người ta còn kiếm được nồi

cơm, con cá dễ dàng, chú Xẹt nhờ thế cũng nhận được lòng từ tâm của con người rộng rãi hơn. Bước qua thời kỳ

đói kém hơn, người ta không có cơm nguội để ăn thì lấy gì cho chú Xẹt no bụng. Thành thử chú cũng đói, chiếc gậy

gỗ vẫn kêu to trong con ngõ đã vắng vẻ hơn trước kia, nhưng ít khi nào người ta mở cổng vẫy chú ta vào cho một

bát cơm. Chú Xẹt cố gắng tìm những nhà có trẻ con còn bé hay vòi vĩnh, rồi ra oai cho đứa bé nín khóc, may ra thì

được củ khoai. Có khi cũng chẳng được gì, chú lại lê chiếc gậy sang nhà khác, với một dáng điệu tần ngần mà

không dám mở lời xin xỏ như dạo trước, vì giữa cảnh đói khổ chung, chú hiểu người ta cũng cực nhọc lắm mới lo nổi

ngày hai bữa cơm thường.

Giữa khi ấy, tự nhiên lại nổi lên chiến dịch giúp đỡ và chăm sóc những người nghèo khổ, giai cấp được coi như bị áp

bức trong xã hội, người ta không còn dám coi thường chú Xẹt nữa. Chẳng biết chú được mời tới đâu, tham dự

những buổi họp quan trọng nào, nhưng dạo này người ta thấy chú ăn nói đã thay đổi, có lập trường hẳn hoi. Mỗi

tháng, chú được cấp phát một số gạo đủ ăn, thêm một vài thứ lặt vặt như ký đường, túi xà bông giặt , cục xà bông

cô Ba thơm phức, còn thức ăn và củi lửa mắm muối phải tự túc. Chú Xẹt vẫn phải đi ăn xin, nhưng bỗng dưng thay

đổi hẳn tính nết cũng như cách nói năng cho hợp với chỗ đứng của mình trong xã hội, làm như ai cũng phải có bổn

phận giúp đỡ chú. Ðó là ảo tưởng sai lầm của một người cùng đinh, bỗng dưng thấy một ngày được đưa vào giai

cấp có quyền đòi hỏi sự đối đãi bình đẳng trong xã hội. Nào ai dám làm gì chú, chỉ sự nghèo khổ đã là một bức

tường thành bảo vệ " bất khả xâm phạm"

Trong những buổi lễ nho nhỏ tại địa phương, người ta thấy chú ngồi ngất nghểu ở hàng ghế trên, ăn mặc khá tươm

tất, chiếc gậy vẫn gác bên thành ghế, và người ta đã nói năng lễ phép hơn để chú khỏi mếch lòng. Ngay cả những

buổi lễ Tôn giáo, khi chú Xẹt tới, người ta vẫn dành cho chú một chỗ ngồi đàng hoàng lắm. Chỗ ấy ngày xưa dành

cho những vị chức sắc, những người có của. Nay thời buổi thay đổi, chú Xẹt cũng được tôn trọng và ngồi ngang vai

vế với những người khác cho có vẻ bình đẳng.

Họ đóng kịch cả thôi, chỉ có chú Xẹt là ngây thơ tưởng mình một bước lên tới Giời. Chú sung sướng ngồi ngó quanh

ngó quẩn. Kìa bà Bảy chủ đất, cô Tám sạp vải, ông giáo dạy trường cấp Ba, tất cả đều ngồi ở hàng ghế sau, những

người không có một mảnh đất cắm dùi như chú, bỗng nhiên hôm ấy leo lên cả hàng ghế trên, những cô những bà

những ông đi ngang ai cũng nhoẻn miệng cười thân thiện.

Chỉ được mỗi hôm đó, hay là mỗi khi cần diễn một màn kịch thì người ta không ngại ngần gì mà không đưa chú Xẹt

lên chín tầng trời, như một ngôi sao sáng. Chú Xẹt chưa bao giờ cảm nhận được sự hãnh diện được làm người

nghèo khổ xứng đáng như lúc này. Có món gì ngon hôm ấy, người ta cũng dành cho chú, sự dịu dàng ấm áp của

những tấm lòng sao nó nhiều thế, khiến chú vừa sung sướng vừa cảm động.

Nhưng cũng chỉ thế thôi. Sau buổi lễ, khi ra về người ta đi ngang chỗ chú ngồi, có mỉm cười nhưng chỉ là nụ cười giễu

cợt sự ngây thơ của chú. Rồi khi tất cả đã ra về, chú Xẹt lại một mình lê cái chân què, lần theo chiếc gậy để trở về

cái ổ heo của mình. Nói thế cũng không ngoa, chỗ ở của chú chính là cái chuồng heo ngày xưa, và nó cũng hôi hám,

bẩn thỉu như một cái chuồng heo vì chú đâu có bao giờ giặt giũ những màn mùng chăn chiếu ấy.


***

Ðúng ra nếu cuộc đời có được những phút giây le lói như một vì sao, kể cũng hạnh phúc vậy. Những phút giây ngắn

ngủi ấy thường in sâu vào tiềm thức, và nó làm cho lắm kẻ bồi hồi mãi khi nhớ lại, chứ chắc gì đã chịu nhìn ra đấy chỉ

là một sự bịp bợm.

Ðối với công việc của nhà nước thì việc giúp cho chú hơn chục ký gạo hẩm đã là chu toàn nhiệm vụ nhân đạo đối với

nhân dân, nhưng quần chúng thì không còn nhìn chú với cái nhìn yêu mến như trước. Cái dại lớn nhất của chú Xẹt là

chú lại biết yêu, yêu một “con mẹ” vừa ngớ ngẩn , vừa nghèo khổ như chú nên nó là nguyên nhân dẫn tới sự chú bị

mọi người hắt hủi, và không còn rộng tay bố thí như trước. Làm như một người đói khổ , nghèo hèn như chú không

có quyền yêu, khi tình yêu là sản phẩm độc quyền dành cho những người “no cơm rửng mỡ”, vì càng lắm chức lắm

quyền, càng lắm tiền chừng nào thì mới có cơ hội để yêu và để được yêu. Xã hội vốn vẫn bất công như vậy, huống

gì chú Xẹt giờ này tự nhiên đang từ ánh đèn leo lét trong đêm tối , nay được biến thành vì sao thì sự dám biết yêu

của chú quả là một điều không thể chấp nhận.

Có khổ có nghèo thì chú Xẹt cũng là một con người, cũng có trái tim bằng thịt, cũng thèm thuồng được ôm ấp một

cái gì biết động đậy để sưởi ấm nỗi cô đơn của con người vậy. Nhưng khỉ gió lắm, với tính ích kỷ cuả loài người,

người ta không chấp nhận cho chú có quyền yêu. Chú biết lắm chứ, người ta xì xào bàn tán vì thấy chú hay đi ngang

nhà con mẹ dở hơi, mắt mũi kèm nhèm, chuyên môn đi làm việc vặt để kiếm cơm như chú. Cứ trông thoang thoáng

đằng sau lưng thì chị ta cũng dễ coi, nhưng phải nhìn tận mặt chị ta thì mới thấy đó là một người ngớ ngẩn rất tội

nghiệp. Chị ta ở với một người bà con xa từ hồi nhỏ, ngày hai bữa cơm và năm được hai bộ quần áo. Hai người

khốn khổ ấy gặp nhau, một anh què quặt, một chị ngớ ngẩn cũng xứng đôi vừa lứa, thế nhưng họ vẫn trở thành trò

cười cho lũ người vô tâm kia, và cả hai kẻ cô đơn yếu thế ấy đã bị lên án rằng “cơm không có ăn, áo không có mặc”

mà còn động cỡn.

Chú Xẹt đâu có định sinh ra đời để làm Thánh. Bởi vậy một hôm, có tý tiền lẻ trong túi, chú bèn nghĩ đến chuyện rủ

người đàn bà kia đi uống cà phê, với cái giọng cà lăm đặc biệt của chú :

“ Ði, đi... uống... cà phê hông ? "

Không biết sao cái con mẹ dở hơi kia nó lại bằng lòng đi uống cà phê với chú Xẹt, và vì thế mà câu chuyện nổ tung

ra như quả tạc đạn. Cả xóm xì xào chuyện chú Xẹt và chị ngớ ngẩn kia đi uống cà phê với nhau, thế là tất cả những

người hay bố thí cho chú chút cơm thừa, tý tiền lẻ đều dần dần xa lánh chú, xem chú như kẻ đang phạm tội gì ghê

gớm lắm. Người ta hà khắc với một kẻ bần cùng thèm khát chút tình yêu ấy làm gì không biết, chỉ thấy rằng từ ngày

ấy chú Xẹt cứ gầy rộc đi, chú lê chiếc gậy gỗ đi ngang nhà người đàn bà ngớ ngẩn kia, ngơ ngẩn như một kẻ mất

hồn, hay như một thi sĩ thất tình đang tìm người trong mộng. Có người nhiều chữ nghĩa biết đọc sách thì lý luận

rằng, ngày xưa Chí Phèo tuy xấu xí, thô lỗ là vậy mà vẫn dám yêu Thị Nở, thì hà cớ gì lại hẹp lòng không chấp nhận

tình yêu của chú Xẹt với mụ dở người kia? Chuyện ấy là chuyện cũ, còn thời buổi “ gạo châu củi quế” này, chỉ mỗi

việc quản thúc cái bao tử cũng đủ làm đương sự hết vía, không dám tơ tưởng chuyện yêu đương nhăng nhít.


***

Khi gió mùa thổi tới, trời hơi lành lạnh, gió đã thổi hiu hắt qua rặng dừa nước nơi mé sông, tôi gặp chú Xẹt lê tấm

thân gầy gò với chiếc gậy gỗ vào xóm nhỏ. Ðầu rối bù, đôi chân đất cáu bẩn, người chú muốn rũ xuống như một tàu

lá chuối héo. Bây giờ chú cũng không còn hứng thú để đóng vai một con cọp dữ gầm gừ với lũ con nít hay khóc nhè

nữa, con người ấy như muốn gập xuống vì khổ, chữ tình là cái chi chi mà nó hành hạ con người quá sức như vậy.

Không mấy người muốn bố thí bát cơm cho con người tội nghiệp đó.

Chú ngồi xổm bên cạnh chiếc cổng gổ nhà tôi, chỉ nhìn chứ không thốt lên lời xin xỏ nào. Ðầu tiên thì tôi cũng giống

như mọi người, cũng cho chú cái nhìn ác cảm “ cơm không có ăn, áo không có mặc” mà lại dám yêu. Nhưng nhìn vẻ

thiểu não cuả con người cùng khổ này, cầm lòng không đậu, tôi cho chú một chiếc chăn cũ. Rồi lục trạn cũng không

còn gì, tôi lấy cho chú một đĩa cơm nguội với chút cá kho, chú cũng chỉ hờ hững cầm đĩa cơm, ngồi bệt xuống đất

rồi xúc từng muỗng vào mồm với vẻ uể oải của một người ốm. Tôi vừa nhìn chú ăn, vừa tò mò muốn biết con người

nghèo khổ đến tận cùng bằng số khi yêu như thế nào:

“ Sao chú dại thế, rủ bà kia đi uống cà phê làm gì cho khổ thân ra.”

Chú Xẹt đưa cặp mắt lờ đờ nhìn tôi :

“ Tội nghiệp tui mà... cô hai. Hai đứa chỉ... chỉ...uống chung có một ly “xây chừng”, chứ đâu có tiền mà, mà...mỗi đứa

một ly. Cả đời tui đâu có... có bao giờ dám mời ai một ly cà phê. "

Tôi làm bộ dọ dẫm :

“ Người ta nói chú muốn lấy chị kia làm vợ, có phải không ?”

Chú gật đầu :

“ Con chó cũng có... bạn, con chim cũng... cũng có đôi, vậy tui là con người, sao không cho... tui một người đàn bà

để...để...làm bạn...”

Tôi hiểu được nỗi cô đơn và sự thèm thuồng ở con người tội nghiệp này, dù sống trong tình trạng tồi tệ của con

người không ra con người, con vật không ra con vật, chú Xẹt vẫn cần một bếp lửa hồng trong những chiều gió mưa,

vẫn cần có người hỏi han khi ốm đau, bệnh tật. Chuyện chia xẻ miếng cơm manh áo cho một người nghèo khổ là

điều nên làm, nhưng không vì thế mà hẹp hòi với những nhu cầu cần thiết của tâm hồn , để không khoan dung với

những người nghèo khổ, bất hạnh như chú Xẹt. Tôi chưa kịp nói gì thêm thì chú Xẹt đã nói, như một người biết hối

hận vì sự dại dột của mình, mà cũng như lời trần tình của một tâm hồn yếu đuối nhất vì yêu :

“ Tui... buồn lắm cô hai, nhưng tui hứa... tui hổng dám thương ai nữa. Bữa hổm, tui bịnh, “con mẻ” lén qua cạo gió

cho tui, hông là tui...tui chết rồi... "

Chú Xẹt nghẹn ngào không nuốt nổi miếng cơm trong miệng. Tự nhiên, tôi cũng mủi lòng muốn khóc.


***

Những vì sao xẹt trên bầu trời đêm qua, khiến tôi nghĩ tới người đàn ông tội nghiệp mang tên Xẹt. Hơn hai mươi năm

rồi, bây giờ chắc gì chú còn sống. Nếu như tin rằng những vì sao băng trên vòm trời kia, là những linh hồn vừa từ giã

cõi đời, thì thôi, cũng ước cho chú là vì sao ấy để giải thoát khỏi kiếp người tội nghiệp. Tôi mong rằng ở một kiếp lai

sinh, chú Xẹt có được làm người, xin hãy cho chú một cuộc sống no đủ, một trái tim được tự do yêu thương, vì con

người vốn vẫn là một sinh vật yếu đuối...

Switch mode views: