Câu chuyện một trận bão
- Chúa Nhật, 17 tháng Mười Một năm 2013 20:41
- Tác Giả: Lê Phan
View image on Twitter
Ðến nay thì hầu như không ai trong chúng ta mà không biết về cơn bão kinh hồn đã giáng một đại họa lên Philippines. Nay thì cơn bão đã qua nhưng bão tố về chính trị vẫn còn tiếp tục.
Vài ngày trước cơn bão mà tên quốc tế lần này do Trung Quốc đưa ra là Haiyan (đọc theo âm Hán Việt là Hải Yến), các cơ quan khí tượng đã khuyến cáo về cường độ của trận bão. Nhưng sự tàn phá của cơn bão chỉ có thể được thực sự nhận thức ba ngày sau khi cơn bão đã đi qua.
Tiên đoán của các nhà khí tượng là cơn bão có thể có gió giật lên đến 194 miles/giờ, (313km/giờ), một tốc độ gió hầu như chưa từng thấy và đưa cơn bão này lên hàng cấp 5, cấp mạnh nhất của một trận bão.
Nhưng điều chết người và tàn phá chính là những đợt sóng do gió giật tạo nên. Chính những đợt sóng cao đến hai tầng lầu này đã gây ra thiệt hại kinh hồn nhất.
Hình ảnh của sự tàn phá chỉ lộ rõ khi trận bão đã rời Philippines đổ vào Biển Ðông. Nhân chứng nói đến thi thể tràn ngập thành phố Tacloban, một hải cảng ở bờ phía Ðông, vốn đã là một trong những nạn nhân chính của trận bão.
Người ta nói đến những người sống sót đi vất vưởng trên đường phố đã tan thành bình địa, khẩn khoản xin cầu cứu.
Bộ Trưởng Nội Vụ Manuel Roxas, sau khi đi thị sát bằng trực thăng tả, “Từ bờ biển vào đến khoảng một cây số trong đất liền, không có một kiến trúc nào đứng vững. Nó như là một cơn sóng thần. Tôi không biết làm sao tả lại những gì tôi đã thấy.”
Ðể có thể có một ý niệm về sức mạnh của cơn bão này chúng ta hãy nhớ lại là trận bão đã trở thành nổi tiếng tàn phá ở Vịnh Mexico, bão Katrina đã đổ vào New Orleans hồi năm 2005, khi đổ bộ vào bờ chỉ ở Cấp 3. Mới đây, bão Sandy khi đổ bộ vào vùng bờ biển miền Ðông Bắc Hoa Kỳ mới chỉ là một trận bão Cấp 2.
Philippines là một quốc gia quen thuộc với các cơn bão. Nhiều cộng đồng ở Philippines có những ủy ban chống bão địa phương và thường họ có nhưng chuẩn bị riêng. Khi các nhà khí tượng tiên đoán là Hải Yến có thể trở thành một “siêu bão,” chính phủ đã ra khuyến cáo và di tản nhiều ngàn người vào các nơi trú ẩn tạm.
Nhưng ngay chính ông Greg Barrow, phát ngôn nhân cho Chương trình Thực phẩm Liên Hiệp Quốc (WFP) cũng phải công nhận là Hải Yến “quá đặc biệt trong mức độ và ảnh hưởng” và nó “nằm ngoài khả năng” của chính phủ cũng như dân chúng Philippines để có thể hoàn toàn chuẩn bị. Và nguy cơ của các cơn triều cường, những đợt storm surge mà đã trở thành như sóng thần không được hiểu rõ.
U.S. Marines arrive in the Philippines to help with typhoon relief
Chủ tịch của Hội Hồng Thập Tự Philippines Richard Gordon thì đổ lỗi cho chính phủ không báo cho dân chúng biết về những cơn sóng giật mà có thể cao đến như là những sóng thần. Ông bảo, “Dân chúng không biết đến việc ?ó. Chính phủ đáng lẽ phải nói ‘Chúng ta sẽ có sóng lớn, sóng thần.’”
Giờ đây thiệt dễ dàng để chỉ trích chính phủ là không làm đủ để khuyến cáo dân chúng. Khổ một nỗi ngay khuyến cáo của các nhà khí tượng trước khi cơn bão tới không thấy nói đến những đợt sóng không khác gì sóng thần từ một cơn bão dầu là một siêu bão.
Và làm sao có thể bảo vệ dân chúng khi nhiều nơi được coi là nơi trú ẩn an toàn cũng đã bị phá hủy.
Khi Bá tước Valerie Amos, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách viện trợ nhân đạo, đến thị sát bà đã chứng kiến cảnh của những người dân sống sót ở Tacloban thật tệ hại. Ðã nhiều ngày qua mà họ vẫn không có thức ăn và một số đã uống nước từ các giếng đã bị ô nhiễm hay nước tù bởi họ không có gì khác để uống.
Bà Amos bảo với báo chí, “Tôi cảm thấy là chúng tôi đã thất bại trước việc giúp đỡ vì chúng tôi không làm sao đến nơi sớm hơn được.”
Nhưng nói thì dễ làm mới khó. Mặc dầu ai cũng công nhận là những người sống sót ngày càng tức giận và tuyệt vọng trước mức độ chậm chạp của việc phân phối cứu trợ vốn đã bị cản trở bởi chính quyền địa phương hầu như tê liệt, thổ phỉ lan tràn, thiếu nhiên liệu và các con đường tràn đầy rác rưởi, mảnh vụn do cơn bão để lại.
Ngay chính các nhân viên cứu trợ quốc tế cũng công nhận thiên tai này là chưa từng thấy ngay cả đối với Philippines.
Vả lại tuy báo giới tập trung vào thành phố Tacloban nơi mà mãi đến ngày thứ năm chính quyền mới bắt đầu việc chôn cất những thi thể đã hôi thối, ở một số nơi khác, đã có những dấu hiệu hồi sinh. Tờ Financial Times kể lại câu chuyện của thị trấn Guiuan, vốn là thị trấn đầu tiên khi Hải Yến đổ bộ vào bờ. Cơn gió lên đến gần 300 km/giờ đã phá hủy văn phòng thị xã, trung tâm thể thao, và ngôi chợ. Ngay cả ngôi nhà thờ từ thế kỷ thứ 16, một trong những nhà thờ cổ nhất của
Philippines, vốn đã chống trả cả với động đất, lần này cũng tiêu tan.
Thị trưởng thành phố Christopher Sheen Gonzales nói đến một cơn cuồng phong như là một tornado, một ngày tận thế.
Ông và gia đình cũng như rất nhiều người dân thị trấn đã sống sót nhờ những nhà tắm mà dân chúng trong làng gọi là “Comfort room.”
Trong một giây phút đùa cợt, ông thị trưởng nói các ông đồng viện trong hội đồng thị trấn đề nghị thành phố xây một đài kỷ niệm cho những căn phòng này mà rất nhiều công dân đã nhờ vậy mà sống sót. Mà quả là thị trấn 47,000 dân đã chỉ có 87 người thiệt mạng, tuy có cả ngàn người bị thương.
Ðiều tội nghiệp cho Guiuan cũng như Tacloban vì những thành phố này nằm trong vùng nghèo nhất Philippines. Trong những năm từ khi Tổng Thống Benigno Noynoy Aquino lên nắm quyền ông đã tìm cách đưa được nền kinh tế phát triển ở một mức độ vượt cả Trung Quốc, nhưng cái hố giàu nghèo ở Philippines vẫn còn quá sâu rộng.
Philippines, cho đến nay, mặc cho cố gắng của ông Aquino, vẫn còn là một quốc gia mà một thiểu số đại gia chi phối cả chính trị lẫn kinh tế. Ở nhiều nơi những đại gia đình này cai trị vùng đất của gia đình như là một lãnh địa riêng. Bà Imelda Marcos chẳng hạn sẽ an toàn nếu bà trở về vùng đất gia đình nơi mà uy quyền của gia đình bà còn cao hơn uy quyền của chính phủ quốc gia.
Và phát triển kinh tế trong những năm gần đây vẫn còn tập trung ở vùng phía Bắc giàu có. Ở những hòn đảo như Leyte, hay tại những thị trấn như Guiuan, đa số dân chúng sống nhờ nghề đánh cá. Trận bão đã cuốn đi cả nhiều trăm tàu đánh cá, một sự mất mát sẽ làm cho đến 80% dân chúng mất đi kế sinh nhai duy nhất.
Trận bão cũng đã đánh gục những vườn dừa vốn là nguồn lợi tức chính thứ nhì của dân chúng khi họ bán cùi dừa để ép làm dầu ăn. Ông thị trưởng Gonzales chỉ cầu xin chính phủ trung ương hay bất cứ ai hãy giúp ngư dân kiếm những tàu đánh cá mới.
Tuy vậy Guiuan đã bắt đầu xây dựng lại cuộc đời. Họ đã bắt đầu dọn dẹp đường sá, chính quyền đã cố gắng mang thực phẩm và nước uống đến cho các làng ở những nơi hẻo lánh. Và ngay cả không có tàu mới, ông ngư dân Michael Garran đã dùng lưới đánh cá mực từ bờ và đem ra ngôi chợ đã mất mái để bán với giá 100 pesos một ký. Và trong ngôi chợ mất mái, ông Benjamin Buenavista, chủ tiệm chạp phô, đã bắt đầu bán gạo và đường từ kho hàng đã bị thấm nước mưa của ông.
Lúc này ông chỉ kiếm được khoảng 3 đến 400 pesos mỗi ngày so với khoảng 3,000 pesos trước đây.
Nhưng họ đã bắt đầu và ông Buenavista vẫn còn lạc quan, “Có lẽ sẽ mất năm năm tôi mới lấy lại được những gì đã mất, nhưng ít nhất tôi vẫn còn sống.”
Tin mới
- Tổng thống Pháp lo việc nước trước chuyện nhà - 15/01/2014 01:34
- Quan hệ Mỹ-Trung gặp thêm sóng gió do vấn đề Biển Đông - 13/01/2014 21:55
- Căn nguyên khủng hoảng chính trị Thái Lan - 06/01/2014 02:01
- Mỹ Quốc: Chỉ Hai Năm Nữa Thôi Sao? - 29/12/2013 02:07
- Nhật Bản: Hòa dịu với Nga để đối phó với Trung Quốc - 23/12/2013 20:29
- Tốt hay Tệ hơn? - 18/12/2013 16:58
- Hiện Tượng Obama - 17/12/2013 18:06
- Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bước đầu của một tiến trình đầy trở ngại - 25/11/2013 02:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2013 - 22/11/2013 23:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-11-2013 - 21/11/2013 23:43
Các tin khác
- Obamacare: Thành Hay Bại? - 16/11/2013 04:05
- Điềm xấu đang xuất hiện tràn lan trên đất nước - 12/11/2013 21:59
- Vì sao Pháp làm căng với Iran trên hồ sơ hạt nhân? - 10/11/2013 23:55
- Tại sao Việt Nam muốn nói khác Trung Quốc trên biển Đông? - 01/11/2013 15:56
- 50 năm sau, bình luận gia Beverly Deep Keever nhận định cuộc lật đổ cố TT Diệm là “sai lầm nguy hiểm” - 29/10/2013 16:52
- Hiến Pháp mới: lãng nhách, giáo điều, lạc hậu - 25/10/2013 05:33
- Mỹ Yên, vùng đất chưa yên! - 19/10/2013 16:55
- Bàn về tẩy não - 17/10/2013 03:13
- Đám tang lớn cuối cùng của chế độ - 16/10/2013 18:32
- Chuyện người dân bắt trói 5 công an - 11/10/2013 16:39