Bình Nhưỡng hung hăng nhưng Bắc Kinh vẫn ủng hộ
- Thứ Ba, 15 tháng Ba năm 2016 20:35
- Tác Giả: RFI
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un xem một đầu đạn tên lửa. Ảnh ngày 15/03/2016.
REUTERS
Bất chấp quyết định trừng phạt nặng nề của Liên Hiệp Quốc, vào hôm nay, 15/03/2016, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lại ra lệnh thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Động thái mới này nằm trong một chuỗi hành vi của Bình Nhưỡng, bị phương Tây đánh giá là khiêu khích từ đầu năm đến nay, những hành vi đã bị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trừng phạt trong một nghị quyết được cả Trung Quốc, đồng minh nặng ký duy nhất, tán đồng.
Phải nói là lần này, Bắc Triều Tiên như càng lúc càng lấn tới bằng ngôn từ hung hăng và những hành động thị uy.
Mệnh lệnh thử đầu đạn hạt nhân đưa ra hôm nay đã tiếp nối theo một lời đe dọa hôm 12/03/2016 : theo đó Bắc Triều Tiên trả đũa mọi cuộc gây hấn bằng một cuộc « chiến tranh chớp nhoáng » để « giải phóng toàn miền Nam Triều Tiên, kể cả Seoul ».
Trước đó hai ngày, Bình Nhưỡng cũng cho bắn thêm hai hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển để thị uy, vài hôm sau khi lớn tiếng đe dọa là sẽ dùng vũ khí nguyên tử để tiêu diệt kẻ thù nếu Mỹ và Hàn Quốc không hủy bỏ kế hoạch tập trận hỗn hợp.
Đỉnh cao của hành vi khiêu khích tuy nhiên là vụ thử nghiệm nguyên tử lần thứ tư được loan báo hôm 06/01, và việc phóng tên lửa đạn đạo một tháng sau đó, vào ngày 07/02, bất chấp các nghị quyết nghiêm cấm của Liên Hiệp Quốc.
Thái độ của Bắc Triều Tiên mà giới phân tích không ngần ngại đánh giá là ngoan cố, đã gây nhiều thắc mắc : Tại sao lại khiêu khích, lại đương đầu với quốc tế, sẵn sàng hứng chịu trừng phạt mà Bình Nhưỡng có thể tránh được ?
Thật ra Bình Nhưỡng muốn gì ? Tính toán của lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải chăng là phải có vũ khí hạt nhân để áp đặt điều kiện ?
Và phải hiểu sao về thái độ của Bắc Kinh đối với đồng minh và đàn em ngỗ nghịch ?
Để tìm hiểu, RFI phỏng vấn ông Mathieu Duchâtel, phó chủ nhiệm Chương Trình Châu Á tại tổ chức Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu ECFR (European Council on Foreign Relations).
Trả lời câu hỏi là lãnh đạo Bắc Triều Tiên thực sự muốn gì, ông Duchâtel nhận định :
MD : Bình Nhưỡng lúc này đang phản ứng chống lại một sự kiện rất cụ thể : Cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Hàn, được tiến hành trên quy mô rất lớn.
Ai cũng thấy đây không phải lần đầu tiên mà giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên lên gân, lên cốt như vây.
Đã có một tiền lệ trước đây, đặc biệt là vào năm 2013, sau cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 3, lúc đó cũng có những cuộc tập trận Mỹ-Hàn, dẫn đến những hành động ra oai, thị uy của Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng tự đặt mình trong tình huống là phải răn đe đối phương, xuất phát từ một tâm lý hoang tưởng - paranoia – thực thụ, (lúc nào cũng thấy mình bị kẻ thù mưu hại) nơi giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Họ luôn cho là các cuộc thao diễn quân sự ở miền Nam thật ra là một mưu đồ của Mỹ và Hàn Quốc, chuẩn bị một cuộc tấn công ngầm vào Bắc Triều Tiên.
Tóm lại, Bắc Triều Tiên đã tìm cách đối phó với điều đó. Có điều điểm khác biệt lần này là lần đầu tiên họ nói đến khả năng tấn công hạt nhân phòng ngừa.
Quả là có sự leo thang rõ rệt trong giọng điệu đe dọa.
Nhưng tôi cho rằng trong một vài tuần lễ nữa, tình hình sẽ lắng dịu trở lại.
RFI : Vấn đề là các cuộc tập trận My-Hàn năm nào cũng diễn ra, nhưng lần này Bắc Triều Tiên lại phản ứng bằng một loạt hành động mà các thủ đô ở phương Tây và cả ở châu Á, đều xem là những hành vi khiêu khích ?
MD : Dĩ nhiên đó là những hành động bị xem như có tính chất khiêu khích, và không thể xem thường những lời đe dọa tấn công hạt nhân để phòng ngừa.
Phải nói là lần này Bắc Triều Tiên còn muốn tỏ phản ứng trước nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, trước việc Hàn Quốc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong, một nguồn thu nhập rất quan trọng đối với Bắc Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nếu được Trung Quốc chấp hành đúng đắn, cũng sẽ gây thiệt hại lớn cho Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ mất mát rất nhiều, chẳng hạn như trong thu nhập đến từ việc xuất khẩu quặng sắt, than…
Bắc Triều Tiên đang trong giai đoạn phải trả giá cho các thử nghiệm hạt nhân, thử nghiệm tên lửa đạn đạo, và cái giá phải trả lần này cao hơn nhiều so với lần thử nghiệm hạt nhân thứ ba trước đây.
RFI : Có một nhân tố mà báo chí cũng nêu lên đó là tính cách cá nhân của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un - một người bị cho là tính khí thất thường, không ai kềm chế nổi. Có thật như vậy không ?
MD : Đây là một điểm rất khó nói vì có rất ít nguồn tin công khai về điểm này.
Có rất ít người đã được tiếp xúc với Kim Jong Un. Ngay cả những người Thụy Sĩ, nơi mà Kim Jong Un đã ở khi còn đi học bên đó, cũng không biết nhiều về ông ta, hoặc là không muốn đề cập đến ông ta.
Nhưng theo tôi, chúng ta hoàn toàn có thể xuất phát từ nguyên tắc theo đó cách hành xử mang tính chất chiến thuật của Bắc Triều Tiên có một tính hợp lý nào đó, tức là họ không tiến xa đến mức tạo ra một cuộc chiến tranh, vì lẽ một cuộc chiến sẽ phá hủy chế độ và bản thân Kim Jong Un.
Thế nhưng đồng thời tôi nghĩ là bản thân Kim Jong Un còn thiếu cách suy nghĩ hợp lý.
Vào năm 2012, trước khi cho thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, ông ta đã đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Triều Tiên, nhất là vốn từ Trung Quốc, bỏ phí cơ hội giúp ích nhiều hơn cho việc phát triển đất nước.
Và bây giờ, với vụ thử nghiệm lần thứ tư, cơ hội vốn đã có ba năm trước đây, ngày nay kể như đã tiêu tan.
RFI : Với lập trường mới của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, một nước ngày càng bị cô lập, có thể đi về đâu sau một hành động đã khiến họ mất đi nguồn hỗ trợ cuối cùng ?
MD : Một câu hỏi lớn trong nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc, với điều có thể gọi là « gói » trừng phạt mới, là vấn đề miễn trừ vì lý do nhân đạo mà Trung Quốc đã đặt ra.
Người ta thấy rõ là Trung Quốc đã cố gắng đưa ngành xuất khẩu quặng sắt và than của Bắc Triều Tiên vào diện được miễn trừ nhân đạo.
Điểm then chốt theo tôi chính là phạm vi áp dụng của khái niệm miễn trừ nhân đạo đó. Liệu ta có thể nói là ngành xuất khẩu than của Bắc Triều Tiên mang tính chất nhân đạo hay không, vì thu nhập từ xuất khẩu được dùng cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước, chống nạn suy dinh dưỡng nơi trẻ em ?
Chúng ta không có phương tiện kiểm tra xem nguồn thu nhập đó được phân bổ ra sao...
Chính vì những lỗ hổng đó mà khó có thể chắc chắn là nghị quyết Liên Hiệp Quốc sẽ được thực thi nghiêm túc.
RFI : Thế người ta biết gì về quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ? Có gì được tiết lộ hay không ?
MD : Sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, thì đã có những trao đổi, những cuộc tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao, các đại sứ, nhưng không có những cuộc viếng thăm song phương trong ba năm, mãi cho đến cuộc viếng thăm vào tháng 10 năm ngoái của một thành viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Theo tôi, sự gián đoạn 3 năm đó đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách Bắc Triều Tiên của Trung Quốc, vì chưa bao giờ Bắc Kinh đi xa như thế.
Không những thế, trong khi lạnh nhạt với Bình Nhưỡng, cùng lúc Trung Quốc và Hàn Quốc lại xích lại gần nhau, một động thái mang tính biểu tượng và chính trị rất cao.
Một ví dụ điển hình là tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã có mặt tại Bắc Kinh để dự lễ diễn binh vào tháng 9 năm ngoái, trong khi mà lẽ ra Bắc Triều Tiên phải có mặt, nếu ta căn cứ vào lịch sử, chẳng hạn như trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên, hay cuộc kháng chiến chống Nhật.
Câu hỏi tôi đặt ra về quan hệ Bắc Triều Tiên-Trung Quốc, là đối với Bắc Kinh, liệu việc cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng có nằm trong lợi ích của Trung Quốc hay không.
Tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ thực thi nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc để gây sức ép mạnh lên Bắc Triều Tiên.
Vả lại, Trung Quốc cũng đang tìm cách khởi động trở lại vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Related news items:
Tin mới
- Đảng Cộng Hòa trong cơn khủng hoảng năm 2016 - 31/03/2016 23:15
- Mỹ chuẩn bị kỹ càng hơn Âu Châu để đối phó với khủng bố - 25/03/2016 22:29
- Nga đương đầu với thánh chiến từ Syria trở về - 25/03/2016 05:39
- Từ Kennedy tới Obama, một nửa thế kỷ liên lạc ngầm với Cuba - 23/03/2016 20:17
- MÙA ĐẢO CHÍNH ĐÃ BẮT ĐẦU - 23/03/2016 16:20
- Bắc Kinh bắt bí Mỹ để Hội Đồng Bảo An giảm trừng phạt Bình Nhưỡng - 22/03/2016 18:47
- Chính sách xuyên suốt của Barack Obama : Đối thoại hiệu quả hơn quân sự - 21/03/2016 16:11
- Hệ Thống Siêu Quyền Lực tại Hoa Kỳ - 20/03/2016 02:36
- Khủng bố Paris : Bốn tháng đào tẩu của nghi can số một - 19/03/2016 23:01
- Số phận Syria trong tay Nga, Mỹ - 15/03/2016 22:43
Các tin khác
- Bình Nhưỡng đã có đầu đạn hạt nhân thu nhỏ ? - 12/03/2016 17:14
- Năm năm sau Fukushima, Nhật tìm cách tránh tái diễn thảm họa - 10/03/2016 19:19
- Châu Âu làm được gì để chống Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông ? - 07/03/2016 19:21
- Vị thẩm phán tối cao thứ chín - 07/03/2016 03:44
- Mỹ thay đổi chiến lược và những biến loạn - 27/02/2016 20:52
- Giới chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả trừng phạt Bắc Triều Tiên - 27/02/2016 19:19
- Bầu cử Iran: Cuộc trắc nghiệm cho chính sách mở cửa - 26/02/2016 23:31
- Hưu chiến tại Syria : Cả Nga lẫn Mỹ đều hoài nghi về hiệu quả - 26/02/2016 23:22
- Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, Việt Nam phô trương sức mạnh quân sự - 22/02/2016 18:17
- CỬ TRI MỸ GỐC VIỆT NÊN CHỌN LỰA AI TRONG CUỘC BẦU TỔNG THỐNG LẦN NÀY ? - 21/02/2016 20:57