Bỏ tù Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình thêm thù bớt bạn
- Thứ Sáu, 12 tháng Sáu năm 2015 16:08
- Tác Giả: Thanh Phương
Cựu bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân tại Thiên Tân ngày 11/06/2015 - REUTERS /CCTV via REUTERS TV
Với việc diệt trừ cựu bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người vừa bị kết án tù chung thân ngày 11/06/2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa bao giờ giáng một đòn mạnh như thế trong chiến dịch chống tham nhũng do ông phát động.
Nhưng khi làm như vậy, có nguy cơ là lãnh đạo chế độ Bắc Kinh sẽ thêm thù bớt bạn, trong một Đảng Cộng sản mà từ bao năm qua vẫn thường xuyên diễn ra các cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ khốc liệt.
Như nhận xét của tờ Hoàn Cầu Thời Báo số ra ngày hôm nay, nguyên là lãnh đạo bộ Công an, một cơ quan có tính chất thiết yếu trong một chế độ công an trị như Bắc Kinh, và từng là uỷ viên ban thường vụ Bộ Chính trị, ông Chu Vĩnh Khang như vậy là nhân vật cao cấp nhất bị « ngả ngựa » trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trả lời hãng tin AFP, một giáo sư khoa chính trị tại trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhắc lại rằng trước đây giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn có thỏa thuận ngầm với nhau là không đụng đến nhân vật nào trong ban thường vụ Bộ Chính trị. Nay thỏa thuận này đã bị phá vỡ.
Nếu như việc một trong những nhân vật có thế lực nhất của chế độ Bắc Kinh bị hạ bệ như vậy làm hài lòng một bộ phận lớn người dân Trung Quốc, thì việc giới lãnh đạo nước này công khai đấu đá với nhau, tố nhau ăn hối lộ và biển thủ công quỹ càng để lộ hình ảnh của một đảng cầm quyền thối nát.
Nên nhớ rằng 86 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là cái sườn của bộ máy chính trị-hành chính, cũng như của ban lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước. Do từ hai năm qua, rất nhiều cán bộ đã bị kỷ luật, bị cách chức, bị bỏ tù, cho nên bộ máy này gần như đang bị tê liệt.
Theo các số liệu chính thức, năm ngoái đã có 232.000 đảng viên bị kỷ luật và 12.000 người bị đưa ra tòa, nhiều bí thư tỉnh ủy, nhiều lãnh đạo các vùng và các thành phố bị mất chức, chưa kể khoảng 50 lãnh đạo hàm thứ trưởng hoặc cao hơn.
Như nhận định của ông Willy Lam, chuyên gia về Trung Quốc tại Hồng Kông, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã gây thù chuốc oán cho nhiều người.
Lý do là vì ngoài bộ máy an ninh như trong trường hợp của Chu Vĩnh Khang, chủ tịch Trung Quốc còn tấn công vào cả quân đội, trụ cột của chế độ, với nhiều tướng lãnh đang chờ ngày ra tòa, sau khi nhiều vụ hối lộ, mua quan bán chức bị phanh phui.
Trong thời gian qua vẫn thường xuyên có những tin đồn về một âm mưu lật đổ chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như trước đây đã từng có tin đồn về việc Chu Vĩnh Khang liên kết với Bạc Hy Lai để ngăn không cho ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo tối cao.
Cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu ủy viên Bộ Chính trị cũng đã bị kết án tù chung thân vào năm 2013 vì tội tham nhũng, trong một vụ tai tiếng làm mất uy tín chế độ Bắc Kinh, sau vụ vợ của ông sát hại một doanh nhân người Anh.
Vấn đề hiện giờ là vây cánh của ông Tập Cận Bình có đủ mạnh để có thể tiếp tục diệt trừ các đối thủ và củng cố quyền lực cá nhân hay không ?
Một nhà trí thức Trung Quốc, vẫn theo dõi sát hậu trường, lưu ý rằng, ngoài ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, không biết là ông Tập Cận Bình còn có một đồng minh vững chắc nào khác.
Là cao điểm của chiến dịch chống tham nhũng, vụ kết án tù Chu Vĩnh Khang có thể đánh dấu việc giảm bớt cường độ của chiến dịch này. Một số nhà phân tích nhận xét rằng dường như là các nỗ lực chống tham nhũng đang chậm lại.
Tin mới
- GREXIT : Thiệt hại nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone - 24/06/2015 02:43
- Đàng sau các cuộc chiến bí hiểm của Mỹ - 23/06/2015 19:07
- Biển Đông : Vì sao Trung Quốc dịu giọng ? - 23/06/2015 15:03
- Đối mặt với làn sóng di dân, Liên Hiệp Châu Âu ngăn đường chận biển - 22/06/2015 18:46
- Hồng Kông : Trung Quốc dùng « quần chúng » để chống phe Dân chủ - 20/06/2015 15:45
- Châu Âu đau đầu vì thanh niên tham gia thánh chiến - 18/06/2015 14:57
- Đọc Báo Mỹ - 17/06/2015 16:06
- Biển Đông sẽ lại khuấy động hợp tác Việt-Trung - 16/06/2015 22:15
- Giải trừ hạt nhân nhưng canh tân vũ khí - 15/06/2015 18:16
- Du lịch Trường Sa : Sáng kiến thận trọng nhưng hàm chứa rủi ro - 15/06/2015 16:12
Các tin khác
- Bà Hillary Gặp Nạn - 11/06/2015 22:43
- Quan hệ Trung-Miến : Bắc Kinh dùng Suu Kyi để dằn mặt Thein Sein - 11/06/2015 15:55
- Nga : Tương lai đen tối của các tổ chức phi chính phủ - 06/06/2015 17:08
- Việt Nam kín đáo hiện đại hóa không lực để bớt lệ thuộc Nga - 06/06/2015 02:42
- Tranh chấp Biển Đông sẽ làm bùng nổ Thế chiến Thứ ba? - 05/06/2015 00:51
- FIFA: Đã đến lúc phải cải tổ cơ chế - 04/06/2015 17:59
- Kẻ mê tiền, người ham quyền, hình ảnh FIFA tan vỡ - 31/05/2015 23:53
- Khủng hoảng thuyền nhân, khủng hoảng ASEAN ? - 31/05/2015 23:06
- Hình ảnh Liên đoàn bóng đá quốc tế FIFA tan vỡ - 30/05/2015 14:35
- Quốc tế thất vọng về Aung San Suu Kyi trong hồ sơ thuyền nhân Rohingya - 29/05/2015 18:40