Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kim Jong Un chuẩn bị « thi trắc nghiệm » ngoại giao

kim jong un 15



Lãnh đạo BTT Kim Jong-un trong một chuyến thị sát bộ chỉ huy không quân của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.REUTERS/KCNA

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã nhận lời mời của Tổng thống Putin đi thăm nước Nga nhân 70 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến.

Cuộc « thử lửa ngoại giao » đầu tiên của Kim Jong Un sau ba năm cầm quyền, do vậy, đã được giới phân tích quan sát từng chi tiết một.

Nhân vật thừa kế chế độ toàn trị khép kín nhất địa cầu có lẽ chọn Matxcơva để cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh và để đối đầu với anh em thù địch phương nam.

Nếu vào ngày 09/05 tới đây Kim Jong Un tham dự lễ duyệt binh tại thủ đô nước Nga nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đức Quốc Xã thì đây sẽ là một sự kiện quan trọng đối với chế độ Bình Nhưỡng.

Vào thời điểm này, nhiều nhân vật quan trọng có ảnh hưởng đến vận mệnh thế giới sẽ có mặt tại Matxcơva như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quốc gia đồng minh chính yếu của chế độ khép kín ở Bắc Triều Tiên.

Ngày 28.01 vừa qua, điện Kremli xác nhận Kim Jong Un đã nhận lời mời sang Matxcơva. Trong số khách mời còn có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.

Tuy nhiên, theo giới phân tích trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Nga vì hồ sơ Ukraina, Tổng thống Mỹ có thể sẽ từ chối. Lãnh đạo Hàn Quốc mà Bình Nhưỡng xem là kẻ thù chưa trả lời dứt khoát.

Dù vậy, theo AFP, mọi cuộc gặp gỡ giữa Kim Jong Un với một nhà lãnh đạo quốc tế sẽ có ý nghĩa biểu tượng. Hội đàm Kim-Putin sẽ là thượng đỉnh đầu tiên của nhân vật thừa kế chế độ được xem là triều đại cộng sản cha truyền con nối có một trong hai trong lịch sử.

Đối với Trung Quốc của Tập Cận Bình, quan hệ Bình Nhưỡng-Bắc Kinh có vẻ lạnh nhạt.
Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc đã đi thăm thủ đô tư bản Seoul thay vì sang Bình Nhưỡng xã hội chủ nghĩa.

Theo nghi lễ ngoại giao, Tổng thống Nga sẽ tiếp khách mời Kim Jong Un nhưng không rõ lãnh đạo Bình Nhưỡng có muốn diện kiến Chủ tịch Trung Quốc hoặc ông Tập Cận Bình có muốn gặp cháu nội Kim Nhật Thành tại thủ đô nước Nga hay không.

Giới phân tích cũng không đồng ý với nhau về lý do thúc đẩy Kim Jong Il nhận lời mời sang thăm liên bang Nga năm 2015 này trong khi suốt ba năm qua không dám đi ra nước ngoài.

Một số nhà bình luận đưa ra giả thuyết Kim Jong Un tự thấy chưa đủ bản lĩnh trên trường quốc tế nên tập trung « bình định » tình hình nội bộ trước đã mà một trong những sự kiện được biết đến là xử tử người dượng rể nhiếp chính vương.

Một số khác thì nghĩ rằng Kim Jong Un thủ tang ba năm nên không đi công du.
Thật sự thì lãnh đạo triều đại họ Kim ít đi ra ngoài. Kim Nhật Thành chỉ quanh quẩn các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) sợ đi máy bay.

Chuyến công du Liên bang Nga vào tháng Năm năm nay có thể xem là một động thái của Bình Nhưỡng muốn giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi Matxcơva liên tục bắn tín hiệu muốn trợ giúp Bình Nhưỡng qua dự án xây đường xe lửa đổi lấy tài nguyên thiên nhiên đến 20 tỷ đôla.

Theo giáo sư Andrei Lankov, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc đại học Kookmin, Seoul, Kim Jong Un có lẽ theo gương ông nội, trong hai thập niên 1970 và 1980, dùng lá bài Matxcơva để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Kim Nhật Thành đã được hai nước lớn hỗ trợ rất nhiều mà không tốn kém gì để đền đáp lại.
Bài học ngoại giao này chắc chắn sẽ được Kim Jong Un suy nghiệm và áp dụng lại để cứu nguy cho chế độ.

Về phần Nga, do căng thẳng giữa Nga và Tây phương sẽ kéo dài nên Tổng thống Putin tìm bạn mới kể cả những nước bị cô lập.
Một yếu tố khác, quan trọng không kém, nhưng ít được để ý đó là quyết tâm thống nhất đất nước của Hàn Quốc bằng vũ khí kinh tế, thương mại và văn hóa.

Ngày 19/01 vừa qua, Seoul công bố chính sách ba điểm mà năm 2015 là năm mở đầu « kỷ nguyên ».
Đào tạo nhân lực chuẩn bị thống nhất, đề nghị mở tuyến tàu hỏa nối liền hai miền nam bắc theo đề án đường sắt xuyên Siberia của Nga, cải thiện đời sống nông thôn miền bắc, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em , bảo vệ môi trường và hợp tác nghệ thuật văn hóa với miền bắc.

Hơn ai hết, Bình Nhưỡng thấy rõ chiến lược công tâm này đánh thẳng vào những nhược điểm của chế độ khép kín.


Switch mode views: