Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-05-2013
- Thứ Sáu, 17 tháng Năm năm 2013 19:52
- Tác Giả: Minh Anh
Châu Âu cũng tràn ngập các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc
Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu;
Ảnh: European Commission
Thị trường châu Âu cũng tràn đầy các sản phẩm độc hại của Trung Quốc, kinh tế Nhật hồi phục, làn sóng di dân do biến đổi khí hậu làm Ấn Độ đau đầu và phản ứng của các báo Paris sau buổi họp báo của Tổng thống Pháp François Hollande hôm qua là những chủ đề thời sự chính trên các báo Pháp hôm nay.
Theo bản tổng kết Rapex của Ủy ban châu Âu, hơn 58% sản phẩm không phải là thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc được cho là quá nguy hiểm cho người tiêu dùng trong khu vực.
Điều đáng ngại là số lượng các mặt hàng nguy hại này du nhập vào châu Âu đã tăng lên nhiều trong năm 2012. Chủ đề này được báo Les Echos quan tâm đến qua bài viết đề tựa « Trung Quốc xuất khẩu ngày càng nhiều các sản phẩm nguy hiểm vào châu Âu ».
Mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp chỉ cần một cú đấm nhẹ là có thể bể làm đôi, ổ cắm điện nối dài có thể phát hỏa, phao tắm cho trẻ nhỏ có thể hãm trẻ dưới nước ngay khi đứa bé xoay mình, hay như các dây áo quần có thể trở thành nút thắt trên cổ một bé gái và còn nhiều món đồ khác nữa là những gì mà các quan chức thuộc Ủy ban châu Âu đã cho trưng bày trong các lối đi ngay trong trụ sở tại Bruxelles.
Đối với Les Echos, quang cảnh buổi trưng bày các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc ngày hôm qua giống như là một viện bảo tàng cho các loại sản phẩm kinh hãi.
Đó cũng chính là bộ sưu tập gồm 2.278 mặt hàng nguy hiểm được tìm thấy và được báo động trên các thị trường châu Âu.
Les Echos cho biết hàng năm Ủy ban châu Âu đưa ra bản tổng kết từ hệ thống Rapex, một hệ thống cho phép xác định và rút ra khỏi thị trường các sản phẩm không thuộc loại mặt hàng dinh dưỡng được đánh giá là nguy hiểm.
Theo các quan chức thuộc Rapex, trong năm 2012, số lượng sản phẩm nhiều rủi ro nhập vào châu Âu đã tăng lên 26% so với năm 2011.
Trong đó các mặt hàng may mặc (34%) và đồ chơi (19%) được cho là chứa đựng nhiều mối nguy hiểm nhất. Trong đó, mối nguy chủ yếu đến từ các sản phẩm có chứa hóa chất độc hại.
Người tiêu thụ tại Pháp hẳn không quên vụ một kiểu ghế bành trong phòng khách đã bị rút khỏi thị trường châu Âu cách đây hai năm do có chứa nhiều chất bảo quản độc hại, gây ra nhiều triệu chứng dị ứng nghiêm trọng.
Thế nhưng, theo Les Echos, do hiện nay mối quan hệ thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc đang trong giai đoạn căng thẳng sau vụ châu Âu sẽ áp thuế nhập khẩu lên mặt hàng pin năng lượng mặt trời.
Vì vậy, ông Tonio Borg, ủy viên châu Âu phụ trách mảng tiêu thụ, không muốn châm thêm dầu vào lửa.
Ông có vẻ xoa dịu khi cho rằng 2.278 sản phẩm bị liệt vào danh mục các sản phẩm nguy hiểm, cũng phản ảnh phần nào cho thấy « khối lượng trao đổi mậu dịch khổng lồ giữa hai khu vực ».
Để trấn an người tiêu thụ trong khu vực, Châu Âu khẳng định đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với chính quyền Bắc Kinh. Bruxelles vẫn thường xuyên báo động đến các nhà sản xuất Trung Quốc ngay khi phát hiện có vấn đề.
Thế nhưng, theo một nguồn tin từ Ủy ban châu Âu thì phía Trung Quốc thường xuyên phủi bỏ trách nhiệm. Họ lập luận rằng Trung Quốc chỉ là công xưởng gia công cho các tập đoàn lớn của châu Âu. Và những tập đoàn đó còn chịu trách nhiệm về mặt thiết kế.
Les Echos công nhận rằng cũng không phải Bắc Kinh người chịu trách nhiệm chính. Bởi vì, có đến 11% sản phẩm nguy hiểm được nhận dạng có xuất xứ không rõ ràng. Như vậy, để có thể cứu vãn vấn đề này, Bruxelles đã đưa ra một chương trình cải cách như triển khai gắn nhãn mác nước xuất xứ cho đa phần các sản phẩm.
Kinh tế Nhật tăng trưởng trở lại
Phải chăng một loạt các biện pháp kinh tế do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đưa ra bắt đầu đơm hoa kết trái ?
Theo số liệu thống kê công bố hôm qua, tổng sản phẩm nội địa GDP của Nhật trong quý I năm nay đã tăng lên 0,9%, so với quý IV của năm 2012.
Nếu tính theo nhịp độ hàng năm, mức tăng này tương đương với sự tăng trưởng ổn định là 3,5%.
Theo một số báo Pháp, « liệu sự hồi phục của nền kinh tế Nhật có thể là một bài học cho châu Âu noi theo ? ».
Les Echos giải thích rằng mức tăng trưởng này có được là nhờ vào kim ngạch xuất khẩu trong ba tháng đầu năm đã tăng lên 3,8%, chủ yếu là các mặt hàng xe ô-tô và máy móc vào thị trường Hoa Kỳ và nhờ vào sự ổn định của tiêu thụ nội địa.
Chi tiêu các hộ gia đình trong quý I đã tăng lên 0,9%. Tờ báo cho rằng mức chi tiêu hộ gia đình tăng lên có lẽ một bộ phận dân chúng, nhất là các thành phần khá giả đã tạo ra được sự giàu có do chỉ số chứng khoán tại Tokyo tăng vọt ngoạn mục.
Chỉ số Nikkei của Nhật đã tăng lên 70% kể từ tháng 11 năm rồi. Và mức tiêu thụ các mặt hàng sản phẩm cao cấp trong các cửa hàng lớn cũng đã vọt lên đáng kể.
Thế nhưng, nếu như sự năng nổ trong kinh tế của chính quyền và sự khởi sắc của thị trường chứng khoán đã tạo ra tác động tích cực lên các hộ gia đình, thì ngược lại các doanh nghiệp dường như vẫn còn hoài nghi.
Đầu tư trong ba tháng đầu năm tụt 0,7%. Các doanh nghiệp cũng chưa dám tăng lương hay tuyển dụng thêm người.
Về mặt sổ sách, việc hạ giá đồng yên trước các đồng ngoại tệ khác đã thổi phồng mức thu nhập doanh nghiệp. Do đó, họ nhận thấy rằng chưa nhất thiết phải tăng năng suất doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhu cầu nội địa có vẻ như khởi sắc nhưng khách hàng châu Âu vẫn còn trong tình trạng suy thoái. Trung Quốc thì đang trong giai đoạn phức tạp và sự hồi phục tại Hoa Kỳ cũng chỉ vừa mới bắt đầu.
Đối với một chuyên gia kinh tế tại Nhật Bản, « Chính phủ không thể nào trông đợi nhu cầu nước ngoài trở thành đầu tàu mạnh cho tăng trưởng »
Hiện tại, Thủ tướng Shinzo Abe đang nắm trong tay ba con át chủ bài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hai lá bài đầu tiên là gia hạn ngân sách dành cho đầu tư công và thực hiện chính sách tiền tệ để thúc đẩy các hoạt động kinh tế đã được ông đưa ra. Giờ chỉ còn con át cuối cùng là nới lỏng các quy định và tăng cường chính sách thuế khóa.
Tuy nhiên, Les Echos cho rằng lá bài này ông Shinzo Abe khó có thể thuyết phục được dân chúng.
Ấn Độ đau đầu trước bài toán di dân do biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, phía đông bắc Ấn Độ thường xuyên xảy ra những trận lũ lụt lớn, gây thiệt hại nhiều về người và của.
Đối với báo Le Monde, hiện tượng biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và việc xây dựng ồ ạt các công trình cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Brahmaputra, bắt nguồn từ Tây Tạng sẽ còn tạo ra nhiều trận lũ tàn phá nghiêm trọng hơn nữa.
Theo tờ báo hơn 1/4 dân số Ấn Độ phải di dời chỗ ở do thảm họa thiên nhiên xảy ra vào năm 2012 tại miền đông bắc Ấn Độ.
Vấn đề là sự di dời đó xảy ra một cách tuần hoàn. Le Monde cho biết bang Assam, nằm ngang dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) và nơi có Brahmaputra, một trong những con sông lớn nhất châu Á chảy qua thường xuyên hứng chịu nhiều trận lũ lớn. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên đến mức chính phủ Ấn Độ phải bổ nhiệm một công chức chuyên trách về thảm họa thiên nhiên.
Tờ báo cho biết lượng mưa dày đặc trong năm 2012 đã khiến 9 triệu dân phải đi di tản.
Còn theo thống kê từ Bộ Tài nguyên, hàng năm có gần 2.000 sinh mạng bị nước cuốn trôi. Nhiều vùng diện tích đất ở hai bên bờ sông Brahmaputra bị sạt lở nghiêm trọng.
Các chuyên gia e ngại rằng dưới tác động của việc phá rừng ở hai bên bờ sông, hiện tượng trái đất ấm dần và việc xây dựng cơ sở hạ tầng gần với dòng sông Brahmaputra, các trận lũ lớn có lẽ sẽ dữ dội hơn trong những năm sắp tới, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu dân cư.
Trước tình hình lũ lụt ngày thêm trầm trọng, một nhiệm vụ khổng lồ đang đè nặng lên vai chính quyền Ấn Độ : gia cố và tái điều chỉnh lại kích cỡ nhiều đập chắn nằm dọc theo sông Brahmaputra.
Một giải pháp khác cũng được đề ra đó là đào thêm các kênh và hồ chứa nước dọc theo hai bờ sông để hút dòng chảy, trữ nước và hạn chế nguy cơ có các trận lũ có sức tàn phá lớn.
Tuy nhiên, Le Monde nhận thấy phạm vi để thực hiện rất hạn chế. Ấn Độ không thể một mình điều chỉnh lưu lượng dòng chảy, vốn bắt nguồn từ Tây Tạng, Trung Quốc. Mặt khác, chỉ cần một chút can thiệp vào dòng sông này cũng làm thay đổi hướng và lưu lượng, sự lưu thông của lớp trầm tích và nhất là dòng chảy trên thượng nguồn. Do đó, Ấn Độ khó có thể mà kiểm soát được sự tràn bờ, bởi vì vào mùa mưa, dòng sông này có thể đổ gần 50.000 m3 nước/ giây.
Tổng thống Pháp kiên trì với đường lối chính sách của mình
Về thời sự nước Pháp, buổi họp báo hôm qua, 16/05/2013, của Tổng thống Pháp François Hollande tại điện Elysée đương nhiên là tâm điểm thời sự trên các báo Pháp hôm nay.
Nhìn sơ qua tít lớn trên các trang nhất, độc giả có thể nhận thấy hai phản ứng trái chiều nhau của làng báo Paris : hy vọng và thất vọng.
Trong suốt buổi họp báo hôm qua, ông Hollande đã cho thấy rõ viễn cảnh của năm hành động thứ hai trong nhiệm kỳ năm năm của mình. « Kiên quyết không cải tổ nội các » là nhận định chung của nhiều báo.
Tuy nhiên, các báo cũng nhận thấy là hành vi, cử chỉ và giọng nói của ông Hollande trong lần họp báo này có phần cương quyết hơn.
Nhật báo thiên tả Libération đánh giá cao buổi họp báo hôm qua. Tờ báo dí dỏm ví ông Hollande như là « Binh sĩ năm II » và nhận định rằng buổi nói chuyện đã rất thành công.
Ông đã « hồi phục phần nào vị thế của mình trên cương vị Tổng thống và châu Âu ». Hôm qua, ông đã « sửa chữa hình ảnh bị sứt mẻ của mình ». Tờ báo cũng khen ngợi rằng Tổng thống đã biết « cố gắng thuyết phục » người dân rằng « ông chính là người quyết định theo như chức năng yêu cầu ».
Ngược lại, nếu như Libération xem Hollande như là một binh sĩ thật thụ, thì Le Figaro lại so sánh ông như là những binh sĩ trên các sàn kịch nhỏ.
Tờ báo chán chường chạy tít lớn trên trang nhất « Hollande chẳng thay đổi gì cả » và chỉ trích rằng ông Hollande dường như đang tự mãn. « François Hollande lấy làm hài lòng lắm về vị Thủ tướng của mình. Và ông sẽ chẳng thay đổi gì hết. Ông ta khá hài lòng về bộ máy chính quyền của mình, và ông ta sẽ không tiến hành bất cứ một cải tổ nội các nào trong trước mắt. Nhất là ông lấy làm tự hào lắm về đường lối chính sách của mình ».
Đối với Le Figaro, lời hứa hẹn của Tổng thống làm cho người ta nghĩ đến những chú lính trên sàn kịch, không ngừng hô vang « Bước đều! Bước !» nhưng thực tế là chẳng ai thèm nhúc nhích cả.
Đổi lại nhật báo công giáo La Croix lại ví Tổng thống Pháp như một võ sĩ nhu đạo. Bởi vì trong nhu đạo, kẻ yếu thường dùng lực từ kẻ mạnh phát ra để quật ngược lại đối thủ. Từ hình ảnh đó, tờ báo dẫn lại lý giải của Tổng thống Pháp cho rằng « nước Pháp hiện đang trong giai đoạn suy thoái. Như vậy thế yếu đó lại là cơ hội cho Pháp để bật dậy trở lại ».
Có lẽ thất vọng nhiều nhất là tờ nhật báo cộng sản l’Humanité. Đăng hình Tổng thống đi trong điện Elysée nét mặt hơi căng thẳng, tờ báo đưa tít « Chính sách khắc khổ : năm II ».
Bài xã luận tờ báo than thở rằng « Những tưởng cử tri cánh tả từng mơ ước có một tương lai khác khi quét đuổi khỏi chính quyền băng đảng Fouquet’s ».
Ở đây, tờ báo muốn nhắc lại sự việc cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã ăn mừng kết quả thắng cử năm 2007 tại nhà hàng sang trọng bậc nhất tại Paris. Sự việc gây nhiều tranh cãi trong giới chính trường Pháp vào năm đó.
Do cảm thấy rất thất vọng trước những hứa hẹn của Tổng thống François Hollande, nên báo L’Humanité chỉ còn biết hy vọng rằng « cầu sao cho năm thứ hai của nhiệm kỳ, việc huy động dân chúng có thể thay đổi được cục diện ».
Related news items:
Tin mới
- Bùn đỏ Bauxite vùi chủ trương lớn của Đảng - 18/05/2013 23:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-05-2013 - 18/05/2013 22:52
- Pháp : luật hôn nhân đồng tính chính thức có hiệu lực - 18/05/2013 22:17
- Foxconn : thêm 3 người nhảy lầu tự sát - 18/05/2013 18:31
- Quốc phòng : Nga ưu ái Việt Nam và nghi ngại Trung Quốc - 18/05/2013 17:04
- Việt Nam, Nga và Belarus tăng cường hợp tác sản xuất vũ khí - 18/05/2013 16:57
- Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Assad phải từ chức ! - 17/05/2013 21:04
- Từ 2011, FSB đã khuyến cáo CIA ngưng tuyển mộ gián điệp Nga - 17/05/2013 20:55
- Seoul: Bắc Triều Tiên có hơn 200 dàn phóng tên lửa - 17/05/2013 20:39
- Trung Quốc : Một nữ triệu phú đôla bị kết án tử hình - 17/05/2013 20:32
Các tin khác
- Mỹ yêu cầu Việt Nam trả tự do lập tức cho Phương Uyên và Nguyên Kha - 17/05/2013 19:32
- Bom tự sát ở Kabul giết chết 15 người, trong đó có người Mỹ - 17/05/2013 04:58
- Đảng sang Mỹ tìm hiểu về dân chủ? - 17/05/2013 00:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-05-2013 - 16/05/2013 22:51
- Đem rác thải phóng xạ từ Trung Quốc đổ ở nước ngoài ? - 16/05/2013 20:20
- Chiến hạm Đài Loan thị uy trên biển Philippines - 16/05/2013 20:10
- Xưởng giầy Cam Bốt sập : 3 người chết - 16/05/2013 20:02
- Kênh truyền hình Việt Nam K+ ngưng phát các đài nước ngoài - 16/05/2013 16:14
- Cốc Cốc : Nga muốn lật đổ Google tại Việt Nam - 16/05/2013 15:59
- Hai sinh viên Việt chống Trung Quốc bị án tù về tội "chống nhà nước" - 16/05/2013 15:49