Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bất đồng về hiệp định thương mại RCEP của Trung Quốc

apec 01

Bộ trưởng Thương Mại các nước tham gia RCEP họp tại Hà Nội, Việt Nam ngày 22/05/2017.
REUTERS/Kham

Các nước châu Á trong cuộc họp APEC hôm nay 22/05/2017 tại Hà Nội bất đồng ý kiến về hiệp định thương mại RCEP do Trung Quốc chủ trương, khiến mục tiêu đi đến thỏa thuận vào cuối năm nay khó thể đạt được.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm thành lập một khu vực tự do mậu dịch trên 3,5 tỉ người, gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zealand và 10 nước ASEAN.

Việc thương lượng RCEP bắt đầu từ năm 2012, đã tạo nên động lực mới sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên các viên chức tham gia nói rằng mục tiêu kết thúc cuộc thương thuyết vào cuối năm nay khó thể đạt được, vì có những bất đồng trên nhiều vấn đề.

Đặc biệt Ấn Độ còn lưỡng lự, không muốn bỏ những sắc thuế hải quan chủ yếu có thể làm giảm thu nhập và vị thế cạnh tranh đối với Trung Quốc. Đây là trở ngại lớn nhất trong cuộc thương lượng hôm nay.

Mục tiêu chính của RCEP là giảm thuế hải quan, cho dù không cắt giảm bằng 0 như TPP.

 Dịch vụ và kinh tế kỹ thuật số ít được chú ý so với các thỏa thuận khác, và không có việc bảo vệ quyền của người lao động hay môi trường.
Các điều khoản về tự do di chuyển cũng là một trong những điểm bất đồng.

Cuộc họp hôm nay ở Hà Nội diễn ra sau khi bộ trưởng Thương Mại các nước APEC gặp gỡ lần đầu vào cuối tuần qua, từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển hướng sang chủ trương « Nước Mỹ trước hết ».

Hội nghị hôm qua không đưa ra được thông cáo chung vì Hoa Kỳ bác bỏ từ ngữ « chủ nghĩa bảo hộ » trong văn bản, tương tự như trong hội nghị G20 và G7 trước đây.
 Chỉ có một thông cáo do chủ tịch hội nghị Trần Tuấn Anh đưa ra, và một « thông cáo hành động » riêng rẽ.

Các nước thành viên TPP, trong đó không có Trung Quốc, đã thỏa thuận bên lề hội nghị là vẫn tiếp tục mục tiêu dù Hoa Kỳ đã rút ra, do Washington nay chủ trương thương lượng song phương với từng nước.
Một quốc gia vẫn có thể là thành viên của cả hai hiệp định RCEP và TPP, nhưng sự vắng mặt của Hoa Kỳ khiến tương lai của TPP trở nên bất định.

Về phía RCEP với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh và dự án « Một vành đai, Một con đường » có thể giúp Trung Quốc có được vai trò thống trị, trước sự rút lui của Mỹ.

Thụy My

Switch mode views: