Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hoa Kỳ bị chỉ trích thiếu vai trò lãnh đạo trong hồ sơ Syria

SYRIA-TALKS 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (T), đồng nhiệm Mỹ John Kerry (G) và đặc phái viên LHQ về hồ sơ Syria, Staffan de Mistura, trong cuộc họp báo tại Munich, Đức, 12/02/2016
REUTERS/Michael Dalder

Trước tình hình cuộc chiến ở Syria gia tăng cường độ và ngày càng bị quốc tế hóa, Hoa Kỳ bị chỉ trích là thiếu vai trò lãnh đạo, đã không ngăn cản được đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích vào lực lượng Kurdistan ở Syria và nhất là đã để mặc cho Nga tung hoành ở nước này.

Đối với những người chỉ trích ông, tổng thống Obama đã sai lầm khi từ chối can thiệp ồ ạt vào Syria, chỉ vì thực hiện đúng cam kết khi ông tái đắc cử năm 2008, đó là rút Hoa Kỳ ra khỏi các xung đột ở Trung Đông, để tập trung thực hiện chính sách « xoay trục » sang châu Á-Thái Bình Dương, ưu tiên hiện nay trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Lời chỉ trích nặng nề nhất với Washington một lần nữa đến từ Paris, « đồng minh lâu đời nhất » của Mỹ, cho tới nay vẫn còn bất bình, vì tổng thống Obama mùa hè năm 2013 vào giờ chót đã từ bỏ chiến dịch tấn công chế độ của tổng thống Bachar al-Assad.

Ngày 16/02/2016, trên đài phát thanh, cựu ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã nhắc lại rằng, vào đầu tháng 08/2013, tổng thống Bachar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học và lúc đó chính tổng thống Obama đã báo trước rằng « việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ là lằn ranh đỏ ».

Lằn ranh đó đã bị vượt qua, thế mà Hoa Kỳ không có phản ứng gì.

Ngay cả tại Washington, ngày càng có nhiều người lên tiếng chỉ trích những lời lên án lấy lệ của ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Họ thấy rằng bộ Ngoại Giao Mỹ hôm thứ Hai vừa qua chỉ lên án « sự tàn bạo của chế độ Assad » và chỉ « nghi ngờ quyết tâm của Nga chấm dứt những hành động tàn bạo này ».

Nhưng chính quyền Obama đã bác bỏ những chỉ trích đó, nhấn mạnh là từ 18 tháng qua, Hoa Kỳ đã lãnh đạo liên minh quân sự gồm 65 quốc gia và liên minh này đã mở hàng ngàn cuộc oanh kích chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Về phần ngoại trưởng John Kerry thì chỉ trông chờ vào những vận động ngoại giao để vãn hồi hòa bình ở Syria.
Đại diện của khoảng 20 cường quốc thế giới và khu vực trong hai ngày 11 và 12/02 tại Munich đã đạt được một thỏa thuận về một lệnh ngưng bắn vào cuối tuần này và về việc mở các hành lang nhân đạo để vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo đến những vùng đang bị bao vây.

Nhưng lệnh ngừng bắn này có vẻ ngày càng khó thành hiện thực, với việc Nga gia tăng cường độ tấn công ở miền bắc Syria và với việc Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham chiến để đánh lực lượng Kurdistan, mà Washington hoàn toàn bất lực không ngăn chận được.

Phải nói là Hoa Kỳ đang ở một vị thế ngày càng khó xử. Washington là đồng minh của Ankara trong khối NATO, cũng như trong liên minh chống lực lượng thánh chiến Hồi Giáo, nhưng cũng đang yểm trợ cho lực lượng Kurdistan ở Syria chiến đấu chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Hoa Kỳ coi như cũng là đối tác của Nga trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và chính trị cho Syria.
Bây giờ thì tổng thống Obama không thể nào tác động lên Thổ Nhĩ Kỳ, mà cũng không làm sao chặn được đà tấn công của Nga ở Syria.

Thượng nghị sĩ Cộng Hoà John McCain, một trong những người chỉ trích mạnh mẽ tổng thống Obama, đã lên án một nền ngoại giao Nga « phục vụ cho xâm lược quân sự » và chính quyền Obama đã tạo điều kiện cho chính sách này của Matxcơva.


Switch mode views: