Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kẻ mê tiền, người ham quyền, hình ảnh FIFA tan vỡ

SOCCER-FIFA



Trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA tại Zurich, Thụy Sĩ.
REUTERS/Arnd Wiegmann

Một ngọn sóng thần đã làm chao đảo con thuyền FIFA nhưng thuyền trưởng Joseph Blatter vẫn bám vào tay lái .
 

Nhưng, những vụ tai tiếng tham ô hiện nay và sẽ được khui ra trong tương lai sẽ đặt nhiệm kỳ năm của « bố già » dưới áp lực tối đa từ giới thể thao, công luận cho đến chính trị.

Theo AFP, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Quốc tế thở phào nhẹ nhõm sau cuộc bầu cử ngày hôm qua 29/05/2015. Hoàng tử Ali của Jordanie, đối thủ của Chủ tịch Joseph Blatter, rút lui sau vòng một với kết quả 133-73.

Tuy tái đắc cử nhiệm kỳ 5, nhưng chiến thắng lần này mang lại nhiều vị đắng cho nhà lãnh đạo bóng đá thế giới mà uy thế có thể hơn cả Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc.
Trước hết, là dù đã mua chuộc được sự ủng hộ của các thành viên Châu Á và Châu Phi bằng những ngân sách hậu hĩ nhưng Joseph Blatter không được đa số tuyệt đối.
Hoàng tử Ali tuyên bố rút lui với lý do « tránh cho những người ủng hộ ông bị trả thù ».

Từ ngày Joseph Blatter gia nhập FIFA với tư cách giám đốc chương trình cho đến khi đắc cử Chủ tịch năm 1998 đến nay, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế trải qua nhiều vụ khủng hoảng nhưng chưa bao giờ nghiêm trọng như ngày nay.

 Một trong sáu thành viên cột trụ là Liên đoàn Bóng đá Châu Âu UEFA với chủ tịch Michel Platini chống đối trực tiếp.
Tư pháp Thuỵ Sĩ đang điều tra các điều kiện mà FIFA cho phép Nga và Qatar tổ chức Cúp Thế giới 2018 và 2022.

Hai quyết định bị nghi ngờ có bê bối tài chính này đã được cựu thẩm phán Mỹ Micheal Garcia tường trình trong một bản báo cáo năm 2013, sau hai năm điều tra nhưng FIFA từ chối công bố kết quả.

Nhưng không phải chờ lâu, thứ Tư 27/05 vừa qua, cuộc phản công của tư pháp Mỹ đã làm hình ảnh của FIFA, vốn đã bị sứt mẻ ít nhiều, thêm tơi tả.

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Loretta Lynch, đích thân tố cáo một hệ thống tham ô lũng đoạn FIFA từ thập niên 1990 để trao quyền tổ chức Cúp Thế giới cho một nước thành viên, trong số đó có Cúp Nam Phi 2010.

Báo chí thế giới và công luận cũng rầm rộ nhập trận lên án những bê bối của FIFA và lãnh đạo của tổ chức làm mất niềm tin trong giới mộ điệu và giới trẻ.
 Giới lãnh đạo chính trị như Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp đều tuyên bố không thể chấp nhận tình trạng tham ô lũng đoạn thể thao.

Để chống đỡ lại, trước tiên Joseph Blatter đóng vai người hùng bài trừ tham nhũng.

 Trong diễn văn khai mạc đại hội FIFA trước giờ bầu cử, ông quy trách nhiệm cho « những kẻ sai lầm » làm xấu mặt tổ chức mà ông không kiểm soát được và kêu gọi đoàn kết « trong sạch hóa » liên đoàn.

Sau khi tái đắc cử, ông đã phản công quy buộc cho Mỹ và Anh trả thù vì Mỹ không được tổ chức Cúp 2018 và Anh không được đón tiếp Cúp 2022.
Theo AFP, cho dù Chủ tịch FIFA có bảo vệ được tay lái nhưng con đường trước mặt rất gian nan dưới áp lực từ mọi phía.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Âu Michel Platini đòi hỏi phải có « cải cách cốt lõi » để phục hồi uy tín cho FIFA. Ngay nước Nga, mặc dù lên án Mỹ mượn « bóng đá để trả thù Ukraina » nhưng Tổng thống Putin cũng đã kêu gọi « cần phải thay đổi trong ban lãnh đạo FIFA ».

Dù Joseph Blatter có nói cứng nhưng theo AFP, uy tín của FIFA đã tan vỡ rất nhiều.
Nhiều đại công ty thương mại như Coca-Cola và Mc Donald’s đã thúc giục FIFA phải có « hành động cụ thể » bài trừ tham ô trong nội bộ.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng thông báo sẽ « xem xét lại » mối quan hệ hợp tác với FIFA.

Trong các Cúp thế giới và những đại hội bóng đá do FIFA tổ chức, cơ quan UNICEF thường có những sinh hoạt song hành phát huy tinh thần vị tha, chống kỳ thị nam nữ và bảo vệ trẻ em.

Liệu những thông điệp nhân quyền này có còn phù hợp với một tổ chức bảo trợ mà hàng loạt cán bộ lãnh đạo mang tội tham ô, lợi dụng địa vị để phục vụ quyền lợi riêng tư làm giàu cá nhân ?

  

Switch mode views: