Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mùa Giáng Sinh

Xmas card 3Huy gặp Diệp lần đâu tiên trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập binh chủng Không quân. Anh được đơn vị bình chọn là phi công đạt nhiều thành tích nổi bật trong năm.

Là một phi công trẻ, bô trai, hào hoa nên Huy được giới nữ sinh xếp vào loại “người yêu lý tưởng”. Anh có chiều cao vô địch trong nhóm phi công, vì thế bạn bè thường gọi anh là “Huy Bamboo”. Huy còn là tay chơi đàn dương cầm nổi đình đám trong các buổi trình diễn văn nghệ do đơn vị Không quân tổ chức.

Phần trao hoa cho các chiến sĩ xuất sắc do toán nữ sinh trường Trung học Sao Mai phụ trách. Lúc choàng vòng hoa cho Huy, Diệp không thể nào với tới, bởi anh cứ trong tư thế đứng nghiêm, thẳng lưng, ngẩng cao đầu. Bản Lục Quân Hành Khúc do ban quân nhạc hòa tấu đã chấm dứt. Mỗi quân nhân xuất sắc đều có vòng hoa trên cổ, riêng cặp Huy Diệp vẫn còn đứng tại chỗ giương mắt nhìn nhau. Sĩ quan phụ trách đến bên Huy nhắc khéo : “Ðưa đầu cho cô bé tròng vòng... vào cổ đi”. Huy lấy mũ, cúi xuống đặt trán mình trên mái tóc của Diệp, cả hàng quân cười khúc khích, khiến nàng ngượng chín người.

Thực ra, Huy cố ý trêu cô nữ sinh có mái tóc dài đen tuyền che một phần khuôn mặt trái soan với má lúm đồng tiền trông rất “liêu trai”. Hai người quen nhau từ đó. Sau khi đậu bằng tú tài, Diệp ghi tên vào đại học Huế.

Qua năm thứ hai họ làm lễ cưới. Dự tính lấy xong bằng cử nhân văn chương, Diệp mới chiụ sinh con. Nhưng vận rủi ập xuống. Cuối tháng 3/75, Vùng 1 chiến thuật mất vào tay cộng sản Bắc Việt. Chuyến bay cuối cùng không may bị đạn cộng quân bắn trúng, trực thăng của Huy phải đáp khẩn cấp và anh bị quân Bắc Việt bắt làm tù binh. Dù bị kẹt lại trong lao tù cộng sản, nhưng lòng Huy vẫn cảm thấy thỏa mãn vì đã kịp thời gởi vợ anh, Trương Hoàng Diệp ra đảo đảo Lý Sơn để di chuyển vào Sài Gòn.

Diệp được bạn của Huy tận tình đưa nàng ra hạm đội sớm sủa. Ðến Hoa kỳ, nàng được một gia đình người Mỹ da trắng ở tiểu bang Washington bảo trợ. Thời gian đầu, cuộc sống tuy có phần chật vật, nhưng đỡ hơn nhiều so với những gia đình còn ở trong khu tạm trú. Dù phải qua những năm dài vất vả vừa làm vừa học, Diệp đã tốt nghiệp đại học và đựơc giới thiệu vào làm trong hãng Boeing.

* * *

Ngày ra tù, cha mẹ vợ báo cho Huy biết Diệp vừa lấy chồng. Như mũi dao đâm vào tim, tay chân anh rụng rời, chẳng còn lòng dạ nào ở lại dùng cơm tối với gia đình vợ. Huy ra về với cõi lòng tan nát. Không có lý do gì để trách Diệp, anh chỉ buồn cho số phận hẩm hiu của mình. Huy đã có dự định sẽ vượt biên để được đoàn tụ với vợ. Giờ thì niềm hy vọng ấy đã tiêu tan. Nhưng lòng khao khát tự do vẫn không ngừng thôi thúc anh ra đi.

Tháng Chín năm 1985, Huy cùng với bảy người bạn tâm đồng ý hợp nhất, tổ chức vượt biển trên chiếc xuồng hai “lốc” mong manh giữa mùa mưa bão. Bảy ngày lênh đênh trên biển, thuyền mang tám kẻ dũng cảm ấy tấp được vào bờ của một làng ven biển thuộc Mã-Lai. Họ được tàu của Mã-Lai đưa đến hải cảng Trengganu và chuyển qua đảo Pulau Bidong.

Tại đây, chưa biết định cư tại quốc gia nào, nhưng Huy phải gởi thư về báo cho cả hai gia đình yên tâm. Hai tháng sau, bất ngờ, được thư của Diệp gởi đến, Huy vô cùng ngạc nhiên, làm sao cô ấy biết được mình ở đây? Có thể Diệp cần chữ ký của mình trong đơn ly dị chăng? Huy hồi họp mở thư ra xem :

“Kính gởi anh Huy,

Qua thư Thầy Me của em, Diệp mới biết được anh đang ở trại tị nạn Pulau Bidong, nhưng không biết anh có được vào Mỹ không. Nếu anh muốn định cư tại Hoa Kỳ em sẵn sàng đứng ra bảo trợ cho anh với tư cách của một cousin. Như anh biết đó, em không thể nào sống đơn chiếc mãi. Ðợi chờ anh chỉ là nỗi vô vọng. Càng nhớ anh, em càng thấy nỗi trống vắng xót xa. Cuộc sống lênh đênh của em trên xứ người, nhờ vào sự đỡ đầu của một người Mỹ và định mệnh đã đưa đẩy em vào một nẻo đường mới. Chồng em hiện nay là giám đốc trong phân xưởng Boeing, người đã nâng đỡ em ngay từ buổi đầu. Ông ấy ly dị vợ lúc năm mươi tuổi. Ban đầu chỉ là lòng kính trọng, sau thấy thương hại hoàn cảnh lẻ loi của ông, vì vậy em chấp nhận lời cầu hôn của ông ấy. Bà vợ cũ đã lấy chồng khác, giao lại đứa con gái cho ông chăm sóc. Hiện giờ nó đang học High school.

Giai đoạn đầu ở Mỹ khó khăn lắm anh ạ, thật lòng em muốn giúp anh vượt qua chặn đường đó. Cuộc sống của em hiện giờ tương đối ổn định. Em hy vọng anh bỏ qua tự ái của người đàn ông thường tình mà nghĩ đến tương lai sáng lạn của mình. Hãy quên đi những kỷ niệm đã qua. Giờ xin anh xem em như một người em họ. Với danh nghĩa nầy, em hi vọng sẽ giúp anh có nhiều cơ hội thành công...

Nhận được thư, anh nên trả lời gấp để em còn kịp làm thủ tục hồ sơ bảo trợ. Anh nhớ khai với Cao ủy tị nạn có người cousin là Diep Truong Thomas theo địa chỉ trong thơ. Em gởi anh cái check 500 USD để tiêu dùng.

Mừng cho anh đã thoát được cảnh lao tù khổ nhục và giờ đây đất nước tự do đang chờ đón anh.
Em Trương Hoàng Diệp

Thẫn thờ đặt bức thư trên bàn, nét chữ của Diệp như nhảy múa trước mắt Huy. Hình ảnh của nàng vẫn còn đầy ắp trong trái tim nồng cháy của Huy, thế mà trong thư Diệp viết lại thản nhiên, như không vướng bận chút tình cảm nào, thẳng thắn và thực tế đến độ tàn nhẫn.

Từ ngày đến đảo, Huy chẳng thiết tha gì được vào đất Mỹ mà sẵn sàng chấp nhận đi bất cứ quốc gia Tây phương nào. Tuy nhiên, khi đọc thư của Diệp, anh lại quyết định đến Hoa Kỳ. Huy muốn gặp Diệp một lần và muốn nhìn xem tận mắt cuộc hôn nhân mới của nàng hiện giờ ra sao. Dẫu biết lần chạm mặt trước thực tế bẽ bàng nầy có thể gây thêm thương tích cho trái tim mình. Lòng nhớ thương và tính tò mò đã thôi thúc Huy đồng ý đề nghị của Diệp đứng ra bảo trợ.

* * *

Ðúng ngày lễ Giáng sinh, Huy đến phi trường Seattle được Diệp cùng người chồng William Thomas và đứa con gái riêng của chồng, Christina đón tiếp. Cuộc hội ngộ với người “anh họ” khá niềm nở. Diệp ôm chàng trong phép xã giao của người Tây phương rất tự nhiên và chân tình như đứa em họ đích thực.

Kết hợp với lễ nửa đêm đón Chúa Hài Ðồng là buổi tiệc tiếp đón Huy đầy thân tình. Khách mời, người nào cũng mang quà Christmas đến chúc mừng Huy. Diệp không mời khách nhiều, chỉ giới hạn một số bạn bè thân thiết của chồng.

Trước cảnh gia đình hạnh phúc của Diệp, Huy nghe trái tim mình se thắt nhưng với lòng tự trọng, anh vẫn giữ thái độ bình thản. Mọi người hân hoan vào tiệc. Tiếng dương cầm ngân vang bản nhạc Ðêm Thánh Vô Cùng do cô bé Christina độc tấu, rồi tuần tự là những bản nhạc tình du dương, âm thanh êm đềm như quyện vào men rượu nồng làm tăng thêm nỗi ngất ngây cho thực khách.

Ðã ngà ngà say, tâm hồn nghệ sĩ bị kích thích, Huy đứng dậy đến bên chiếc piano xin phép cô bé được đàn một bản. Dù đôi bàn tay bị chai sần sau những năm lao động khổ sai trong tù, dù đã mười năm không tập luyện, mười ngón tay anh lướt trên phím ngà bản nhạc "Histoire d’un amour" như xuất thần trỗi lên âm điệu réo rắt làm say đắm lòng người.

Cô bé Christina trố mắt nhìn Huy đầy thán phục. Trái tim Diệp không biết có còn rung động trước âm thanh mang đầy những kỷ niệm xưa mà hai người đã từng bên nhau “anh đàn em hát” ? Bản nhạc vừa dứt, cơn say ập tới, Huy gục đầu trên bàn phím. Ông Thomas dìu Huy vào phòng ngủ đã chuẩn bị sẵn từ mấy ngày qua.

Buổi sáng thức dậy, Huy ngạc nhiên trước căn phòng được trang hoàng khá sáng sủa. Mấy bộ áo quần mới treo trong tủ và một số đồ dùng hàng ngày được sắp đặt rất tươm tất trên các kệ. Huy dạo quanh một vòng. Ðây là loại phòng dành cho người độc thân, có đủ tiện nghi từ phòng tắm đến bếp ga và cả lối đi riêng hoàn toàn biệt lập với căn nhà chính.

Hai ngày nghỉ lễ, William đưa Huy cùng với đứa con gái đi xem các thắng cảnh ở vùng Seattle được mệnh danh là thung lũng Hoa Hồng . Cô bé đi bên Huy líu lo giới thiệu tên của các thắng cảnh và về lịch sử của vài công trình xây dựng có tính tượng trưng cho thủ phủ của tiểu bang Washington. Diệp ở nhà mua sẵn thực phẩm để trong tủ lạnh cho Huy tự nấu ăn.

Vào ngày lễ đầu năm dương lịch, Huy cùng gia đình ông bà Thomas đến dự tiệc tại nhà bạn thân của vợ chồng họ. Anh được giới thiệu là cousin của Diệp từ đảo mới qua, mọi người bắt tay chúc mừng.

Sau hai tuần lễ nghỉ ngơi, Huy ngỏ ý với Diệp sẽ tìm thuê một nhà khác. Nàng ân cần khuyên nhủ :
- William rất quý mến anh. Ông ấy muốn giúp đỡ anh có hoàn cảnh thuận lợi để trở lại trường học. Nếu anh đặt nặng tương lai của mình và thắng được tự ái, chắc chắn anh sẽ có cơ hội tốt để tiến thân.

Diệp ngừng nói, nhìn Huy như dò ý rồi tiếp :
- Căn phòng đó là do ông ấy quyết định dành riêng cho anh ở hoàn toàn miễn phí. Khi nào cuộc sống ổn định, có việc làm hẳn hoi, chừng đấy anh muốn thế nào cũng được. Hôm qua Bill dự tính chờ khi anh lấy xong bằng lái sẽ tặng anh chiếc xe Ford đời cũ của ông để anh đi học và đi làm. Em thấy đó là phương tiện cần thiết đối với anh hiện giờ.

Qua những lời khuyên của Diệp, Huy cảm nhận được trong đáy lòng nàng, một tình cảm sâu kín nào đó bị ngăn chận vì hoàn cảnh. Diệp thật lòng không muốn Huy vấp ngã bởi những khó khăn mà nàng đã trải qua và những kinh nghiệm thất bại của những người đến trước. Ðó là lý do chính đáng thúc đẩy chàng ở lại. Và giờ đây, Huy biết mình phải làm gì. Ðối với anh, hiện tại là phương tiện, mà tương lai mới là cứu cánh. Cứu cánh đó sẽ là phần thưởng dành cho cả quãng đời còn lại của anh.

Dường như trong tiềm thức, Huy không muốn xa Diệp và cả Diệp cũng không muốn rời Huy, dẫu cuộc sống của hai người đã có lằn ranh phân định và tình cảm của cả hai có bức tường đạo nghĩa ngăn cách.

* * *

Huy đã tìm được công việc làm bán thời gian và ghi tên học tại trường college. Sáng đi, tối về, Huy và Diệp ít khi gặp nhau. Thỉnh thoảng, Diệp tổ chức những bữa ăn thân mật cuối tuần mời Huy cùng với gia đình dùng cơm tối. Sau những bữa cơm như thế, Huy thường được ông Thomas và Christina yêu cầu chơi đàn.

Có lần Huy giới thiệu bản nhạc Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn đã được dịch lời qua nhiều thứ tiếng trên thế giới. Huy vừa đàn vừa hát, đến điệp khúc: “..Trời còn làm mưa sao em không lại. Nhỡ mai trong cơn đau vùi làm sao có nhau , hằn lên nỗi đau bước chân xin em về mau?

Diệp vội quay mặt nhìn qua khung cửa sổ. Huy vẫn tiếp tục hát :
“Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động, Làm sao em biết bia đá không đau, Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau !..” Diệp nhìn Huy với ánh mắt trách hờn, rồi bỏ vào phòng. Chỉ một lần ấy rồi thôi, Huy đã khước từ những bữa cơm sau nầy.
Cô con gái của William đã qua mấy khóa học piano, nhưng ngón đàn vẫn còn non kém, cô bé rất thích được nghe Huy đàn và nhờ anh chỉ vẽ thêm. Huy thì ngại ngùng mỗi lần vào phòng khách nên đã nhiều lần từ chối lời khẩn cầu của cô bé .

Christina vừa mới ghi tên vào đại học năm thứ nhất, nhưng sức học của nàng lại kém hơn Huy một bực. Vừa giỏi toán lại vững vàng về lý thuyết và thực hành môn đàn Piano nên Christina luôn quanh quẩn bên Huy , dần dà anh trở thành thầy dạy kèm bất đắc dĩ.

Chiếc dương cầm ở phòng khách cũng được mang xuống phòng của Huy để Christina tập luyện hàng ngày. Vào những đêm cuối tuần, tiếng dương cầm thánh thót và giọng cười rộn rã của cô bé vang lên từ phòng của Huy đã làm dịu bớt nỗi quạnh vắng của tháng ngày qua.

Lắng nghe tiếng đàn ngày một điêu luyện của con gái, ông Thomas rất vừa lòng và thầm cảm ơn Huy đã giúp ông bớt phần lo lắng.

Trong cuộc thi biểu diễn dương cầm toàn trường, Christina đoạt giải nhất về kỹ thuật và phong cách trình diễn. Hôm ấy, cô bé đã đích thân trao cho Huy một bó hoa hồng và cảm ơn chàng như một người thầy đã có công rèn luyện nàng tạo được thành tích ngày hôm nay.

Ông Thomas xem chừng rất hãnh diện. Riêng Diệp, dường như nàng không được khỏe, nụ cười có vẻ gượng gạo, và gương mặt bớt phần tươi tắn.

Sau hai giờ làm bài tập và chỉ thêm toán cho cô bé, Huy ngồi vào chiếc đàn piano dạo bản L’amour c’est pour rien. Ðiệu nhạc tango làm xao xuyến tâm hồn, Christina bỏ viết đến phía sau lưng Huy rồi thản nhiên choàng tay ôm cổ chàng. Bản nhạc vừa chấm đứt, cô bé xoay người Huy về phía mình rồi đặt nụ hôn nồng cháy vào môi chàng. Màu mắt xanh ánh lên nỗi đam mê, cô bé nhìn anh với cơn kích thích. Huy bàng hoàng đứng lên, vội vã bắt tay chúc ngủ ngon và tiễn nàng ra khỏi cửa.

Hôm sau, Huy ngỏ ý với ông Thomas và Diệp sẽ dọn đi ở nhà khác với lý do cho tiện đường đến sở làm và gần trường hơn. Ngày lễ Thanksgiving, Christina bay qua Virginia thăm bà mẹ ruột đang sống với ông chồng sau. Nhân đó, Huy cũng dọn nhà sang chỗ ở mới. Ông William tỏ ý luyến tiếc. Phần Diệp, nàng chẳng nói gì, chỉ đưa mắt nhìn Huy ngờ vực khi chàng bắt tay ngỏ lời cảm ơn.

Huy cố tình giấu Christina chỗ ở mới của mình, chỉ ghi riêng số điện thọai và địa chỉ để lại cho vợ chồng Diệp.

Từ khi Huy ra đi, Christina thường hay buồn bực, gắt gỏng với mọi người. Mỗi một biến đổi tình cảm nhỏ nhặt của cô bé cũng không thể nào lọt qua mắt của Diệp. Việc dời nhà của Huy đã giúp cho Diệp tin vào suy đoán của nàng là đúng.

* * *

Mùa Giáng sinh đã về, đánh dấu ba năm tròn trên đất Mỹ, Huy đã vượt qua được một cách dễ dàng những khó khăn ban đầu. Giờ đây, anh đang học năm thứ ba kỹ sư điện tại trường Ðại học UW. Huy đã lấy được giải học bổng của hãng Boeing dành cho sinh viên xuất sắc trong hai năm cuối cùng Ðại học.

Sáng Chúa Nhật, tâm trí thảnh thơi, Huy đang ngồi nhâm nhi ly cà phê và đọc tờ báo địa phương, chợt có tiếng gõ cửa thúc bách, anh vội vàng mở hé cánh cửa nhìn ra, Christina đột ngột tông cửa vào, với ánh mắt rực lửa cô nàng hét lên:
“Tại sao anh trốn em ? Tại sao anh bỏ em ? Tại sao ? Tại sao” ?

Vừa nói nàng vừa đẩy Huy lùi về phía sau. Anh cố đứng trụ lại, cô nàng càng xông tới. Miệng Huy không ngớt van lơn : “Xin cô bình tĩnh, xin cô bớt nóng..”. Nhưng Christina chẳng ngừng tay, vẫn ra sức xô chàng. Ðến cuối phòng, Huy bị chiếc sofa cản chân nên cú đẩy sau cùng khiến anh ngã nằm lên ghế. Christina nhào tới nằm đè lên mình Huy và ôm lấy đầu anh hôn tới tấp trên mắt, trên môi rồi úp mặt mình vào vai Huy. Cô bé thì thào trong hơi thở đứt quãng, nghẹn ngào :
- Em yêu anh và anh biết em yêu anh đến mức nào, sao nhẫn tâm với em

Huy cảm thấy mềm lòng, đưa tay vuốt mái tóc vàng óng mượt của cô bé, khuyên giải :
- Cô còn quá trẻ và có cả một tương lai sáng lạn đang chờ phía trước, còn tôi chỉ là bóng đêm mịt mùng, ngày mai là những tháng năm dài lao đao. Cô chẳng được gì khi vướng víu vào tình yêu không cân xứng.

Christina vụt đứng lên, chạy đến khóa cánh cửa còn hé mở từ lúc nàng vào và nhanh tay cởi bỏ hết áo quần. Một thân thể nở nang đầy hấp lực, lồ lộ làn da mịn màng với bộ ngực căng đầy như tượng thần Vệ Nữ đứng trước mặt Huy thách thức.

Anh vừa trở thế nằm dự định đứng lên. Không để vuột mất cơ hội, Christina sấn tới và tự tay lột bỏ bộ pyjama của chàng đang mặc. Huy hoàn toàn bị khuất phục bởi những kích thích tột độ của nàng.

Từ hôm đó, sau giờ tan học, Christina thường ghé vào nhà trọ của Huy mãi đến khuya mới về nhà. Thấy con gái độ nầy đi về thất thường, ông Thomas dò hỏi, cô bé cho biết đến nhà Huy nhờ hướng dẫn toán. Tin ở con gái mình và người anh họ của vợ, ông cảm thấy an tâm.

Ra khỏi sở làm, Diệp lái xe thẳng đến nhà trọ của Huy. Nàng đứng tần ngần một chặp lâu rồi đưa tay gõ vào cánh cửa. Christina xuất hiện nơi khung cửa. Diệp lạnh lùng hỏi :
- Cô làm gì ở đây ?
- Thăm anh Huy.
- Ðâu cần cô thăm ?

Christina bốp chát
- Tại sao không !
- Tôi cấm cô.
- Ô hay, bà ghen đấy à ?

Diệp dang tay tát vào má Christina toé lửa. Cô bé trố mắt kinh ngạc rồi dùng cả hai tay tấn công trả đũa. Từ trong phòng Huy nghe tiếng cãi vã và tiếng đánh nhau, vội vàng chạy ra. Huy thấy Diệp ôm mặt khóc, còn Christina giận dữ đóng sầm cửa lại, ra khỏi nhà.

Huy hấp tấp đến bên Diệp hỏi :
- Nó đã làm gì em ?

Thay vì trả lời, nàng đấm vào ngực Huy thùm thụp, tức tối la lên :
- Anh vô tình ! Anh tàn nhẫn ! Anh độc ác !

Huy nắm lấy đôi tay Diệp giữ lại nhưng nàng cố vùng ra rồi ôm chầm lấy Huy, vùi mặt vào ngực chàng khóc tức tưởi.

Huy ôm chặt Diệp vào lòng, lặng lẽ nghe hơi ấm của người yêu ngấm vào trái tim giá lạnh suốt mười bốn năm của mình. Từng giọt lệ nóng âm thầm lăn trên má chàng. Nước mắt tình yêu của hai người đã được chắt lọc từ trái tim thử thách ở hai phương trời giờ đây kết tụ.

* * *

Gia đình ông bà Trương Hoàng Mẫn đến phi trường Ðà Nẵng đón vợ chồng cô con gái Trương Hoàng Diệp từ Mỹ về thăm quê hương sau mười tám năm xa cách.

Ánh nắng của tiết trời sắp vào Xuân nhuộm vàng cả phi cảng. Chiếc máy bay Hàng Không Việt Nam vừa hạ cánh trên phi đạo, mọi người hồi hộp đợi chờ.

Ông bà Mẫn hết đứng lại ngồi, mắt đăm đăm nhìn ra phi đạo khi chiếc máy bay vừa dừng bánh. Hành khách lần lượt xuất hiện trên cửa phi cơ.

Những khuôn mặt rạng rỡ của người Việt ly xứ sắp được đoàn tụ với gia đình nổi bật giữa đám người địa phương trầm mặc. Trong đoàn người hối hả rời sân bay tiến vào khu hành khách, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của một người Mỹ mà gia đình ông bà Mẫn đặc biệt chú mục.

Chợt Diệp đột ngột xuất hiện, một tay kéo chiếc vali nhỏ, tay kia với túi xách đựng tả lót và bình sữa. Nàng đang dớn dác tìm người nhà.

Bỗng người em gái của Diệp reo lên :
- “ Chị Diệp kia kìa !” Cùng lúc cả nhà nhận ra, gọi to lên :
- “Cô Diệp ! Chị Diệp ! Thầy Me đứng đây nè !”

Trước nỗi vui mừng đoàn tụ không ai để ý đến Huy đang bồng con đứng phía sau vợ. Bà Mẫn ôm con gái vào lòng để rơi những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi.

Ông Mẫn là người đầu tiên nhận ra sự có mặt của Huy, vội vàng đến siết chặt tay chàng :
- Con Diệp về thầy me chỉ mừng một, khi thấy con cùng về là niềm vui tăng lên gấp mười lần hơn cho gia đình ta.

Bà Mẫn bồng cháu ngọai từ tay Huy trao qua, vừa nựng cháu vừa trách yêu :
- Bố mẹ cháu hư lắm, cái việc trọng đại một đời mà giấu ông bà suốt mấy năm nay.

Diệp nhoẻn miệng cười với mẹ :
- Chúng con bàn tính với nhau là dành cho thầy me một dịp bất ngờ, như một món quà để tạ lỗi Thầy Me suốt bao năm đã phải trăn trở về việc con lấy chồng khác.

Diệp âu yếm nhìn Huy rồi quay sang ông bà Trương,tiếp :
- Ông William Thomas là ân nhân của con, vì vậy con đặt ơn nghĩa lên trên tình yêu dành cho ông ấy. Cách đây ba năm, đứa con gái của ông bỗng nhiên bỏ nhà ra đi, ông lên cơn nhồi máu cơ tim rồi qua đời.

Mẹ Diệp thì thầm : “Nguyện cầu Thiên Chúa dìu dắt linh hồn ông ấy sớm về cõi thiên đàng”. Ông Mẫn cùng làm dấu Thánh giá với vợ rồi nói với vợ chồng Diệp :
- Không ai vuợt qua khỏi định mệnh con à !

Switch mode views: