Miến Điện: Giới đầu tư phải tôn trọng chuẩn mực xã hội
- Thứ Hai, 19 tháng Tám năm 2013 21:40
- Tác Giả: Arnaud Dubus / Mai Vân
Honeys, một nhãn hiệu hàng thời trang phụ nữ Nhật dự định mở nhà máy sản xuất tại Miến Điện.
REUTERS/Issei Kato
Giới kinh doanh và đầu tư phương Tây hiện lao vào Miến Điện, quốc gia đang mở cửa kinh tế sau nhiều năm khép kín.
Việc Hoa Kỳ, Châu Âu bãi bỏ cấm vận từ một năm qua đã mở cửa cho đầu tư ngoại quốc vào một thị trường hầu như còn mới toanh, chưa bị thâm nhập nhiều bao gồm 60 triệu người tiêu thụ.
Nhưng điều đáng lưu ý là chính quyền Miến Điện lại chủ trương đặt ra vấn đề trách nhiệm xã hội đối với các công ty, tránh những sai lầm của các nước khác trong khu vực như trường hợp Lào, Cam Bốt hay Việt Nam.
Thông tín viên RFI trong khu vực Arnaud Dubus, vừa đến Miến Điện tìm hiểu về vấn đề trách nhiệm xã hội của các công ty trong tiến trình mở cửa kinh tế. Anh cho biết đây là một nguyên tắc quan trọng cần phải tuân thủ cho các doanh nghiệp muốn làm ăn tại Miến Điện .
Arnaud Dubus : Chính quyền Miến Điện ngay từ đầu đã đặt nặng vấn đề trách nhiệm xã hội của các công ty. Do đó, khi một công ty nước ngoài đáp ứng lời kêu gọi đấu thầu, thì việc đầu tiên mà Ủy ban Đầu tư của nước này xem xét là hệ quả các dự án đề nghị trên bình diện xã hội, môi trường cũng như nhân quyền.
Chính căn cứ vào yêu cầu đó mà hai tập đoàn lớn vừa giành được hợp đồng đặt hệ thống điện thoại di động ở Miến Điện - tập đoàn Télénor của Na Uy và Oredoo của Qatar – đã phải đưa vào dự án của họ những những điều khoản rõ ràng, cam kết tôn trọng một số quy tắc về mặt xã hội và môi trường. Ví dụ như Oredoo đã cam kết chi 60 triệu đô la trong khoảng thời gian 10 năm cho vấn đề trách nhiệm xã hội.
Tại sao chính quyền Miến Điện lại quan tâm, coi trọng vấn đề xã hội như thế ? Có lẽ họ muốn cho thấy sự thay đổi, sự khác biệt với quá khứ độc đoán của nước này, muốn tạo uy tín với cộng đồng quốc tế.
Phải thấy là trường hợp Miến Điện rất đặc biệt : Đất nước này mở cửa vào lúc mà thế giới đang tập trung chú ý trên các vấn đề xã hội, môi trường và nhân quyền tại đây.
Cho nên chính quyền Miến Điện phải quan tâm đến các hồ sơ này, và các tập đoàn hoạt động tại đây chịu sức ép khá nặng, không những từ phía chính quyền, mà cả từ phía các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, muốn họ hoạt động một cách có trách nhiệm.
RFI : Còn những công ty đã có mặt từ trước đây tại Miến Điện, như các công ty Trung Quốc, Hàn Quốc thì sao ?
Arnaud Dubus : Trong thực tế, khi nhấn mạnh trên trách nhiệm xã hội các công ty, chính quyền Miến Điện hiểu rõ là họ muốn tạo ưu thế cho các doanh nghiệp phương Tây so với các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc, thường khi không quan tâm đến tác động về mặt xã hội, môi trường trong hoạt động kinh tế của mình.
Nhưng các công ty Trung Quốc đã có phản ứng. Chẳng hạn như trong vụ tranh chấp liên quan đến mỏ đồng Letpadaung, do tập đoàn Trung Quốc Vạn Bảo (Wanbao) khai thác, công ty này cuối cùng đã phải chấp nhận dành mấy triệu đô la cho việc giảm bớt tác hại xã hội của việc khai thác.
Các công ty Trung Quốc khác cũng bắt đầu đưa vấn đề trách nhiệm xã hội trong chiến lược kinh tế của họ vì không muốn bị các đồng nghiệp Tây phương đẩy ra bên lề.
RFI : Nói một cách cụ thể, vấn đề trách nhiệm xã hội bao gồm những lãnh vực nào ?
Arnaud Dubus : Vấn đề then chốt là đất đai. Trên mặt chính thức, đất đai thuộc sở hữu nhà nước, người ở trên đấy chỉ được quyền sử dụng mà thôi. Ngoài ra, phần lớn đất đai ở Miến Điện không có địa bạ đàng hoàng, làm cho việc cướp đất của người dân bình thường thêm dễ dàng, tương tự như những gì đã xẩy ra ở Cam Bốt.
Tại Miến Điện, thành phần gọi là ‘cronies’, tức là giới kinh doanh phất lên trong thời chế độ quân phiệt, thường thu mua đất đai với giá rẻ mạt trong những năm gần đây, rồi bán lại với giá thật cao cho các nhà đầu tư, thu về được những khoản lợi nhuận kếch xù.
Rất thường xẩy ra tình trạng quy chế đất đai mập mờ, dẫn đến tranh chấp. Cho nên các nhà đầu tư phải rất lưu ý đến vấn đề pháp lý của mặt bằng nơi họ đầu tư, nhất là khi mà hệ thống tư pháp Miến Điện lại làm việc chưa tốt.
Các tổ chức tham vấn đầu tư luôn nhắc nhở giới đầu tư là phải thông báo trước cho các cộng đồng dân cư tại chỗ về đề án của họ, và thu thập ý kiến tại địa phương.
Trong trường hợp cần trưng thu đất đai thì phải có đền bù thỏa đáng. Trong trường hợp mỏ đồng Letpadaung, chính vì không tham khảo ý kiến dân địa phương, mà tranh chấp lớn đã bùng lên, khiến cho ngay cả bà Aung San Suu Kyi cũng không làm dịu được căng thẳng.
Ngoài vấn đề đất đai, các khía cạnh khác của trách nhiệm xã hội mà các tập đoàn nước ngoài phải quan tâm liên quan đến môi trường và truyền thống văn hóa tại chỗ.
RFI : Còn về điều kiện làm việc và hoạt động công đoàn thì sao ?
Arnaud Dubus : Từ cuộc đảo chính năm 1962 cho đến lúc chế độ độc tài kết thúc năm 2011, công đoàn bị cấm hoạt động ở Miến Điện.
Từ khi có chính quyền dân sự, một đạo luật đã được ban hành, cho phép hoạt động công đoàn tại tất cả các nhà máy thu dụng hơn 30 nhân viên. Trong lãnh vực nông nghiệp cũng vậy.
Hiện nay, tại Miến Điện có 600 công đoàn hoạt động, trong đó có 170 nằm dưới trướng của Liên đoàn Lao động Miến Điện, một tập hợp được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Trong một số nhà máy hóa chất, điều kiện làm việc rất tồi tệ : Không có kính bảo hộ, thậm chí găng tay cũng không. Lương tối thiểu được quy định ở mức 3 đô la/ngày, các công đoàn cho là quá thấp và muốn nâng lên 4 đô la.
Ngược lại, trong lãnh vực dệt may, quyền người lao động khá được tôn trọng, tốt hơn so với Cam Bốt chẳng hạn.
Tuy nhiên vấn đề trở nên tế nhị hơn tại một số vùng mà lãnh đạo địa phương và giới chủ nhân tại chỗ không hiểu được nguyện vọng của người lao động muốn tập hợp lại và có công đoàn. Họ vẫn thường gây trở ngại cho dù việc thành lập công đoàn là điều hợp pháp.
Tin mới
- Cựu tổng thống Musharraf bị truy tố vì tội giết người - 20/08/2013 23:57
- Fukushima : Nước nhiễm xạ lại thoát ra ngoài - 20/08/2013 22:23
- Lũ lụt lớn tại châu Á - 20/08/2013 22:16
- Bình Nhưỡng cáo buộc Hàn Quốc khiêu chiến - 20/08/2013 22:08
- Việt Mỹ đối thoại quốc phòng song phương - 19/08/2013 23:45
- Cảnh sát Ai Cập thiệt mạng - 19/08/2013 23:36
- Ukraina bị Nga gây khó dễ vì xích gần Châu Âu - 19/08/2013 22:28
- Liên Hiệp Quốc đến Syria điều tra vũ khí hóa học - 19/08/2013 22:12
- Dùng camera theo dõi phạt chủ không dọn phân chó trên hè phố - 19/08/2013 21:55
- Mỹ - Hàn tập trận chung - 19/08/2013 21:47
Các tin khác
- Năm 2050: Tp. HCM trong tốp các thành phố ven biển thiệt hại vì lụt - 19/08/2013 15:02
- Ai Cập : Bế tắc toàn diện, không có con đường thứ ba - 19/08/2013 05:30
- Một nhóm 20 người Nhật tiến đến đảo tranh chấp SenKaku/Điếu Ngư - 19/08/2013 00:28
- Cuộc đọ sức giữa đảng của Hun Sen và đối lập vẫn tiếp tục - 19/08/2013 00:12
- Phà chìm tại Philippines : Sau thiệt hại nhân mạng đến ô nhiễm môi trường - 18/08/2013 23:24
- Ngân hàng Mỹ JP Morgan bị tố cáo « móc ngoặc » với quan chức Trung Quốc - 18/08/2013 23:16
- Hoa Kỳ xác nhận địa điểm thử nghiệm máy bay bí mật - 17/08/2013 19:33
- Ai Cập: Đền thờ ở Cairo được 'giải tỏa' - 17/08/2013 19:00
- Châu Âu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Ai Cập - 17/08/2013 18:14
- Chìm tàu Philippines: 24 người chết, 300 mất tích - 17/08/2013 17:54