Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thụy Điển sẽ ngưng viện trợ cho Việt Nam


HÀ NỘI (NV) - Thụy Điển sẽ chấm dứt cấp viện trợ ODA cho Việt Nam, theo một bản tin của đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI). ODA dành cho Việt Nam sẽ được gắn với các tiến bộ về dân chủ, nhân quyền và sẽ chỉ còn tập trung vào trợ giúp kỹ thuật.

Chong258ThuyDien


Nhóm blogger đại diện cho cộng đồng blogger Việt Nam trao “Tuyên bố 258” cho Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam hôm 7 tháng 8. (Hình: Dân Làm Báo)

 

ODA là ba chữ viết tắt của Official Development Assistance (hỗ trợ phát triển chính thức). ODA có thể là các khoản cho vay không tính lãi hoặc tính lãi thấp với thời gian vay dài.
 Đôi khi ODA là viện trợ. Mục tiêu của ODA là trợ giúp để phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở quốc gia nào đó.

Vài năm nay, trong khi ODA của các quốc gia phát triển dành cho những quốc gia chậm phát triển đã giảm đáng kể thì Thụy Điển vẫn tỏ ra hết sức hào phóng. Riêng với Việt Nam, suốt 45 năm qua, Thụy Điển luôn rộng tay.

Thụy Điển là quốc gia đứng đầu trong nhóm các quốc gia ở châu Âu tham gia gia viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
 Nhiều công trình tại Việt Nam như nhà máy giấy Bãi Bằng ở tỉnh Phú Thọ, bệnh viện  nhi đồng Thuỵ Điển ở Hà Nội... hình thành nhờ các khoản viện trợ không hoàn lại này.

Kể từ thập niên 1990 đến nay, nhiều chương trình, dự án trong các lĩnh vực y tế, lâm nghiệp, năng lượng, phát triển nông thôn, phát triển miền núi, xoá đói giảm nghèo,… tại Việt Nam được thực hiện nhờ ODA do Thụy Điển cấp.

Bên cạnh việc tỏ ra hào phóng trong cấp viện, Thụy Điển đã nhiều lần lưu ý Việt Nam phải cải thiện nhân quyền, tôn trọng tự do, dân chủ.

Lần đầu tiên Thụy Điển tỏ ra đặc biệt không hài lòng là sự kiện chính quyền Việt Nam tạm giam, kết án hai phóng viên, một của tờ Tuổi Trẻ, một của tờ Thanh Niên sau khi họ thực hiện nhiều bài điều tra về vụ tham nhũng xảy ra tại PMU 18.

Công ty quản lý các dự án xây dựng PMU 18 của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN hoạt động chủ yếu bằng ODA.

Vào thời điểm đó, bà Molly Lien, một Tham tán của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, nhấn mạnh, tham nhũng trong các dự án có sử dụng ODA là điều không thể chấp nhận được.

 Bà Lien nói thêm rằng viện trợ của Thụy Điển lấy từ tiền thuế do dân Thụy Điển đóng góp và vì vậy phải được sử dụng để giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội dân chủ và không có tham nhũng.

Tại một hội nghị của các nhà tài trợ cho Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội vào cuối năm 2009, ông Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam khuyến cáo chính quyền Việt Nam bãi bỏ các biện pháp kiểm soát Internet và cho phép báo chí tham gia giám sát các cơ quan quyền lực.

Trên thực tế, chính quyền Việt Nam vẫn nhận ODA nhưng không thực hiện bất kỳ cam kết nào về cải thiện nhân quyền và tôn trọng tự do, dân chủ.

Ngày 7 tháng 8 vừa qua, một nhóm blogger Việt Nam đã tìm, đến Tòa Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam để trao “Tuyên bố 258” (kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ giới blogger ở Việt Nam thực hiện các quyền tự do căn bản mà Việt Nam từng cam kết sẽ tôn trọng).

Có ít nhất một blogger không thể đến Đại sứ quán Thụy Điển như dự kiến vì bị an ninh Việt Nam khống chế, không cho ra khỏi nhà.

Tuy rải đầy người trước cổng Đại sứ quán Thụy Điển nhưng an ninh Việt Nam không ngăn chặn những blogger còn lại bước vào bên trong khuôn viên khi các viên chức cao cấp của Thụy Điển tại Việt Nam ra tận cổng đứng chờ họ.

Có vẻ như việc đàn áp blogger, Nghị định 72 (cấm các blogger, facebooker trích dẫn thông tin, tổng hợp sự kiện trên các trang thông tin điện tử cá nhân) và “Tuyên bố 258” đã góp phần đáng kể vào dự định của chính phủ Thụy Điển: ODA dành cho Việt Nam sẽ được gắn với các tiến bộ về dân chủ và nhân quyền. (G.Đ)

Switch mode views: