Thắng lớn trong bầu cử, Shinzo Abe trực tiếp đối mặt với thách thức
- Thứ Hai, 22 tháng Bảy năm 2013 18:55
- Tác Giả: Anh Vũ
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe họp báo sau chiến thắng của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Thượng viện. Ảnh ngày 22/07/2013 tại Tokyo.
REUTERS/Issei Kato
Thắng lợi trong cuộc bầu cử bán phần Thượng viện Nhật Bản ngày hôm qua 21/7/2013 đã củng cố vị trí lãnh đạo chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe.
Giờ đây nắm tất cả công cụ hành pháp cũng như lập pháp trong tay, liệu ông Shinzo Abe có thể thực hiện thành công những cải cách sâu rộng như dự tính để đưa nước Nhật sang một bước ngoặt mới, nhất là về mặt kinh tế?
Ngay sau cuộc bầu cử hôm qua cho phép liên minh cầm quyền kiểm soát Thượng viện với đa số tuyệt đối 135 trên tổng số 242 ghế, thủ tướng Nhật đã hứa hẹn đẩy mạnh hơn nữa phục hồi kinh tế, điều mà người dân Nhật mong chờ nhiều nhất ở chính phủ lúc này.
Lên cầm quyền sau thắng lợi ở Hạ viện hồi tháng 12 năm 2012, giữa lúc nước Nhật đang rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Trận động đất sóng thần hồi tháng 3 năm 2011 cùng với khủng hoảng toàn cầu đã kéo kinh tế Nhật vào vòng suy thoái kéo dài. Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chính sách cải cách kinh tế được gọi là “Abenomics” nhằm đưa “ Nhật Bản trở lại” - như khẩu hiệu của ông đề ra (Một khẩu hiệu gợi nhắc đến thời hoàng kim của Nhật trong thập niên 1970).
Chủ trương kinh tế đang thu hút sự chú ý ở trong và ngoài nước của ông Abe nhằm vào ba hướng chính : Thông qua ngân sách bổ sung để tài trợ cho các công trình lớn; cải cách chính sách tiền tệ và kích cầu nội địa chấm dứt tình trạng giảm phát triền miên.
Trong vòng bảy tháng sau khi lên cầm quyền, dường như chính sách Abenomics đã bước đầu tạo khởi sắc cho kinh tế, giúp cho lòng tin của dân Nhật với chính phủ dần trở lại. Điều này phần nào đã được khẳng định qua cuộc bầu cử Thượng viện hôm qua.
Bởi vậy mà ngay sau khi giánh được thắng lợi quan trọng này, thủ tướng Shinzo Abe khẳng định : “ Chúng tôi đã hứa với cử tri đẩy mạnh chính sách kinh tế và đó là cái duy nhất có thể làm”.
Nếu như phục hồi kinh tế là trọng tâm của ông Abe thì đây cũng là một hồ sơ khó có thể đi đến đích nhất.
Kích thích tăng trưởng kinh tế thế nào trong khi mà chính sách năng lượng liên quan đến việc cho khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đang phải chịu sức ép giữa một bên là các nhà sản xuất và bên kia là sự chống đối của đại bộ phận người dân từ sau tai nạn hạt nhân Fukushima.
Hồ sơ năng lượng hạt nhân cũng là một thách thức đối với uy tín của ông Abe với dân chúng.
Thiếu năng lượng là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt thương mại của Nhật mà nền kinh tế vốn vẫn chủ yếu dựa trên xuất khẩu.
Điều quan trọng nữa là phải có thặng dư thương mại thì mới có tiền trả cho khoản nợ công khổng lồ đã lên tới mức 250% GDP.
Trong một báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI đã cảnh báo chính sách Abenomics vẫn còn chứa đựng những “nguy cơ đáng kể”, nếu chính phủ không nhanh chóng kiểm soát chi tiêu.
Nhật báo Mainichi thì cảnh báo rằng thắng lợi trong tuyển cử của ông Abe không có nghĩa là người dân Nhật trao toàn quyền hành động cho ông.
Tờ báo Nhật này còn nhìn nhận đây chỉ là một “thắng lợi mặc định” bởi nó có được là do đảng đối lập Dân chủ Nhật Bản đã bị tan rã.
Từ nay đến năm 2016, Nhật Bản không phải qua một cuộc bầu cử nào, điều này cũng có nghĩa là ông Abe được rộng tay thực hiện các ý tưởng của mình mà không gặp cản trở gì trên nghị trường.
Mặc dù có ít nhất 3 năm phía trước tự do quyết đoán, ông Abe cũng ý thức được rằng trách nhiệm của người đứng mũi chịu sào của ông giờ đây lớn hơn bao giờ hết.
Vì thế mà ông Abe đã chia sẻ với các đồng nghiệp trong đảng Tự do Dân chủ rằng nếu để thất bại “chúng ta sẽ không còn có thể đổ lỗi cho nghị viện chia rẽ hay cho đối lập nữa” và giờ đây “người dân Nhật đang rất để mắt đến chúng ta”.
Cuối cùng cũng xin nhắc lại, thủ tướng Shinzo cũng đã từng nếm trải thất bại hồi năm 2007 sau một năm cầm quyền bởi một loạt bê bối và không đáp ứng được mong đợi của người dân trong chính sách bảo hiểm an sinh xã hội.
Tin mới
- Lãnh đạo Hà Tĩnh bị tố ăn chặn tiền viện trợ - 24/07/2013 00:19
- Khách Trung Quốc nườm nượp tới Bắc Ninh mua gỗ - 24/07/2013 00:06
- Mỹ nêu khả năng can thiệp quân sự tại Syria - 23/07/2013 23:57
- Báo chí Anh rộn rã chào mừng con trai hoàng tử William ra đời - 23/07/2013 23:42
- TQ lập lực lượng tuần duyên hùng hậu, nguy cơ va chạm gia tăng - 23/07/2013 22:08
- Trung Quốc: Hai viên chức kế hoạch hóa gia đình bị giết - 23/07/2013 21:49
- Ngân hàng Thế giới 'giúp CSVN xâm hại nhân quyền' - 22/07/2013 22:53
- Chiến đấu cơ Mỹ thả bom thực tập xuống đảo san hô Úc - 22/07/2013 22:39
- Công việc làm gia tăng đều nhờ tình hình kinh tế sáng sủa - 22/07/2013 22:03
- Phó tổng thống Mỹ đến Ấn Độ để thúc đẩy thương mại - 22/07/2013 19:01
Các tin khác
- Trung Quốc đòi tập đoàn dược phẩm GSK hợp tác điều tra hối lộ - 22/07/2013 18:48
- Dân Hàn Quốc phản đối mật vụ can thiệp vào bầu cử Tổng thống 2012 - 22/07/2013 01:40
- Úc treo thưởng để phá vỡ các màng lưới nhập cư trái phép - 22/07/2013 01:16
- Nhà đối lập Navalny tiếp tục tranh cử thị trưởng Matxcơva - 21/07/2013 02:01
- Panama : Tàu Bắc Triều Tiên có thể chở cả chất nổ - 21/07/2013 01:25
- Một người đi xe lăn cho nổ bom tại sân bay Bắc Kinh - 21/07/2013 01:12
- Giới bảo vệ nhân quyền quốc tế quan ngại về tình hình ông Nguyễn Văn Hải - 21/07/2013 00:59
- Một Người Việt Hải Ngoại Ra Đề Thi Chọn Học Sinh Giỏi Của Thế Giới - 21/07/2013 00:14
- Vatican khẳng định giá trị của Thần học Giải phóng - 19/07/2013 19:33
- Úc quyết định cấm cửa thuyền nhân - 19/07/2013 19:22