Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Aung San Suu Kyi muốn ra ứng cử tổng thống


birmanie  Aung San Suu Kyi


Bà Aung San Suu Kyi lần đầu tiên tham dự cuộc diễu binh nhân ngày quân lực bên cạnh giới tướng lãnh tháng 3/2013 (REUTERS)


Hôm nay, 06/05/2013, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã công khai tham vọng chính trị của mình, xóa đi phần nào những hoài nghi về tiến trình dân chủ đang diễn ra ở Miến Điện.

Trước Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, bà cho biết mong muốn ra tranh cử tổng thống vào nhiệm kỳ tới.

 Tuy nhiên, bản Hiến pháp phải được sửa đổi thì bà mới đủ điều kiện thực hiện hoài bão của mình.

Trong bài diễn văn đọc tại Naypidaw trước hàng nghìn đại diện của hơn 50 nước tham dự diễn đàn Davos về châu Á, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố :« Tôi muốn ra ứng cử tổng thống và tôi khá rõ ràng về chuyện này ».

Từ khi tham gia chính trường sau gần 15 năm bị mất tự do dưới chế độ độc tài quân sự, trở thành nghị sĩ trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hồi tháng Tư năm 2012, đã nhiều lần nhà đối lập nhắc đến khả năng ra ứng cử tổng thống Miến Điện.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi nhắc lại trở ngại chính cho tham vọng chính trị của bà lúc này là Hiến pháp Miến Điện vẫn cấm những ai kết hôn với người nước ngoài giữ vị trí lãnh đạo đất nước.

Bà Aung San Suu Kyi có chồng là người Anh, ông Michael Aris đã qua đời. Vì thế để bà có thể ra ứng cử tổng thống thì nội dung này của Hiến pháp phải được sửa đổi.

Sau khi tập đoàn quân sự tự giải thể chuyển giao quyền hành cho một chính phủ dân sự hồi tháng 3/2011, Tổng thống Thein Sein, cũng là từng là một tướng lĩnh trong chế độ cũ, đã tiến hành một cuộc cải cách được đánh giá là sâu rộng cả về chính trị và kinh tế, đưa đất nước hội nhập trở lại với cộng đồng quốc tế.

Chuyển biến ngoạn mục đầu tiên là việc thay đổi vị thế của nhà đối lập Aung San Suu Ky, biểu tượng của cuộc đấu tranh dân chủ tại Miến Điện trong những năm dưới chế độ độc tài quân sự.

 Từ là kẻ thù số một của chế độ, bà Aung San Suu Kyi trở thành lãnh đạo đối lập tại Quốc hội.

Cũng trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hồi tháng 4/2012, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà dành 43 trên tổng số 44 ghế bổ sung và đang dần chiếm được ưu thế so với đảng USDP, đa số cầm quyền hiện nay.

Từ khi bước chân vào nghị trường, giải Nobel Hòa bình đã có nhiều cố gắng hòa giải, xích gần lại với giới quân nhân, vốn vẫn chiếm đa số trong Quốc hội.

Người ta đã thấy, hồi tháng Ba vừa qua, lần đầu tiên lãnh đạo đối lập Miến Điện tham dự cuộc diễu binh nhân ngày quân lực hàng năm bên cạnh các tướng lĩnh của chế độ.

 Giới quan sát nhận thấy mục tiêu của bà là tạo điều kiện thuận lợi để Quốc hội thông qua tu chính Hiến Pháp.

Về các vấn đề trong nước như vụ xung đột giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo thời gian gần đây bà Aung San Suu Kyi vẫn giữ một thái độ dè dặt, một lập trường mà theo các nhà quan sát chính trị là để tránh làm mất lòng đại đa số dân chúng theo đạo Phật ở Miến Điện, những cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai.


Switch mode views: