Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Triều Tiên từ chối đối thoại về khu công nghiệp Kaesong

kaesong-khucongnghiep




Khu công nghiệp liên Triều Kaesong nằm trên đất Bắc Triều Tiên, phía sau khu phi quân sự Bàn Môn Điếm chia cách hai nước Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 23/04/2013.
REUTERS/Lee Jae-Won


Một ngày sau khi Seoul ra tối hậu thư với Bình Nhưỡng, kêu gọi đàm phán để mở lại khu công nghiệp liên Triều Kaesong bị đóng cửa từ ngày 3/4, ngày hôm qua 25/04/2013, chính quyền Bắc Triều Tiên đã ra thông cáo bác bỏ đề nghị này.

Phản ứng lại tuyên bố của Bình Nhưỡng, hôm nay 26/5 Seoul kêu gọi toàn bộ số nhân viên còn lại rút khỏi Kaesong « để bảo đảm an ninh ».

Vào ngày thứ Năm 24/4, Hàn Quốc đã thông báo, cho Bắc Triều Tiên 24 giờ để chấp nhận đề nghị đối thoại, nếu không Seoul sẽ có « các biện pháp thích đáng ».

 Trong bản thông cáo đáp trả đề nghị của Seoul, được hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích dẫn, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Bắc Triều Tiên khẳng định :
 Nếu chính quyền « bù nhìn » Hàn Quốc tiếp tục làm tình hình nghiêm trọng hơn, thì Bình Nhưỡng sẽ phải đáp lại bằng « các biện pháp dứt khoát và nghiêm trọng ».

Kể từ ngày 03/04, Bắc Triều Tiên cấm các nhân viên Hàn Quốc vào làm việc tại khu công nghiệp Kaesong, nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, cách vùng giới tuyến khoảng mười cây số.

Bình Nhưỡng đã rút 53.000 công nhân viên ra khỏi khu công nghiệp hồi đầu tháng này, vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao.

Sau khi nhiều nhân viên Hàn Quốc, chủ yếu là các cán bộ lãnh đạo 123 doanh nghiệp ở Kaseong rút đi, tại khu công nghiệp chỉ còn khoảng 170 người Hàn Quốc.

Tối hậu thư kể trên của Seoul cho thấy Hàn Quốc sẵn sàng rút hẳn hay ít nhất trong một thời gian dài toàn bộ 850 nhân viên của mình.

Khu công nghiệp Kaseong, một nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng cho chế độ Bắc Triều Tiên, với doanh số 469,5 triệu đô la (năm 2012), bị đe dọa phá sản và có khả năng bị đóng cửa hoàn toàn.

Hôm qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, nguyên Ngoại trưởng Hàn Quốc, kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đàm phán với Seoul.

Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Nesirky thông báo nhận định của Tổng thư ký Ban Ki Moon, theo đó, khu công nghiệp Kaseong là « một thành công của sự hợp tác liên Triều » và không nên để dự án này bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị và an ninh.

Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng can thiệp nếu Bắc Triều Tiên khiêu khích

Cũng ngày hôm qua 25/04, Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, tướng Martin Dempsey, tuyên bố rằng các lực lượng Mỹ sẵn sàng can thiệp nếu Bắc Triều Tiên khiêu khích, để bảo vệ đồng minh Nhật Bản.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ đưa ra lời phát biểu kể trên từ Nhật Bản, trước các quân nhân thuộc căn cứ không quân Mỹ tại Yokota, phía tây Tokyo.

 Trước đó, vào ngày thứ Tư, trong thời gian công du tại Bắc Kinh để gặp gỡ giới chức lãnh đạo Trung Quốc, Tổng tham mưu trưởng Dempsey cũng có một tuyên bố tương tự.

Trước đó, ngày 14/04 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến công du Nhật Bản, đã cảnh báo là Hoa Kỳ « kiên quyết bảo vệ Nhật Bản », sau khi Bình Nhưỡng đe dọa dùng vũ khí hạt nhân tấn công Nhật.

Vẫn liên quan đến Bắc Triều Tiên, hôm qua lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un đến thị sát cuộc duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập quân đội Bắc Triều Tiên.

Theo tin tức tình báo Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã di chuyển nhiều tên lửa đạn đạo và bệ phóng tới bờ biển phía đông, dường như để chuẩn bị cho một đợt phóng tên lửa mới.


Switch mode views: