Lao vào chiến tranh thương mại : Quá trễ để Mỹ thoái lui ?
- Thứ Ba, 10 tháng Bảy năm 2018 15:38
- Tác Giả: Thanh Hà
Tàu chở hàng tại cảng Long Beach, California, ngày 4/4/2018.REUTERS/Bob Riha Jr./File Photo
Tới khi nào "cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế" sẽ dừng lại ?
Công luận tập trung vào vế mậu dịch Mỹ- Trung, trong lúc "xung đột" đã tràn sang mặt trận công nghiệp.
Hội nghị ở Aix en Provence, miền nam nước Pháp, mở ra trong ba ngày từ mồng 6 đến mồng 08/07/2018 đúng vào lúc Hoa Kỳ bắt đầu áp thuế 25 % vào hơn 800 mặt hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ.
Cùng ngày, Bắc Kinh trả đũa một cách tương xứng, cũng nhắm vào 34 tỷ đô la hàng Mỹ trong một danh sách gồm 540 sản phẩm bán sang Trung Quốc.
Tất cả các diễn giả từ giới doanh nhân cho đến các chuyên gia hay đại diện của các định chế tài chính quốc tế đã đều đưa ra những dự báo bi quan trước viễn cảnh Hoa Kỳ dùng đòn thương mại đọ sức với phần còn lại của thế giới.
Giáo sư Agnès Bénassy-Quéré giảng dạy tại Trường Kinh Tế Paris ghi nhận "cuộc chiến đang leo thang : từ ba tháng qua, các bên chơi trò đánh qua đánh lại, mỗi đòn tung ra càng lúc càng nặng".
Theo chuyên gia Olivier Blanchard thuộc viện nghiên cứu Mỹ Peterson Institute, nguyên cựu giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, "mối nguy hiểm ở đây là chúng ta đã bước vào vòng xoáy của cái lô-gic ăn miếng trả miếng mà không ai biết là khi nào thì trò chơi ấy sẽ dừng lại".
Chính sách bảo hộ của tổng thống Trump sẽ không dừng lại ở đây. Trước hết là với Trung Quốc, sau thép và nhôm, sau các biện pháp đánh thuế 25 % nhắm vào 50 tỷ đô la hàng "made in China", nguyên thủ Mỹ còn đòi "phạt" thêm Bắc Kinh đến 200 tỷ ...
Với Liên Hiệp Châu Âu, ngoài nhôm, thép, Washington đang nhắm tới ngành công nghiệp xe hơi của Lục Địa Già.
Canada, Mêhicô cũng là những nạn nhân của chính sách bảo hộ đang được Nhà Trắng áp dụng.
Nga không là một ngoại lệ. Vào lúc mà cả thế giới chú ý vào cuộc đọ sức giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu thì tại Matxcơva, chính quyền của Vladimir Putin cũng đã ban hành những biện pháp trả đũa, đánh thuế vào hàng "made in USA".
Hội Đồng Phân Tích Kinh Tế CAE một cơ quan nghiên cứu trực thuộc phủ tổng thống Pháp, trong báo cáo ngày 02/07/2018, đưa ra một kịch bản đen tối nhất, trong trường hợp Hoa Kỳ áp dụng đến cùng chính sách bảo hộ và thế giới đáp trả một cách ngang ngửa.
Chiến tranh thương mại mới chỉ là giai đoạn đầu
Trả lời đài RFI, Philippe Martin, chủ tịch hội đồng CAE và là một trong ba đồng tác giả báo cáo nói trên so sánh cuộc đọ sức lần này trên ván cờ thương mại giữa một bên là Mỹ và bên kia là phần còn lại của thế giới với những gì đã diễn ra vào thập niên 1930 sau khủng hoảng tài chính năm 1929 bắt nguồn tại Hoa Kỳ, đẩy toàn thế giới vào một cuộc "đại suy thoái".
" Trong quá khứ từng có những cuộc chiến tranh thương mại, nhưng về quy mô thì đây là lần đầu tiên, các bên nêu ra biện pháp trả đũa nhắm vào khối lượng hàng nhập khẩu rất là lớn.
Nghiêm trọng hơn nữa là không ai biết được khi nào chính sách bảo hộ này sẽ dừng lại. Có lẽ căng thẳng leo thang mới chỉ ở bước đầu.
Chúng ta thường so sánh thời kỳ hiện tại với kịch bản hồi năm 1930. Khi đó thế giới cũng áp thuế 30 % nhưng đánh vào vô số mặt hàng.
Lần này Mỹ cũng đánh thuế nhập khẩu 25 % nhưng mới chỉ có một số ít các sản phẩm nằm trong tầm ngắm của chính quyền Trump.
Về phía Trung Quốc cũng như là Liên Hiệp Châu Âu thì cả hai cùng trả đũa một cách chừng mực.
Nhưng cần nhắc lại là sau khủng hoảng tài chính và kinh tế, các bên áp dụng chính sách bảo hộ.
Đây là trường hợp đã xảy ra năm 1930 và là những gì đang diễn ra hiện tại."
Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Anh, Mark Carney cho rằng "trong trường hợp Hoa Kỳ vĩnh viễn đánh thuế 10 % vào hàng nhập từ tất cả các quốc gia trên thế giới, 5 % GDP của nước Mỹ sẽ bốc hơi".
Cũng báo cáo của hội đồng CAE chỉ ra rằng, nếu một cuộc chiến thương mại "toàn diện" nổ ra, Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc sẽ mất đi từ 3 đến 4 % tổng sản phẩm nội địa "một cách vĩnh viễn".
Riêng trường hợp của Pháp, tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch với các nước ngoài Liên Âu giảm 42 %.
Chủ tịch Hội Đồng Phân Tích Kinh Tế CAE, ông Philippe Martin nêu lên hai lý do khiến các biện pháp bảo hộ cướp đi tăng trưởng của toàn cầu mà thiệt hại đầu tiên là cho nước Mỹ.
"Có những tác động trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp là tăng thuế nhập khẩu, đẩy giá hàng lên cao và đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng. Nhưng bên cạnh đó là tác động gián tiếp.
Chúng ta nói tới dây chuyền sản xuất mà ngày nay nhiều mặt hàng được làm ra từ các linh kiện nhập ở những nơi khác.
Vậy khi một nước nào đó tăng thuế nhập khẩu, rồi các đối tác thương mại của quốc gia đó trả đũa, thì dây chuyền sản xuất ấy bị phá hỏng. Giá thành của các sản phẩm tăng cao.
Tôi lấy thí dụ xe hơi Mỹ sản xuất ngay tại Hoa Kỳ cần có nhôm, thép nhập từ các nơi khác vào Mỹ. Chính quyền Trump tăng thuế nhập khẩu nhắm vào nhôm thép, xe của Mỹ tự nhiên đắt hơn. Người tiêu dùng Mỹ phải trả giá. Hãng xe Mỹ bị thiệt.
Theo thẩm định của hội đồng CAE trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện và cũng xin nói là chúng ta chưa tiến gần tới kịch bản đó, thì cả ba cột trụ kinh tế của thế giới là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đều thiệt hại nặng nề.
Mỗi bên mất khoảng từ 3 đến 4 % GDP một năm và kịch bản này sẽ kéo dài trong rất nhiều năm.
Với Pháp chẳng hạn thì mỗi hộ gia đình sẽ mất khoảng 1.200 euro một năm. Nhưng đây là kịch bản xấu nhất chúng tôi nghiên cứu để đề phòng.
Trước mắt, bất ổn về chính sách thương mại gây hoang mang cho khu vực sản xuất và tài chính. Gây bất lợi cho tăng trưởng và công việc làm".
Gậy ông đập lưng ông ?
Theo lời phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc Cao Phong, Washington đánh thuế nhập khẩu vào 34 tỷ đô là hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ.
Trong số này 20 tỷ, (tức là 59 % trên số tiền nói trên) do các tập đoàn ngoại quốc, mà chủ yếu là các hãng của Mỹ sản xuất ra tại Trung Quốc để xuất sang Hoa Kỳ.
Vậy không lẽ tổng thống Donald Trump vốn là một doanh nhân lại không ý thức được điều này. Chủ tịch hội đồng CAE trả lời :
"Tổng thống Mỹ bảo vệ một số công việc làm tại Mỹ và đây rõ ràng là một bài toán chính trị.
Donald Trump nhắm vào lĩnh vực nhôm, thép và một số tiểu bang để kiếm phiếu. Có điều, những nạn nhân đầu tiên của chính sách bảo hộ đó lại là những người tiêu dùng ở Hoa Kỳ, là các hãng sản xuất của Mỹ, là các công ty xuất khẩu của Mỹ khi số này trở thành mục tiêu của các nền kinh tế khác muốn trả đũa Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu. Hậu quả lâu dài nhiều lĩnh vực sẽ phải sa thải nhân công".
Đương nhiên Bắc Kinh đã không để yên cho Mỹ tấn công vào động cơ chính trong cỗ xe kinh tế đồ sộ trị giá 12.000 tỷ đô la của mình.
Trung Quốc một mặt đánh thuế vào hàng Mỹ, mặt khác kiện Washington ra trước tòa án trọng tài của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Cựu giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới Pascal Lamy đánh giá về phản ứng của Bắc Kinh :
"Quyết định của Trung Quốc là đúng đắn và Liên Hiệp Châu Âu cũng đã đưa ra những biện pháp tương tự.
Trung Quốc là nạn nhân của chính sách thương mại vô tổ chức và bất công của Donald Trump.
Tuy nhiên cần phải chứng minh với Washington rằng chính sách bảo hộ đó có những giới hại của nó.
Trong trường hợp này, Trung Quốc lại tỏ ra là đúng mực là một đối tác đáng tin cậy. Tôi nghĩ là liên minh thương mại giữa Bruxelles-Bắc Kinh có thể hình thành.
Chủ đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp vào giữa tháng 7 này và đây là kết quả từ sau thái độ của tổng thống Trump ở thượng đỉnh G7 - Canada.
Câu hỏi chính chúng ta sẽ dừng lại ở giai đoạn các bên khiêu khích lẫn nhau hay đang thực sự lao đầu vào một cuộc chiến thương mại. Nếu là giả thuyết này thì tình hình đáng quan ngại vô cùng".
Triệt đường Trung Quốc
Về tương quan lực lượng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khối lượng hàng hóa mà Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ lớn gấp 4 lần so với kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh đó Bắc Kinh tìm những phương tiện khác để đáp trả các biện pháp áp thuế của chính quyền Trump.
Các biện pháp đó có thể là kêu gọi 1,3 tỷ người dân tẩy chay hàng Mỹ ; gây khó khăn cho những tập đoàn của Hoa Kỳ đang làm giàu nhờ thị trường đông dân nhất hành tinh.
Trong số này có hãng điện thoại Apple với những chiếc iPhone rất được người Trung Quốc ưa chuộng, có cửa hàng cà phê Starbucks, có nhiều hãng xe hơi Mỹ.
Với ông khổng lồ trong ngành chế tạo máy bay Boeing thì Trung Quốc là thị trường lớn thứ nhì.
Vũ khí sau cùng nữa là hiện tại Trung Quốc đang là chủ nợ chính của Mỹ, nắm giữ khoảng 1.200 tỷ đô la nợ của Hoa Kỳ (tương đương với 5 % tổng số nợ của nước Mỹ)...
Hoa Kỳ sẽ phần nào lúng túng nếu như Trung Quốc ngưng mua thêm công trái phiếu của nền kinh tế số 1 toàn cầu.
Đó là chưa kể Bắc Kinh cũng có thể phá giá đồng tiền, tiếp sức cho khu vực xuất khẩu ...
Đương nhiên tất cả những biện pháp này đều là con dao hai lưỡi và cùng thiệt hại cho cả đôi bên.
Các hoạt động kinh tế của thế giới đầu thế kỷ 21 đã quá lệ thuộc lẫn nhau : Nhà Trắng đánh thuế hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ làm tăng giá những sản phẩm được sản xuất ra ngay trên lãnh thổ Mỹ.
Hậu quả kèm theo là ảnh hưởng tới túi tiền của các hộ gia đình Mỹ. Hàng Mỹ thêm đắt đỏ, kém hấp dẫn để bán cho các nước khác trên thế giới.
Nhưng bên cạnh vế thương mại, mục tiêu mà chính quyền Trump nhắm tới là ngăn chận đà phát triển của nền công nghiệp Trung Quốc.
Trong bài viết đăng trên báo Asialyst ngày 07/07/2018 chuyên gia kinh tế về châu Á Jean-Raphael Chaponnière nêu lên một thực tế : đối với không ít các tập đoàn lớn của Mỹ, Trung Quốc đã hoặc đang trở thành thị trường quan trọng nhất, hơn cả thị trường Hoa Kỳ.
Chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có nguy cơ biến hơn 700 chi nhánh của các hãng Mỹ thành những "con tin" khi bị Trung Quốc làm khó dễ.
Donald Trump mở ra mặt trận này, các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại. Đổi lại Trung Quốc cũng đánh mất nguồn đầu tư FDI quý giá trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
Sau cùng, vẫn theo chuyên gia Pháp Jean-Raphael Chaponnière, viện lý do an ninh quốc gia, chính quyền Trump mở các đợt tấn công dồn dập nhắm vào Trung Quốc. Nhưng đấy lại càng là động lực để Bắc Kinh tăng tốc kế hoạch "Manufacturing China 2025".
Qua việc Washington đòi "cấm vận" tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc ZTE, Bắc Kinh ý thức được những nhược điểm của mô hình kinh tế nước nhà và lại càng quyết tâm củng cố những lỗ hổng ấy.
Chỉ riêng trên mặt trận này, lợi thế nghiêng về phía Bắc Kinh.
Related news items:
Tin mới
- World Cup 2018 : Tuyển Pháp trước ngưỡng cửa thiên đường - 11/07/2018 16:41
- Cứu ngành bưu chính Pháp: Nhân viên phát thư phải "đa năng" - 11/07/2018 16:31
- Biển người đổ về Champs-Elysées mừng Pháp vào chung kết Cúp Thế Giới - 11/07/2018 16:12
- Vài nét về nhân vật Công Giáo được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ - 11/07/2018 03:44
- HỌA DA VÀNG - YELLOW PERIL - 11/07/2018 03:30
- Thái Lan giải cứu được toàn bộ đội bóng nhí và huấn luyện viên - 10/07/2018 19:10
- Goá phụ nhà ly khai Lưu Hiểu Ba rời Trung Quốc - 10/07/2018 19:04
- Trung Quốc : Đấu tranh đòi thả luật sư nhân quyền biệt tích 3 năm nay - 10/07/2018 16:08
- LHQ : Đàm phán với Bắc Triều Tiên phải bao gồm cả nhân quyền - 10/07/2018 16:02
- Thủ tướng Trung Quốc thăm Berlin : 30 tỷ euro hợp đồng - 10/07/2018 15:55
Các tin khác
- Brexit : Hai bộ trưởng từ chức, vị trí của thủ tướng May bị đe dọa - 10/07/2018 15:23
- Thiên tai : Nhật kiểm kê thiệt hại, Đài Loan chờ bão lớn - 10/07/2018 14:18
- Bán kết Pháp-Bỉ : Thierry Henry giữa hai làn nước - 10/07/2018 14:12
- Chuyên cơ của Kim Jong Un xuất hiện ở Vladivostok - 10/07/2018 13:36
- Tư pháp Miến Điện bác bỏ đề nghị miễn tố hai phóng viên Reuters - 09/07/2018 22:22
- Anh Quốc : Bộ trưởng đặc trách Brexit từ chức - 09/07/2018 22:14
- Thiên tai nặng tại Nhật, thủ tướng Abe hủy chuyến công du ngoại quốc - 09/07/2018 21:10
- Người phụ nữ Anh bị nhiễm độc Novitchok đã tử vong - 09/07/2018 21:01
- Pháp : Tổng thống trình bày kế hoạch hành động trước Quốc Hội lưỡng viện - 09/07/2018 20:54
- Tối Cao Pháp Viện Mỹ sắp ngả sang khuynh hướng bảo thủ - 09/07/2018 20:42