Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam sẽ già trước khi giầu ?

global-fitness VN

Người cao tuổi tập thể dục bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam, ngày 19/09/2017.
REUTERS/Kham

Việt Nam vẫn được coi là một nước có dân số trẻ. Đây là một lý do thường được các nhà kinh tế học đưa ra như một dấu hiệu đảm bảo cho đầu tư tài chính.

Tuy nhiên, theo tác giả David Hutt, trên trang The Diplomat (02/10/2017), dường như nhận định này không hoàn toàn đúng thực tế (ít nhất là trong vài thập kỷ tới).

Độ tuổi trung bình ở Việt Nam hiện nay là 32 tuổi và khoảng 55% dân số dưới 34 tuổi.
Số người thuộc nhóm từ 15-64 tuổi, được cho là nằm trong độ tuổi « lao động », chiếm 68% dân số, tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với thế kỷ trước và cao hơn nhiều nước khác ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, số người trẻ dưới 15 tuổi bị giảm dần từ vài thập kỷ qua và hiện chiếm 23% dân số, thấp hơn mức 40% vào năm 1989.
Ngoài ra, tỉ lệ sinh cũng giảm xuống mức trung bình 1,95 con đối với mỗi phụ nữ, so với 5 con/phụ nữ vào năm 1980 và 3,55 con vào năm 1990.

Điều này đồng nghĩa với việc dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động sẽ giảm trong những thập kỷ tới, và hậu quả « có lẽ sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng bình quân đầu người trong những năm 2020 đến 2050 », như nhận định của một bài viết đăng năm 2017 trên blog của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).

Theo một biểu đồ của IMF, tỉ lệ dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động đạt đỉnh vài năm trước, khi thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Mức thu nhập này chưa bằng một nửa so với thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc, bằng 1/3 so với Thái Lan và chỉ gần bằng 1/10 so với thu nhập ở Nhật

Bản khi tỉ lệ người ở độ tuổi lao động của các nước này ở mức cao nhất.
Nói theo một cách khác như bài viết trên blog của IMF, « Việt Nam có nguy cơ già trước khi trở nên giầu ».

Việt Nam là một trong những nước già nhanh nhất thế giới

Tổ chức Y Tế Thế Giới hiện coi Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ dân số già nhanh nhất thế giới.
 Hiện tại, số người già chiếm ít nhất 4% dân số Việt Nam, tương đương với khoảng 10 triệu người hơn 65 tuổi.

Tuy nhiên, con số này được dự đoán tăng lên gần 7% và thậm chí hơn 10% vào năm 2025.
Thêm vào đó, Việt Nam có tuổi thọ trung bình cao thứ hai ở Đông Nam Á, khoảng 75 tuổi.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu đảng Cộng Sản Việt Nam có thể làm được gì để giảm bớt những khó khăn trong tương lai khi tỉ lệ dân số già tăng, còn tỉ lệ người trong độ tuổi lao động lại giảm, thêm vào đó là chi phí của nhà nước dành cho bảo hiểm y tế, trợ cấp, mức đánh thuế thu nhập thấp và sự suy giảm về sản lượng kinh tế.

Bộ Y Tế Việt Nam đã trình bày kế hoạch hành động từ năm 2017 đến 2025.
 Theo đó, mọi người cao tuổi sẽ có thẻ bảo hiểm y tế vào khoảng năm 2025.
 Chính phủ từng nói rằng tình trạng dân số già không phải là một mối bận tâm lớn lắm vì theo chính phủ, giới trẻ Việt Nam chăm sóc người già, giúp Nhà nước bớt nhiều trách nhiệm về chăm sóc người cao tuổi.

Tuy nhiên, giống như những gì đang diễn ra ở Nhật Bản và Thái Lan, hai nước cũng có dân số già, truyền thống chăm sóc người cao tuổi đang dần phai mờ.

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là tình trạng đô thị hóa (hiện ở mức 2,59% hàng năm ở Việt Nam) và sự điều chỉnh đời sống gắn liền với cuộc sống hiện đại.
Có nghĩa là người dân có xu hướng sống với vợ/chồng và con nhỏ, chứ không còn sống với bố mẹ hay với ông bà.
Vì vậy, cuối cùng, Nhà nước có lẽ sẽ phải đối mặt với phần lớn chi phí chăm sóc.

Một số cải cách đã được đề nghị. Việt Nam có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu, hiện đang là 60 tuổi đối với nam giới và 55 tuổi đối với nữ giới (thêm 5 tuổi đối với công chức).
Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đã được đảng cân nhắc vào năm 2016, tiếp theo là vào tháng 06/2017, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu các sửa đổi trong bộ luật Lao Động có được thông qua hay không.

Tăng độ tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài dân số trong độ tuổi lao động thêm vài năm nữa, đồng thời giảm bớt cho Nhà nước gánh nặng về trợ cấp và bảo hiểm y tế trong thời gian này.
Nhưng chắc chắn người dân sẽ bực bội đón nhận thông tin này như sự tăng tuổi nghỉ hưu đang diễn ra trên khắp thế giới.

Quỹ anh sinh xã hội Việt Nam bắt đầu bị thâm hụt

Khi cải cách hệ thống lương hưu được công bố vào năm 2015 - quy định mới này ngăn cản người chuẩn bị nghỉ hưu có thể lĩnh một lần các khoản thanh toán bảo hiểm xã hội khi họ nghỉ việc - hàng nghìn công nhân đã đình công, buộc chính phủ phải giảm bớt những thay đổi này.

Vào thời điểm đó, Tổ chức Lao Động Quốc Tế cho rằng Việt Nam đang tiến đến một cuộc khủng hoảng lương hưu ngay từ năm 2021, khi quỹ an sinh xã hội của nước này bắt đầu bị thâm hụt.
Và đến năm 2034, quỹ này có thể bị cạn kiệt hoàn toàn.

Chính phủ cũng có thể tăng thuế, như đã bắt đầu làm.
Cho đến nay, tỉ lệ tăng lại khá khiêm tốn, nhưng cũng khiến người dân giận dữ.

Tác giả bài viết cho biết khi còn sống ở Hà Nội vài tháng trước đây, nhiều người nói với ông rằng họ ghét tăng thuế vì các khoản « tiền bôi trơn », cụm từ được một số người dân địa phương sử dụng để nói về « hối lộ », hiện cũng gia tăng.

Lấy ví dụ về kế hoạch tăng thuế xăng dầu của bộ Tài Chính từ 3.000 đồng thành 8.000 đồng/lít.
Chính phủ gọi đó là « thuế môi trường » nhưng nhiều người dân không tin điều này : họ cho đó là một cách để tăng ngân sách Nhà nước, chứ không phải để bảo vệ môi trường.

Theo tác giả, đây có thể là một nhận xét đúng. Hơn nữa, giá xăng dầu ở Việt Nam đã cao hơn so với ở Malaysia và Indonesia, và nếu tăng thêm thuế thì một lít xăng có thể chiếm đến 1/6 thu nhập trung bình hàng ngày của người lao động.

Thực vậy, nhiều người cho rằng mức thuế theo kế hoạch đang tăng nhanh hơn nhiều so với thu nhập.
Tác giả bài báo cho rằng việc lập kế hoạch giải quyết vấn đề người cao tuổi trong tương lai đòi hỏi nhiều đóng góp của người dân hiện nay.

Trong bối cảnh này, Việt Nam vẫn còn dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản cầm quyền, trong nhiều thập niên, đảng đã từ chối cho người dân được hưởng những điều sơ đẳng nhất về dân chủ. Hiện tại, sự phản đối chính phủ ngày càng nhiều và sự trấn áp cũng gia tăng.

Khó khăn giảm thâm hụt ngân sách của Nhà nước

Cùng lúc, kho bạc Nhà nước cũng đang trong tình trạng xấu.
Nợ công hiện chiếm đến 64,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), điều này có nghĩa là cần thực hiện chính sách « thắt lưng buộc bụng ».

Cũng trong thời điểm này, thâm hụt ngân sách nhà nước từ 5% GDP vào năm 2000 tăng thành 6,5% vào năm 2016.
Chính phủ có chủ trương giảm mức thâm hụt ngân sách xuống còn 3,5% vào năm 2020, một tham vọng mà theo đánh giá của tác giả bài viết là dường như khó đạt được.

Thực vậy, để nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhiều chuyên gia thẩm định Việt Nam sẽ phải chi ít nhất 480 tỉ đô la Mỹ trong vòng bốn năm tới vào các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng các sân bay mới, đường sắt và đường bộ.

Nhưng chính phủ đã không có đủ khả năng cho các việc đó, như trường hợp chậm tiến độ thi công tuyến tầu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh.
Và chính phủ cũng có vẻ khó đạt được mục tiêu giảm đáng kể chi tiêu của Nhà nước.

Đầu tư từ lĩnh vực tư nhân có thể là một con đường nên theo, nhưng hiện nay, lĩnh vực này mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng đầu tư của các dự án cơ sở hạ tầng.
Và nếu tỉ lệ này tăng, chính phủ sẽ phải áp đặt nhiều biện pháp cải cách kinh tế hơn so với những gì muốn làm.

Tác giả David Hutt nhắc lại, tính chính đáng của đảng Cộng Sản Việt Nam trong con mắt của người dân phần lớn phụ thuộc vào khả năng duy trì tăng trưởng nền kinh tế và cải thiện mức sống của người dân.

Một số khác chấp nhận nguyên trạng vì, chí ít trong quá khứ, đảng đã có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản như giáo dục và bảo hiểm y tế.
Nhưng ngay cả điều này hiện cũng đang được kêu gọi xem xét. Tình trạng tham nhũng gia tăng là một dấu hiệu tự nhiên về tình trạng nhu cầu lớn hơn mức sẵn có.

Và theo báo cáo của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế được công bố năm 2017, Việt Nam hiện là nước có tình trạng hối lộ đứng thứ hai châu Á. 65% người dân cho biết từng đút lót hoặc trả « tiền bôi trơn ».
Hiện tượng này gồm cả tình trạng đút lót để con cái được nhận vào trường tốt hay có chỗ trong các bệnh viện.

Vì vậy, nếu đảng Cộng Sản không thể chu cấp được các dịch vụ cơ bản cho đông đảo người dân nữa, cũng như không bảo đảm được việc cải thiện mức sống, có nhiều khả năng một bộ phận lớn người dân sẽ bắt đầu chất vấn về mục tiêu của đảng.

Điều quan trọng hơn, ngoài những hình thức truyền thống về tính chính đáng của đảng, nhiều người sẽ bắt đầu tự hỏi những người lãnh đạo họ là ai.
Khi vấn đề lão hóa dân số - và việc này phải được chuẩn bị từ giờ - được thêm vào bài toán, thì mọi việc có vẻ còn mù mờ hơn đối với đảng Cộng Sản Việt Nam.



Switch mode views: