Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hồng Kông, một nền tư pháp dưới áp lực Bắc Kinh

hoangchiphong HK

Lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong bị cảnh sát bắt ngày 28/06/2017.
REUTERS/Tyrone Siu

Hôm 28/06/2017, lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) cùng với 25 nhà đấu tranh đã bị câu lưu trong một cuộc biểu tình phản đối Tập Cận Bình đến thăm đặc khu, nhân kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc.

Những người biểu tình cũng đòi hỏi trả tự do cho giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba và tất cả các tù nhân chính trị.
Họ được thả ra vào rạng sáng thứ Sáu 30/6, và cho biết sẽ kiện lên Tòa án Tối cao về vụ bắt bớ này.

Kể từ đầu tháng Năm đến nay, trên những bậc thềm tòa sơ thẩm Khu Đông Hồng Kông (Eastern Magistrates’Court), ngự trị một không khí « phiên tòa chính trị » đã trở thành quen thuộc, vốn diễn ra ngày càng nhiều trong những năm cuối của nhiệm kỳ ông Lương Chấn Anh (C.Y.Leung).

Ra trước tòa là những khuôn mặt thường rất trẻ ở tuổi sinh viên, với bạn bè và những người ủng hộ vây quanh, đôi khi thêm vài băng-rôn và vô số camera truyền hình, máy ảnh.

Hôm đặc phái viên Le Monde đến dự, có 9 người bị triệu tập với sáu tội danh khác nhau (tụ tập trái phép, gây rối trật tự công cộng, chống lại nhân viên công lực…). Tất cả có điểm chung là đã tham gia cuộc biểu tình ngày 06/11/2016 trước Văn phòng liên lạc Trung Quốc.

Nằm ở khu Tây Hoàn (Sai Wan), phía tây khu tài chính Trung Hoàn nổi tiếng, cơ quan này đặt tại một tòa tháp bằng kính và thép hiện đại, phía trên nóc là một quả cầu.
Tuy mang cái tên khá khiêm tốn, nhưng Văn phòng liên lạc là một tổ chức hành chính khổng lồ, với mấy chục ban bệ khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa các ứng cử viên đề cử vào Quốc Hội Hồng Kông.

Trước khi bước vào phòng xử, cô Chu Đình (Agnès Chow), bí thư đảng đối lập Hương Cảng Chúng Chí (Demosisto) cho biết : « Chúng tôi lo ngại chính quyền lợi dụng phiên tòa này để bỏ tù những người phản kháng trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến vào ngày 1/7 ».

 Nhưng thẩm phán hôm đó chấp nhận ngay yêu cầu hoãn xử của luật sư, thậm chí còn cho thời hạn lâu hơn vì lịch xử không thuận tiện.
Phiên tòa như vậy được dời đến ngày 21/7, nhờ đó các bị cáo có thể đi biểu tình chống Tập Cận Bình.

Dưới mắt Lâm Thuần Hiên (Derek Lam), thành viên Demosisto và là sinh viên trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, các vụ bắt bớ này nhằm sách nhiễu.
Anh nói : « Chúng tôi liên tục bị bắt, với tôi đây đã là lần thứ tư. Thật là rắc rối, nhất là bây giờ đang vào mùa thi ».

Hồi cuối tháng Ba, sau hôm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) được bầu làm trưởng đặc khu, một nhóm 9 công dân Hồng Kông khác, trong đó có ba lãnh tụ phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn, cũng đã bị triệu ra tòa.

Tháng Tư, dân biểu, chủ tịch đảng Nhiệt Huyết Công Dân (Civic Passion) là Trịnh Tùng Thái (Cheng Chung Tai), 33 tuổi, bị bắt rồi được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh, vì « xúc phạm quốc kỳ ».
Anh đã cắm ngược những lá cờ đuôi nheo Trung Quốc và Hồng Kông bằng vải ni-lông trên bục các đồng nghiệp thân Bắc Kinh vào tháng 10/2016.

 Ngày 3/7, khoảng hai chục nhà đấu tranh trong đó có Hoàng Chi Phong bị triệu tập vì « chống lại nhân viên công lực ».

Nhưng trường hợp điển hình nhất là hai dân biểu trẻ của đảng Thanh Niên Tân Chính (Youngspiration), Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) và Du Huệ Trinh (Yau Waiching), đắc cử tháng 9/2016 nhưng chưa bao giờ được ngồi vào chỗ của mình vì bị loại ra khỏi Quốc Hội.

Trong khi tư pháp đặc khu chưa đưa ra kết luận về lời tuyên thệ của họ, thì tháng 11/2016 Bắc Kinh đã can thiệp, cho rằng vô giá trị.

Đơn kháng cáo của hai dân biểu trẻ sẽ được tòa phúc thẩm xem xét cuối tháng Tám năm nay, họ được một trong những luật sư nổi tiếng nhất Luân Đôn là David Pannick biện hộ.

Hai dân biểu này giải thích : « Ở tòa án cấp cao nhất, chúng tôi vẫn còn tin vào một bản án công bằng ».
Số phận của sáu dân biểu đối lập khác cũng đang nằm trong tay tư pháp.
 Họ bị cáo buộc tụ tập bất hợp pháp, vì một cuộc họp tổ chức ngay trong tòa nhà Quốc Hội.

Gần đây, nhiều phiên xử cho thấy quyết định của tòa không phải lúc nào cũng thuận lợi cho chính quyền. Hồi tháng Hai, cựu trưởng đặc khu Tăng Âm Quyền (Donald Tsang) bị 20 tháng tù vì sai phạm trong quản lý.
Ông Tăng kháng cáo và được cho đóng tiền tại ngoại.

Còn tỉ phú Quách Bình Giang (Thomas Kwok) có liên quan đến một vụ án tham nhũng dính líu đến nhân vật số hai của ông Tăng Âm Quyền là Hứa Sĩ Nhân (Raphael Hui), thì vừa thua kiện ở tòa phúc thẩm.
 Năm 2014, ông Hứa Sĩ Nhân đã bị kết án bảy năm rưỡi tù giam.

Về phần bảy cảnh sát đã đánh đập một người biểu tình trong đợt « Cách mạng Dù vàng » năm 2014, mỗi người bị lãnh án hai năm tù.
 Bản án nghiêm khắc này đã gây ra phong trào tương trợ với cảnh sát.

Dù vậy, mặc cho tính khách quan của các thẩm phán và sự vững chải của các định chế Hồng Kông, một luật sư giấu tên cho biết tại đặc khu « các thành viên luật sư đoàn hết sức bảo thủ. Đa số có cùng ý nghĩ là không nên làm cho con tàu tròng trành, cần phải tương đối thôi ».

Luật sư này cho rằng khá mỉa mai khi tòa phúc thẩm lại nằm gần hai ngân hàng chính của Hồng Kông là HSBC và Bank of China, tại tòa nhà của tỉ phú Lý Gia Thành (Li Kashing) và câu lạc bộ sang trọng Hương Cảng Hội (Hong Kong Club).

Switch mode views: