Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giai đoạn thực dân Pháp nhìn từ các nước thuộc địa

french colonial administrator congo
Các nhà thực dân tại Congo thuộc Pháp năm 1905@wikipedia


Hội nghị thường niên của Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp bắt đầu buổi làm việc đầu tiên ngày 15/06/2017 trong tiếng ve kêu và nắng vàng rực rỡ của vùng Provence, miền nam Pháp.

Số lượng người tham gia nhiều hơn dự kiến, với khoảng 170 người trình bày tham luận.

Trả lời phỏng vấn ban tiếng Việt đài RFI, bà Nathalie Dessens, giáo sư Lịch sử đại học Toulouse 2 Jean-Jaurès, nguyên chủ tịch Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp và là thành viên ban tổ chức hội nghị 2017, vui mừng trước thành công ngoài mong đợi.

 Theo bà, lý do có thể là rất nhiều nhà nghiên cứu đã tranh thủ hội thảo được tổ chức tại Trung Tâm Lưu Trữ Hải Ngoại Pháp (ANOM) để lưu lại nghiên cứu tài liệu.

RFI :Xin chân thành cảm ơn bà Nathalie Dessens đã dành thời gian trả lời ban Việt ngữ để giới thiệu hội thảo cũng như Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp từ năm 1974 đến nay. Hội được thành lập như thế nào và với mục đích gì ?

Nathalie Dessens : Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp được thành lập vào năm 1974 bởi các nhà sử học Mỹ và Canada.

 Ý tưởng này thuộc trào lưu đổi mới nghiên cứu sử-địa, trong đó các nhà sử học về nước Pháp ở Bắc Mỹ nghiên cứu chủ yếu về nước Pháp lục địa.

Dần dần, một số người trong số họ chuyển sang nghiên cứu toàn cảnh quá trình thuộc địa Pháp. Điều này giải thích nhu cầu thành lập một hội nghiên cứu về nước Pháp thuộc địa, và cả mối quan hệ giữa Pháp Quốc với các thuộc địa.

Ý tưởng ban đầu xuất phát từ Bắc Mỹ với các nhà nghiên cứu Mỹ và Canada. Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Pháp vào khoảng những năm 1990 tại Poitiers. Trước đó thì hoàn toàn được tổ chức ở Canada hoặc ở Mỹ.

RFI :Vấn đề thuộc địa được đề cập như thế nào trong các hội thảo của Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp ?

Nathalie Dessens : Tôi nghĩ là Hội quan tâm đến toàn bộ tiến trình thuộc địa Pháp. Tôi cho rằng đây là một trong những điểm mạnh của Hội, nghiên cứu từ giai đoạn Pháp bắt đầu công cuộc khai thác Mỹ và hình thành vùng Tân Pháp Quốc cho đến giai đoạn giải phóng khỏi ách thực dân vào thế kỷ XX.

Cách đề cập vấn đề không giống như cách tiếp cận từ Pháp lục địa. Đây thật sự là cách nhìn tách biệt, từ bên ngoài, từ các nước thuộc địa.
Theo tôi, đây chính là điểm đặc trưng của phương pháp tiến hành.

Các chủ đề rất đa dạng. Thực ra, mong muốn của chúng tôi là chọn một chủ đề tương đối rộng để có thể bao phủ mọi lĩnh vực nghiên cứu và cho phép các nhà nghiên cứu có thể tham gia.
Chủ đề năm nay là “Các nhân vật nổi tiếng và chưa được biết trong giai đoạn thuộc địa Pháp” (Acteurs illustres et méconnus de la colonisation française), thế nhưng chúng tôi có những bài tham luận ngoài chủ đề, có thể là về môi trường, về quá trình khai thác thuộc địa hoặc những đề tài chung.

RFI : Vì có rất nhiều chủ đề được đề cập liên quan đến giai đoạn thuộc địa, vậy hàng năm, với hội nghị thường niên, ban tổ chức làm thế nào để thống nhất được một đề tài để cùng thảo luận ?

Nathalie Dessens : Đây là một đặc quyền của ban tổ chức. Mỗi năm, trường đại học đứng ra tổ chức hội thảo hoặc như năm nay là Trung Tâm Lưu Trữ Hải Ngoại Pháp, thì những khách mời và ban tổ chức hội thảo đề xuất một chủ đề.
Ví dụ chủ đề năm nay là “Các nhân vật nổi tiếng và chưa được biết trong giai đoạn thuộc địa Pháp”, tôi nghĩ là có liên hệ đến kho tài liệu lưu trữ hải ngoại.

Cơ quan này muốn nêu lên một số đề tài ít được chú ý và nghiên cứu. Sau đó, đề tài còn phải chờ văn phòng của Hội thông qua. Nhưng đúng là chọn chủ đề thường là đặc quyền của ban tổ chức.

RFI :Hàng năm, ban tổ chức luôn chọn ra một điểm nhất định và luôn thay đổi từng năm, ví dụ như năm nay là ở Pháp, năm ngoái ở Canada và năm tới sẽ ở Mỹ.
Mục đích chọn các địa điểm khác nhau của ban tổ chức được hiểu như thế nào ?

Nathalie Dessens : Như tôi đã nói ở trên, đây là một Hội mà ban đầu hoàn toàn thuộc Bắc Mỹ, vì thế trong vòng nhiều năm, hội nghị hàng năm thường diễn ra lần lượt tại Mỹ và Canada.

 Thực ra, Hội không có trụ sở, mà chỉ gồm các nhà sử học thuộc các trường đại học hoặc các cơ quan khác nhau. Vì vậy, ngoài ý nghĩa tổ chức hội nghị tại những nơi nghiên cứu về giai đoạn thuộc địa Pháp, còn phải nói đến khối lượng công việc khổng lồ trong quá trình chuẩn bị.
Vì thế, lần lượt mỗi thành viên của Hội đứng ra đảm nhiệm công việc này.

Vào cuối những năm 1990, có nghĩa là khoảng 20 năm gần đây, hội nghị thường niên được tổ chức tại Pháp, lần lượt tại Poitiers, Toulouse, La Rochelle, Paris và năm nay là ở Aix.

Chúng tôi cũng đã bắt đầu tổ chức hội nghị tại những địa danh cũ trong thời thuộc địa. Hội nghị đầu tiên theo ý tưởng này được tổ chức tại Dakar năm 2006 và chúng tôi tổ chức một hội nghị khác ở Siem Reap năm 2014.
Mục đích của chúng tôi là vừa đề cao các trường và cơ quan nghiên cứu về vấn đề thuộc địa, vừa chia sẻ nhiệm vụ với nhau.

Chúng tôi đã nghĩ đến tổ chức hội nghị ở Việt Nam. Chúng tôi đã nhận được một đề nghị nhưng cuối cùng người phụ trách lại rút lại.
 Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng có thể tổ chức được vào năm 2020. Chúng tôi rất muốn và điều này nằm trong kế hoạch.

RFI :Công việc tổ chức, như bà nói, là rất lớn, yêu cầu nhiều người tham gia cùng lúc. Vậy làm thế nào bà và ban tổ chức có thể điều phối được 160-170 người cùng tham gia ? Và số lượng “khách” này có tác động đến ngành du lịch của thành phố Aix hay không ?

Nathalie Dessens : Tôi nghĩ là có tác động nhưng không phải là những con số quá lớn. Aix-en-Provence là một trường hợp đặc biệt vì có Trung Tâm Lưu Trữ Hải Ngoại nên năm nay thu hút được rất nhiều nhà nghiên cứu. Họ tranh thủ sự kiện này để lưu lại thêm vài tuần tìm tài liệu.

Đúng là có khoảng 160-170 người tham dự năm nay, không phải lúc nào cũng được như vậy vì còn phụ thuộc vào địa điểm... Có những năm có ít người tham dự.

Chúng tôi từng có những hội nghị với quy mô nhỏ, như ở Nova Scotia (Nouvelle Ecosse, Canada) với khoảng 90 người. Thường số lượng người tham gia dao động từ 80 đến 200. Năm nay là một năm tốt, một năm thành công.

RFI :Sau mỗi kỳ hội thảo, công chúng có thể tiếp cận được những công trình nghiên cứu được trình bày ở hội thảo hay không ?

Nathalie Dessens : Vừa có vừa không. Để có thể dự thính, cần phải đăng ký ghi danh hội nghị. Có nghĩa là những ai đăng ký đều có thể đến tham dự hội nghị mà không cần thiết phải là hội viên hay là giảng viên đại học hoặc làm việc trong trường đại học.

 Điều quan trọng là phải đăng ký hội nghị, đơn giản là vì Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào mà chỉ sống được nhờ số tiền đóng góp của hội viên.
Hội nghị thường niên được tổ chức nhờ vào lệ phí đăng ký. Điều này giải thích tại sao phải đăng ký để có thể tham dự hội nghị. Bất kỳ ai đều được hoan nghênh ghi danh vào hội nghị.

Về mặt công bố nghiên cứu, Hội có một tạp chí mang tên French Colonial History, được viết bằng hai ngoại ngữ, Anh và Pháp, và đăng những bài viết liên quan đến công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp.

Nhưng đó không hẳn phải là những bài tham luận ở hội thảo mà là những bài viết do hội viên đề xuất, không nhất thiết là đã trình bày ở hội nghị. Nhưng tất cả những bài viết này đều tóm lược đầy đủ về các công trình của Hội.

Tờ báo của Hội có thể truy cập được trực tuyến và nằm trong gói các tạp chí điện tử. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể đặt tạp chí bằng giấy, dù chúng tôi không nhận được nhiều yêu cầu nhưng vẫn làm được.

Switch mode views: