Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khủng bố tại Luân Đôn, cảnh sát Anh điều tra theo hướng Hồi Giáo

britain-security

Cảnh khu vực Nghị Viện Anh tại Luân Đôn bị phong tỏa sau vụ khủng bố. Ảnh 23/03/2017.
Reuters

Scotland Yard bắt một loạt 7 nghi can liên quan đến vụ tấn công gần Nghị Viện Anh ngày 22/03/2017 làm chết 3 người, trong đó có thủ phạm, theo tin mới nhất từ cơ quan chống khủng bố.

Cảnh sát Anh « nghiêng theo giả thuyết Hồi Giáo» là kẻ chủ mưu, cho dù cho đến sáng nay, chưa có một tổ chức thánh chiến lên tiếng nhìn nhận.
Một chiến dịch truy bắt đã diễn ra trong đêm qua.

Theo AFP, chỉ huy trưởng cơ quan chống khủng bố của Scotland Yard, Mark Rowley, thông báo trong đêm qua, an ninh đã mở 6 cuộc lục soát truy tìm đồng lõa tại Birmingham, Luân Đôn và nhiều nơi khác trên toàn quốc, bắt tổng cộng 7 kẻ tình nghi.

Ông Mark Rowley cũng điều chỉnh con số tử vong trong vụ tấn công là có 3 người chết chứ không phải 4 hoặc 5 như báo cáo chiều hôm qua : thủ phạm, một cảnh sát viên canh gác Quốc hội và một phụ nữ 48 tuổi.

Bảy nạn nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch.Trong số 40 người bị thương nặng, nhẹ, có ba học sinh Pháp nhưng cơn nguy đã qua.

Vụ tấn công xảy ra vào buổi trưa thứ Tư. Một người đàn ông mặc y phục đen, để râu, lái xe lao vào đám đông trên cầu Westminster, đối diện với chiếc đồng hồ Big Ben, rồi rút dao đâm vào cổ một cảnh sát viên và bị bắn hạ khi tìm cách xâm nhập vào khuôn viên Nghị Viện Anh.

Các nhà điều tra Anh tập trung tìm hiểu động cơ tấn công, kế hoạch chuẩn bị và truy tìm đồng lõa.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Daniel Vallot tường thuật :

« Hiện giờ, cảnh sát Anh Quốc tỏ ra rất thận trọng. Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố, Mark Rowley, chỉ phát biểu tối qua rằng hàng động đó rõ ràng mang tính chất khủng bố và dấu vết Hồi Giáo cực đoan hiện được ưu tiên điều tra.

Theo nhiều hãng truyền thông Anh Quốc, dường như sáng nay (23/03), các nhà điều tra đã khám soát thành phố Birmingham và tiến hành một số vụ bắt giữ trong khuôn khổ điều tra.
Cảnh sát Anh từ chối cho biết thêm thông tin về nhân thân và quốc tịch của kẻ khủng bố.

Khi nhắm vào điện Westminster, rõ ràng kẻ khủng bố đã chọn một địa điểm mang tính biểu tượng, một nơi tượng trưng cho nền dân chủ nghị viện Anh, nhưng cũng là một điểm du lịch thu hút vài nghìn người mỗi ngày.

Với toàn thế giới, hình ảnh tháp đồng hồ Big Ben và điện Westminster không thể tách rời khỏi thủ đô Luân Đôn và thậm chí là của cả Anh Quốc.

Đây cũng chính là điều mà thủ tướng Anh Theresa may đã phát biểu tối qua :
 " Kẻ khủng bố đã chọn đánh vào trái tim thủ đô của chúng ta, nơi tập trung những con người mang các quốc tịch khác nhau, các tôn giáo khác nhau để ca ngợi những giá trị tự do và dân chủ " ».

Thủ tướng Anh Theresa May lên án vụ khủng bố nghiêm trọng nhất tại Liên Hiệp Anh từ 12 năm qua là một « hành động hiểm ác ».
(Tháng 7/2012, Luân Đôn bị một loạt khủng bố tự sát của Al Qaida giết chết 56 người).
Tuy nhiên, tình trạng báo động vẫn giữ ở « cấp 4 » trên thang điểm 5 bậc, theo tuyên bố của bà Theresa May.

Phản ứng quốc tế : đồng loạt chia sớt với dân Anh

Phản ứng đầu tiên đến từ Paris và Washington. Tổng thống Pháp François Hollande và tổng thống Mỹ Donald Trump gọi điện chia buồn với thủ tướng Theresa May.

Tháp Eiffel tắt hết ánh sáng vào lúc nửa đêm để tỏ tình liên đới. Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, lên án « khủng bố ».
 Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sát cánh với « các bạn Anh ». Tổng thống Nga Vladimir Putin, sáng nay, lên tiếng chia buồn và kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp lực diệt khủng bố.

 Chính quyền Hồi giáo Iran, qua phát ngôn viên bộ ngoại giao, cũng  hòa nhịp lên án « vụ khủng bố » và kêu gọi « quốc tế hợp sức » chống khủng bố nhưng đồng thời chỉ trích các nước phương Tây « cung cấp vũ khí » cho các nhóm thánh chiến.

Switch mode views: