Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Làng Trẻ em SOS Huế, khởi nguồn tương lai từ tấm lòng kiều bào Pháp

langTre em

Những dãy nhà mới của Làng Trẻ em SOS Huế được hội AEVN (Pháp) tài trợ.RFI / Tiếng Việt

 Làng Trẻ em SOS Huế nằm trong một khuôn viên xanh mướt và yên tĩnh cách không xa Đàn Nam Giao lịch sử của triều Nguyễn.

Trước khi trở thành một trong 17 thành viên của đại gia đình Làng Trẻ em SOS Việt Nam vào ngày 06/01/2015, Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân, tên gọi cũ của Làng, là dự án thứ ba của hội Aide à l’Enfance du Vietnam (Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam, AEVN, thành lập năm 1970 tại Pháp), sau Đà Lạt và Đồng Hới.

Phía sau ba ngôi nhà cũ đang chờ cải tạo là bốn ngôi nhà rộng hơn, đẹp hơn và khang trang hơn, được xây trên triền dốc dẫn đến khu nhà sinh hoạt trung tâm.
Cả bốn ngôi nhà còn thơm mùi sơn vì mới được khánh thành tháng 09/2016 nhờ sự tài trợ chính từ vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân, Quỹ Odon Vallet và Liên Hiệp Châu Âu.

Gia đình mẹ Nga là mái ấm đầu tiên trong dãy nhà. Út là chị cả 18 tuổi trong số 9 anh chị em trong gia đình mẹ Nga.
Khác với dáng người nhỏ bé tưởng của một học sinh trung học, Út đang là sinh viên trường Cao đẳng Du Lịch, vui vẻ giới thiệu về ngôi nhà mới :

« Trong nhà có bốn phòng, ba phòng ngủ cho cháu và một phòng ngủ cho mẹ, một phòng khách và một phòng bếp, một phòng vệ sinh.
Trong mỗi phòng ngủ của cháu có ba giường : một giường tầng và một giường đơn. Trong phòng có ba người ở. Em ở nhà mới được gần hai tháng ».

Bé nhỏ nhất trong gia đình mới có ba tuổi. Tùy theo độ tuổi, mỗi em được giao một nhiệm vụ riêng, như lời giải thích của mẹ Nga : « Lớn thì làm việc lớn mà nhỏ thì làm việc nhỏ. Trừ mấy em mẫu giáo được chơi thôi, chứ còn, cũng lấy bàn lấy ghế ra, mỗi em có một việc ».

« Buổi sáng dậy, cũng quét nhà dọn nhà như bình thường, Út kể về một ngày ở nhà. Còn mẹ đi chợ về thì giúp mẹ làm bếp nấu ăn và cho mấy em nhỏ ăn.
Buổi tối tắm cho em ba tuổi và coi mấy em học bài, kiểm tra sách vở cho mấy em.
 Em cũng phân công mấy đứa lớn kèm mấy đứa nhỏ.
Còn em kèm chung tất cả mấy đứa. Đứa mô có bài chi cần hỏi thì em sẽ trả lời và giúp đỡ mấy đứa ».

hue 1

Phòng khách của một gia đình tại Làng Trẻ em SOS Huế


RFI / Tiếng Việt

Bà Nguyễn Kim Dung, giám đốc Làng Trẻ em SOS Huế, cho RFI biết hiện có 47 cháu đang sống tại làng.

« Độ tuổi trung bình chúng tôi đón nhận thường là hai tuổi trở lên và khi đón vào thì dưới 12 tuổi.

 Nhưng vừa rồi chúng tôi cũng có đón một trẻ sơ sinh, chỉ có một tuần tuổi. Bây giờ chúng tôi nuôi đã được hai tháng. (Bé gái bị bỏ rơi ngoài cổng làng với một tờ giấy ghi lại tên mà người mẹ mong muốn được đặt cho con).

Tất cả các em mà chúng tôi đón nhận vào nuôi dưỡng đều đi học ở các trường lân cận quanh đây như những em nhỏ khác ở ngoài xã hội. Và những em nào lớn lên, đã thi đỗ vào trường đại học nào thì cho các em đi học ở trường đại học đó ».

Hoạt động theo mô hình hệ thống Làng Trẻ em SOS Việt Nam, Làng Trẻ em SOS Huế là một tổ chức chăm sóc trẻ theo mô hình nhà gia đình và dựa trên bốn nguyên tắc sư phạm : Mọi trẻ em đều có người mẹ chăm sóc ; các trẻ trong Làng xem nhau như anh chị em ruột sống trong một gia đình SOS ; mỗi gia đình tạo nên một mái ấm riêng, nơi trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng và gắn kết tình cảm ; các gia đình SOS sống cùng nhau, tạo nên một cộng đồng Làng. Mẹ Nga cho biết :

« Các em ở Huế là chính nhưng mà các tỉnh lân cận, như ở Quảng Trị, cũng có các em tới đây.
 Các em mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cha mẹ cũng có nhưng ít. Nếu các em còn nhỏ, thỉnh thoảng cha mẹ cũng tới thăm. Nhưng khi lớn lên, việc học cũng bận rộn, nên chỉ những dịp quan trọng, trong nhà có việc, thì các em vẫn xin về nhà ».

Sống trong Làng là cơ hội cho các em, hứa hẹn một tương lai mới, dù phải xa người thân ruột thịt.
 Mười ngày đầu tiên sống trong gia đình mới, các em khóc rưng rức, chỉ đòi về nhà, như lời kể của anh Bích, giáo dục viên của làng. Thế nhưng, Mẹ, rồi chị Hai luôn là người dỗ dành, vỗ về và trở thành điểm tựa cho các em.
 Cùng với các sinh viên tình nguyện ở Huế, Làng luôn tổ chức các hoạt động vui chơi và học tập vào cuối tuần để các em vơi bớt nỗi buồn và cùng phấn đấu học tập.

hue 6
Gia đình mẹ Nga ở Làng Trẻ em SOS Huế.
RFI / Tiếng Việt

Mái ấm giúp các em trưởng thành

Trong những năm 1990, ở Huế đã có một trung tâm xã hội ở số nhà 108 phố Chi Lăng nhằm giúp đỡ trẻ em lang thang. Xúc động trước công việc của các tình nguyện viên trẻ, năm 1996, hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam (AEVN) quyết định chung tay giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, như lời giải thích của bà Hélène Catroux, phó chủ tịch AEVN :

« Về Làng Trẻ em ở Huế, chúng tôi đã gặp rất nhiều thanh niên Việt Nam trợ giúp trẻ lang thang.
Vì thế, chúng tôi nghĩ phải làm nhiều hơn nữa. Từ khi được thành lập cho đến tháng 01/2015, hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam trực tiếp quản lý Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân.
Sau ngày này, việc quản lý được chuyển sang cho Làng Trẻ Em SOS Việt Nam.

 Chúng tôi vẫn trang trải việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phụ trách hồ sơ đỡ đầu và duy trì mối quan hệ với cha mẹ đỡ đầu của các em và các nhà tài trợ. Tổ chức SOS phụ trách việc đào tạo các Mẹ, giáo dục viên và hoạt động của làng. Còn chúng tôi chịu trách nhiệm về mọi chi phí ».

Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam bắt đầu từ một dự án khẩn cấp xây khu vệ sinh, nhà tắm, hệ thống thoát nước và một khu nhà nhỏ rộng khoảng 40 m2 làm nơi phơi quần áo cho trung tâm ở số 108 phố Chi Lăng.
Do công trình bị xuống cấp vì thời tiết ẩm thấp mưa nhiều, hội AEVN đã đề nghị xây một trung tâm tiếp nhận và đào tạo nghề cho các em.

Đến tháng 09/1998, thành phố Huế tặng một khu đất trên phố Lê Ngô Cát ở Thủy Xuân, rộng hơn ở phố Chi Lăng, để AEVN có thể thực hiện dự án.
Sau ba ngôi nhà đầu tiên được xây dựng vào đầu những năm 2000 nhờ sự đóng góp của hội và một phần tài trợ từ Liên Hiệp Châu Âu, đến tháng 09/2016, các gia đình được chuyển sang bốn ngôi nhà mới, khang trang hơn.

Bà Hélène Catroux giải thích về mục đích của các mái ấm gia đình tại Làng Trẻ em SOS :

« Mục đích của chúng tôi là mang lại cho các em tình thương gia đình, tạo điều kiện cho các em cơ hội được đi học để có thể hòa nhập vào cuộc sống và trở thành những người đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Một mục đích khác là giúp các em có một gia đình lớn, vì cũng có một số em là anh chị em ruột. Chỉ cần nhìn vào lòng tương thân tương ái của các em và cách các em lớn chăm sóc các em nhỏ đã cảm thấy thật tuyệt vời ».

hue 4
Nhà sinh hoạt chung của Làng Trẻ em SOS Huế.
RFI / Tiếng Việt

Kể từ năm 2000 đến nay, đã có 44 em trưởng thành 22 tuổi, hồi gia và hòa nhập vào xã hội.

Tuy nhiên, Mẹ, ban giám đốc và các nhân viên trong Làng vẫn tiếp tục dõi theo con đường các em đi và trợ cấp thêm trong vòng 3 năm, đến năm 25 tuổi, để tạo điều kiện cho các em có được một công việc ổn định, theo giải thích của bà Hélène Catroux :

« Nếu các em học phổ thông hoặc học nghề, dù không còn sống trong Làng nữa, thì các em vẫn hay về Làng vì Mẹ và các anh chị em SOS luôn là gia đình của các em.
Còn chúng tôi trang trải chi phí học tập cho các em, bất kể là loại hình học tập nào.
Sau đó, trong vòng ba năm đầu tiên hòa nhập vào xã hội, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi các em.
Thỉnh thoảng, các em về Làng để nhận học bổng.
Trong Làng luôn có người hỗ trợ giúp đỡ các em như khi lập gia đình chẳng hạn.
Mỗi thành viên luôn có trách nhiệm với nhau, giống như một gia đình thật sự ».

Niềm vui của hội AEVN, của những người luôn dõi theo là chứng kiến các em trưởng thành và thành đạt, như trường hợp của Bùi Văn Phố, một người con của Làng SOS Huế đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành công nghệ nano tại đại học Osaka Nhật Bản ở tuổi 30 ; còn một em khác đang theo học tại Singapore.

Ngoài nỗ lực của chính bản thân, đằng sau thành công của mỗi em còn có bóng dáng tần tảo và những giọt mồ hôi của người thân ruột thịt, sự chia sẻ của cha mẹ đỡ đầu và sự chăm sóc của đại gia đình Làng Trẻ em SOS Huế.

hue 5

Quỹ Vallet, một trong số các nhà tài trợ cho Làng Trẻ em SOS Huế cùng với AEVN.

Switch mode views: