Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đường lối kinh tế của D. Trump khiến các đại gia Mỹ lo ngại

trump-ngoai giao

Tổng thống tân cử D. Trump và chủ ngân hàng Softbank Masayoshi Son tại Trump Tower, New York ngày 06/12/2016.
Reuters

« Tôi khá lo lắng trước một số lập luận ». Tuyên bố của ông Oberhelman, giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất máy công cụ xây dựng Caterpillar của Mỹ, được hãng tin Pháp AFP ngày 07/12/2016 trích dẫn, là dấu hiệu mới nhất cho thấy là giới đại công ty tại Hoa Kỳ đang ngày càng lo ngại trước đường lối kinh tế của tân tổng thống Mỹ, cho dù chính sách này chưa định hình.

Nguyên nhân khiến cho các đại gia Mỹ quan ngại chính là những lời đe dọa áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch của người vừa đắc cử tổng thống, mà theo họ, có thể là dấy lên một cuộc chiến thương mại với hai đối tác lớn của Hoa Kỳ là Trung Quốc và Mêhicô.

Ông Dennis Muilenburg, giám đốc điều hành tập đoàn chế tạo phi cơ Boeing, đối tượng gần đây nhất bị Donald Trump công kích, đã từng lưu ý :
« Bất cứ ai quan tâm đến chiến dịch vận động tranh cử và kết quả cuộc bầu cử tổng thống đều biết rằng một trong những chủ đề quan trọng nhất là nỗi lo ngại về tự do và công bằng trong giao thương (với thế giới) ».

Mỹ đánh thuế 35% trên hàng hóa của người Mỹ !

Một trong những nỗi sợ hãi của các đại công ty Mỹ là tân tổng thống Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế hải quan 35% trên các mặt hàng nhập vào Mỹ nhưng lại do các công ty Mỹ đặt sản xuất ở nước ngoài.

Biện pháp đó có thể kéo theo một cuộc chiến tranh thương mại khi các đối tác Washington đánh các loại thuế tương tự trên hàng nhập từ Hoa Kỳ để trả đũa.

Đó sẽ là một kịch bản cực xấu đối với các đại gia xuất khẩu Mỹ của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Caterpillar, hiện đang sử dụng hàng ngàn người trong các nhà máy tại vùng Trung Tây Hoa Kỳ.

Theo ông Oberhelman, giám đốc điều hành của Carterpillar, đồng thời là chủ tịch nhóm vận động hành lang của các công ty Mỹ Business Roundtable, tập đoàn của ông xuất khẩu đến 80% sản phẩm làm tại Mỹ.

Ông không ngần ngại cảnh cáo : « Có rất nhiều công ăn việc làm và công việc sản xuất của riêng công ty chúng tôi cũng như của cả nước Mỹ lệ thuộc vào (giao thương quốc tế). Do vậy tôi lo sợ trước nguy cơ bị trả đũa sau vụ đánh thuế hải quan 35% hoặc bất kỳ hành động đơn phương nào khác nhắm vào với một đối tác kinh doanh ».

Đại gia Mỹ sẽ trả đũa Trump, giảm đầu tư trong nước ?

Theo nhóm vận động hành lang Business Roundtable, một số lượng lớn các chủ công ty đã dự trù giảm đáng kể các khoản đầu tư của họ tại Hoa Kỳ nếu ông Trump thực hiện những lời đả kích nẩy lửa nhắm vào các đối tác thương mại cũng như các tập đoàn đa quốc gia Mỹ.

Trước mắt, theo số liệu của nhóm Business Roundtable, chỉ có 35% trong số 142 thành viên của họ là đã tăng đầu tư tại Mỹ trong quý IV này, giảm 3% so với quý III.

Phải nói là từ ngày đắc cử tổng thống đến nay, ông Donald Trump đã trực diện đánh vào nhiều đại công ty Mỹ, từ hãng chế tạo xe hơi Ford, cho đến tập đoàn công nghệ United Technologies… Bằng chủ trương cây gậy và củ cà rốt, ông đã buộc được các công ty này duy trì công ăn việc làm trong nước, chứ không di chuyển ra nước ngoài, đặc biệt là qua Mêhicô.

Tuy nhiên, không phải tất cả các đại gia Mỹ đều bị thua thiệt với Donald Trump. Ngành ngân hàng chẳng hạn, có vẻ rất được tân tổng thống nuông chiều.
 Sau khi đề bạt hai đại diện của ngành này là Steven Mnuchin và Wilbur Ross vào chức bộ trưởng Tài chính và Thương Mại, ông Trump đã hứa là sẽ giảm nhẹ các quy định về ngân hàng.

Jamie Dimon, tổng giám đốc ngân hàng JPMorgan Chase, dĩ nhiên rất phấn khởi, bày tỏ hy vọng về viêc « chính quyền Trump sẽ cởi trói cho các doanh nghiệp, cải thiện tăng trưởng, cho phép ngân hàng cho vay và để cho họ được hưởng lợi trở lại nhờ việc lãi suất được nâng cao, kinh tế phát triển mạnh, và các quy định ràng buộc ít đi ».

Switch mode views: