Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trưng cầu dân ý về người tị nạn : Hung chống lại châu Âu

HungaryMigrant

Người tỵ nạn Kurdistan-Syria vượt qua rào chắn chống người nhập cư được dụng lên ở biên giới giữa Serbia và Hungary, ngày 25/08/2015.
REUTERS/Laszlo Balogh

Tổng thống Hungary Áder János vào hôm qua, 05/07/2016, đã công bố thời điểm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc tiếp nhận người tỵ nạn vào ngày 2/10 tới.

Đây có thể coi là đỉnh cao của những nỗ lực đi ngược lại lập trường chung của Liên Hiệp Châu Âu trong hồ sơ tỵ nạn, mà chính giới Hungary đã cố gắng từ hơn một năm rưỡi nay.

Câu hỏi được đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý này sẽ là: “Anh/chị có đồng ý để Liên Âu quy định việc buộc Hungary phải tiếp nhận những người không phải là công dân Hung một cách bắt buộc, mà không được sự chấp thuận của Quốc hội Hungary hay không?”.

Thông tín viên Hoàng Nguyễn (Budapest) 06/07/2016

“Không muốn biến Hungary thành Châu Âu”

Đó là lý giải của Thủ tướng Orbán Viktor khi vào hôm 24/2, ông tuyên bố nội các nước này đề xuất trưng cầu dân ý về sự phân bổ người tỵ nạn một cách bắt buộc theo hạn ngạch mà trước đó Liên Âu đã thông qua.
 Theo đó, trong những năm sắp tới, Hungary cần tiếp nhận gần 1.300 người tỵ nạn.

Ông Orbán cho rằng, một quyết định như vậy phải do Quốc hội Hung đưa ra, không thể tước quyền đó của cơ quan lập pháp tối cao Hung, và không ai có thể quyết định thay những đại diện dân biểu của Hungary về việc nước này muốn tiếp nhận ai và muốn sống với ai.

Thủ tướng Hungary khẳng định, trong hồ sơ tỵ nạn, Liên Âu thì thúc thủ, còn Hung thì bảo vệ đất nước và Châu Âu khỏi những kẻ tỵ nạn theo quan điểm “thà hành động riêng rẽ còn hơn cùng nhau bó gối”, để ngăn chặn Liên Âu có thể tan rã vì khủng hoảng tỵ nạn.

Việc đề ra cuộc trưng cầu dân ý cũng được coi là một thông điệp của cư dân Hung với Liên Âu, như trong một chiến dịch vận động và tuyên truyền lớn được chính phủ Hung tiến hành từ vài tháng nay, với mục đích Brussels phải hiểu được tâm tư nguyện vọng của người Hung.

Đó là, người di cư bất hợp pháp không thể vào lãnh thổ Hung mà không thông qua kiểm soát, hay như cách diễn đạt của ông Orbán, Hungary sẽ không để xảy ra tình trạng “vượt rào”, hoặc không cho phép “những băng đảng này nọ tấn công săn đuổi vợ con chúng ta”.

Nếu thấy có dấu hiệu đó, “chúng ta sẽ dập tắt từ trong trứng nước” - thủ tướng Hungary nhấn mạnh. “Chúng ta sẽ không biến Hungary thành Châu Âu xét trên góc độ này”, ông nói thêm, và cho rằng chính sách tái định cư người tỵ nạn của EU là một sự lạm quyền.

Đề xuất của nội các Hung - mà trong đó người tỵ nạn luôn được gọi bằng cụm từ “nhập cư bất hợp pháp” - được Quốc hội nước này thông qua ngày 10-5 với 136 phiếu thuận của các dân biểu phe cầm quyền và của đảng cực đoan JOBBIK, và 5 phiếu trắng của các nghị sĩ độc lập.

Một quyết định vi hiến và dân túy

Phe đối lập Hungary, cho rằng đây là một nỗ lực mang tính dân túy và kỳ thị người tỵ nạn, nên đã có quan điểm phản đối gay gắt.
 Nhưng thú vị hơn cả là về khía cạnh pháp lý, nhiều chuyên gia luật cho rằng theo luật định hiện tại, chắc chắn không thể chấp nhận được một cuộc trưng cầu như vậy.

Thứ nhất, theo Hiến pháp Hung, chỉ có thể trưng cầu dân ý về những vấn đề thuộc thẩm quyền và bổn phận của Quốc hội.

Tuy nhiên, trong quá trình ra quyết định tại EU (trong đó có việc ra quyết định về phân bổ người tỵ nạn), đại diện cho Hungary không phải là Quốc hội mà là chính phủ.

Thứ nhì, cũng vẫn theo Hiến pháp, không thể trưng cầu dân ý về những bổn phận xuất phát từ các thỏa thuận, hiệp định quốc tế.
Trong hiệp định gia nhập EU của Hungary có ghi rõ rằng, chính phủ và Quốc hội Hungary có bổn phận đưa những luật định của EU vào luật Hung.

Do đó, theo nhận định của các chuyên gia, để “hóa giải” được vấn đề này, liên minh cầm quyền có thể phải sửa đổi Hiến pháp khi muốn tấn công những nền tảng của Châu Âu, trong đó có việc tiếp nhận người tỵ nạn, được coi là một nguyên tắc chung mà các nước thành viên cần chấp nhận.

Quyết định cho phép tổ chức trưng cầu dân ý dã bị ba cá nhân là chính khách thuộc phe đối lập kiện lên Tòa Bảo hiến (Tòa án Hiến pháp Hungary) vì lý do vi hiến, câu hỏi đặt ra có nội dung không thích hợp, đi ngược lại và xâm phạm trầm trọng tính độc lập của Liên Âu.

Tuy nhiên, Tòa Bảo hiến Hungary đã bác bỏ các khiếu nại đó, cho rằng việc tổ chức trưng cầu dân ý không có gì sai về mặt pháp lý, cho dù một trorng ba chính khách kể trên có tuyên bố sẽ đưa vấn đề này lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu nếu không được sự xử lý thỏa đáng ở trong nước.

Như vậy, cho dù vấn đề được nêu ra dường như không thuộc thẩm quyền Quốc hội Hung, cho dù Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz có gọi đề xuất trưng cầu dân ý của chính phủ Hungary là “phi lý và hèn hạ”, thì rốt cục cuộc trưng cầu vẫn được phê chuẩn và sẽ diễn ra vào mùa thu này.

Quan điểm đi ngược lại EU của khối V4

Trong bối cảnh chính trường thế giới còn đang bàng hoàng về Brexit của Liên hiệp Vương quốc Anh, nhiều đảng đối lập ở Hung cho rằng, việc nhất quyết tổ chức trưng cầu dân ý trong vấn đề người tỵ nạn có thể là bước đệm của phe cầm quyền cánh hữu để Hungary rời Liên Âu.

Nhất là, khi nhiều chính khách thượng đỉnh của nước này, hoặc là có câu trả lời mù mờ, không rõ ràng, hoặc khẳng định nếu có trưng cầu dân ý về việc Hung có rời EU hay không, thì họ sẽ bỏ phiếu đồng ý rời, bởi lẽ “Liên Âu không thích hợp để bảo vệ những lợi ích và giá trị của Châu Âu”.

Đây dường như không phải là quan điểm của riêng Hungary, mà đồng thời là một suy nghĩ chung của các nước trong khối V4, khi Cộng hòa Czech cũng muốn trưng cầu dân ý về Liên Âu và NATO, và Slovakia trước sau vẫn cứng rắn trong vấn đề người tỵ nạn, bác bỏ dự án chung của EU.

Kể từ khi Nghị viện Châu Âu thông qua kế hoạch phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch vào trung tuần tháng 9 năm ngoái, Hungary và Slovakia “trước sau như một” phản đối dự án tái định cư này, và còn đưa vụ việc lên Tòa án Công lý Châu Âu vì cho rằng sự độc lập của đất nước bị vi phạm.

Hungary làm việc đó trong khi, từ mùa thu năm ngoái, khi đại đa số người tỵ nạn đã rời nước này và trong các trại tỵ nạn của Hung chỉ còn bất quá vài ngàn người, tuy nhiên chính quyền Hung vẫn tiếp tục các chiến dịch bêu xấu và chỉ trích người tỵ nạn, mà họ gọi là dân “nhập cư bất hợp pháp”.

Trong khi tại Hungary, người tỵ nạn bị coi là “mối nguy khủng bố”, tội phạm, là những kẻ phá hoại nền văn hóa và truyền thống, do đó kế hoạch của EU bị coi là “chỉ làm gia tăng nguy cơ khủng bố”, thì Slovakia tuyên bố nước này là quốc gia Ki-tô giáo và chỉ chấp nhận người theo tôn giáo này.

Lý do khác biệt tôn giáo và văn hóa như một rào cản ngăn trở việc tiếp nhận người tỵ nạn cũng được chính giới Czech và Ba Lan chia sẻ, cho dù con số người tỵ nạn muốn tới những nước này, hoặc trong thực tế đã ở đây, là không đáng kể, như bản thân các quốc gia này cũng thừa nhận.

Có thể thấy, ở Trung Âu đã hình thành một liên minh thẳng thừng chống lại Brussels trong nhiều vấn đề, mà gay gắt nhất là hồ sơ tỵ nạn, và đáng chú ý là quan điểm của họ nhận được sự chia sẻ ở nhiều nơi khác, rải rác khắp Châu Âu, và có thể đe dọa sự tồn vong của toàn thể Liên Âu.


Switch mode views: