Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam: Nhân tố vùng miền và Trung Quốc cản đường thủ tướng Dũng?

dung-radi

Ông Nguyễn Phú Trọng (P) và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng 12, Hà Nội, ngày 26/01/2016
REUTERS

Báo chí, chủ yếu là nước ngoài, trong thời gian qua đã nói nhiều về điều được cho là thất bại của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong việc giành chức tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam nhân Đại Hội Đảng lần thứ 12 vừa qua.

 Về nguyên nhân khiến ông Dũng thất bại, trong một bài viết đăng trên tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review hôm 07/02/2016, tác giả Atsushi Tomiyama đã cho rằng :
 « Gốc người miền Nam và có lẽ cả Trung Quốc, đã làm tiêu tan các hy vọng của ông Dũng », tựa của bài phân tích.

RFI xin giới thiệu.

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây 41 năm, nhưng cuộc tranh giành quyền lực gần đây nhất trong ban lãnh đạo đảng Cộng Sản đã cho thấy là sự phân chia Bắc-Nam vẫn còn là một yếu tố trong nền chính trị của Việt Nam.
Và đằng sau hậu trường thì có bóng dáng Trung Quốc lẩn khuất, cho dù không tác động trực tiếp, nhưng rõ ràng có can dự vào ván bài này.

Tại Đại hội lần thứ 12 vào ngày 28 tháng Giêng, đảng Cộng Sản đã quyết định giữ ông Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục làm tổng bí thư – chức lãnh đạo hàng đầu của quốc gia – thêm 5 năm nữa.

Ông Trọng, cao tuổi nhất trong ban lãnh đạo cũ của Đảng, là người Hà Nội. Ông đã thành công trong việc ngăn chặn đường tiến của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người từng được xem là một ứng viên nặng ký cho chức tổng bí thư.

Nếu được chỉ định, thì ông Dũng sẽ là tổng bí thư đầu tiên người gốc miền Nam.
Khi làm thủ tướng, ông Dũng đã thúc đẩy một loạt các cải cách kinh tế đầy tham vọng, chỉ đạo Việt Nam tham gia Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương và nới lỏng các hạn chế về đầu tư nước ngoài.

Nếu ông Dũng là một biểu tượng cho xu hướng miền Nam trong nền kinh tế, thì ông Trọng là hình ảnh thu nhỏ của đặc thù cộng sản miền Bắc. Đại hội 12 đã nhấn mạnh là miền Bắc vẫn nắm chặt quyền lực chính trị.

Các quan chức cao cấp lo ngại

Ngày 21 tháng Giêng, ngay trước khi Đại Hội Đảng khai mạc, theo tin báo chí, một cựu lãnh đạo cấp cao đã gửi thư điện tử tới ông Trọng.

Theo thư điện tử này, ông Dũng là một loại chính trị gia mà Việt Nam cần. Vị cán bộ Đảng lão thành phàn nàn là không một ai trong số các ứng viên của ban lãnh đạo mới có hiểu biết về kinh tế, và tất cả những người này đều không có lòng dũng cảm đáp trả những yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuần lễ trước đó, ông Dũng đã bị loại khỏi cuộc đua tranh giành vị trí lãnh đạo Đảng, sau khi không hội đủ phiếu ủng hộ của các đại biểu để trở thành một ủy viên trong Ban Chấp Hành mới. Ban này lựa chọn các ủy viên Bộ Chính Trị trong số các ủy viên; tổng bí thư và các lãnh đạo cấp cao khác thì được lựa chọn trong số ủy viên Bộ Chính Trị.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận với Đảng, thì các chính trị gia ở miền Nam vẫn cố gắng đề cử ông Dũng.

Ở trong và ngoài nước, ông Dũng có tiếng là một nhà lãnh đạo có năng lực và có đầu óc cải cách.
Người gốc tỉnh Cà Mau, miền Nam, ngay từ thời thiếu niên, ông đã tham gia Quân Đội Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.
 Ông có ảnh hưởng đối với lực lượng an ninh và có kiến thức rộng rãi về kinh tế ; trước đó, ông từng đảm nhiệm chức thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam.

Năm ngoái, dường như ông Dũng đang trên đường tiến đến đỉnh cao quyền lực.
Trong một buổi lễ kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 30 tháng 4, ông đã nói chuyện trong 40 phút – lâu hơn cả tổng bí thư và chủ tịch nước, là những nhân vật lãnh đạo số một và số hai.

Việc một thủ tướng, lãnh đạo đứng hàng thứ ba, có một bài diễn văn dài đến như vậy trong một buổi lễ chính thức, là điều không bình thường.
Điều đó đã tạo ra tin đồn đoán là ông Dũng đang nhắm tới chức tổng bí thư. Thế nhưng, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đã e ngại ông Dũng.

Mặc dù chính sách Đổi Mới kinh tế được tiến hành từ năm 1986, nhưng Việt Nam vẫn tràn ngập các doanh nghiệp Nhà nước, trong lúc các quy định quản lý thì không rõ ràng.

Thủ tướng Dũng không chỉ lãnh đạo Việt Nam tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà còn thúc đẩy các dự án tự do mậu dịch với Hàn Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Kinh Tế Âu-Á.
Các chính trị gia có nhiều quyền lợi gắn liền với tình trạng này không mặn mà với những thay đổi đó.

Nhiều đảng viên cũng không muốn chấp nhận một nhà lãnh đạo cao cấp gốc miền Nam.
Tất cả tám tổng bí thư, kể từ người sáng lập Đảng là ông Hồ Chí Minh, đều là người gốc miền Bắc hoặc gốc miền Trung.

Switch mode views: