Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bão Katrina : 10 năm sau, New Orlean dần có diện mạo mới

Nouvelle image

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm New Orlean nhân 10 năm bão Katrina, 27/08/2015.
REUTERS/Carlos Barria

Ngày này cách đây đúng 10 năm, 29/08/2005, siêu bão Katrina đã càn qua vùng đông nam Hoa Kỳ và nhất là bang Louisiana, gây ra những thiệt hại chưa từng có.

Thành phố New Orlean là nơi bị tàn phá nhiều nhất. Do thấp hơn mực nước biển, 80% thành phố ngập trong biển nước.
Mười năm sau, hòn ngọc của Louisiana đang dần thấy lại vẻ kiêu sa.

Cách đây 10 năm, bão Katrina kèm theo lốc xoáy cấp 5, một trong số 6 cấp bão mạnh nhất chưa từng được ghi nhận, với sức gió thổi lên đến 280 km/giờ, sóng cao hơn 10 mét và những cơn mưa như trút đã ập xuống vùng Đông-Nam nước Mỹ và gần như nhấn chìm hoàn toàn thành phố New Orlean.

Vào thời điểm đó, một vài khu phố của thành phố này sắp bước vào kỷ thứ 3.
Một phần lớn những khu phố đó, nằm dưới mực nước biển, gần như chìm sâu dưới 6 mét nước sau khi những con đê bảo vệ thành phố bị vỡ. Đó là bão nói theo nghĩa khí tượng học.

Nhưng Katrina cũng là cơn bão về mặt hậu cần : 15 triệu người bị sơ tán khẩn cấp về những bang lân cận, nhiều người bị kẹt trên mái nhà đợi lực lượng cứu hộ vốn dĩ trong tình trạng hoàn toàn quá tải và tiếp đến là cơ sở hạ tầng bị thảm họa tàn phá.
Thiệt hại lên đến 150 tỉ đô-la, một thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất cho Hoa Kỳ, tính đến ngày hôm nay.

Cuối cùng là bão lốc chính trị. Một chính phủ liên bang phản ứng chậm chạp.
Hình ảnh Tổng thống George W. Bush ngắm nhìn các vùng ngập nước qua ô cửa sổ chuyên cơ tổng thống đã trở thành biểu tượng của một chính quyền tách xa dân chúng.

Thống kê nhân mạng nặng nề : 1.836 người chết, riêng tại Louisiana là 1.577 nạn nhân và 705 người mất tích.
Những thiệt hại nhân mạng kèm theo đó là một tác động tâm lý và kinh tế vô biên.

Một sự hồi phục từng phần

Mười năm sau, những vết sẹo do thảm họa để lại vẫn còn thấy được ở từng nơi.
Dấu vết của cơn bão vẫn lộ rõ tại nhiều lãnh vực do việc tái thiết (các tòa nhà, đường dây điện cao thế, siêu thị, đê chắn…) vẫn chưa hoàn tất.

Nhưng những gì mà Tổng thống Mỹ Barack Obama nhìn thấy được trong ngày thứ Năm 27/08 vừa qua là một thành phố đang trên đà hồi phục.
Đây là chuyến đi thăm thành phố lần thứ 9, kể từ khi ông lên cầm quyền vào tháng Giêng năm 2009.

Nhiều người cũng thấy là nền kinh tế đang « trỗi dậy » nhờ vào công cuộc tái thiết trung tâm thành phố. Khách sạn mới và nhà hàng lần lượt mở cửa. và ngành du lịch vẫn là lãnh vực chủ đạo của The Big Easy, biệt danh từ lâu được dành cho New Orlean vì cung cách sống thanh bình hòa theo tiếng kèn trompet của điệu nhạc jazz và nhịp quay cánh quạt.

« Ngày nay chúng ta đã khá hơn rồi nhưng điều đó vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn còn nhiều thứ phải làm », ông Mitch Landrieu, thuộc đảng Dân chủ, được bầu làm thị trưởng hồi năm 2010 đã tuyên bố như thế hồi đầu tuần này.

Vào lúc này, người tiền nhiệm là ông RayNagin, giữ chức thị trưởng trong suốt thời gian và sau cơn bão Katrina, đang thọ án tù 10 năm vì tội gian lận, tham nhũng và rửa tiền.

Sau cơn bão, có một thời thành phố trở nên hoang vắng do tầm mức thiệt hại. Giờ đây, nếu như khu vực đang dần dần đông dân trở lại, gần như bằng mức trước bão Katrina (1,25 triệu dân), không phải ai cũng được hưởng lợi từ số tiền 135 tỉ đô-la được bơm vào nền kinh tế địa phương kể từ sau cơn bão.

Quả thật nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại với tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trên toàn quốc.
Nhưng những công việc được trả lương cao thì hiếm và thành phần trung lưu vẫn gặp khó khăn.

 Sau cơn bão Katrina, bị mất tất cả buộc phải bỏ đi xứ khác, do tiền bồi thường bảo hiểm quá thấp, thậm chí không có, rất nhiều thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã không thể trở về lại thành phố.
Còn những ai cố trụ lại cũng không tận hưởng được sự hồi sinh do phải làm những công việc có mức lương ít ỏi.

Chính Tổng thống Mỹ, trong bài diễn văn hôm thứ Năm vừa qua đã nêu đích danh những bất bình đẳng về cơ cấu « đã để những người nghèo da màu, trong tình trạng không việc làm, không bảo hiểm xã hội hay không nơi ở đàng hoàng ».

Hai con số để minh chứng cho lời chỉ trích trên. New Orlean, năm 2014, là thành phố thứ hai, sau Atlanta có sự cách biệt thu nhập lớn nhất.
Tỉ lệ người nghèo chiếm đến 28,7% dân số. Tuổi thọ người dân dao động từ 54-79 tùy theo đó là khu phố nghèo hay khu dinh thự, một sự cách biệt đến 25 năm.

Dẫu sao thì, nhờ vào đặc tính riêng, lịch sử, tính đa văn hóa, mà New Orlean, viên ngọc của Louisiana đã thu hút được sự cảm tình của toàn thế giới, cùng nhau đưa ra những sáng kiến, tập thể hay cá nhân như ngôi sao điện ảnh Brad Pitt chẳng hạn, để vực dậy thành phố.

« Một thập niên sau, các chương trình âm nhạc cũng đã trở lại và dưới nhiều khía cạnh khác nhau, các chương trình còn hẫp dẫn hơn xưa », theo như ghi nhận tay kèn Saxo Brandforf Marsalis trên kênh truyền hình CNN.

Với sự trợ giúp của nhiều nhạc sĩ khác, ông đã thành lập được một trường nhạc tại 9th Ward District, khu phố bị tàn phá nặng nề nhất trong thảm họa thiên nhiên đó.
Một sáng kiến trong vô vàn sáng kiến khác đã giúp thành phố New Orlean tự tái thiết chống lại gió và thủy triều.


Switch mode views: