Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hội nghị về vũ khí hạt nhân TNP tại New York thất bại

NUCLEAR-TREATY



Tổng thư ký Ban Ki Moon phát biểu tại một hội nghị về TNP ở New York.
Reuters/Chip East

Hôm qua 22/05/2015, sau bốn tuần thương thuyết tại New York, Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP) lần thứ 9 đã không ra được tuyên bố chung, do việc Hoa Kỳ và các đồng minh không chấp nhận đề nghị của khối Ả Rập thành lập một vùng phi hạt nhân tại Trung Đông.

Hoa Kỳ, Anh Quốc và Canada phản đối một trong những phần của dự thảo văn bản cuối cùng, do các nước Ả Rập đề xuất, theo đó, ngày 01/03/2016 sẽ là hạn chót để triệu tập hội nghị về việc thành lập một vùng phi hạt nhân tại Trung Đông và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là người có trách nhiệm thực thi sáng kiến này.

Israel – quốc gia không ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên, lần đầu tiên kể từ 20 năm nay – đã bác bỏ thời hạn quy định nói trên, cũng như sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Trước đó, Hoa Kỳ đã cử một đặc phái viên tới Israel trong tuần này, để cố gắng đạt được một thỏa hiệp.
Người phụ trách giải trừ vũ khí và an ninh quốc tế của chính phủ Mỹ, Rose E. Gottemoeller, trách các nước Ả Rập, đặc biệt là Ai Cập, đã có một lập trường « phi hiện thực », khiến đàm phán bị bế tắc.

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, có hiệu lực từ năm 1970, được sự tham gia của 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 Cứ năm năm một lần, một hội nghị đánh giá TNP lại được tổ chức.

Trong tuyên bố chung của hội nghị lần thứ 8, năm 2010, các thành viên TNP dự kiến họp tại Helsinki năm 2012, để bàn về một khu vực phi hạt nhân tại Trung Đông, nhưng hội nghị đã không xảy ra, do bất đồng của Israel.
 Cho đến nay, Israel không chính thức thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, theo các chuyên gia, Tel Aviv có khoảng 200 đầu đạn nguyên tử.

Việc thực thi Hiệp định TNP bị nhiều ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Ukraina, làm xấu đi quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân Hoa Kỳ và Nga, hai quốc gia sở hữu tổng cộng hơn 3.000 đầu đạn, chiếm gần 90% vũ khí nguyên tử trên toàn thế giới.

LHQ ra nghị quyết chống phổ biến vũ khí hạng nhẹ

Vẫn liên quan đến vũ khí, hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết về chống phổ biến vũ khí hạng nhẹ.

Nghị quyết được thông qua trong gang tấc, với sự vắng mặt của sáu thành viên Hội Đồng Bảo An gồm hai thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc và Angola, Tchad, Nigeria và Venezuela.

Nghị quyết nhấn mạnh việc cần giúp các nước đang trong tình trạng bất ổn hay vừa thoát khỏi xung đột, tăng cường bảo vệ kho vũ khí hạng nhẹ và cải thiện khả năng kiểm soát chúng.

Theo Liên Hiệp Quốc, trong những năm gần đây, riêng vũ khí hạng nhẹ khiến khoảng 50.000 người thiệt mạng hàng năm, trong các xung đột vũ trang, hay bạo loạn.

Switch mode views: