Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thượng đỉnh Riga : Châu Âu và 6 nước Liên Xô cũ tránh căng thẳng với Nga

riigikogu

Thượng đỉnh Riga là cơ hội cho Liên Hiệp Châu Âu xích lại gần nhóm sáu nước Liên Xô cũ - Reuters

Thượng đỉnh Đối tác giữa Liên Hiệp Châu Âu với sáu nước láng giềng phía đông, thuộc Liên Xô cũ, khai mạc hôm nay 21/05/2015, tại Riga, Estonia.

Được khởi sự năm 2009, theo đề nghị của Ba Lan, sáng kiến này có mục tiêu thắt chặt quan hệ giữa khối 28 nước với Ukraina, Bielorussia hay Gruzia, vốn nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga.

Tuy nhiên, sau biến cố Tổng thống Ukraina thời đó Yanukovitch từ chối ký hiệp định liên kết với Liên Hiệp Châu Âu tại thượng đỉnh lần trước tại Vilnius năm 2013, xung đột bùng nổ tại Ukraina và sự can thiệp của Nga đã khiến tình hình hoàn toàn thay đổi.

Về cuộc thượng đỉnh hết sức nhạy cảm này, thông tín viên Marielles Vitureau từ Vilnius, Latvia, cho biết :
« Thượng đỉnh này không liên quan trực tiếp đến Nga, nhưng Matxcơva vẫn có những ảnh hưởng quan trọng tại đây, tác động mạnh đến lập trường của mỗi bên.

Đổ vỡ bớt ngờ tại thượng đỉnh - giữa Châu Âu với sáu quốc gia láng giềng phía đông năm 2013 - là khởi điểm của cuộc khủng hoảng Ukraina, đánh dấu bằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée và Phương Tây trừng phạt Matxcơva.
Điều này không khiến Nga từ bỏ quyết tâm duy trì bằng được không gian ảnh hưởng tại khu vực này.

Làm thế nào Bruxelles có thể điều hòa được chính sách láng giềng xích lại gần nhau giữa Liên Hiệp Châu Âu với sáu nước nói trên, và các quan hệ với Matxcơva ?

Đây là toàn bộ vấn đề của hội nghị này. Estonia – quốc gia chủ nhà – và các nước láng giềng Baltich vốn theo đuổi một chính sách quyết liệt hơn với Nga, do kinh nghiệm lịch sử của họ, các liên hệ kinh tế sống còn của họ và một truyền thống đoàn kết với sáu quốc gia Liên Xô cũ.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác lại không muốn va chạm với Nga.
Như vậy là, tại Riga sẽ diễn ra một hội nghị tối thiểu, chỉ bao gồm một buổi ăn tối và một cuộc thảo luận trong buổi sáng.

Vấn đề giảm nhẹ qui định đối với visa của các công dân Gruzia và Ukraina đã bị hoãn lại.
Gruzia đã rất nỗ lực và đặt nhiều hy vọng vào việc này. Tương lai của ‘‘Đối tác phía đông’’ trở thành vấn đề tại Riga ».

Về chủ đề này, báo Le Monde hôm nay có bài phân tích đáng chú ý, mang tựa đề « Đối tác phía đông bước đi rón rén », mở đầu với nhận xét : « Đừng đối đầu với Nga : đó là quan điểm không chính thức của thượng đỉnh ».

Hòa dịu với Nga là chủ trương của nhiều quốc gia chủ chốt của Châu Âu.
Trong giới thân cận với Tổng thống Pháp, quan điểm nổi bật là « Chính sách lân bang của Liên Hiệp Châu Âu không thể được xây dựng trong thế đối đầu với Nga ».

Mặc dù có ít nhất 25 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ Châu Âu tuyên bố có mặt tại hội nghị được coi là rất quan trọng này, nhưng khả năng hội nhập Liên Âu của sáu nước Liên Xô cũ (Ukraina, Bielorussia, Gruzia, Azerbaijan, Armenia và Moldavia) trở nên xa vời, khác hẳn so với cách đây sáu năm.

Theo AFP, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ thái độ rõ ràng là : trong vòng năm năm tới, sẽ không có bất cứ một đơn đề nghị gia nhập nào được xem xét.
Người đứng đầu ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini thì nhấn mạnh đến « mối quan hệ xây dựng với Nga ».

Trên thực tế, quan hệ giữa Châu Âu với sáu nước láng giềng phía đông đang được điều chỉnh lại một cách « mềm mại » hơn, tùy theo tình hình của mỗi nước, và mong muốn của từng quốc gia.

 Cho đến nay, mới chỉ có ba quốc gia trong số sáu nước này ký kết hiệp ước liên kết với Bruxelles : Moldavia, Gruzia và mới đây là Ukraina (tháng 6/2014).
Armenia và Bielorussia đã chấp nhận tham gia vào khối kinh tế Á-Âu, do Nga lãnh đạo.

Theo báo Le Monde, để dung hòa các quyền lợi đối kháng giữa Châu Âu và Nga, Pháp có chủ trương Châu Âu ký kết hiệp ước liên kết với các nước này, nhưng không bao gồm thỏa thuận tự do mậu dịch.
 Tuy nhiên, quan điểm này chưa được khối 28 nước chính thức chấp nhận.

Dù sao, về phía Nga, Matxcơva – trong bối cảnh kinh tế suy thoái - cũng không muốn duy trì căng thẳng với Châu Âu.

Hôm thứ Ba 19/05, tại Bruxelles, liên quan đến Đối tác phía đông của Châu Âu, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố : « Chúng tôi chỉ hy vọng một điều  là những quan hệ này không được gây tổn hại cho các lợi ích hợp pháp của Liên bang Nga ».

Theo AFP, ban tổ chức hội nghị Riga – Liên Hiệp Châu Âu và chủ nhà Estonia – thừa nhận rằng tại hội nghị thượng đỉnh này sẽ không có một quyết định nào lớn được đưa ra.

Dù sao, tiến trình gia tăng quan hệ đối tác giữa Liên Hiệp Châu Âu với nhóm sáu nước Liên Xô cũ vẫn tiếp tục.
 Nhà chính trị học Estonia Andris Spruds bình luận hóm hỉnh : « Chúng ta cần phải dựng một bức tượng ông Putin.

Chính ông đã hối thúc NATO, đã huy động Liên Hiệp Châu Âu, khiến Ukraina tăng cường bản sắc… », mặt khác nhà nghiên cứu cũng không quên nhắc lại rằng : « đối với nhiều quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, Nga không chỉ là một đối tác thương mại, mà còn là một đối tác chính trị và ngoại giao ».


Switch mode views: