Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Tổng thống Miến Điện gia tăng cải cách

kerry miendien

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry
REUTERS/Gary Cameron


Hôm nay 09/08/2014, theo AFP, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đang tham dự hội nghị Asean mở rộng tại Miến Điện, có lời kêu gọi Tổng thống Miến Điện đẩy mạnh cải cách dân chủ.
 Các giới chức ngoại giao Mỹ đặc biệt cảnh báo tình trạng bạo lực tôn giáo gia tăng và xâm phạm tự do báo chí tại Miến Điện.

Phát biểu khai mạc cuộc họp song phương Asean – Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh « các thách thức (mà Miến Điện) phải vượt qua » và cam kết với « nhân dân Miến Điện về sự ủng hộ và tình bạn của Hoa Kỳ ».

Trong một cuộc hội kiến với Tổng thống Miến Điện Thein Sein tại Naypyidaw, « Ngoại trưởng Mỹ đã thừa nhận các tiến bộ Miến Điện đạt được trong những năm gần đây », « tuy nhiên con đường (cải cách dân chủ) còn dài », một nhà ngoại giao Mỹ cho biết.

Vẫn theo giới chức ngoại giao Mỹ, trong cuộc nói chuyện « thẳng thắn » với Tổng thống Miến Điện, Ngoại trưởng Mỹ nêu ra các vấn đề mà chính quyền Miến Điện phải giải quyết trước mắt : tự do báo chí (cụ thể là nhiều trường hợp phóng viên bị bắt), cải cách hiến pháp, xung đột sắc tộc-tôn giáo, khủng hoảng y tế tại bang Rakhine do việc các tổ chức nhân đạo thường xuyên bị cản trở.

Lãnh đạo Ngoại giao Mỹ nói ông muốn lưu ý với chính quyền Miến Điện là "thời gian không ủng hộ họ, tình hình hiện nay (tại Miến Điện) kém ổn định hơn so với cách đây hai năm".

Kể từ khi tập đoàn quân sự giải thể tháng 3/2011, chính quyền gần như dân sự của Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng lãnh, đã tiến hành nhiều cải cách rộng lớn được dư luận đánh giá là ngoạn mục.

Chính quyền Mỹ cũng như các nước phương Tây khác đã dỡ bỏ gần như toàn bộ các trừng phạt đối với chính quyền quân sự trước đây.

Tuy nhiên, ba năm sau, tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện đang gây lo ngại. Bạo lực sắc tộc – tôn giáo bùng phát ở nhiều nơi, đặc biệt giữa hai cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo tại bang Rakhine , khiến 140.000 người phải lánh nạn, nhất là người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.

Theo một giới chức cao cấp khác của Bộ Ngoại giao Mỹ, « trong ba năm vừa qua, Miến Điện đã thực hiện được phần việc dễ làm nhất : trả tự do cho các tù nhân chính trị, đưa đối lập tham gia vào hệ thống chính trị, tạo một bầu không khí nhiều tự do hơn.

Tuy nhiên, hiện nay Miến Điện đang phải đối mặt với những thách thức sâu xa nhất », đặc biệt trước cuộc bầu cử Tổng thống 2015. Đó là « thay đổi cấu trúc hệ thống chính trị quốc gia » và điều này « chắc chắn sẽ gây ra một số kháng cự, một số thoái trào ».


Switch mode views: