Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Theo Liên Hiệp Quốc, số người lánh nạn do xung đột và khủng hoảng đạt mức kỷ lục

Syria - Beirut

Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiêp Quốc (UNHCR) Antonio Guterres (P) viếng thăm gia đình người tỵ nạn Syria ở Beirut, ngày 19/06/2014.
REUTERS/Mohamed Azakir


Hôm nay, 20/06/2014, nhân Ngày Tỵ nạn thế giới, tại Geneve, Liên Hiệp Quốc công bố một báo cáo cho biết, lần đầu tiên, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, số người chạy lánh nạn do xung đột hoặc khủng hoảng đã vượt qua ngưỡng 50 triệu trên toàn thế giới.

Theo lãnh đạo Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc – HCR – ông Antonio Guterres, « trong năm 2013, đã có hơn 50 triệu người phải di chuyển trên thế giới, chạy tránh xung đột hoặc trấn áp, vượt qua biên giới hoặc không » và đến cuối năm 2013, đã có 51,2 triệu người phải bỏ bản quán, có nghĩa là nhiều hơn 6 triệu người, so với con số 45,2 triệu vào cuối năm 2012.
Đáng chú ý nhất là tình hình tỵ nạn tại Trung Đông. Người tỵ nạn Syria hiện chiếm tới một phần tư tổng dân số Liban.

Trong những năm gần đây, ngày càng xẩy ra nhiều cuộc xung đột và xu hướng này tiếp tục gia tăng trong năm 2014, như tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Ukraina và Irak. Đồng thời, một số cuộc xung đột kéo dài trong nhiều thập niên, như tại Somali, Afghanistan.

Theo Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, các yếu tố như bùng nổ xung đột, thủ phạm không bị trừng trị, khả năng khó phán đoán xung đột nổ ra, đã gần như trở thành quy luật và hậu quả trở nên nghiêm trọng đối với hàng triệu người và gia đình họ.

Trong năm 2013, đã có 2,5 triệu người tỵ nạn Syria mới và khoảng 6,5 triệu người phải chạy tránh xung đột ở bên trong Syria, kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tại nước này.

Lãnh đạo HCR kêu gọi cộng đồng quốc tế « cần vượt lên trên mọi bất đồng và tìm kiếm các giải pháp cho các cuộc xung đột hiện nay tại Nam Sudan, Syria, Cộng hòa Trung Phi và các nơi khác ».

HCR nhấn mạnh, 86% số người tỵ nạn thuộc các nước đang phát triển. Đó là những người tỵ nạn, những người xin tỵ nạn với tư cách cá nhân và những người chạy lánh nạn bên trong một quốc gia.

Tính theo vùng, Châu Á – Thái Bình Dương có số người tỵ nạn cao nhất trên thế giới, khoảng 3,5 triệu.
Tiếp theo là vùng Châu Phi Nam Sahara 2,9 triệu, Bắc Phi và Trung Đông 2,6 triệu.


Switch mode views: