Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đông Nam Á lại trở thành điểm nóng của hải tặc

mt orapin -tauThailan

Tàu chở dầu Thái Lan MT Orapin. Ảnh : MarineTraffic.com/Hanz Rosenkranz


Đông Nam Á có thể trở lại thành một điểm nóng của nạn cướp biển sau khi các vụ tấn công của hải tặc gia tăng ở vùng này, theo đánh giá của các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, 18/06/2014.

Trong vùng Đông Nam Á, eo biển Malacca là một hành lang có tính chất chiến lược giữa Indonesia, Malaysia và Singapore. Một phần ba hàng hoá của thế giới được vận chuyển qua con đường này.

Trong một thời gian dài, hải tặc vẫn hoành hành tại vùng eo biển Malacca, trước khi các vụ tấn công của cướp biển giảm hẳn, nhờ các nước trong khu vực gia tăng tuần tra trên biển.
Nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, các vụ tấn công của hải tặc đã tăng trở lại ở Đông Nam Á với nhiều tàu chở dầu và tàu chở hàng là nạn nhân.

 Ông Noel Choong, giám đốc Trung tâm khu vực về cướp biển, thuộc Văn phòng Hàng hải Quốc tế ( BMI ), trụ sở tại Malaysia, cho biết: “Mọi người đều lo ngại về các vụ tấn công này, vì ai cũng biết rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, giống như những gì diễn ra ở Somalia.”

Tại châu Phi, nhờ nỗ lực hợp tác quốc tế của các cơ quan hàng hải mà mối đe dọa hải tặc ở miền Đông lục địa này đã gần như bị xóa bỏ trong những năm gần đây.
 Trong khi đó, tại Đông Nam Á, con số các vụ tấn công của cướp biển đã tăng từ 46 vụ năm 2009 lên thành 128 vụ năm 2013.

Theo dự báo của BMI, con số các vụ tấn công năm nay có thể cũng sẽ bằng năm ngoái.

Thật ra, theo ghi nhận của BMI, đa số các vụ tấn công của cướp biển xảy ra ở vùng biển mênh mông của Indonesia nhắm vào những tàu chở hàng hóa giá trị thấp, trong khi đó, các con đường hàng hải quan trọng như eo biển Malacca, nơi mà mỗi năm có hàng ngàn tàu bè lưu thông, vẫn còn rất an toàn. Trong năm nay chỉ mới có một vụ hải tặc tấn công tại eo biển này.

Nhưng tình trạng các vụ tấn công này xảy ra ngày càng nhiều khiến các chuyên gia lo ngại là sẽ lại có nhiều vụ hải tặc có vũ trang cướp các tàu và bắt con tin đòi tiền chuộc, như vẫn thường xảy ra ở Đông Nam Á cách đây một thập niên.
Phần lớn các nhóm cướp biển là xuất phát từ Indonesia.

Ngày 28/05 vừa qua, chiếc tàu chở dầu của Thái Lan MT Orapin, đi từ Singapore đến Indonesia, đã bị cướp biển tấn công trên đảo Bintan, phía Bắc Indonesia.
 Nhóm hải tặc đã phá hủy các thiết bị thông tin, hút 3.400 tấn dầu sang một tàu khác, rồi thả toàn bộ thủy thủ đoàn.
 Những vụ tương tự đã xảy ra sau đó, như vậy có nghĩa đây là hành động của cùng các nhóm hải tặc.

Tổng biên tập tạp chí Maritime Security Review, David Rider cho biết rằng trên thị trường chợ đen, dầu diesel cho tàu biển là món hàng rất béo bở, cho nên ngày càng có nhiều vụ cướp dầu như trên.

Gần đây ông Rider cũng đã viết rằng những vụ tấn công mới của hải tặc đã làm bất ngờ mọi người.

Theo lời một chuyên gia khác, việc gia tăng lưu thông hàng hải trong khu vực càng gây thêm khó khăn cho các lực lượng an ninh. Cho nên, Văn phòng Hàng hải Quốc tế kêu gọi các chính phủ Đông Nam Á tăng cường tuần tra trong khu vực và thường xuyên giám sát để tránh các hành vi cướp biển.

Nhưng theo quan sát của ông Bancarto Bandoro, chuyên gia về an ninh của Đại học Quốc phòng Indonesia, các nhóm hải tặc rất ranh ma, họ biết rằng khả năng can thiệp của các lực lượng hải quân của mỗi nước rất hạn chế và khai thác những điểm yếu này để tránh bị bại lộ.
Cho nên, ông Bandoro cho rằng chỉ có phối hợp rất chặt chẽ với nhau, các nước Đông Nam Á mới có thể ngăn chận được nạn cướp biển và diệt trừ các nhóm hải tặc.

Switch mode views: