Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sự im lặng khó hiểu của ASEAN về vùng phòng không Trung Quốc

Singapour-Airline



Hai hãng hàng không dân sự trong khối ASEAN là Singapore Airlines và Thai Airways cho biết tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc - AFP


Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Úc.

 Các nước này bày tỏ sự bất bình hoặc chỉ trích Bắc Kinh làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng. Nhưng cho đến nay, Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN vẫn im hơi lặng tiếng một cách khó hiểu.

Khi lập vùng phòng không, Trung Quốc không hề tham khảo trước các nước láng giềng hoặc Hoa Kỳ. Điều này cho thấy Bắc Kinh quyết tâm tiến hành đơn phương các hoạt động vì lợi ích riêng của mình, đặc biệt trong vấn đề biên giới, lãnh thổ.

Giới chuyên gia về Đông Nam Á rất quan tâm đến khả năng liệu Trung Quốc có lập một vùng phòng không tương tự tại Biển Đông hay không.

 Dường như đoán trước được câu hỏi này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) đã tuyên bố :
 « Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng nhận dạng phòng không khác, vào thời điểm thích hợp, sau khi hoàn tất các chuẩn bị cần thiết ».

Ba ngày sau khi tuyên bố lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh điều hàng không mẫu hạm Liêu Ninh xuống Biển Đông.

Trước các tín hiệu này, ASEAN vẫn không hề có phản ứng. Chỉ có ba hãng hàng không dân sự, trong đó có hai công ty thuộc khối ASEAN là Singapore Airlines và Thai Airways, hãng thứ ba là Qantas Airways của Úc đều cho biết sẽ tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc khi đi qua vùng phòng không.

Vài ngày sau, Ngoại trưởng Philippines lên tiếng cảnh báo là Trung Quốc có thể tìm cách kiểm soát không phận trên Biển Đông.

Thông cáo chung của Thượng đỉnh kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật – ASEAN chỉ đề cập một cách gián tiếp đến hành động của Trung Quốc, rằng các bên « đồng ý tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo sự tự do bay trên bầu trời và an ninh hàng không dân sự, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ».

Theo nhà phân tích Dylan Loh Ming Hui, thuộc trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế Rajaratnam, đại học Nanyang Technological University, Singapore, thì có ba nguyên nhân giải thích phản ứng chậm trễ của ASEAN.

Trước tiên, dường như lãnh đạo các nước ASEAN muốn áp dụng chính sách « Chờ xem ».
Có thể họ nghĩ rằng, tại sao lại chấp nhận rủi ro chọc tức Trung Quốc và làm cho tình hình thêm xấu đi, trong lúc những nước lớn hơn, có ảnh hưởng hơn lại không chủ trương đối đầu với Bắc Kinh.

Nguyên nhân thứ hai là một số nước trong ASEAN cho rằng vùng phòng không Trung Quốc tác động rất ít đến Hiệp hội – và như vậy, không có lý do gì để lo ngại – bởi vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông hoàn toàn khác với tranh chấp ở Biển Đông.

Nguyên nhân thứ ba là do cơ chế ra quyết định của ASEAN đòi hỏi phải có sự đồng thuận trong toàn khối. Do vậy, rất khó có được một câu trả lời chung, nhất là các nước thành viên có các quan điểm khác nhau về Trung Quốc.

Phản ứng chậm trễ của ASEAN làm cho Trung Quốc hiểu rằng việc lập vùng phòng không được chấp nhận và sẽ khuyến khích Bắc Kinh hành động tiếp ở những nơi khác.

 Nếu đã lập được vùng phòng không ở biển Hoa Đông, nơi mà tình hình căng thẳng hơn, quan hệ với Nhật Bản xấu hơn, thì có trở ngại gì mà không làm tiếp ở Biển Đông, nơi mà tình hình tương đối yên ổn hơn ?

Vả lại, cách hành xử của Trung Quốc ở biển Hoa Đông không khác gì so với tại Biển Đông, như điều động tàu hải giám, ngư chính, máy bay xâm nhập vào các vùng đang có tranh chấp.

Theo giới chuyên gia, ASEAN cần có tiếng nói chung, bày tỏ mối lo ngại và yêu cầu Trung Quốc cho biết có ý định lập vùng phòng không ở Biển Đông hay không.

Nếu Bắc Kinh trả lời một cách mơ hồ, hoặc tiêu cực, thì ít ra, ASEAN có thời gian để thương lượng nội bộ, cùng nhau đưa ra kế hoạch đối phó chung.

ASEAN có một số cơ chế để giải quyết các tranh chấp, như Hiệp ước bất tương xâm 1976 mà Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều tham gia hay tuyên bố chung 2002 về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC, nhưng chưa đủ và không hiệu quả.

Nếu ASEAN không có tiếng nói và hành động chung, thể hiện tình đoàn kết nội bộ, thì ít có khả năng ngăn chặn được Trung Quốc tìm cách thống trị vùng trời Biển Đông và ở những nơi khác.



Switch mode views: