Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-12-2013

 Trung Quốc : Đối tượng trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật

Japon  JS Hyuga



Khu trục hạm JS Hyuga của Hải quân Nhật Bản (Ảnh : US Navy)


Chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập một vùng nhận dạng phòng không mới trên biển Hoa Đông, gộp luôn quần đảo Senkaku/Điều Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, chính quyền Tokyo hôm 17/12/2013 đã chính thức loan báo gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, và nhất là thông qua một chiến lược an ninh quốc gia.

Trong bài phân tích trong số ra tuần này, mang tựa đề « Bảo vệ hải đảo », tuần báo Anh The Economist đã nhấn mạnh đến hai yếu tố : Đây là lần đầu tiên mà Nhật Bản đề ra một chiến lược an ninh quốc gia, và đối tượng được nhắm tới là Trung Quốc.

Đối với tác giả bài báo, trong bối cảnh quan hệ Nhật Trung vốn đã không thuận thảo do tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quyết định của Trung Quốc áp đặt vùng phòng không đã làm cho tình hình căng thẳng thêm lên, và chiến lược mới của Nhật Bản rõ ràng là nhằm củng cố mạnh mẽ hệ thống phòng thủ của mình.

Yếu tố đáng chú ý trong chiến lược này, theo The Economist, là không chỉ nêu lên một cách chung chung « các thách thức phức tạp và nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia », mà còn đặc biệt nói đến Trung Quốc với « các mưu toan thay đổi hiện trạng bằng sự ép buộc », và sự cần thiết phải « lấy lại và gìn giữ không chậm trễ » các hải đảo xa xôi nếu bị xâm chiếm.

Giải thích về thái độ cứng rắn của Nhật Bản, tuần báo Anh cho rằng việc Mỹ lên án quyết định thành lập vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc nhưng không công khai kêu gọi hủy bỏ khu vực đó, đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại ở Nhật Bản.

Tokyo sợ rằng Washington có thể không tôn trọng các cam kết, theo đó, hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Nhật cũng có hiệu lực đối với quần đảo Senkaku.

Chiến lược an ninh quốc gia dự trù tăng 5% ngân sách quốc phòng, chủ yếu dùng để mua thêm thiết bị, vũ khí, nhưng không phải bất kỳ loại nào, mà tập trung vào những phương tiện chuyên dùng trong việc bảo vệ biển đảo, nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển và vùng trời ở khu vực quần đảo đang bị Trung Quốc nhòm ngó.

The Economist nêu bật một số ví dụ : Thêm bảy khu trục hạm, nâng tổng số tàu chiến loại này của Nhật Bản lên thành 54 chiếc ; thêm sáu tàu ngầm (nâng tổng số lên 22). Một phi đội thứ hai gồm 20 chiến đấu cơ F-15 sẽ được triển khai trên đảo Okinawa, gần vùng Senkaku, cùng với loại máy bay cảnh báo sớm.

Quân đội Nhật Bản sẽ cung cấp thêm máy bay không người lái cho lực lượng không quân, và sẽ lần đầu tiên thành lập một lực lượng Thủy quân lục chiến theo mô hình Mỹ.

Theo tuần báo Anh, Trung Quốc tiếp tục được nêu đích danh trong tài liệu - mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi là « lịch sử » - khi hứa hẹn rằng Nhật Bản sẽ đáp ứng « một cách bình tĩnh nhưng kiên quyết trước đà mở rộng và tăng cường nhanh chóng của các hoạt động hàng hải và hàng không của Trung Quốc ».

Dĩ nhiên là văn kiện cũng gọi Bắc Triều Tiên là một « mối đe dọa nghiêm trọng và cấp thời ».

Và còn đề cập đến một vấn đề gây tranh cãi : Cam kết xem xét lại lệnh cấm mà Nhật Bản tự áp đặt cho mình về xuất khẩu vũ khí , viện lẽ rằng điều đó đã làm cho chi phí của nền công nghiệp quốc phòng Nhật quá cao vì chỉ sản xuất được với số lượng tương đối nhỏ mà thôi.

Nhật Bản cũng biết tự kềm chế ?

Bài phân tích của The Economist, tuy nhiên, đã ghi nhận một sự thiếu vắng quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản : Đó là không thấy nói đến khả năng « tấn công trước để phòng ngừa », một khái niệm từng được nhiều chính khách trong đảng Dân chủ Tự do của ông Abe ủng hộ, chẳng hạn như tấn công trước vào các căn cứ tên lửa của Bắc Triều Tiên, để ngăn ngừa một cuộc tấn công của Bình Nhưỡng.

Theo tuần báo Anh, sự thiếu vắng này chứng tỏ rằng Tokyo biết tự kiềm chế, vì nếu khả năng này được ghi trong chiến lược an ninh của Nhật Bản, điều đó sẽ đánh động các láng giềng của Nhật như Trung Quốc hay Hàn Quốc hơn bất kỳ điểm nào khác.

Có điều, theo The Economist, chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản được rà soát lại hàng năm, do đó, theo một quan chức chính phủ, việc thiết lập một lực lượng tấn công phủ đầu hoàn toàn có thể được đưa vào chiến lược vào năm tới.

Khi chiến lược vừa được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Tokyo « thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc ».

Bắc Kinh lại càng tức giận hơn sau nhận định của Thủ tướng Abe nhân Hội nghị Thượng đỉnh tại Tokyo với các lãnh đạo Đông Nam Á trong hai ngày 13-14 tháng 12.

Ông Abe khi ấy đã khuyên các đồng nhiệm, trong đó có lãnh đạo 4 nước hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, là phải coi vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc trên biển Hoa Đông là một vấn đề đáng quan ngại đối với toàn khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Nhật Bản là đã « vu khống » Trung Quốc một cách thâm hiểm.

Tuy nhiên, The Economist kết luận, cái đặc biệt đau đớn cho Trung Quốc là các nước Đông Nam Á chắc hẳn đã cho rằng ông Abe có lý.

Hồ sơ cuối năm thật đa dạng trên các tạp chí

Trong những ngày cuối năm và lễ lạt, hồ sơ mà tuần báo Pháp dành cho trang bìa rất khác biệt và cũng bất ngờ, cả L’Express và Le Nouvel Observateur đều ngược dòng lịch sử.

Le Nouvel Obs trở lại cuộc chiến đầu thế kỷ trước với một con số thật to chéo ngang trang bìa : 1914, với dòng tựa « Năm mà tất cả đều đảo lộn », trong một hồ sơ dày hơn 50 trang.

L’Express điểm lại lịch sử Pháp, còn đi xa hơn nữa vào quá khứ, với ảnh Jeanne d’Arc, vị nữ anh hùng của Pháp thời Trung cổ, để rồi đi xuôi dòng đến thế kỷ 20, dừng lại thời cố Tổng thống De Gaulle, và nêu trong hàng tựa : « Lịch sử Pháp, những bí mật cuối cùng ».

Tạp chí Courrier International, trong mùa lễ Giáng sinh, dành trang bìa cho thành phố thánh Jérusalem ở Israel, đưa đọc giả đến một nơi ‘xa huyền thoại’, đổi mới, đầy hứa hẹn.

Bắc Triều Tiên : Cuộc tranh đua đẫm máu trong gia tộc họ Kim

Courrier International, cũng nhìn lên vùng Đông Bắc Á, và dĩ nhiên không thể bỏ qua sự kiện gây chấn động tại Bắc Triều Tiên : Vụ thanh trừng ông Jang Song Taek, chú dượng của Kim Jong Un.

Bài báo ở mục thời sự ‘7 ngày trên thế giới’ mang tựa đề « Cuộc chạy đua chết người trong gia đình », cho rằng nguyên nhân vụ thanh trừng là sự kiện ông Jang Song Taek đã âm mưu lật đổ Kim Jong Un hầu làm cho chế độ mềm dẻo hơn.

Courrier International trích báo Kyunghyang Sinmun, ở Seoul, nêu lại sự kiện một giáo sư đại học Bắc Triều Tiên tỵ nạn ở Seoul đã có liên lạc với ông Jang Song Taek, với mục tiêu làm thay đổi tình hình ở Bắc Triều Tiên.

Theo bài báo được trích dẫn, vị giáo sư này, Kang Myong Do, con trai của nguyên Thủ tướng Bắc Triều Tiên Kang Song San, trả lời đài truyền hình Hàn Quốc YTN, ngày 13/12, cho biết một số chi tiết, theo đó, ông Kang và người thân của ông đã tìm cách thuyết phục ông Jang Song Taek đi theo họ.

Bản thân ông Kang đã đi Trung Quốc và Đông Nam Á để gặp một số nhân vật trong chế độ Bắc Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn đài YTN, ông nói rõ : « Chỉ có hai điều, hoặc Jang bị gạt ra ngoài hoặc Kim Jong Un bị giết chết. Nhưng nếu Jang đứng đầu chế độ, thì có hy vọng hạt nhân được bỏ đi và quan hệ liên Triều được cải thiện... Bây giờ ông ấy không còn nữa thì tôi có thể nói điều này : Chúng tôi đã cảnh cáo ông Jang Song Taek là nếu ông ấy không ra tay trước, thì Kim Jong Un sẽ ra tay với ông ».

Còn về âm mưu đảo chính – điều mà theo Bình Nhưỡng, ông Jang đã thừa nhận trong phiên xét xử chớp nhoáng, ông Kang, theo bài báo, đã đánh giá là điều đó « rất có thể… Chúng tôi biết là ông ấy sẽ hành động nếu Kim Jong Un không từ bỏ hạt nhân, làm cho quan hệ với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ thêm căng thẳng. Hơn nữa có lẽ Kim Jong Un cũng biết như thế, và đã cho theo dõi Jang Song Taek từ một năm nay ».

Có lẽ sau vụ người thân cận của ông Jang Song Taek tiếp xúc với Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong-Un, vào cuối tháng 10/2013 vừa qua, mà Kim Jong Un đã quyết định khử người chú dượng.

Kim Jong Un, theo ông Kang, vốn xem người anh này như « một cái gai trong mắt ». Ông Kang còn khẳng định : « Sau vụ thanh trừng Jang Song Taek, chắc chắn là Kim Jong Nam sẽ xin tỵ nạn tại Mỹ ».

Giới khoe của hợm hĩnh tại Trung Quốc

Courrier International còn nhìn sang Trung Quốc, nhưng trên bình diện xã hội, nói về những kẻ giầu sụ, thích sự phô trưong hào nhoáng.

Dưới tựa đề « Đế chế phô trương », tạp chí Pháp trích tờ báo Quảng Đông, Tân Chu Khan (Xin Zhoukan), phê phán gay gắt các nhà giàu ‘mới’ ở Trung Quốc, và đánh giá : « Làm giàu bằng mọi cách và nhanh, đó là thắng lợi của những kẻ thô thiển, cơ hội chủ nghĩa, thích khoe khoang, qua đó nêu bật tật xấu của cả Trung Quốc ».

Bài báo bắt đầu bằng câu hỏi hóm hỉnh : Ai là những thổ hào (tuhao) ? - Ngày xưa, từ này chỉ những kẻ độc tài ở nông thôn, những phú hộ chuyên nạt nộ nông dân. Thế nhưng hiện nay, từ này rất thông dụng, chỉ những kẻ giàu hơn người, nhà giàu mới, còn rất thô tục.

Bài báo vẽ ra chân dung loại người này như sau : Họ là những người cơ hội chủ nghĩa, thân cận, nhưng đồng thời cũng e ngại chính quyền. Họ biết luồn lách qua các sơ hở, tranh thủ mọi cơ hội làm giàu.

Phương châm của họ : Áp phe là áp phe, không có chính trị gì cả. Phong cách hào nhoáng, khoe khoang của họ là để cho thấy tài sản và thành công của họ, một cách xác định bản lĩnh của họ.

Bài báo dựa trên bản xếp hạng của Rupert Hoogerwert về những người giàu ở Trung Quốc, phác họa chân dung những người có tài sản trên 10 triệu yuan – 1,2 triệu euro : Những người trung bình ở độ tuổi 38, 70% là nam giới, có trung bình 3 chiếc xe hơi, đi nước ngoài trung bình 2,8 lần trong năm, thích nhất là đi Pháp và Mỹ. Họ đứng đầu trong việc mua sắm hàng xa xỉ, qua mặt những kẻ giàu mới của Nga.

Các tập đoàn quốc tế cũng phải theo sự ưa thích của họ. Ví dụ như người giàu của Trung Quốc rất thích vàng và bạc để khoe của, Apple đã ra một iphone 5 mạ vàng cho loại khách hàng này !

Tác giả bài báo tỏ vẻ bực dọc trước tệ khoe khoang bề ngoài này, khi nhìn thấy nhân viên lưong thấp ở Thượng Hải, tiết kiệm trên cái ăn cái mặc, nhưng không thể thiếu một túi xách tay, một cái ví hạng sang hiệu Louis Vuitton.

Điều tệ hại hơn nữa theo bài báo, là cả nước lao vào mode « khoe của », và không phải chỉ có cá nhân, mà cả các tỉnh thành.

Thành phố bé, lớn, ai cũng muốn nổi bật, đua nhau xây dựng công trình đồ sộ, muốn trở nên thành phố lớn tầm cỡ quốc tế, hủy đi các di tích văn hóa, lịch sử.

Và còn tệ hơn nữa, theo bài báo, là trong lúc phá đi di tích lịch sử thật, thì họ lại đua nhau xây dựng di tích giả, những khu phố cổ mới toanh với khẩu hiệu « thành phố làm cuộc sống đẹp hơn ».

Bài báo cũng chế nhạo thói ham lễ lộc, không có lễ thật thì các nơi cũng sẵn sàng bịa ra, dựng lên các lễ, nào là lễ dưa hấu, lễ đậu phụ... lấy tiền công quỹ để mời khách, mời các nhân vật nổi tiếng, minh tinh, đến nơi để lãnh đạo địa phương chụp ảnh lưu danh.


Switch mode views: