Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân: Quốc tế bất lực ?

KOREA-NORTH-hatnhan


Tổ hợp hạt nhân Bắc Triều Tiên Yongbyon
REUTERS/Kyodo (NORTH KOREA


Vào lúc phương Tây tập trung chú ý đến chương trình hạt nhân của Iran, tại vùng Châu Á, một quốc gia từng bị liệt vào diện « bất hảo » là Bắc Triều Tiên đang tiến những bước vững chắc trên con đường tự trang bị vũ khí nguyên tử.

Nhiều chuyên gia phân tích - được hãng tin Pháp AFP hôm nay, 27/10/2013 trích dẫn - đã không tránh khỏi bi quan trước điều có thể gọi là sự bất lực của công đồng quốc tế trong việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Trong một bài viết đăng trên Bản tin của giới khoa học hạt nhân, ông Siegfried Hecker, một chuyên gia Mỹ về chương trình nguyên tử của Bắc Triều Tiên đã ghi nhận thực tế đang hiển hiện trước mắt mọi người : « Bình Nhưỡng đang tiến bước trên tất cả các mặt trận hạt nhân ».

Khi phân tích các hình ảnh vệ tinh thu thập gần đây, các chuyên gia đều thấy là chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đang tăng tốc.

Từ tháng Tám vừa qua, Bình Nhưỡng đã nhân đôi khả năng làm giàu uranium tại cơ sở Yongbyon.
Qua tháng Chín, Bắc Triều Tiên đã cho khởi động lại lò phản ứng plutonium, và trong tháng Mười này, đang chuẩn bị một cuộc thử nghiệm nguyên tử mới.

Kể từ khi lên nắm quyền sau cái chết của người cha vào cuối năm 2011, lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã chứng kiến vụ phóng thành công một tên lửa tầm xa vào tháng 12 năm 2012, và một vụ thử hạt nhân thứ ba hai tháng sau đó (tháng Hai năm 2013), được coi là quan trọng nhất trong ba vụ thử mà Bắc Triều Tiên đã thực hiện cho đến nay.

Đối với chuyên gia Hecker, rõ ràng là cộng đồng quốc tế vẫn phải duy trì mục tiêu phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, nhưng điều đó đã trở thành xa vời hơn trước các diễn biến mới kể trên.

Vấn đề, theo AFP, là cho dù đều công nhận rằng Bình Nhưỡng đã có nhiều bước tiến trong lãnh vực vũ khí hạt nhân, nhưng mọi người lại chưa đồng ý được với nhau về chiến lược cần áp dụng để ngăn chặn Bắc Triều Tiên.

Chiến lược từng được sử dụng trước đây là Vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân Bắc Triều Tiên, tập hợp Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nga, nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng trang bị vũ khí hạt nhân, đánh đổi với trợ giúp quốc tế, đặc biệt về năng lượng.

Tuy nhiên, vòng đàm phán này đã gặp bế tắc từ năm 2008, và gần đây, cả Bắc Triều Tiên lẫn đồng minh hùng mạnh của họ là Trung Quốc đều muốn nối lại cuộc đàm phán sáu bên.
Thế nhưng, đối với Washington và Seoul, Bình Nhưỡng trước hết phải thể hiện quyết tâm phi hạt nhân hóa, điều mà Bắc Triều Tiên đã nhiều lần bác bỏ khi khẳng định là họ sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân.

Đối với những người chống lại việc nối lại đàm phán với Bắc Triều Tiên mà không cần nước này tỏ quyết tâm giảm trừ hạt nhân, điều đó chẳng khác gì chấp nhận việc Bình Nhưỡng trở thành một cường quốc hạt nhân.

Ngược lại, phe chủ trương đối thoại cho rằng, dù không ngăn cản được hoàn toàn, nhưng các cuộc đàm phán thời trước năm 2008 đã từng cho phép làm chậm chương trình nguyên tử Bắc Triều Tiên.

Khả năng dùng áp lực kinh tế cũng đã từng được cộng đồng quốc tế áp dụng, cụ thể là các quyết định tăng cường trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trong thời gian qua. Thế nhưng, cho đến nay, các biện pháp này vẫn chưa thấy lay chuyển được chế độ Bình Nhưỡng.

Tóm lại, bất chấp sức ép từ bên ngoài, Bắc Triều Tiên như vẫn thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình.

Một trong những lý do quan trọng, theo ông Andrei Lankov, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại học Kookmin (Seoul), là vì chế độ Kim Jong Un thấy rằng vũ khí hạt nhân sẽ là bảo đảm tốt nhất cho sự tồn tại của họ.


Switch mode views: