Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-11-2013
- Thứ Sáu, 11 tháng Mười năm 2013 19:24
- Tác Giả: Minh Anh
Bảy mối họa của Trung Quốc
Mao Trạch Đông qua lăng kính danh họa Andy Warhol.
DR
Đề tài thời sự trên các báo Pháp sáng nay 11/10/2013 khá tản mạn. Riêng nhật báo Le Monde có nhiều bài viết nhận định về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Tờ báo có bài phân tích khá sâu sắc về chủ trương « hoài Mao » được các lãnh đạo Trung Quốc đề xướng trong thời gian gần đây qua hàng tựa « Bảy mối họa của Trung Quốc ».
Theo François Bougon, tác giả bài viết việc trở lại với tư tưởng Mao cho thấy sự suy yếu của dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc, những người không còn được hưởng tính chính đáng từ các cựu lãnh đạo tiếng tăm, như là Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào đã có thể làm.
Tác giả nhận định Mao Trạch Đông đã để lại di sản kế thừa quá nặng nề. Tầm ảnh hưởng của ông lên đời sống chính trị Trung Quốc cho đến giờ vẫn còn quá mạnh mẽ. Bất chấp những hậu quả nặng nề của cuộc Cách mạng văn hóa và các chiến dịch thanh trừng nội bộ, đối với Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của các chính sách cải cách kinh tế, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ phạm có 30% sai lầm, nhưng có đến 70% thành công. Do đó, không có lý do gì để gạt bỏ tư tưởng Mao.
Thế nhưng đối những ai quan tâm đến lịch sử đất nước, đều nhận thấy là lý thuyết đưa ra trong những năm 1980, theo đó mở cửa phát triển kinh tế sẽ đưa đến nền dân chủ đã gặp thất bại hoàn toàn.
Giờ đây, trong năm 2013 này, người ta không khỏi tự hỏi làm thế nào một Trung Quốc ngày càng theo chủ nghĩa tư bản lại bao quát được cả một chủ nghĩa Mao được tái sáng tạo mới. Mà biểu tượng của hiện tượng này, ấn bản sắp tới của Sách đỏ sẽ được bán với một cái giá 2000 nhân dân tệ (khoảng 242 euro), một phiên bản hạng sang.
Theo François Bougon, trào lưu hoài Mao còn được các thế hệ lãnh đạo mới sau này sử dụng để thăng tiến trên con đường sự nghiệp chính trị, mà nhân vật điển hình là vị Bí thư đảng ủy thất sủng Trùng Khánh Bạc Hy Lai, hiện đang bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng.
Giờ đây, ông Tập Cận Bình có thể ung dung thực hiện chiến dịch « hoài Mao » mà không ngại một phe tả trong Đảng ngáng chân.
Tư tưởng hoài Mao được thể hiện rõ nét trong các bài diễn văn của chủ tịch Tập Cận Bình. Không những ông khẳng định lập trường « quốc gia không bao giờ thay đổi màu cờ » mà ông còn kêu gọi các cấp lãnh đạo phải ghi nhớ lời dạy của Mao chủ tịch « phải khiêm tốn, cẩn trọng và không ngạo nghễ cũng như liều lĩnh » và phải biết « gìn giữ một nếp sống giản dị ».
Đến mức mà giờ đây Tập Cận Bình còn được đặt cho một cái tên mới « Tân Mao Trạch Đông ». Bởi vì, Tập Cận Bình đã từng tuyên bố là « Chúng ta không thể nào gạt qua một bên chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông, vì như vậy sẽ làm mất đi cội rễ của chúng ta ».
Tác giả lưu ý là lời nói phải đi kèm với hành động. Bộ máy cầm quyền chống lại những ai dám yêu cầu tôn trọng Hiến Pháp hay cân bằng quyền lực trước sự độc tôn của Đảng. François Bougon cho hay một cuộc tấn công đang được tiến hành nhằm « tẩy rửa » giới tiểu blog, những trang mạng xã hội lớn, để chấn chỉnh họ lại. Theo nhận định của Thường Bình, cựu tổng biên tập tờ Nam Phương Chu Mạt, hiện sống lưu vong tại Đức, « Đảng đang tìm cách cải cách mạng Internet sao cho các phương tiện này trở thành một kiểu truyền thông chính thống ».
Theo một tài liệu nội bộ, được giới truyền thông Hồng Kông tiết lộ và được xem như là « tài liệu trung ương số 9 », Trung Quốc kêu gọi quan chức chiến đấu chống lại « những giá trị phương Tây nguy hiểm » khi chỉ ra 7 mối nguy : Đó là các giá trị phổ quát ca tụng nhân quyền, tự do báo chí, xã hội dân sự, quyền công dân, chỉ trích vô hư về các sai lầm của Đảng, giới tư sản đặc quyền và độc lập tư pháp.
Theo Bougon, chủ trương « hoài Mao », vốn dĩ đang bóp nghẹt nền xã hội dân sự là một trong những ba lựa chọn của chế độ để đối phó với những thách thức đề ra cho cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Hai biện pháp còn lại là chú trọng theo mô hình Đặng Tiểu Bình. Một mặt để cho nền thị trường tự do nở rộ. Mặt khác, hạn chế tối đa việc dân chủ hóa xã hội.
Tác giả bài viết cũng nhận thấy rằng sự hoài Mao này cũng chứng tỏ cho thấy sự mong manh của dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc.
Tình trạng bấp bênh đó là một nguồn bất ổn tiềm tàng cho một quốc gia muốn vượt mặt Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI này.
Cuối cùng, tác giả nhận xét, bất đồng gia tăng, khủng hoảng sinh thái, tăng trưởng kinh tế ì ạch và thách thức về đô thị hóa có thể sẽ biến đế chế Trung Hoa thành một gã khổng lồ với đôi chân bằng đất sét.
Trung Quốc : cường quốc kinh tế, cường quốc nhập khẩu năng lượng
Về điểm này, phụ san Kinh tế và Doanh nghiệp của Le Monde cũng đồng quan điểm. Để đi lên thành cường quốc kinh tế thứ hai, Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với mối đe dọa lớn mang tính chiến lược đó là vấn đề năng lượng.
« Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu dầu hỏa hàng đầu » là hàng tựa nhận định trên Le Monde. Theo bản báo cáo của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ EIA, công bố hôm thứ Ba 08/10, cho biết nhập khẩu tịnh của Trung Quốc trong tháng Chín vừa qua đã đạt đến mức 6,3 triệu thùng dầu/ngày, vượt qua Mỹ 6,24 triệu thùng/ngày.
Trên thực tế, từ năm 1993, Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng, trong khi chỉ cách đó có 8 năm (tức 1985) quốc gia này còn là nước xuất khẩu. Sự lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng hóa thạch như (dầu hỏa, khí đốt , than đá…) tăng mạnh do mức cầu cho giao thông và sản xuất điện tăng.
Sự phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng làm cho nhu cầu về nhiên liệu hóa lỏng gia tăng. Theo ước tính, trong giai đoạn 2011-2014, mức cầu này sẽ phải tăng thêm 13% để đạt ở mức 11 triệu thùng/ ngày.
Sự lệ thuộc hoàn toàn vào năng lượng đang để lại nhiều hậu quả « đáng ngại » về môi trường và kinh tế, theo như đánh giá của Hội đồng Năng lượng Thế giới. Trung Quốc hiện là quốc gia thải nhiều khí cácbon nhất trên hành tinh.
Tình thế này cũng để lại nhiều hệ quả địa chính trị. Bắc Kinh buộc phải tìm các nguồn cung ứng tại các khu vực Trung Đông và tại quốc gia vùng Vịnh, thậm chí các những quốc gia châu Phi.
Ngoài việc phải đảm bảo nguồn cung ứng, Trung Quốc còn phải giám sát cả các con đường vận chuyển dầu hỏa của mình. Bắc Kinh tăng cường chiến hạm và đầu tư nhiều vào các hải cảng nằm dọc theo con đường hàng hải nối liền châu lục đen và vùng Vịnh với Trung Quốc.
Fukushima : « địa ngục » cho những người làm công tác tháo dỡ
Nhìn sang Nhật Bản, báo Le Monde có bài viết quan tâm đến những con người đang âm thầm làm công tác tháo dỡ khu trung tâm hạt nhân Fukushima bị tai nạn do sóng thần và động đất năm 2011. Tờ báo chạy tựa, « Fukushima : trong ‘địa ngục’ của những người làm công tác tháo dỡ ».
Philippe Pons, tác giả cho biết buổi nói chuyện được diễn ra tại một địa điểm kín đáo. Bởi vì, trao đổi với các phóng viên là một việc làm rất mạo hiểm. Công ty tuyển dụng có thể xem như đây là cái cớ để sa thải họ.
Theo lời thuật của những người được hỏi, nhân sự làm việc tại đây thường xuyên thay đổi. Ngoài việc do bị nhiễm xạ ở mức cao buộc phải rời công việc sớm, rất nhiều người cho rằng lương bổng thấp, không được hưởng đúng mức hỗ trợ rủi ro hay lương ngoài giờ là những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều người phải bỏ việc tại đây, gây ra tình trạng thiếu nhân công triền miên.
Do đó, các doanh nghiệp nhà thầu lãnh nhận việc tháo dỡ trung tâm hạt nhân buộc phải liên tục tuyển người. Hệ quả là họ không kịp có thời gian để đào tạo và hầu như là những người thiếu kinh nghiệm, tay nghề non kém.
Họ còn cho biết thêm là những ai có tay nghề kém nhất lại không được bảo đảm về an toàn lao động và còn bị các nhà tuyển dụng trung gian rút rỉa tiền lương.
Theo quan sát của Philippe Pons, thì cuộc sống của những người làm việc tại đây thật là buồn tẻ và đơn điệu. Tại nơi họ sinh sống, đường phố vắng vẻ như là trong một thành phố chết. Không tuyến xe lửa, cũng không có xe buýt, ngoại trừ chuyến xe ca chở họ đi làm và chở về nhà. Trường học cũng vắng tanh. Nhà cửa, cửa hàng và quán ăn đóng im ỉm, không chút ánh đèn. Những người làm việc tại đây hoặc sống trong những căn phòng tạm bợ do doanh nghiệp dựng lên, hoặc sống thuê trong những căn nhà mà ngay chính chủ nhà cũng không muốn ở.
Tokyo phản đối lệnh cấm vận lương thực của Trung Quốc và Hàn Quốc
Cũng liên quan đến Fukushima, nhật báo kinh tế Les Echos cho hay « Tokyo nổi dậy chống lệnh cấm vận của Trung Quốc và Hàn Quốc ».
Tờ báo cho hay hôm qua, thứ Năm 10/10, nhân cơ hội gặp mặt các đồng nhiệm Trung Quốc và Hàn Quốc, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kiên quyết đề nghị lãnh đạo hai quốc gia dỡ bỏ lệnh cấm vận lên các mặt hàng thủy sản đến từ nhiều vùng lân cận với tỉnh Fukushima.
Theo Tokyo, lệnh cấm áp đặt lên các mặt hàng này là không có cơ sở và phủ nhận thực tế các xét nghiệm khẳng định có rất ít cá đến từ các vùng biển Nhật Bản bị nhiễm xạ.
Les Echos nhắc lại bối cảnh sự việc. Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm ngay từ khi xảy ra sự cố Fukushima. Còn đối với Hàn Quốc, Nhật Bản đặc biệt có những phản ứng mạnh mẽ. Vịn vào lý do rò rỉ nước nhiễm xạ, ngoài các sản phẩm đến từ tỉnh Fukushima đã bị cấm, Seoul còn mở rộng thêm lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản lên 8 tỉnh khác, đôi khi cách Fukushima đến hàng trăm km.
Ấn Độ trả giá đắt cho sự đam mê vàng
Vàng đối với người Ấn Độ cũng như người Việt Nam được xem như là yếu tố bảo đảm cho sự phồn thịnh. Thế nhưng, đối với nền kinh tế Ấn hiện nay, kim loại màu vàng đó đang là một trong những mối đe dọa đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Chủ đề này được phụ san Kinh tế và Doanh nghiệp báo Le Monde phản ảnh lại qua bài viết « Ấn Độ và vàng, cái giá cho một niềm đam mê ».
Việc nhập khẩu vàng ồ ạt đang ngày càng đè nặng lên cán cân thương mại của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này nhập khẩu đến 1/3 lượng vàng sản xuất trên thế giới, bỏ xa cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Vào thời điểm đồng rupee bị trượt giá, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế èo uột, chính phủ lại không có chút nỗ lực nhằm kìm hãm bớt nỗi thèm khát vàng của người dân.
Đối với chính quyền New Dehli, đây quả là một thách thức quá to lớn. Vào cuối thập niên 2000, Ấn Độ nhập khẩu đến 1000 tấn vàng. Sự thèm khát quả là quá đắt. Nhập khẩu vàng trong giai đoạn 2010-2011, đã ngốn của chính phủ đến gần 40 tỷ đô-la, tức chiếm đến 10% tổng lượng nhập khẩu.
Giải thích cho sự đam mê đắt đỏ đó, Le Monde đưa ra hai lý do. Thứ nhất, xuất phát từ tập tục cưới hỏi và các lễ hội truyền thống. Đây cũng là dịp để người dân Ấn Độ mua sắm loại kim loại quý này. Thứ hai, xuất phát từ những kinh nghiệm xa xưa, giờ vẫn còn in đậm trong tiềm thức của người dân, đó là vàng được xem như là một giá trị bảo toàn tốt nhất, dùng để phòng thân trong các trường hợp binh biến, loạn lạc (về điểm này rất giống suy nghĩ của người Việt Nam).
Vấn đề là đối với nền kinh tế, việc trữ vàng lại được xem như một đầu tư « không sinh lợi ».
Alice Munro, giải Nobel Văn học ở tuổi 82
Trên lãnh vực văn hóa, một số báo Pháp hôm nay có bài viết về giải Nobel Văn học 2013 được trao cho nữ sĩ người Canada, bà Alice Munro, 82 tuổi. Đa số các báo đều có chung nhận định bà là phụ nữ Canada đầu tiên và cũng là phụ nữ thứ ba được nhận giải thưởng cao quý này.
Libération chạy tít lớn trên trang nhất « Nobel Văn học : Alice Munro, tin vui ». Vượt qua các đối thủ nặng ký khác như nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, hay như Svetlana Alexievitch, bà Alice Munro, bậc thầy dòng tiểu thuyết mới đã được nhận giải thưởng cao quý từ Ủy ban Nobel Thụy Điển.
Sau Mạc Ngôn, một nhà văn Trung Quốc, Nobel văn học năm 2012, đây là lần đầu tiên Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng cho một tác giả thuộc dòng văn học đương đại. Libération đánh giá quyết định chọn bà Munro là một sự chọn lựa mang tính chất thuần túy văn học không mang màu sắc chính trị. Bởi vì, Alice Munro là một « bậc thầy của dòng văn học đương đại ».
Nhật báo Công giáo La Croix, dành một góc nhỏ trên trang nhất để chạy tựa « Tiểu thuyết gia Alice Munro được trao giải Nobel Văn học ». Cũng như Libération, nhật báo công giáo công nhận « Alice Munro, bậc thầy dòng truyện ngắn ».
Hiếm có những tác giả đương đại nào lại có sự nghiệp sáng chói ngang hàng với các đồng nghiệp, những tiểu thuyết gia khác : kể từ cuối thập niên 60, nữ sĩ Alice Munro chứng tỏ sự thanh cao và cao cả của nghề nghiệp khi tự đặt mình vào trong dòng xoáy của Goethe et Schlegel, Balzac và Flaubert, Henry James, Tchekhov ou Sarraute. Một nữ sĩ « kín đáo và lặng lẽ », theo như đánh giá của Le Figaro.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-11-2013 - 14/10/2013 01:02
- Trung Quốc sợ Mỹ vỡ nợ - 13/10/2013 20:00
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đi tìm tính chính đáng mới - 13/10/2013 19:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-11-2013 - 13/10/2013 00:56
- G20 kêu gọi Mỹ khẩn cấp giải quyết khủng hoảng ngân sách - 13/10/2013 00:39
- Pakistan : Mỹ bắt sống một thủ lĩnh Taliban - 13/10/2013 00:23
- Việt Nam : Trên 20 người chết trong vụ nổ nhà máy pháo bông của quân đội - 12/10/2013 23:53
- Nhà giàu Việt nuốt vàng để chặn lão hóa - 11/10/2013 21:43
- Nobel Hòa bình về tay Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học - 11/10/2013 20:10
- Bế tắc ngân sách Mỹ có hy vọng được giải tỏa - 11/10/2013 20:01
Các tin khác
- Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Tân Chủ Tịch HĐGMVN - 11/10/2013 18:59
- Nữ văn sĩ Canada đoạt Nobel Văn học 2013 - 10/10/2013 23:05
- Bầu cử tổng thống Azerbaijan : Aliev chiến thắng, OSCE lo ngại - 10/10/2013 19:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-10-2013 - 10/10/2013 19:48
- Thượng đỉnh Đông Á : Hoa Kỳ trấn an các đối tác về nguy cơ vỡ nợ - 10/10/2013 19:16
- Việt Nam - Hoa Kỳ ký hiệp định hạt nhân dân sự - 10/10/2013 16:17
- Hơn 200,000 người đăng ký để sống (và chết) trên sao Hỏa - 10/10/2013 05:04
- NASA cấm các nhà khoa học Trung Quốc dự hội nghị - 10/10/2013 00:27
- Hoa Kỳ : Khủng hoảng ngân sách chưa lối thoát, nguy cơ vỡ nợ đã cận kề - 09/10/2013 16:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-10-2013 - 09/10/2013 16:33