Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-08-2013

 Viễn ảnh chiến tranh Syria : Thị trường tài chính chao đảo

CHEMICAL-WARFARE


Nhiều nước láng giềng với Syria, trong đó có Israel và Jordani chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu - REUTERS


Từ nhiều ngày qua, báo chí Pháp liên tục loan tin về việc các cường quốc phương Tây, chủ yếu các nước Anh, Pháp và Mỹ chuẩn bị can thiệp quân sự vào Syria. Chủ đề này hôm nay 28/08/2013 tiếp tục chiếm lĩnh trên hầu hết các trang báo lớn.

« Hollande sẵn sàng đưa nước Pháp tham gia vào một sự can thiệp quân sự tại Syria » là hàng tít trên trang nhất tờ báo thiên hữu Le Figaro.

Hôm qua, 27/08/2013, tổng thống Pháp François Hollande khẳng định Paris sẵn sàng tham gia "trừng phạt những kẻ nào đã đưa ra quyết định vô hậu giết thường dân vô tội bằng khí độc" tại Syria.

Tờ báo cho hay là vào ngày mai, thứ Năm 29/08/2013, ông Hollande sẽ tiếp đón lãnh đạo Liên minh Quốc gia Syria. Lời tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh một hành động tấn công đang được phác thảo. Theo đó, kế hoạch này sẽ được thực hiện mà không cần sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do không thể nào được Nga chấp thuận.

Về điểm này, báo Le Monde cũng đồng quan điểm cho rằng trên hồ sơ Syria « Tổng thống Nga bất di bất dịch ». Bài viết trong trang 2, trên mục Quốc tế còn giải thích thêm các luận điểm của Nga đưa ra để che chở cho đồng minh Trung Đông của mình. Như vậy, rõ ràng là, « Matxcơva đang tìm cách tránh sự can thiệp tại Syria ». Điện Kremlin phủ nhận việc chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học và cho rằng có sự thao túng của phương Tây.

Việc các cường quốc phương Tây chuẩn bị can thiệp vào Syria lại được tờ báo Cộng sản L’Humanité mô tả dưới hình ảnh « Tiếng giày đinh trên mọi nẻo đường của Damas ». Tờ báo e sợ là ông Hollande đang lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự. Bởi vì, quyết định của ông có thể « Làm bùng cháy cả khu vực ». Chính vì mối lo đó, mà ông Pierre Laurent, Tổng thư ký Đảng cộng sản Pháp yêu cầu có một cuộc tranh luận trước khi nước Pháp quyết định tham gia.

Báo Libération nghi ngờ về mục đích của chiến dịch tấn công của phương Tây qua hàng tít lớn trên trang nhất « Syria : Chiến tranh, để làm gì ? ». Hoa Kỳ, Anh và Pháp sẵn sàng can thiệp quân sự chống chế độ Bachar al-Assad. Thế nhưng, phạm vi của chiến dịch, cũng như các mục tiêu của cuộc chiến vẫn còn quá mơ hồ. Bài xã luận của Libération còn cho là quyết định trên của phương Tây dường như đã « Quá trễ ».

« Sau gần hai năm rưỡi xảy ra nội chiến và trấn áp, gần 100 ngàn người đã thiệt mạng. Dĩ nhiên là hành động sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân là đáng bị lên án. Nhưng phải đợi đến lúc này các vị tổng thống mới bất thình lình lên cơn thịnh nộ. Trong khi đó, hàng tháng trời đã trôi qua, chính quyền Damas đã giết chết và tra tấn dân tộc mình, tàn sát và làm tan nát đất nước. Do đó, sự nổi giận của phương Tây vào lúc này là đã quá trễ và là có chọn lựa ».

Tờ báo tự hỏi « Mục đích của những đòn tấn công có mục tiêu như các chiến lược gia Hoa Kỳ và Pháp cam kết là gì ? Bằng cách nào họ sẽ thuyết phục được ‘tên đao phủ Damas’ đừng tàn sát dân nữa ? Đâu là những vùng đệm, những lằn ranh đỏ ? Việc công nhận phe đối lập hay như cam kết trang bị vũ khí cho họ đi đến đâu ? Chính sự thiếu thiện chí chính trị đã mở rộng đường cho Hồi giáo cực đoan và các quốc gia ủng hộ Syria như Nga, Iran. Từ đó, Libération kết luận « Không phải bằng một chiến dịch chưa được chuẩn bị kỹ càng, dựa trên các cơ sở pháp lý đáng ngờ mà ta có thể cứu được dân tộc Syria ».

Chiến tranh tại Syria đe dọa các thị trường tài chính

Chiến tranh có thật sự xảy ra hay không cho đến giờ chưa ai biết chắc. Chỉ có điều là hai ngày gần đây, sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là rất có thể sẽ can thiệp quân sự vào Syria, ngay lập tức các thị trường chứng khoán trên thế giới bị chao đảo. Chủ đề này được nhật báo kinh tế Les Echos và phụ san kinh tế Le Figaro đồng quan tâm đến. « Chiến tranh tại Syria tạo ra một mối đe dọa mới lên thị trường tài chính » và « Nỗi lo hành động đánh trả lên Syria làm thị trường chứng khoán tụt giá » lần lượt là những tựa đề bài nhận định trên Les Echos và Le Figaro.

Theo hai tờ báo trên, ngày hôm qua, mọi tín hiệu trên thị trường đều lên báo động đỏ. Nguyên nhân : Bài diễn văn của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên án hành động sử dụng vũ khí hóa học của Syria là « không thể chối cãi được » và « không thể tha thứ » và đồng thời cho rằng khả năng can thiệp quân sự là rất có thể, ngay lập tức sau đó, các nhà đầu tư đã nhanh chóng bỏ rơi những cổ phiếu nào chứa đựng nhiều rủi ro nhất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thị trường tài chính, nhất là tại các nước tân hưng (tức khối BRICS).

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Jean-François Robin, thuộc Natixis, « Khả năng leo thang quân sự tại Syria đang tạo ra một rủi ro mới về địa chính trị, trong một bối cảnh vốn dĩ đã không chắc chắn ».

Hai tờ báo cho hay, hầu như thị trường tài chính ở các quốc gia lân cận với Syria đều bị suy sụp. Trong khi đó, các thị trường tại các nước tân hưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, do lẽ, thị trường tài chính tại các quốc gia này hiện đang bị suy yếu do khuynh hướng giảm chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.

Hầu hết các sàn chứng khoán tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc và Hàn Quốc, đều tụt giảm mạnh. Các cổ phiếu Ấn Độ, Indonesia và Philippines lần lượt mất giá ở mức 3,18% ; 3,71% và 3,96%.

Không chỉ có các nước tân hưng đang phải lao đao, mà các nhà đầu tư chứng khoán tại châu Âu cũng đang bị khốn khổ. Đa số các chỉ số chứng khoán của châu lục này đều tụt giảm vào cuối buổi giao dịch. Tại Pháp, chỉ số CAC 40 giảm 2,42%, của Đức và Anh mất lần lượt là 2,28% và 0,79%. Les Echos ghi nhận là chỉ số chứng khoán của các nước nằm rìa khối đồng tiền euro bị sụt giảm mạnh nhất như Milan (Ý) mất 2,34%, Madrid (Tây Ban Nha) 2,96% và nhất là của Athene sụp xuống hơn 4%.

Tờ báo lưu ý là các sàn chứng khoán Hoa Kỳ là nơi sụt giảm đầu tiên hết, ngay vào tối thứ Hai (26/08/2013) vừa qua và tình trạng này đã kéo dài cho đến hôm qua. Các chỉ số lớn như Down Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt mất 1,14% ; 1 ,59% và 2,16%.

Báo Le Figaro cho rằng, ngoài vấn đề về Syria, các thị trường tài chính còn lo sợ một cú sốc đối đầu với Nga và Iran, hai quốc gia kịch liệt phản đối can thiệp quân sự vào Syria. Do đó, trước mối lo về rủi ro địa chính trị, các dòng vốn đầu tư lần lượt tìm đến những cổ phiếu an toàn nhất như là vàng hay trái phiếu Hoa Kỳ.

« Lenovo » Trung Quốc trên đà chiếm lĩnh thị trường thế giới

Trên lãnh vực công nghệ thông tin, nhật báo Le Monde đặc biệt quan tâm đến một thương hiệu máy vi tính của Trung Quốc, qua bài viết đề tựa « Hành trình dài của Lenovo hướng đến đỉnh cao tin học thế giới ».

Được thành lập vào năm 1984 tại Bắc Kinh dưới tên gọi Legend, tập đoàn Lenovo, lúc ban đầu chỉ là nhà phân phối máy vi tính nhỏ phù hợp với kiểu gõ chữ Hoa. Sau đó, doanh nghiệp này bước vào sản xuất máy vi tính, với chiếc máy xuất xưởng đầu tiên vào năm 1990. Nhãn hiệu này nhanh chóng đã chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Đến năm 2005, Lenevo bị IBM mua lại, và biến thành thương hiệu thứ ba trong nước. Tuy nhiên, việc hội nhập trở nên khó khăn do sự cách biệt về văn hóa. Lenovo bị các đối thủ Acer của Đài Loan, HP và Dell của Hoa Kỳ bỏ rơi xa. Năm 2009, tập đoàn bị thiệt hại nặng và buộc phải sa thải ông chủ Hoa Kỳ.

Giữa cơn bão táp đó, nhà sáng lập tập đoàn là ông Liễu Truyền Chí đã quay trở lại. Ông buộc phải giảm 10% nhân sự và thiết lập một phương pháp phát triển mới. Ban đầu, ông cẩn trọng bảo vệ thương hiệu ngay trên sân nhà, bằng cách củng cố các điểm mạnh hơn là sửa chữa các mặt yếu.

Hiện Trung Quốc chiếm đến 50% nguồn thu của Lenovo. Một khi đã củng cố được mặt hàng máy vi tính trên thị trường nội địa, Liễu Truyền Chí bắt đầu cho đa dạng hóa các dòng sản phẩm của mình như lấn sang điện thoại di động, máy tính bảng … và tấn công sang các thị trường mới có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc.

Đối với Liễu Truyền Chí, để đảm bảo cho yêu cầu chất lượng và giá thành sản phẩm, phương pháp « tự cung tự cấp » là hữu hiệu nhất. Ngược với HP hay Dell, Lenovo hầu như được sản xuất 100% trong nước.

Không chỉ có vậy, Lenovo còn biết cách đầu tư lâu dài cho thương hiệu. Để thế giới biết đến tên tuổi của mình và có thể đặt chân được vào những miền đất mới, Lenovo lựa chọn các mục tiêu. Liên kết với IBM để tạo ra dòng sản phẩm Thinkpad, với NEC của Nhật, Medion của Đức và gần đây nhất là CCE của Brazil. Le Monde cho rằng qua các mối liên kết này mà Lenovo đã có những bước tiến âm thầm nhờ vào những tên tuổi đã được biết đến ngay trên chính thị trường của họ.

Dù vậy, tờ báo cũng nhận thấy là ngay tại thị trường châu Âu Lenovo vẫn chưa làm nên được tên tuổi của mình. Không những thế, hình ảnh của tập đoàn này còn thường xuyên bị dính liền với những cáo buộc gián điệp có lợi cho chế độ Trung Quốc. Bài viết kết luận, cùng với Hoa Vi, hành trình để được quốc tế công nhận là một thương hiệu lớn có uy tín vẫn còn xa diệu vợi.

Trung Quốc : « chống tham nhũng » hay « đấu đá nội bộ »

Tiếp tục đưa tin về Trung Quốc, nhưng trên lãnh vực xã hội, báo Le Monde cho hay là ông Vương Vĩnh Xuân, Ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương, kiêm Phó chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia CNPC bị điều tra về tội tham nhũng. Từ nhiều tháng nay, giới kinh doanh trong nước và nước ngoài là đối tượng của một chiến dịch chống tham nhũng và chống các tập đoàn nước ngoài từ mọi phía, nhằm trong sạch hóa nền kinh tế và tái thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, báo Le Monde cũng không loại trừ khả năng có « đấu đá » trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Như vậy là trong cùng một tháng có hai vị lãnh đạo tập đoàn nhà nước bị Ủy ban Kỷ luật hạ bệ vì tội tham nhũng. Tờ báo nhắc lại vụ mới đây nhất là vụ bắt giữ Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông China Mobile tỉnh Quảng Đông.

Le Monde nhắc lại trong thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc cho tấn công hàng loạt vào các tập đoàn đa quốc gia liên quan đến nhiều lĩnh vực như dược, sản xuất xe ô-tô hay sữa bột. Nhiều vị lãnh đạo trong tập đoàn dược phẩm Anh GlaxoSmithkline và Văn phòng tư vấn Mỹ, đóng vai trò môi giới đã bị bắt giữ vì tội tham nhũng.

Trong tình hình chung này, lãnh vực công nghiệp dầu khí cũng nổi tiếng về nạn tham nhũng : các nhà môi giới thường xuyên nhét đầy túi các khoản hoa hồng, vốn được dùng để hối lộ các cán bộ hay nhân viên của người ra lệnh ký kết các hợp đồng trang thiết bị. Lãnh vực mà tiền chảy như nước còn bị nghi ngờ tài trợ cho các phe phái có liên quan trong hàng ngũ đảng.

Tờ báo cho rằng thường các điều tra của Ủy ban Kỷ luật chủ yếu nhắm vào những đường dây tham nhũng, để lần ra một vài vị quan chức cao cấp trong chính phủ. Mục đích là nhằm bỏ tù hay hạ uy tín họ trong các cuộc đấu đá nội bộ. Từ đó, bài viết suy đoán là việc ông Vương bị hạ hệ có thể sẽ nhằm chặt bớt vây cánh của ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an và Tư pháp ngay trong Ban thường vụ, Cơ quan quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Le Monde nhắc lại là ông Chu, về hưu vào năm 2012, từng phát triển sự nghiệp của mình trong ngành công nghiệp dầu khí và từng là Tổng giám đốc của CNPC trong những thập niên 90. Ông cũng từng điều hành khu chế biến dầu khí Đại Khánh.

Cuối cùng tờ báo cho biết là ngoài ông Vương, còn nhiều vị quan chức cao cấp khác, thân cận với ông Chu, tại vùng Tứ Xuyên, vốn được xem như là lãnh địa chính trị của ông Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt giữ trong mấy tháng gần đây.

Ô dành cho nam : mốt mới tại Nhật Bản

Phần cuối của điểm báo hôm nay xin dừng lại ở xứ sở Mặt trời mọc. Mùa hè cũng là mùa những « chiếc ô » làm bằng giấy dầu nở rộ tại Nhật Bản. Ai cũng biết rằng đấy là vật dụng ưa thích của các quý cô, quý bà tại đây để bảo vệ làn da trắng trẻo dưới ánh nắng cháy rát của mùa hè. Thế nhưng, mùa hè năm nay đặc biệt nóng đến khác thường, khiến « chiếc ô » đó đang ngày càng hấp dẫn nhiều đấng mày râu xứ Phù Tang. Đề tài này được báo Le Monde thuật lại qua bài viết « Ô dành cho nam giới, mốt mới tại Nhật Bản ».

Tờ báo cho biết được trình bày dưới dạng cán dài, các chiếc ô này, đủ màu sắc từ màu be cho đến xanh dương nhạt, đôi khi có hoa văn hay kẻ sọc được bày bán với mức giá từ 5000 cho đến 22000 yên (khoảng từ 38 đến 152 euro). Chúng có thể được dùng làm quà tặng của các cô gái trẻ dành cho bố hay bạn trai.

Theo Le Monde, người sở hữu tuổi đời thường khoảng ba mươi hay bốn mươi, chủ yếu là giới thương nhân do phải di chuyển thường xuyên trong các thành phố lớn suốt cả ngày. Một nghiên cứu của Bộ Môi trường Nhật công bố năm 2011 cho thấy là di chuyển ngoài trời vào mùa hè, mà không khoác bộ veste complet giảm được 10% stress do sức nóng. Nếu dưới bóng chiếc ô, mức giảm này có thể đạt đến 20%.

Xu hướng này chịu sự tác động của chính sách chống lại hiện tượng khí hậu ấm dần. Vào năm 2005, chính phủ từng đưa ra chương trình « Cool Biz », một chiến dịch vận động dân công sở đi lam từ bỏ cà-vạt và áo veste để các văn phòng bớt sử dụng máy điều hòa, một trong những nguồn tiêu hao năng lượng nhiều nhất.

Giờ đây, sau vụ động đất, sóng thần và thảm họa Fukushima vào tháng 03/2011, việc ngưng hoạt động 50 trung tâm hạt nhân buộc chính phủ phải đưa ra chương trình « Super Cool Biz ». Theo đó khuyến khích người dân mặc áo sơ-mi và quần tây may bằng loại vải nhẹ, kèm theo phải có quạt tay và kể từ giờ là « chiếc ô » cho nam giới.


Switch mode views: