Trung Quốc kết thúc thành công chuyến du hành vũ trụ dài ngày với phi hành gia
- Thứ Tư, 26 tháng Sáu năm 2013 16:39
- Tác Giả: Thụy My
Ba nhà du hành vũ trụ Trung Quốc, từ trái qua: Trương Hiểu Quang, Nhiếp Hải Năng và Vương Á Bình ngay sau khi hạ cánh xuống đồng cỏ vùng Nội Mông ngày 26/6/2013 sau 15 ngày bay trong vũ trụ.
REUTERS/Stringer
Trung Quốc đã kết thúc thành công chuyến du hành vũ trụ có phi hành gia kéo dài nhiều ngày nhất.
Phi thuyền Thần Châu X chở theo ba nhà du hành vũ trụ đáp xuống Trái Đất vào sáng nay 26/06/2013.
Bắc Kinh đánh giá đây là « một chặng đường chiến thắng quan trọng » hướng tới xây dựng một trạm không gian thường trực của Trung Quốc từ nay cho đến năm 2020.
Được hỏa tiễn Trường Chinh phóng lên hôm 11/6 từ căn cứ Tửu Tuyền (Jiuquan) tại sa mạc Gobi, Thần Châu (Shenzhou) X đã lưu lại 15 ngày trên quỹ đạo, bay quanh địa cầu và ghép vào mô-đun Thiên Cung (Tiangong) hai lần.
Chuyến bay vũ trụ có người lái lần thứ năm của Trung Quốc đã hoàn tất vào 8 giờ 07 địa phương sáng nay (0 giờ 07 GMT), khi hạ cánh xuống đồng cỏ thảo nguyên Nội Mông.
Vào 9 giờ 31 phút, giờ địa phương, phi hành gia trưởng - tướng không quân Nhiếp Hải Thăng (Nie Haisheng) là người đầu tiên bước ra khỏi phi thuyền, được hai kỹ thuật viên mặt đất nâng đỡ, nở nụ cười chào trước ống kính truyền hình quốc gia đang truyền trực tiếp các hình ảnh.
Tiếp đến là Vương Á Bình (Wang Yaping), nữ phi hành gia thứ hai của Trung Quốc, rồi đến Trương Hiểu Quang (Zhang Xiaoguang).
Cũng giống như các chuyến du hành vũ trụ trước đây, Thần Châu X được tuyên truyền hết sức đình đám.
Tuần rồi nữ phi hành gia Vương Á Bình từ trên không gian đã tươi cười dạy một bài học vật lý cho thiếu nhi Trung Quốc qua truyền hình, chỉ cho thấy nhiều vật thể trong trạng thái không trọng lực.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã được ghi hình lúc đang nói chuyện qua điện thoại với ba phi hành gia.
Ông Tập tuyên bố : « Giấc mơ vũ trụ là một bộ phận của giấc mộng nhằm giúp Trung Quốc hùng cường hơn », lặp lại ý tưởng « giấc mơ Trung Hoa » của ông, tiếp theo khái niệm một « xã hội hài hòa » của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), một trong bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị hôm nay cho rằng chuyến bay trên đã cho phép « củng cố kỹ thuật lắp ghép trên không gian của Trung Quốc, đánh dấu một chiến thắng quan trọng trong giai đoạn hai của chương trình phi thuyền có người lái Trung Quốc ».
Bắc Kinh sau lần đầu tiên đưa người lên không gian vào năm 2003, đến tháng 11/2011 đã thành công trong việc cho lắp ghép Thần Châu VIII (lúc đó không đó phi hành gia) vào mô-đun Thiên Cung 1, với vận tốc 28.000 km/giờ, ở khoảng cách phía trên Trái Đất 343 km.
Ông Vương Triệu Diệu (Wang Zhaoyao), giám đốc chương trình phi thuyền có người lái của Trung Quốc cho biết, vào khoảng năm 2015 sẽ gởi lên một phòng thí nghiệm vũ trụ thứ hai.
Tiếp theo, một mô-đun thử nghiệm là hạt nhân của một trạm không gian sẽ được phóng đi vào năm 2018.
Song song với các chuyến bay mang theo phi hành gia, Trung Quốc còn có chương trình thám hiểm Mặt Trăng, và mơ sẽ trở thành quốc gia thứ ba gởi người lên thăm Chị Hằng.
Việc chinh phục không gian được xem là biểu tượng của sức mạnh Trung Quốc, và là tham vọng của Đảng Cộng sản đang nắm quyền. Ông Trương Đức Giang đánh giá đây là « thành công quan trọng của nhiệm vụ lịch sử của chúng ta nhằm xây dựng một xã hội tương đối sung túc », loại trừ nạn nghèo đói – khẩu hiệu của đại hội Đảng vừa rồi.
Theo ông Trương, việc gởi người lên vũ trụ « tăng cường sự liên kết trong nước » và « tinh thần Trung Hoa ».
Morris Jones, một chuyên gia Úc về vấn đề kỹ nghệ không gian Trung Quốc nhận xét, khác với châu Âu và Nhật Bản vốn lệ thuộc vào Mỹ hay Nga khi phóng phi thuyền, Trung Quốc « không phụ thuộc vào các nước khác về năng lực cơ bản ».
Để tham vọng trở thành hiện thực, Trung Quốc cũng sẽ trang bị hai hỏa tiễn mới từ nay đến 2015.
Viên Khiết (Yuan Jie), Phó tổng giám đốc tập đoàn China Aerospace Science and Technology Corp (CASC) cho biết, hỏa tiễn nặng nhất là Trường Chinh 5 có thể đưa một trọng lượng 20 tấn lên quỹ đạo thấp, chủ yếu là để tiếp liệu cho trạm không gian tương lai của Trung Quốc.
Một hỏa tiễn loại nhẹ hơn là Trường Chinh 7 có thể mang được đến 13 tấn vật liệu.
Related news items:
Tin mới
- Châu Âu họp Thượng đỉnh bàn về thất nghiệp - 27/06/2013 21:37
- Tổng thống Hàn Quốc muốn Bắc Kinh gây sức ép với Bình Nhưỡng - 27/06/2013 21:23
- UNCLOS 1982: Trung Quốc bội ước - 27/06/2013 20:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-06-2013 - 27/06/2013 19:36
- Nhật Bản nhắc lại cam kết giúp Philippines bảo vệ biển đảo - 27/06/2013 16:29
- Những điều đáng chú ý sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện - 27/06/2013 16:15
- Phát hiện hoạt động mới tại bãi thử nguyên tử của Bắc Triều Tiên - 26/06/2013 21:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-06-2013 - 26/06/2013 21:28
- Tranh giành ảnh hưởng Mỹ-Trung tại châu Phi - 26/06/2013 21:17
- Trung Quốc : Nổi loạn ở Tân Cương, 27 người chết - 26/06/2013 16:48
Các tin khác
- Bị bất tín nhiệm trong đảng, Thủ tướng Úc chuẩn bị từ chức - 26/06/2013 16:03
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-06-2013 - 25/06/2013 22:12
- Airbus-Boeing vẫn thống lĩnh ngành chế tạo máy bay thế giới - 25/06/2013 21:59
- Việt Nam, đối tác chiến lược của Thái Lan - 25/06/2013 21:26
- Các trang mạng của chính phủ Hàn Quốc bị tấn công - 25/06/2013 21:16
- Taliban tấn công Phủ tổng thống và cơ quan CIA tại Kabul - 25/06/2013 16:29
- Miến Điện càng cải tổ, đầu tư Trung Quốc càng lâm nguy - 25/06/2013 16:02
- Nông dân Việt “thiệt hai lần” vì chính sách lúa gạo - 25/06/2013 04:50
- Edward Snowden là ai? - 24/06/2013 21:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-06-2013 - 24/06/2013 21:41