Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cựu TT Đài Loan Trần Thủy Biển tự tử trong nhà tù

TranThuyBien



Trần Thủy Biển, có nickname là A Biển, từng là chủ tịch Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (Democratic Progressive Party, gọi tắt là Đảng Dân Tiến).

 

 Trong 2 cuộc bầu cử Tổng Thống (TT) năm 1999 và 2004, Đảng Dân Tiến giành được thắng lợi, A Biển làm TT Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan từ 20/05/2000 đến 20/05/2008.

Đây là 1 trong 2 lần Quốc Dân Đảng bị chính đảng chính trị khác đánh bại sau nhiều thập kỷ cầm quyền tại đất nước Trung Hoa (Hoa Lục từ 1911 đến 1949; Đài Loan từ 1911 đến 2000).

Ông Trần Thủy Biển là vị TT Trung Hoa Dân Quốc thứ hai được cử tri trực tiếp bầu lên, người thứ nhất là TT Lý Đăng Huy.

Trong cuộc bầu cử TT tháng 11/2007, Quốc Dân Đảng giành lại chính quyền, Mã Anh Cửu lên làm TT.

Ngày 11/09/2009, Trần Thủy Biển cùng vợ là Ngô Thục Trân bị chính quyền Quốc Dân Đảng do Mã Anh Cửu làm TT kết án sơ thẩm về tội: “Trong thời gian làm TT từ 2000 đến 2008, đã tham nhũng, biển thủ, nhận hối lộ, và rửa tiền trị giá khoảng 20 triệu Mỹ kim”.

Mặc dù ông bác bỏ các cáo trạng của tòa, 2 vợ chồng vẫn bị kết án tù chung thân.

Sau khi ông gửi đơn chống án, ngày 12/11/2010, tòa án tối cao Đài Loan xử lại, sửa mức án từ chung thân xuống 20 năm tù. Tòa còn tuyên bố đây là phán xét cuối cùng, Trần Thủy Biển không được chống án.

Con trai của hai ông bà là Trần Chí Trung bị án tù 2 năm rưỡi, con dâu là Hoàng Duệ Tịnh cũng bị kết án ngồi tù 1 năm về tội rửa tiền, tham gia các vụ làm ăn bất chính.

Đảng Dân Tiến và một số đông người dân Đài Loan đã lên tiếng phản đối. Họ cho rằng phán quyết của tòa án tối cao có mục đích chính trị.

Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Mã Anh Cửu làm TT thân Trung Cộng, trong khi đó Đảng Dân Tiến luôn luôn đấu tranh đòi đảo quốc Đài Loan phải trở thành một quốc gia độc lập, Trung Cộng xúi giục chính phủ Mã Anh Cửu trừng phạt ông Trần Thủy Biển để đe dọa Đảng Dân Tiến.

 Trần Thủy Biển tự tử và hậu quả

Sống trong nhà tù, tuy được “chiếu cố” hơn so với những tù nhân khác, ông Trần Thủy Biển vẫn mắc nhiều chứng bệnh, được chuyển đến nhiều bệnh viện của các nhà tù.

 Bảy tháng qua, ông được đến điều trị tại bệnh viện Vinh Dân ở Đài Bắc.

Ngày 18/04/2013, trong khi đi đại tiểu tiện, nhân lúc không có người giám hộ, A Biển cởi chiếc áo dài tay đang mặc trên người buộc lên tay vịn trong nhà vệ sinh, định thắt cổ tự tử.

Khi giẫm lên thùng rác ở bên cạnh lấy đà, thùng rác quá nhẹ lăn sang một bên, phát ra tiếng kêu ồn ào, y tá phát giác, ông Trần Thủy Biển không chết.

 Tuy nhiên, chính phủ Mã Anh Cửu cũng hết hồn. Nếu Trần Thủy Biển chết thật, Đảng Dân Tiến và những người ủng hộ Trần Thủy Biển sẽ có cơ hội chỉ trích chính phủ Mã Anh Cửu, hậu quả không thể lường trước được.

Tin ông Trần Thủy Biển tự tử loan ra ngoài, các vị trong ban lãnh đạo Đảng Dân Tiến và những người ủng hộ ông tìm mọi cách cứu ông ra khỏi nhà tù.

Ông Tô Trinh Xương, Chủ tịch Đảng Dân Tiến, dùng chiêu “lấy địa phương bao vây trung ương”, chỉ thị cho các đảng bộ ở các nơi và các đại diện dân cử là người của Đảng Dân Tiến vận động dân chúng Đài Loan tham gia vào chiến dịch “Yêu cầu chính phủ Mã Anh Cửu trả lại tự do cho ông Trần Thủy Biển”.

Bà Lã Tú Liên, người từng đắc cử phó TT Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan trong thời gian từ 2000 đến 2008 cùng ông Trần Thủy Biển, đề ra cuộc vận động “mỗi người một lá thư yêu cầu trả lại tự do cho A Biển”.

Các ông bà nghị của Đảng Dân Tiên có chân trong Ủy ban Ngoại giao và Hội đồng Quốc phòng của Quốc hội Đài Loan cũng gửi kiến nghị thư đề nghị cho Trần Thủy Biển về chữa bệnh ở nhà.

Trước đó, Đảng Dân Tiến còn cử người đến Hoa Kỳ vận động giáo sư Jerome A. Cohen, nguyên là thầy giáo dạy luật của Mã Anh Cửu tại Đại học Harvard, thuyết phục học trò của mình trả lại tự do cho ông Trần Thủy Biển, nhưng đều không có kết quả.

Tháng 09/2012, ông Trần Thủy Biển mắc chứng bí đại tiểu tiện phải chuyển đến bệnh viện Vinh Dân ở Đài Bắc.

Đầu tháng 04/2013, trong báo cáo bệnh tình của ông Trần Thủy Biển, bệnh viện Vinh Dân ghi rõ, ông mắc bệnh trầm cảm nặng, ngưng thở khi ngủ, bệnh Parkinson nói lắp và teo não nhẹ, có nguy cơ tự sát.

Bác sĩ Châu Nguyên Hoa là người chẩn đoán bệnh đề nghị cho ông Trần Thủy Biển được về nhà chữa bệnh, hoặc chuyển ông tới một bệnh viện có khoa tâm thần ở gần nhà ông.

Trước đó, vào khoảng tháng 02/2013, Ủy viên Hội đồng Giám sát cho trình chiếu một đoạn băng video về bệnh tình của ông Trần Thủy Biển với những hình ảnh A Biển ngồi nói chuyện mà hai tay cứ run run, không nói được một câu nên thân, chỉ mỗi tiếng “này... này... ” cũng lặp đi lặp lại 6, 7 lần.

 Qua đó có thể thấy bệnh tình của ông khá trầm trọng. Nhưng Bộ Tư pháp lại cho rằng, đoạn băng đó không khác gì bệnh viện kiểm tra những người mắc chứng bệnh thần kinh bình thường, không thể căn cứ vào đó mà kết luận bệnh của ông Trần Thủy Biển trầm trọng.

Dân chúng Đài Loan lo cho bệnh tình của ông, nhưng Bộ Tư pháp vẫn không thay đổi cách nói, khiến cho nhiều người nghĩ là ông Trần Thủy Biển giả bệnh.

 Thực ra thì, những người ủng hộ A Biển và Bộ Tư pháp nói hoàn toàn khác nhau, mỗi bên nói một cách.

Ngày 12/04, Bộ Tư pháp lại giở độc chiêu, công bố một đoạn video A Biển đang đi dạo trong vườn hoa của bệnh viện Vinh Dân, Đài Bắc.

Nhìn vào các hình ảnh trong băng video đó, người ta thấy ông đi dạo trong vườn hoa một đoạn khá xa, bước đi bình thường, hai tay không hề run, không khác gì người thường.

Nhìn đoạn băng video này, những người ủng hộ A Biển bực bội và kinh ngạc vô cùng. Họ nghĩ rằng, đây là một thủ đoạn hèn hạ của Bộ Tư pháp.

 Diễn biến sau khi A Biển được chuyển đến bệnh viện khác

Sau khi ông Trần Thủy Biển thắt cổ nhưng không chết, Bộ Tư pháp lại dùng đặc chiêu khác, không cho A Biển về nhà chữa bệnh theo đề nghị của bác sĩ chẩn đoán, chuyển ông đến một nơi khác với thủ đoạn vô cùng thô bạo, khiến cho nhiều người phải nặng lời phê phán chính phủ Mã Anh Cửu.

Tờ mờ sáng ngày 19/04, khi người dân Đài Loan còn đang ngủ ngon giấc, nhân viên trại giam chuyển ông Trần Thủy Biển từ bệnh viện Vinh Dân ở Đài Bắc đến bệnh viện Bội Đức trực thuộc nhà tù Đài Trung.

 Bộ Tư pháp Đài Loan giải thích, theo điều 18 trong bộ luật hình sự, tù nhân bị bệnh được điều trị trong nhà tù, chỉ trong trường hợp không thể điều trị được mới cho phép bệnh nhân chữa bệnh ngoài nhà tù.

Bệnh tình ông Trần Thủy Biển vẫn có thể điều trị trong nhà tù.
 Bộ trưởng Tư pháp Đài Loan, Tăng Dũng Phu, nói: “Nếu Trần Thủy Biển chỉ mắc chút bệnh tâm thần mà cho phép ông chữa bệnh ở ngoài, một nửa tù nhân trong các nhà tù ở Đài Loan có thể ra ngoài để chữa bệnh. Như vậy đối với các tù nhân khác không công bằng”.

Hành động di chuyển ông Trần Thủy Biển từ bệnh viện Đài Bắc đến bệnh viện nhà tù Đài Trung khiến cho những người ủng hộ ông Trần không bằng lòng.

 Bà Khâu Nghi Oanh, nghị viên Đảng Dân Tiến trong Quốc hội Đài Loan, do quá tức giận đã đến đập phá trước cửa nhà ông Bộ trưởng Tư pháp, chửi ông là người không có lương tâm.

Phản ứng đó của bà nghị Khâu Nghi Oanh đã giúp cho chính phủ Mã Anh Cửu có cớ để thoái thác trách nhiệm, Bộ Tư pháp đưa bà Khâu ra tòa.

Tuy vẫn giữ những nguyên tắc đề ra, nhưng Bộ Tư pháp cũng có một số nhân nhượng. Họ “bắt đầu” tôn trọng ông, người tù từng là một nguyên thủ quốc gia, được đối xử đặc biệt hơn.

 Từ ngày ông bị kết án 20 năm tù về tội tham nhũng, ăn hối lộ, rửa tiền... tính đến nay đã được một phần tư số năm ông phải ngồi tù thụ án.

Trước kia, nhà tù Đài Bắc không coi ông từng là cựu TT. Ông bị giam trong những phòng chỉ chứa được 2 người, giường nằm cũng không có, chỉ khác tù nhân bình thường là quanh năm A Biển được tắm nước nóng.

Đến bệnh viện Bội Đức trực thuộc nhà tù Đài Trung, ông được ưu đãi đặc biệt. Trong bệnh viện này có một khu vực nghỉ dưỡng đặc biệt rộng 800 mét vuông.

Phòng của ông Trần Thủy Biển rộng 30 mét vuông, lớn hơn so với các phòng của tù nhân khác trong bệnh viện. Ngoài ra, một đội ngũ y tế đặc biệt đã được chỉ định để chăm sóc cho ông và người thân được phép đến thăm không giới hạn số lần.
Đó là điều mới lạ trong việc đối xử với tù nhân ở Đài Loan. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Sơn, một trong những vị lãnh đạo Đảng Dân Tiến, cho rằng, dù được ăn ngon và đãi ngộ tốt hơn, nơi đó vẫn là bệnh viện của nhà tù, cách 15 phút lại có người đi tuần.

Sau khi ông Trần Thủy Biển được chuyển về bệnh viện Bội Đức thuộc nhà tù Đài Trung, những người ủng hộ vẫn bám sát, nhiều người dựng lều phía ngoài nhà tù Đài Trung để ủng hộ A Biển.

 Khi ông Tô Trinh Xương, Chủ tịch Đảng Dân Tiến, đến thăm hỏi những người dựng lều ngoài nhà tù Đài Trung, đã phê phán chính phủ Mã Anh Cửu không tôn trọng đề nghị của các bác sĩ chẩn đoán bệnh cho A Biển.

 Cựu phó TT Trung Hoa Dân Lã Tú Liên và cựu Chủ tịch Đảng Dân Tiến Thái Anh Văn phê phán Bộ Tư pháp là “thô bạo”.

Các lãnh tụ Đảng Dân Tiến đã thay nhau bày tỏ thái độ của mình đối với việc ông TrầnThủy Biển không được về nhà chữa bệnh... Thái Đinh Quý, người có tư tưởng Đài Loan độc lập sâu sắc, đã nói nếu đương kim Chủ tịch Đảng Dân Tiến Tô Trinh Xương và cựu Chủ tịch Thái Anh Văn không cố gắng giải quyết chuyện này, chúng ta nên mắng họ là những người vô dụng.

Không những người có quan hệ mật thiết với Đảng Dân Tiến kêu gọi trả tự do cho ông Trần Thủy Biển, mà một số ông bà nghị của Quốc Dân Đảng cũng có cùng suy nghĩ như vậy.

 Tuy nhiên, một số người từng liên quan chặt chẽ với Đảng Dân Tiến, như ông Thi Minh Đức, từng làm Chủ tịch Đảng Dân Tiến, từng triệu tập người đi biểu tình phản đối Trần Thủy Biển tham nhũng và hối lộ, lại cho rằng, không nên trả lại tự do cho Trần Thủy Biển. Bao giờ ông ta thực sự hối cải thì trả lại tự do cũng chưa muộn.

Một số người nhận định, muốn biết Trần Thủy Biển có được về nhà chữa bệnh hay không phải xem TT Mã Anh Cửu có gật đầu hay không.
Bằng không, phải chờ đến khi Đảng Dân Tiến giành được chính quyền trở lại, A Biển mới có thể được trả lại tự do mau lẹ.




Switch mode views: