Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-05-2013
- Thứ Hai, 13 tháng Năm năm 2013 22:36
- Tác Giả: Lê Vy / Thu Hằng
Việt Nam, sức hấp dẫn mới với các doanh nghiệp Pháp
Thành phố Hồ Chí Minh ( Sài Gòn), thủ phủ kinh tế của Việt Nam.
DR
Tình trạng thất nghiệp cao nhất kể từ năm 1997 tại Pháp dường như có lợi cho thị trường lao động châu Á, đặc biệt là Việt Nam.
Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp Pháp quay lại sản xuất tôn vinh hàng « Made in France », song rất nhiều doanh nghiệp Pháp vẫn lưu lại châu Á, đặc biệt là Việt Nam, vì đây là thị trường trẻ, năng động, nhân công rẻ và tình hình chính trị ổn định.
Với tựa đề « Made in Vietnam », nhật báo La Croix ra ngày hôm nay dành hai trang diễn đàn « Kinh tế và Doanh nghiệp » để tìm hiểu các họat động của một số doanh nghiệp Pháp đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Đặc phái viên của báo đưa ba điển hình thành công của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam. Doanh nghiệp vừa và nhỏ Roof của Claude Morin chuyên sản xuất mũ bảo hiểm hiệu Boxer chiếm 5% thị trường tại châu Âu. Thời gian đầu, chỉ vỏ mũ được sản xuất tại Việt Nam, từ năm 1999, để tăng khả năng cạnh tranh với các nhà cung cấp châu Á.
Từ năm 2005, ông chuyển hẳn nhà máy sang ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh sau vụ hỏa hoạn nhà máy của ông ở Estérel (Pháp). Mỗi ngày 250 mũ bảo hiểm được xuất xưởng : Lớp lót mũ được sản xuất tại Việt Nam, sơn của Nhật sản xuất tại Malaisia, các phần nhựa được đúc tại Trung Quốc.
Doanh nhân 50 tuổi này sống sáu tháng tại Pégomas (Côte d’Azur), nơi công ty có phòng nghiên cứu thị trường và kho hàng và sáu tháng còn lại tại thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty IWA, là ví dụ điển hình thứ hai được nêu lên trong bài phóng sự.
Chi nhánh của hãng Thermo technologies trụ sở tại Annecy chuyên sản xuất sợi đặc biệt cắt kim loại. Nhà máy đặt tại khu công nghiệp do Singapore đầu tư cách đây khoảng 15 năm, có 65 công nhân dưới sự quản lý của giám đốc Bertrand Maxel. Tổng sản phẩm bán ra tăng 40% so với những năm trước đây, chủ yếu là thị trường Nhật Bản.
Các nhà sản xuất công nghiệp trong khu quần thể này được miễn thuế hải quan và có vị trí thuận lợi gần các bãi cảng.
Sự chênh lệch nhân công lao động giữa Pháp và Việt Nam là lý do chủ yếu giải thích các công ty chuyển sang nước này.
Nhiều văn phòng luật sư nước ngoài được thành lập để tư vấn các doanh nghiệp trong mọi vấn đề pháp lý.
Hối lộ vẫn là điểm được nhiều doanh nghiệp nhắc tới. Tất nhiên, hiện tượng này không ngăn cản được việc làm ăn. Nhà nước theo dõi việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng vẫn còn vài tồn đọng. Cảng thành phố Hồ Chí Minh không thể đón được các tàu container mới, nên cần cảng trung chuyển Singapore cho hàng hóa đi châu Âu hay châu Mỹ. Tỉnh vừa xây một các nước ngầm mới ở Cái Mép. « Nhưng họ quên xây đường dẫn tới đó. Giữa địa phương và nhà nước, điều phối chưa tốt », một nhà công nghiệp nước ngoài nhận xét.
Doanh nhân Bruno là điển hình thứ ba trong bài báo. Sau 50 đóng cửa cơ sở sản xuất tại Pháp, Bruno tìm lại được niềm vui trong cuộc phiêu lưu mới và sản xuất đồ gồ thay vì đồ mélanine.
Gỗ sồi không có ở Việt Nam, ông nhập từ Hoa Kỳ và Canada. Hiện nay, nhà máy của ông sử dụng 500 công nhân chuyên sản xuất đồ gỗ xuất sang Pháp. Chỉ cần tới các cửa hàng lớn ở Paris, chúng ta đã có thể đi vòng quanh thế giới nhờ đồ gỗ của ông.
Luôn luôn tìm kiếm giá thành rẻ nhất.
Những người chuyên thu mua cho các thương hiệu lớn tại Pháp như Decathlon hay Carrefour càng ngày càng nhiều tại thành phố Hồ Chí Minh. Họ chịu trách nhiệm chọn các nhà cung cấp Việt Nam, ngã ngũ giá và kiểm tra chất lượng yêu cầu.
Các thương hiệu này cân nhắc giữa các nước trong khu vực, tùy theo giá nhân công. Mức lương hàng tháng tại Cam Bốt là 90 đô la/tháng thu hút các nhà dệt may, trừ khi họ thích Bangladesh có mức lương rẻ hơn. Vài năm gần đây, lương của người lao động Trung Quốc tăng gấp đôi, 500 đô la/tháng hiện nay, nên họ quay sang Việt Nam nơi có mức lương khoảng 150 đô la/tháng.
Không chỉ có các công ty châu Âu quan tâm tới nhân công. Các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những người đầu tiên chú ý tới tiêu chí này. Ngoài ra, họ cũng chú ý tới căng thẳng địa chính trị tại khu vực biển Đông.
Các công ty châu Á thích Việt Nam hơn Trung Quốc, theo kiểu « không để chung trứng trong một giỏ ». Công ty Samsung chọn Hà Nội để xây dựng nhà máy lắp ráp lớn nhất thế giới. Năm vừa qua, máy tính bảng Samsung chiếm 10% xuất khẩu Việt Nam.
Nhà sản xuất ô tô Toyota sản xuất các bộ phận tại Trung Quốc, bán lắp ráp tại Việt Nam trước khi hoàn thiện tại Nhật Bản.
Công ty Intel của Mỹ cũng ưu ái Việt Nam hơn Trung Quốc. Julien Brun, giám đốc một công tư vấn tại thành phố Hồ Chí Minh, áng chừng : « Về điện tử, 70% nguyên liệu vẫn từ Trung Quốc. Tiếp theo, họ lắp ráp tại Việt Nam ».
Hiện nay, nhiều người thu mua sản phẩm giá rẻ quay lưng lại với Việt Nam để sang Cam Bốt và Lào hay Miến Điện. Đòi hỏi của người tiêu dùng châu Âu cũng khiến các nhà thu mua phải chú ý tới các vấn đề xã hội-môi trường khi chọn các nhà cung cấp. Điển hình là Ikea, Julien Brun nhận xét, « các tiêu chí của thương hiệu này cao hơn hẳn với các thương hiệu khác. »
Pháp : Hoang man dịch bệnh Coronavirus
Coronavirus (NcoV), trở thành tâm điểm của các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay, sau khi phát hiện ca lây nhiễm thứ hai từ người sang người tại Lille. Báo Le Figaro chạy tiêu đề : « Coronavirus : ca thứ hai tại Pháp », theo báo Le Monde : « Coronavirus mới lây nhiễm chậm hơn SARS », báo La Croix : « Lây nhiễm coronavirus gây lo lắng », tờ Les Echos : « Coronavirus : cảnh giác sau ca lây nhiễm thứ hai » và tờ Libération : « Coronavirus : Nhà nước muốn tránh cơn sốt ».
Các báo Le Figaro, La Croix, Libération và Les Echos thông tin chi tiết về tình hình bệnh nhân thứ hai nhiễm loại virus mới này, đã được chuyển sang phòng hồi sức do « tình trạng lâm sàng xấu đi ».
Bệnh nhân đầu tiên, bị nhiễm virus sau chuyến du lịch ở bán đảo Ả rập Xê út, nhập viện do rối loạn tiêu hóa. Không một dấu hiệu suy hô hấp cấp nào được phát hiện nên không áp dụng các biện pháp cách ly. Tình trạng bệnh nhân thứ nhất đã « ổn định nhưng vẫn nghiêm trọng ».
Bệnh nhân thứ hai đang được theo dõi nhưng không phải dùng máy trợ thở như trường hợp thứ nhất. Bốn trường hợp nghi ngờ khác : một bác sĩ của bệnh viện Valenciennes, hai nhân viên của bệnh viện Douai và một thanh niên của gia đình bệnh nhân thứ nhất, đều cho kết quả âm tính với loại virus mới này.
Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp, bà Marisol Touraine, trấn an : « Chúng tôi sẽ làm mọi cách để liên lạc với những người đã tiếp xúc với hai bệnh nhân. Chúng tôi sẽ hết sức cảnh giác », ngay cả khi « các bác sĩ cho rằng tình hình chưa quá quan ngại ».
Viện quan sát sức khỏe quốc gia (InVS) tiến hành ba cuộc điều tra ngay khi phát hiện ca nhiễm virus đầu tiên tại Pháp, tập trung vào các thành viên chuyến du lịch cùng với bệnh nhân đầu tiên tại bán đảo Ả rập Xê út, những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này và đặc biết là 39 người quốc tịch Pháp và Bỉ tham chuyến du lịch với bệnh nhân đầu tiên.
Các nhật báo cho biết khả năng truyền từ người sang người tại Pháp là rất ít. Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde, nhà virus học Jean-Claude Manuguerra giải thích chi tiết hơn về tình hình hiện nay.
Theo ông, coronavirus giống với dịch SARS cách đây 10 năm vì có cùng nguồn gốc virus từ dơi nhưng lây nhiễm chậm hơn. Trên thế giới, 18 trường hợp tử vong trên tổng số 34 ca lây nhiễm được phát hiện. Thế nhưng, tỉ lệ gây chết người vẫn thấp hơn so với dịch SARS và có thể kiểm soát được ngay khi dịch bùng phát.
Libération cho biết hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân lây nhiễm. Ngoài điểm chung là cả 34 trường hợp bị nhiễm đều lưu lại trên bán đảo Ả rập Xê út, Gille Pialoux, trưởng ca tại bệnh viện Tenon, cho biết « chưa tìm biết được ổ dịch và trung gian truyền nhiễm virus ». Một nhóm nhà khoa học của tổ chức Sức khỏe thế giới (WHO) đã tới Ả râp Xê út tìm hiểu tại sao virus truyền được sang người.
Báo Les Echos cho biết tổ chức này yêu cầu các quốc gia phải tăng cường cảnh giác. Mặc dù nguy cơ lây nhiễm thấp hơn so với dịch SARS, « 34 ca trên thế giới trong vòng một năm so với 8000 ca dịch SARS trong vòng vài tháng », các biện pháp phòng ngừa thích hợp được khuyến cáo (rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với động vật), đặc biệt tại các sân bay, một số điện thoại tư vấn du khách tới bán đảo Ả rập được mở tuần vừa qua.
Trung Quốc : Nữ tù nhân lên tiếng vạch trần bạo hành trong tù ngục
Liên quan đến châu Á, báo Le Monde hôm nay có bài viết vạch trần nạn bạo hành trong các trại cải tạo nữ qua bài viết : « Những tù nhân nữ chịu cực hình trong trại giam Mã Sang Gia ». Họ không phải là tội phạm hình sự, cũng không phải là kẻ phản động. Đơn thuần, họ chỉ là những người nhẹ dạ cả tin vào nhà nước Trung Quốc đi « kiến nghị ».
Bị giam cầm trong trại cải tạo, trước đây họ còn sợ nhưng bây giờ, không giấu mặt, họ đã dám lên tiếng thuật lại cảnh tượng đáng sợ hàng ngày chốn tù ngục. Tờ báo đăng ảnh hai người phụ nữ cầm trên tay thẻ chứng minh nhân dân có ghi trên đó dòng chữ : « Đã từng bị giam trong trại cải tạo ».
Tờ báo cho biết có tổng cộng 350 trại giam trên cả nước Trung Hoa. Hệ thống này được thành lập từ năm 1957 dưới thời Mao Trạch Đông. Mục đích là để giam giữ ba thành phần : trước tiên là tội phạm như gái mãi dâm, dân nghiện ngập. Sau đó là thành phần thuộc phong trào tôn giáo Pháp Luân Công và hiện nay là giam giữ những người cứ tái phạm đi kiến nghị.
Các nữ tù nhân tại trại « Mã Sang Gia » gần Thẩm Dương (phía đông bắc Trung Quốc) thuật lại các cảnh tượng hãi hùng như họ bị trói ở nhiều tư thế rất đau đớn thể xác, bị tran tấn dã man. Hàng ngày, họ phải làm việc như trâu ngựa, từ 9-12 giờ, thậm chí đến 15 giờ, tùy vào thời gian bị cầm tù. Thế nhưng, họ chỉ được trả từ 5-25 nhân dân tệ (60 centime - 3euro)/ tháng.
Nghịch lý thay, họ còn phải chi trả nhiều khoản trong tù. Ví dụ như phí làm khô quần áo, các dịch vụ y tế và thậm chí sau khi chịu cực hình, họ cũng phải chi tiền để được điều trị.
Trong trại, họ bị canh phòng nghiêm ngặc. Họ tìm cách tuồng thông tin ra ngoài bằng cách giấu những hóa đơn chi trả y tế, những giấy tờ miêu tả chi tiết cuộc sống cơ cực tại đây dưới mọi hình thức khác nhau : trong vạt áo và thậm chí là trong học âm đạo của họ hay những người tù khác.
Một nữ tù nhân lột trần bộ mặt giả tạo của giới chức trách tại đây. Tù nhân không được sử dụng ra trải giường của trại mà mỗi tối, họ phải đi đến một cơ sở lấy ra giường mà người nhà họ gửi vào để dùng. Đến sáng mai, họ phải trải lại ra của trại giam như cũ phòng khi có thanh tra đến.
Tờ báo nhận định nếu nạn bạo hành trên còn tiếp diễn thì nguy cơ sẽ làm cho một số nữ tù nhân chết trong ngục.
Nạn trốn thuế : Không còn chỗ dung thân
Hồ sơ trốn thuế luôn là mối quan ngại cho nhiều quốc gia. Báo chí Pháp hôm nay đều đề cập đến đề tài này. Báo Le Monde chạy tựa : « Thiên đường thuế : Luân Đôn run sợ trước cuộc điều tra ». Báo Le Figaro đăng ảnh bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Moscovici với dòng tựa : « Trốn thuế bị đưa ra ánh sáng ».
Báo Libération đăng bài viết mang tựa : « Nhóm G7 tăng tốc chống nạn trốn thuế » kèm theo bức ảnh các bộ trưởng tài chính của 7 cường quốc trên thế giới chụp với tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF. Báo Les Echos đăng bài : « Các quốc gia nhóm G7 cương quyết tăng cường vây đuổi nạn trốn thuế ».
Cuộc chiến chống nạn trốn thuế tiến triển khá nhanh và thu hút sự cộng tác của các thiên đường thuế vốn từ lâu nổi tiếng bí mật thông tin. Đó là nhận định chung của các báo.
Tờ báo Le Monde đặc biệt phân tích nạn trốn thuế tại Anh Quốc. Theo tin từ tờ báo thì có đến hơn 100 người nộp thuế và 200 văn phòng luật sư bị tình nghi đã lợi dụng hay lập các tài khoản tại ngoại quốc nhằm trốn thuế.
Bộ trưởng Tài chính Anh đã quyết định sử dụng các tài liệu mật để phơi bày trước ánh sáng nạn trốn thuế từ lâu vốn được dung túng. Thuế vụ của Anh quốc dự tính có thể thu hồi được 14 tỷ bảng anh.
Khi nghe Anh quốc, Úc và Hoa Kỳ tuyên bố nắm trong tay danh sách các thành phần có tài khoản ngầm ở nước ngoài thì Pháp cũng xin có được các thông tin này vào ngày 10/05.
Trong khi đó, báo Le Figaro trong chuyên mục kinh tế đưa tin các nước thuộc nhóm G7 đã đưa ra một thỏa thuận quốc tế nhằm chống nạn trốn thuế. Tờ báo cho biết Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Vương quốc Anh và Mỹ đã đưa ra một cơ chế để hướng dẫn việc trao đổi thông tin giữa các ngân hàng. Anh quốc ngày càng gây áp lực lên các vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh như đảo Virgin, Jersey, Anguilla, … xưa nay vốn bưng bít các luồng thông tin.
Báo Libération đưa tin nhóm G20 kêu gọi cộng đồng thế giới thành lập chế độ trao đổi thông tin tự động giữa các ngân hàng như một « luật lệ chung » nhằm bài trừ nạn trốn thuế.
Tờ báo còn nhận xét thông tin các tài khoản ngầm tại ngoại quốc mà ba quốc gia : Anh, Úc và Mỹ tuyên bố nắm trong tay đã trở nên lỗi thời bởi nội dung cũng như danh sách do 36 truyền thông quốc tế đăng tải hồi tháng 4 trong đó có báo Le Monde của Pháp.
Theo tin từ báo Les Echos thì Hoa Kỳ đứng đầu danh sách về nạn thuế (337,3 tỷ đô-la). Tiếp đến là Brazil, Ý, Nga và Đức.
Tờ báo nhận định cuộc họp vừa qua vào ngày 10/5 của nhóm các nước phát triển G7 đánh dấu những tiến bộ mới trong việc tự động trao đổi thông tin giữa các ngân hàng. Nhân dịp này, các nước phương Tây giàu nhất thế giới mời gọi các quốc gia mới nổi gia nhập cuộc chiến bài trừ các thiên đường thuế.
Pháp : Ngôn ngữ của Shakespeare đẩy lùi ngôn ngữ Molière tại trường đại học
Liên quan đến tình hình giáo dục tại Pháp, báo La Croix hôm nay có bài viết cho biết cải cách trong giảng dạy ở bậc đại học muốn đưa tiếng Anh vào dạy hoàn toàn trong các chuyên ngành tại trường đại học cũng như các trường lớn.
Tờ báo cho biết dự luật trên sẽ được trình lên ủy ban quốc hội và sẽ bắt đầu được thảo luận từ ngày 22/05. Điều 2 trong dự luật dự kiến giảng dạy bằng tiếng nước ngoài trong một số chuyên ngành đã gây xôn xao dư luận vài ngày gần đây.
Một số chức sắc tại các trường đại học và trường lớn cho rằng cải cách này hết sức cần thiết nhằm tăng sức hút và tính ưu việt của nền giáo dục Pháp.
Trong thời buổi toàn cầu hóa, Pháp muốn thu hút hơn nữa các sinh viên đến từ các quốc gia không thuộc cộng đồng Pháp ngữ. Thế nhưng, một số chính trị gia và nhà trí thức phản đối dự luật trên vì muốn bảo vệ tiếng Pháp trước sự lấn ác của tiếng Anh. Theo tờ báo, hiện nay, 700 chuyên ngành đào tạo sau tú tài được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh tại Pháp, đặc biệt là trong các trường thương mại.
Báo La Croix phỏng vấn ông Bernard Pivot, nhà văn và nhà báo về chủ đề trên. Theo ông, việc giảng dạy tại trường đại học bằng tiếng Anh thật nực cười bởi theo ông, không phải bằng cách này mà thu hút được sinh viên ưu tú nước ngoài và nâng vị trí các trường đại học Pháp trong bảng xếp hạng thế giới.
Trên thực tế thì đa số các sinh viên tài năng vẫn chọn các trường đại học lớn của Hoa Kỳ hay Anh quốc trong khi áp dụng luật này sẽ làm cho tiếng Pháp ngày càng bị mai một. Ông đánh giá dự luật trên sẽ gặp nhiều sóng gió và sẽ thất bại. Cho nên, đối với ông phải tiếp tục quảng bá tiếng Pháp vì nó đã hình thành nên con người Pháp, chảy trong giòng máu công dân Pháp cho đến chết.
Tờ báo La Croix còn so sánh với trình trạng giáo dục tại Barcelona. Bên đó, họ giảng dạy bằng tiếng catalan, một thứ tiếng ít được biết đến hơn tiếng Pháp trong một vùng tự trị thuộc Tây Ban Nha. Thế nhưng, tiếng này vẫn tồn tại tại trường đại học cho dù có nhiều sinh viên nước ngoài đến đây học.
Các trường đại học tại đây đã giúp đỡ sinh viên nước ngoài trong việc học tiếng catalan hoặc là tổ chức dạy miễn phí.
Tờ báo còn nhận định nếu việc tranh luận về dự luật này phần nào giúp người dân có ý thức trau dồi nhiều ngoại ngữ hơn thì cũng đã là một bước tiến quan trọng.
Bầu cử tại Pakistan : người dân đi bầu cử đông đảo bất chấp mọi đe dọa
Trở lại tình hình chính trị tại châu Á, các báo Pháp hôm nay khá quan tâm về diễn biến cuộc tuyển cử diễn ra vào hôm thứ bảy vừa qua tại Pakistan.
Báo La Croix chạy tựa : « Tại Pakistan, nền dân chủ thắng các đe dọa ».
Báo L’Humanité đang bài viết : « Người dân đi bầu cử đông đảo bất chấp bạo động của phe Taliban » với ảnh cựu thủ tướng Sharif chiến thắng trong cuộc tranh cử này.
Theo tin từ tờ La Croix, có 60% trong 86 triệu cử tri đã đi bầu vào thứ bảy vừa rồi bất chấp mọi đe dọa của phe Taliban. Người dân đi bầu nhiều đến nỗi mỗi các phòng bỏ phiếu phải mở cửa thêm một giờ.
Phe Taliban đã tiến hành 5 cuộc tấn công và đã làm thiệt mạng 21 người trên toàn đất nước.
Kết quả của cuộc tuyển cử là ông Nawaz Sharif và đảng của ông đã dành chiến thắng và sẽ thành lập chính phủ sắp tới.
Tờ L’Humanité thì tập trung nói về chiến thắng của ông Sharif và tiểu sử của ông.
Tờ báo tóm tắt : sau khi một cuộc đảo chính lật đổ vào năm 1999, ông bị tù và đi đày và giờ đây quay trở lại chiến trường với chiến thắng vào lần tranh cử này. Ông là lãnh đạo của cánh tả bảo thủ.
Theo tờ báo thì chiến thắng của ông chính là một sự đảm bảo cho một chủ nghĩa tự do tại đất nước này. Tham gia đi bầu đông đảo, dân Pakistan thể hiện lòng gan dạ trước hàng loạt các đe dọa của Taliban.
Tin mới
- Mỹ huấn luyện kỹ thuật cho Cảnh Sát Biển CSVN - 14/05/2013 23:15
- Bầu Bộ Chính trị 'còn thiếu một ghế' - 14/05/2013 22:43
- Điệp viên TQ moi bí mật chiến đấu cơ - 14/05/2013 20:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-05-2013 - 14/05/2013 19:07
- Tên lửa Nga biến Trung Đông thành biển lửa ? - 14/05/2013 18:55
- Đầu tư nước ngoài vào Miến Điện tăng gấp 5 lần trong năm qua - 14/05/2013 16:36
- Samsung Galaxy S3, điện thoại thông minh tốt nhất 2013 - 14/05/2013 16:27
- Thủ tướng Việt Nam đích thân xem xét tiến độ đóng tàu ngầm Kilo tại Nga - 14/05/2013 16:18
- Bắc Hàn thay thế bộ trưởng quốc phòng - 14/05/2013 00:41
- Bầu cử Quốc hội Bulgari : Lộ diện 350.000 phiếu lậu - 14/05/2013 00:13
Các tin khác
- Robert Gates : Mỹ « sai lầm » nếu can thiệp vào Syria - 13/05/2013 22:25
- Hai tập đoàn Việt Nam bị tố cáo chiếm đất của Lào và Cam Bốt - 13/05/2013 21:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-05-2013 - 13/05/2013 02:58
- Trung Quốc bành trướng « lợi ích cốt lõi » - 13/05/2013 02:03
- Dân New York nghĩ gì về Ngày Của Mẹ? - 11/05/2013 18:08
- Đài Loan lật tẩy âm mưu “đục nước béo cò” của Trung Quốc - 11/05/2013 17:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-05-2013 - 11/05/2013 17:04
- Thuyền nhân Việt Nam vượt biển qua Úc tăng vọt - 11/05/2013 16:52
- Việt Nam : Hội nghị Trung Ương 7 tập trung tuyên truyền chính trị và quản lý thông tin - 11/05/2013 15:45
- Phát điên vì cậu hoàng tử Anh - 11/05/2013 15:34