Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biển Đông: Việt Nam tố cáo Trung Quốc nhưng ASEAN vẫn dè dặt

asean.jpg


Ngoại trưởng Việt Nam, Phạm Bình Minh (thứ 2, bên trái) cùng các đồng nhiệm Ấn Độ, Thái Lan tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN, Bangkok, ngày 01/08/2019.
REUTERS/Athit Perawongmetha

 

Hôm qua, 31/07/2019, tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN ở Bangkok, Việt Nam đã công khai lên tiếng tố cáo các hành động xâm lấn của Trung Quốc gần đây tại Bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, các đồng minh Đông Nam Á của Việt Nam đã có những phản ứng dè dặt.

Bản thông cáo chung đúc kết hội nghị của 10 ngoại trưởng ASEAN nói đến những quan ngại của khối Đông Nam Á về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhưng không nói gì về vụ Bãi Tư Chính, thậm chí tránh cả việc nêu tên Trung Quốc.

Như thông lệ, phần đề cập đến Biển Đông nằm trong mục “Các vấn đề khu vực và quốc tế”, trong đó các ngoại trưởng ASEAN tiếp tục tái khẳng định những nguyên tắc chung như tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, của việc duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982...

Các hành vi của Trung Quốc chỉ được nhắc gián tiếp khi bản thông cáo chung nói đến “một số bộ trưởng đã lo ngại về việc cải tạo đất đai, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

ASEAN cũng chỉ trích một cách gián tiếp các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông khi “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế khi các bên tuyên bố chủ quyền và những nước khác có những hoạt động có khả năng làm tình hình phức tạp và căng thẳng thêm”.

Theo giới quan sát, việc dùng đến nhóm từ “sự cố nghiêm trọng”, không thấy trong các thông cáo chung gần đây, cho thấy là các nước ASEAN rất lo ngại trước tình hình căng thẳng.

Có điều là phản ứng trên của khối Đông Nam Á không đáp ứng hoàn toàn mong đợi của Việt Nam vì trong cuộc họp, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã công khai tố cáo đích danh vụ tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc, được tàu hải cảnh và tàu dân quân hộ tống đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Bãi Tư Chính.

Theo báo chí Việt Nam, sau khi khẳng định là những hành động của đoàn tàu Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, trưởng đoàn Việt Nam đã kêu gọi ASEAN có tiếng nói chung chống lại “các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển”.

Trong bản thông cáo chung của ASEAN không thấy có những chi tiết vừa kể.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, bất chấp các “quan ngại nghiêm trọng” của Việt Nam về tranh chấp với Trung Quốc, các ngoại trưởng ASEAN đã thất bại trong việc có thông điệp chung về vấn đề này, dường như là do phản đối của các nước như Cam Bốt và Lào không muốn khiêu khích Bắc Kinh.

Theo hãng tin Anh Reuters, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 01/08/2019 đã nhắc nhở Việt Nam rằng không nên để cho các vấn đề trên biển xen vào vấn đề quan hệ song phương.

 

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho biết như trên sau cuộc gặp song phương giữa ông Vương Nghị với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị Bangkok.

Trước đó, theo hãng tin Kyodo, ngoại trưởng Việt Nam cũng có cuộc gặp song phương với đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono, và hai bên đã chia sẻ mối quan ngại về tình hình Biển Đông mà theo ông Kono, “mỗi năm mỗi xấu thêm”.

Switch mode views: