Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp chú tâm đến Biển Đông và châu Á, Trung Quốc bực tức

france china presidents


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (t) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện 'Elysée (Paris - Pháp), ngày 25/03/2019.
REUTERS/Gonzalo Fuentes

 

2019 là năm hai nước Pháp và Trung Quốc kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đánh dấu sự kiện này, ngày 26/04/2019, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đích thân đến Bắc Kinh khai mạc liên hoan văn hóa Festival Croisements, tên gọi tiếng Hoa là Mùa Xuân Văn Hóa Pháp-Trung.

Đây là một đợt sinh hoạt văn hóa thường niên, nhưng Festival Croisements lần thứ 14 năm nay, kéo dài cho đến ngày 06/07, có một quy mô đặc biệt, với các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu và triển lãm được tổ chức tại hơn 35 thành phố Trung Quốc.

Thông qua sự kiện văn hóa kể trên, hai nước Pháp và Trung Quốc đã phô trương một quan hệ hợp tác rất tốt.
Tuy nhiên, chỉ một hôm trước đó, ngày 25/04, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã bất ngờ tố cáo chiến hạm Pháp xâm nhập trái phép lãnh hải Trung Quốc ở vùng eo biển Đài Loan, một cáo buộc đã bị Paris đáp trả bằng tuyên bố theo đó Pháp tái khẳng định sự gắn bó với quyền tự do hàng hải.

Căng thẳng âm ỉ trong quan hệ Pháp-Trung

Trong bài phân tích « Phải chăng quan hệ Pháp-Trung đang gặp rắc rối ? », chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 03/05 đã điểm qua tình hình quan hệ Paris-Bắc Kinh, giải thích lý do vì sao mà « các căng thẳng chính trị và kinh tế giữa hai nước vẫn âm ỉ cho dù quan hệ văn hóa song phương được tôn vinh ».

Đối với The Diplomat, sự tương thông về mặt văn hóa giữa Pháp và Trung Quốc là một thực tế không thể chối cãi.

Pháp là thị trường du lịch hàng đầu ở châu Âu cho khách Trung Quốc, thu hút khoảng 2 triệu du khách từ Trung Quốc vào năm 2017, một con số dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm.

Nhiều người trong số này cũng là những người tiêu dùng cuồng nhiệt, đổ xô đến các cửa hàng sang trọng của Pháp.
Công ty đường sắt quốc gia Pháp thậm chí đã cho ra mắt kênh WeChat bằng tiếng quan thoại vào tháng 3.
Liên hoan Mùa Xuân Văn Hóa Pháp-Trung năm nay cũng nhằm đánh dấu 55 năm ngày Paris và Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thế nhưng, theo chuyên san Nhật Bản, trong khi chờ đợi những thành tựu hợp tác văn hóa được nêu bật vào mùa hè này, thì những tháng đầu năm 2019 đã cho thấy những yếu tố không suôn sẻ cho hai nước.

Pháp muốn thức tỉnh Liên Hiệp Châu Âu trên vấn đề Trung Quốc

Điểm được The Diplomat lưu ý trước tiên là quan hệ Pháp-Trung quan trọng không chỉ trên bình diện song phương, mà còn trong toàn cảnh quan hệ Liên Hiệp Châu Âu - Trung Quốc.

Chỉ hơn sáu tháng sau khi nhậm chức tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã tuyên bố sẽ đưa quan hệ đối tác Châu Âu - Trung Quốc vào thế kỷ 21 nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 1 năm 2018.
Cam kết đó thể hiện ý muốn của ông là đưa nước Pháp vào vị trí trung tâm châu Âu.

Gần đây hơn, quyết tâm tăng cường uy thế của châu Âu của ông Macron còn được thấy rõ nhân dịp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Âu, nơi ông Tập phải đối mặt với một mặt trận thống nhất châu Âu, trong một cuộc gặp, không chỉ với ông Macron, mà cả với bà Angela Merkel, thủ tướng Đức và ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.

Ba nhà lãnh đạo châu Âu đã nói rõ về tầm quan trọng của mối quan hệ Châu Âu - Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy Bắc Kinh giải quyết vấn đề giao dịch thương mại không công bằng, hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhu cầu minh bạch và các vấn đề nhân quyền.
Riêng tổng thống Macron đã ngày càng nói mạnh hơn về việc toàn thể Liên Âu phải hợp sức đối phó với Trung Quốc.

Vào tháng Ba, ông tuyên bố là thời kỳ châu Âu còn « ngây thơ » đã qua rồi.
Theo ông Macron, trong nhiều năm, châu Âu đã có một cách tiếp cận không hợp lý và Trung Quốc đã lợi dụng sự chia rẽ của châu Âu.

Trong một dịp khác, dù thừa nhận Trung Quốc là một cường quốc thế giới, tổng thống Pháp cảnh báo rằng các hoạt động tài chính và đầu tư của Trung Quốc có thể gặp rủi ro, đặc biệt là ở châu Phi : "Những gì được cho là tốt trong ngắn hạn, thường có thể trở thành xấu trong trung và dài hạn".

Pháp vươn qua châu Á khiến Bắc Kinh bất bình

Theo The Diplomat, nước Pháp dưới thời Macron đã có một cách tiếp cận táo bạo hơn trong chính sách đối ngoại nói chung, nhìn xa hơn châu Âu, đến tận châu Phi, cũng như châu Á.

Việc Pháp xây dựng và tăng cường quan hệ đối tác ở các vùng Châu Phi nơi ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng, cũng như với các quốc gia ở khu vực Châu Đại Dương và vùng lân cận Trung Quốc, có lẽ đã không giúp Pháp có được thiện cảm của Bắc Kinh, đặc biệt là khi Paris có một quan điểm cứng rắn hơn đối với Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường mang dấu ấn của ông Tập Cận Bình.

Mặc dù sự tái định hướng của Paris qua khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được tiến hành trước khi ông Macron đắc cử tổng thống vào năm 2017, nhưng tổng thống Pháp đã trở thành người công khai ủng hộ việc củng cố các mối quan hệ kinh tế và an ninh trên « trục Ấn Độ-Thái Bình Dương ».

Không những thế, Pháp còn biến thái độ ủng hộ thành các thỏa thuận cụ thể với các tác nhân trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam, để tăng cường hợp tác quốc phòng.

Những quan hệ mở rộng này, theo The Diplomat, rất có thể là đã làm Trung Quốc lo lắng thêm trước việc các cường quốc ngoài khu vực thiết lập quan hệ đối tác với các nước châu Á đã sẵn sàng chống lại hành vi quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng.

Hải Quân Pháp: Luật biển quốc tế bị thách thức ở Biển Đông

Chính sách châu Á Thái Bình Dương như thế nào, và cụ thể đụng chạm tới Trung Quốc ra sao ?
Trong buổi điều trần ngày 11 tháng 4 năm 2018 trước Ủy Ban Ngoại Giao, Quốc Phòng và Lực Lượng Võ Trang Thượng Viện Pháp, đô đốc Christophe Prazuck, tham mưu trưởng Hải Quân Pháp đã nêu lên 4 thách thức đang đặt ra cho Hải Quân Pháp, trong đó có hai yếu tố liên quan đến Trung Quốc :

Trước hết là sự trở lại của những « lập luận dựa trên sức mạnh », đặc biệt trong các vấn đề biển, đến từ các cường quốc tái xuất hiện, như Trung Quốc hay Nga.
Trung Quốc chẳng hạn, chỉ trong vòng 4 năm, đã xây dựng được một lực lượng tương đương với toàn bộ Hải Quân Pháp hiện nay.
Nga thì đã nhân lên gấp 1,5 lần số lượng tàu ngầm của họ. Uy lực hải quân và chiến lược của các nước này do đó đã thay đổi trong những năm gần đây.

Một thách thức khác, theo đô đốc Prazuck liên quan đến sự suy yếu của trật tự quốc tế, được thấy đặc biệt trên biển, thể hiện qua việc luật biển quốc tế bị (Trung Quốc) đặt lại ở Biển Đông.

Riêng về sự hiện diện của Pháp ở Biển Đông, tham mưu trưởng Hải Quân Pháp nhắc lại tuyên bố của ông Jean-Yves Le Drian, lúc còn là bộ trưởng Quốc Phòng tại diễn đàn Đối Thoại Shangri-La ở Singapore, xác định rằng trong tư cách một quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai trên thế giới, Pháp có nhiệm vụ lên tiếng về nhu cầu củng cố luật biển quốc tế đang bị thách thức ở Biển Đông.

Theo đô đốc Prazuck, tuyên bố của bộ trưởng Le Drian đã được Quân Đội Pháp thể hiện trong thực tế : Từ 6 đến 10 lần mỗi năm, một chiến hạm Pháp đi qua Biển Đông để khẳng định ưu thế của luật hàng hải quốc tế.

Hoạt động này đã được chú ý, tàu Pháp đã bị tàu Trung Quốc theo dõi nhưng không có sự cố, trong lúc các láng giềng của Trung Quốc thì ghi nhận rằng cho đến gần đây, Pháp quốc gia châu Âu duy nhất có mặt ở vùng Biển Đông.

Theo The Diplomat, một lời khiển trách kỳ lạ vào tháng Tư của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, sau đó bị xóa khỏi bảng ghi chép lại, về một chuyến đi thường lệ của một tàu hải quân Pháp qua eo biển Đài Loan, là dấu hiệu phản ánh điều có thể gọi là thái độ bực bội của Bắc Kinh trước sự hiện diện của Pháp ở những khu vực mà Trung Quốc có quyền lợi.

Trung Quốc cũng có thể là không hài lòng với nỗ lực vươn ra thế giới của Pháp.
Ngay cả đánh giá của Ủy Ban Châu Âu về Trung Quốc, theo đó nước này vừa là đối tác hợp tác và đàm phán, vừa là đối thủ cạnh tranh kinh tế, vừa là đối thủ mang tính hệ thống (hay là toàn diện), cũng làm Bắc Kinh bất bình.

Kinh tế sẽ gắn bó Pháp, Châu Âu với Trung Quốc

Tuy nhiên, khía cạnh kinh tế của quan hệ Trung Quốc-Pháp và Trung Quốc - Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ là chất keo giữ cho các mối quan hệ không bị lơi lỏng.
Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của châu Âu sau Hoa Kỳ. Thương mại hai chiều giữa khối Liên Âu và Trung Quốc đã tăng lên 1,5 tỷ euro mỗi ngày.

Giá trị cao của quan hệ thương mại đã được củng cố vào cuối tháng 3 khi Paris và Bắc Kinh ký các thỏa thuận trị giá 40 tỷ euro, bao gồm việc bán 300 máy bay Airbus và hợp đồng với Tập Đoàn Điện Lực Pháp EDF về một trang trại năng lượng gió ngoài khơi ở Trung Quốc.

Bất chấp sự chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu và thách thức của việc điều hòa lợi ích giữa hơn hai chục quốc gia thành viên, việc duy trì ổn định trong quan hệ giữa Paris, Bruxelles và Bắc Kinh là điều rất cần thiết cho Trung Quốc, đặc biệt là khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục sôi sục.

Switch mode views: