Nam và Đông Nam Á : Địa bàn ảnh hưởng mới của Daech?
- Thứ Bảy, 27 tháng Tư năm 2019 21:39
- Tác Giả: Minh Anh
Lực lượng an ninh hiện diện khắp thủ đô Colombo, gần tư dinh tổng thống Sri Lanka, ngày 24/04/2019.©REUTERS/Dinuka Liyanawatte
Tạp chí Thế giới Đó Đây tuần này xin điểm lại các tin đáng chú ý trong tháng Tư này:
Tấn công khủng bố đẫm máu Sri Lanka, phải chăng Daech đang mở rộng ảnh hưởng sang Đông Nam Á ?
Nga – Bắc Triều Tiên lần đầu tiên tổ chức thượng đỉnh tại vùng Viễn Đông Vladivostok kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền;
Trận hỏa hoạn nhà thờ Đức Bà Paris, một thảm họa kiến trúc lịch sử thế giới.
Chủ Nhật 22/04/2019, khủng bố tấn công một loạt các nhà thờ Công giáo và khách sạn quốc tế tại Sri Lanka, làm gần 300 người chết và hơn 500 người bị thương.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech lên tiếng nhận trách nhiệm.
Một lời nhận vơ ?
Về điểm này, giới chuyên gia tỏ ra cẩn trọng và thích dùng thuật ngữ « nhập khẩu khủng bố » hơn là khẳng định chính Daech tiến hành.
Điều gây chú ý cho các nhà quan sát là những kẻ tình nghi và những người thực hiện tấn công tự sát lại là những người Sri Lanka có cuộc sống sung túc, được học hành và thậm chí từng đi du học ở phương Tây.
Một điểm chung khác nữa của những kẻ đánh bom khủng bố là họ trở nên cực đoan hóa trong các chuyến đi nước ngoài và trong các cuộc tiếp xúc với những phong trào cực đoan Trung Đông và nhất là họ đều có phương tiện để tổ chức những vụ khủng bố như vậy.
Tầm mức vụ khủng bố tại Sri Lanka đã thật sự gây bất ngờ cho giới chuyên gia.
Trong bảng xếp hạng danh sách các nước có nguy cơ bị Hồi giáo cực đoan tấn công khủng bố, Sri Lanka được xếp cuối bảng.
Theo giải thích của ông Vikram Rajakumar, chuyên gia về an ninh và đe dọa khủng bố tại Singapore, với đài RFI, « không một chuyên gia nào có thể dự đoán về vụ tấn công này.
Nếu có thì chỉ là sự trỗi dậy của phong trào Giải phóng Hổ Tamil LTTE chứ không ai lường được một vụ tấn công Hồi giáo cực đoan với quy mô như thế », bởi vì đất nước Sri Lanka có một mạng lưới an ninh cực kỳ nghiêm ngặt kể từ khi đất nước dẹp được phong trào LTTE cách nay 10 năm.
Vẫn theo vị chuyên gia Singapore này, vụ việc cho thấy Đông Nam Á đang có nguy cơ bị biến thành một miền đất mầu mỡ mới cho thánh chiến Hồi giáo cực đoan.
« Từ lâu, Đông Nam Á luôn là tâm điểm cho các hoạt động của những thành phần cực đoan.
Khi người ta nói đến Đông Nam Á, họ nghĩ ngay đến Malaysia, Thái Lan hay như Indonesia. Do vậy, rất có khả năng là các vụ tấn công khủng bố như tại Sri Lanka sẽ tái diễn trong khu vực ».
Cuối cùng, ông Vikram Rajakumar lưu ý sự liên kết các nhóm Hồi giáo cực đoan nhỏ tại Đông Nam Á đang dần tổ chức thành mạng lưới để hoạt động có hiệu quả hơn.
« Đây là những gì chúng tôi ghi nhận được kể từ khi vụ bao vây Marawi chấm dứt tại Philippines.
Nhiều nhóm khủng bố nhỏ hợp sức lại với nhau để cùng đánh, hơn là mạnh ai nấy làm.
Tôi nghĩ là tổ chức Nhà nước Hồi giáo không có khả năng huy động lực lượng trên địa bàn.
Ngược lại, họ lại gây ảnh hưởng lên các nhóm cực đoan rất tốt thông qua các mạng xã hội.
Tôi tin rằng chính bằng con đường này mà họ có thể huy động các nhóm tại Đông Nam Á để thực hiện các vụ tấn công trên địa bàn ».
Thượng đỉnh Nga – Triều : Đôi bên cùng có lợi
Thứ Tư 24/04/2019, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền từ cuối năm 2011, trong khi ông đã bốn lần gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ba lần gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In và hai lần gặp tổng thống Mỹ Donald Trump.
Câu hỏi đặt ra : Kim Jong Un muốn gì và Nga được gì từ cuộc gặp thượng đỉnh này ?
Antoin Bondaz, chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược trên đài RFI phân tích :
« Về phần Kim Jong Un, mục tiêu chính là tiếp tục theo đuổi tiến trình bình thường hóa ngoại giao khởi động năm 2018, được thể hiện rõ qua một chuỗi các cuộc gặp thượng đỉnh như với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Hàn Quốc hay như tổng thống Mỹ…
Thứ hai, cuộc gặp này cho phép gởi đi một thông điệp đến ông Donald Trump là Kim Jong Un có dư thời gian để chờ đợi vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn có nhiều nhà đối thoại khác.
Điểm thứ ba, Kim Jong Un tìm cách giảm nhẹ tác động các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào chế độ chủ yếu qua việc đa dạng hóa đối tác.
Nước Nga, bất chấp cuộc thượng đỉnh này, vẫn là tác nhân đứng hàng thứ hai trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Trước đây, Nga từng có một vai trò quan trọng trong những năm 2000 vì họ cũng là một bên tham gia trong các cuộc đàm phán sáu bên.
Giờ thì các cuộc thương thuyết chủ yếu được thực hiện song phương, giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Do vậy, cuộc gặp thượng đỉnh có thể sẽ không ảnh hưởng gì đến các nghị quyết.
Tuy nhiên, đối với ông Putin, mục tiêu của thượng đỉnh lần này là muốn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế rằng nước Nga là một tác nhân không thể thiếu trong nhiều hồ sơ quốc tế như Syria hay Bắc Triều Tiên chẳng hạn, đồng thời qua đó khẳng định lại rằng nước Nga cũng là một cường quốc châu Á để thúc đẩy việc phát triển vùng Viễn Đông của Nga ».
Hỏa hoạn nhà thờ Đức Bà : Một thảm họa, một cơ hội học nghề ?
Ngày 15/04/2019, nhà thờ Đức Bà Paris, công trình kiến trúc lịch sử có hơn 850 năm tuổi đã bị bốc cháy dữ dội, thiêu rụi tháp nhọn Viollet-le-Duc và phần mái vòm.
Sự kiện xảy ra buộc các tín đồ năm nay phải mừng lễ Phục Sinh tại nhà thờ Saint Sulpice tại quận 6 Paris.
Nhưng việc tái thiết nhà thờ đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt : Nên xây lại, trùng tu hay hồi phục nguyên trạng ?
Bởi vì ngay ngày hôm sau vụ hỏa hoạn, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố muốn xây lại nhà thờ trong vòng năm năm.
Phóng viên ban tiếng Pháp đài RFI có dịp trao đổi với một số nhà kiến trúc về ý định này của tổng thống Pháp.
Với kiến trúc sư Jean Christophe Quinton, trước khi nghĩ đến việc xây lại, người ta nên xem công trình như là một đối tượng kiến trúc.
« Chúng ta sẽ thấy được gì ? Đó là cả một núi đá to lớn được dựng cao lên.
Khi chúng ta ngắm nhìn nhà thờ Đức Bà Paris, chúng ta sẽ hiểu một điều là do kiến trúc của nhà thờ, các thợ xây buộc phải có tính sáng tạo trong việc xây dựng, để có thể đưa các xà nhà lên cao 45 m, để có thể biến những bức tường thành những chiếc rèm ánh sáng.
Hơn nữa, những người thợ xây đó cũng buộc phải sáng tạo ra những hình dạng tuyệt vời cho vòm chống, trụ đỡ, nóc nhà rồi vòm nhà…
Quả thật, tất cả những hình dạng này, nếu chúng ta nhìn vào từng mảng, chúng ta thấy chúng rất lớn, ngạo nghễ… »
Còn với nhà thiết kế Piétro Crémonini, Notre Dame đã cho thấy sự sáng tạo của những người thợ xây năm xưa.
Xây lại giống nguyên thủy hay không giờ không còn là vấn đề nữa. Cần phải có thời gian để suy nghĩ và thời hạn 5 năm để xây lại nhà thờ là một điều không hợp lẽ.
« Ý tưởng xóa nhanh dấu vết trận hỏa hoạn đối với tôi đấy có vẻ như là một ý tưởng bệnh hoạn.
Hầu như tất cả các nhà thờ đều bị cháy, rồi được xây lại. Toàn bộ lịch sử xây dựng nhà thờ gần như là một câu chuyện thi công thường trực.
Tôi chưa thấy một nhà thờ nào đã được hoàn tất đâu. Do vậy, ý muốn xây dựng lại nhà thờ một cách nhanh nhất chẳng khác gì là kết liễu chúng lần thứ hai ».
Cũng theo ông Piétro Crémonini, thời gian thi công dài không nên là một sự cản trở.
« Tôi nghĩ rằng công trình này có thể giúp học hỏi được nhiều điều, có thể tạo ra nhiều mong muốn học nghề. Đó có thể là hình thức đào tạo. Nên biến công trường này thành một cơ hội tốt ».
Chưa biết rồi cuộc tranh luận sẽ còn đi đến đâu, hình dáng nhà thờ Đức Bà tương lai sẽ như thế nào ?
Nhưng có một điều chắc chắn hình ảnh nhà thờ Đức Bà Paris luôn gắn liền với bóng hình Thằng Gù Quasimodo của Victor Hugo, mới nên có những câu hát ngọt ngào về đôi bạn thâm giao của ca sĩ Edith Piaf năm nào.
Dans le Paris de Notre-Dame
De Notre-Dame de Paris
Y a un clochard qu'en a plein le dos
De porter Notre-Dame sur son dos
Il se prend pour Quasimodo….
Related news items:
Tin mới
- Dùng đồng euro, ai lợi ai thiệt ? - 30/04/2019 15:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-4-2019 - 30/04/2019 14:31
- Eo biển Đài Loan: Vì sao Trung Quốc đột nhiên gây sự với Pháp - 29/04/2019 23:55
- Biển Đông: Việt Nam lặng lẽ bồi đắp các đảo ở Trường Sa - 29/04/2019 23:37
- Dân Hồng Kông rầm rộ biểu tình chống dự luật cho dẫn độ sang Hoa lục - 29/04/2019 21:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-4-2019 - 29/04/2019 20:42
- Tu sửa Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn bị kéo dài thêm 4 năm - 28/04/2019 23:49
- Mỹ chính thức cấm vận tập đoàn dầu lửa Venezuela PDVSA - 28/04/2019 23:14
- Mỹ : Xả súng tại nhà thờ Do Thái ở California - 28/04/2019 18:09
- Quốc tang tướng Lê Đức Anh 2 ngày : Sức khỏe tổng bí thư Trọng là tâm điểm chú ý - 28/04/2019 17:50
Các tin khác
- Chính phủ Anh có thể giao cảnh sát điều tra lộ tin Hoa Vi tham gia 5G - 27/04/2019 21:24
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-4-2019 - 27/04/2019 21:10
- Sri Lanka : Cảnh sát phát hiện kho vũ khí lớn của thánh chiến - 27/04/2019 20:54
- Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí quy ước - 27/04/2019 20:22
- Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng thuyền nhân Venezuela vượt biên - 27/04/2019 20:12
- Syria : Không quân Nga oanh kích dữ dội quân thánh chiến - 27/04/2019 16:14
- Biển Đông : TT Duterte khẳng định ‘‘chiến thắng La Haye’’ trước Tập Cận Bình - 27/04/2019 15:29
- Một chủ nhà xuất bản sách Hồng Kông sang Đài Loan tị nạn - 26/04/2019 20:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-4-2019 - 26/04/2019 20:26
- Miến Điện : Nghệ sĩ đi tù chỉ vì châm chích quân đội và chính phủ - 26/04/2019 19:10