Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-12-2018

Pháp : "Áo Vàng" khiến chính phủ liên tục trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Phap Aovang

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trước) và thủ tướng Edouard Philippe, Paris, ngày 23/03/2018.
PHILIPPE WOJAZER / POOL / AFP

Sự lúng túng và tự mâu thuẫn của chính phủ Pháp xung quanh các biện pháp đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng là chủ đề thời sự lớn trong nước của báo chí Pháp hôm nay, 20/12/2018.

Chủ đề quốc tế hàng đầu là quyết định bất ngờ của tổng thống Mỹ rút quân sớm khỏi Syria.

Tờ thiên hữa Le Figaro chạy tựa trang nhất :
« Chương trình ‘‘Áo Vàng’’ khiến hành pháp chao đảo ».
Tựa lớn của báo thiên tả Libération là « Những kẻ học nghề », với hình hai lãnh đạo hành pháp, tổng thống Macron và thủ tướng Philippe.

Cả hai tờ báo đều nhấn mạnh đến những trục trặc liên tục trong những ngày qua của chính quyền Pháp, với cặp bài trùng Emmanuel Macron và Edouard Philippe vốn lâu nay tỏ ra rất ăn ý.

Xã luận Le Figaro với tựa đề « Giữ lời » ghi nhận : « các tuyên bố của chính phủ để đáp ứng các yêu sách của phong trào Áo Vàng là khá rõ ràng – tăng lương tối thiểu 100 euro, ngân phiếu năng lượng, thỏa luận lớn trên toàn quốc… - nhưng khâu thực thi lại trở nên vô cùng phức tạp, quá tinh xảo – có thể là như vậy - đến mức không còn ai hiểu được nữa ».

Theo Le Figaro, đa số cầm quyền đã có những phản ứng khó hiểu, cần phải theo dõi « gần như hàng giờ » thì mới có thể nắm rõ những diễn biến bất ngờ, từ hủy bỏ các biện pháp được đưa ra, đến đình chỉ, rồi lại phục hồi…
Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược rõ ràng đến mức cho thấy có thể giữa hai lãnh đạo hành pháp, tổng thống và thủ tướng, đang có những bất đồng lớn.

Bốn trục trặc

Le Figaro điểm lại bốn trục trặc chính, kể từ khi chính phủ lên tiếng đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng.

Thứ nhất là tuyên bố hoãn tăng thuế xăng dầu trong 6 tháng của thủ tướng, đưa ra hôm 4/12, Quốc Hội đang chuẩn bị bỏ phiếu.
 Đúng vào thời điểm đó, phủ tổng thống ra lệnh hủy bỏ hoàn toàn dự định tăng thuế trong năm 2019.
Trả lời phỏng vấn ngày hôm sau, thủ tướng Philippe tuyên bố không hề có bất đồng với tổng thống.

Trục trặc thứ hai là lời hứa tăng lương 100 euro cho tất cả những người có thu nhập tối thiểu (SMIC) của tổng thống ngay từ năm 2019, hôm 10/2019.

Nếu như đây được coi là một biện pháp mạnh, gây bất ngờ, của tổng thống, để trấn an công luận, thì ngay sau đó, công luận nhận ra rằng không phải tất cả mọi người có thu nhập tối thiểu đều được hưởng, và trên thực tế, đây không phải là biện pháp mới, mà thực chất chỉ là đẩy nhanh kế hoạch tăng tiền thưởng, dự kiến rải ra trong suốt nhiệm kỳ 5 năm.

Một trục trặc khác mà Le Figaro nhấn mạnh là chủ đề nhập cư, vốn được tổng thống Pháp tuyên bố như là một trong 5 chủ đề thảo luận quốc gia chính, thậm chí đã được đưa vào văn bản trình bày trước Hội đồng Bộ trưởng hôm 12/12.

Nhưng rốt cục « di cư » không còn là một chủ đề chính nữa, mà được nhập vào chủ đề « nền dân chủ - quyền công dân ».
 Bản thân lịch trình thảo luận cũng bị hoãn lại  một tháng.

Trục trặc thứ tư vừa xảy ra hôm thứ Ba, 18/12. Phủ thủ tướng thông báo hủy bỏ hủy bỏ một phần các biện pháp hỗ trợ người dân trong vấn đề « thuế carbone vì sinh thái », đã được đưa ra trong tháng 11 (như mở rộng số lượng người được hưởng ngân phiếu năng lượng, hay tăng tiền thưởng cho những ai mua xe hơi chạy điện).
 Bị phản đối mạnh, ít giờ sau đó, phía thủ tướng tuyên bố lại duy trì các biện pháp vừa bị tuyên bố hủy.

Những người tập tọng nghề cứu hỏa

Báo Libération ngán ngẩm than : « Bất tài, làm việc tài tử, do dự, vô chính phủ, không có nghị lực… cái thế giới mà họ gọi là mới là như vậy đấy.
Người ta đã tung hê giai tầng chính trị già nua, để rồi lại cũng làm như vậy, và thậm chí tồi tệ hơn ».

Xã luận Libération kết luận mỉa mai : « Sự thật là chính phủ này đang trong tình thế hoảng loạn.
Họ đã làm bùng lên một đám cháy và không biết làm thế nào để dập được lửa, họ đã đổ hàng thùng nước lớn để dập lửa, để cuối cùng mới nhận ra là trong nước có cả dầu.
Đây chính là số phận của những kẻ tập tọng học nghề cứu hỏa ».

    Đọc thêm : Áo Vàng biểu tình ở Paris lần thứ 5

Từ một góc nhìn khác, Le Figaro chỉ ra sự phản ứng khác thường của các nghị sĩ thuộc đa số cầm quyền, đảng Nước Cộng Hòa Tiến Bước (LREM).
Từ trước đến nay, các dân biểu của đảng này vốn bị chê trách là rất thụ động, chỉ làm theo các quyết định của tổng thống và chính phủ.

Nhưng kể từ giờ, nhiều dân biểu của phe tổng thống, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng Áo Vàng, đã tập hợp lại, để buộc chính phủ phải lắng nghe.
Ba ngày sau Hồi 3 của Áo Vàng, chủ tịch nhóm dân biểu đảng LaREM đã triệu tập « cuộc họp cố vấn chính trị » đầu tiên, để thảo luận về khủng hoảng.

Libération mô tả kỹ nhiều phản ứng dữ dội từ phía các dân biểu LREM chiều thứ Ba 18/12, khiến chỉ ít giờ sau phủ thủ tướng buộc phải bãi bỏ quyết định hủy bỏ một số biện pháp hỗ trợ người dân trong vấn đề « thuế carbone vì sinh thái ».

« Nền quân chủ cộng hòa » : Một nguyên do khiến uy tín tổng thống sụt giảm thê thảm

Cũng về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Pháp, Le Monde có bài phân tích :
 « Nền đệ ngũ cộng hòa không có phương tiện để đáp ứng đòi hỏi của công dân », với nhận định :
 « Các định chế (của đệ ngũ cộng hòa) vốn được sử dụng làm lá chắn để bảo vệ tổng thống, nhưng chính chiếc lá chắn này đã tạo ra khoảng cách giữa tổng thống với các công dân và với những người đại diện của họ ».

Phương thức bầu cử và thể chế chính trị hiện tại tại Pháp, mà tác giả bài viết gọi là « nền quân chủ cộng hòa » dành cho tổng thống một uy quyền hết sức đặc biệt, gần như không phải đối mặt với quyền lực đối trọng đáng kể nào.

 Một khi đã được bầu lên, tổng thống yên tâm « không phải chịu trách nhiệm trước ai, trong suốt một nhiệm kỳ 5 năm ».
Mức độ tập trung quyền lực lớn đến như vậy đã khiến người dân đặt quá nhiều niềm tin vào nhà lãnh đạo tối cao.

 Mặt trái của hiện tượng là một khi dân thất vọng, uy tín của tổng thống sẽ ngay lập tức sụt dốc thê thảm.
Từ Sarkozy đến Hollande, và giờ đây là Macron, đều nhanh chóng bị người dân quay lưng.

Theo nhà Hiến pháp học Dominique Rousseau, đáng lẽ các định chế phải làm cầu nối giữa người dân, giữa giới chính trị với tổng thống.
 Nhưng đây thì ngược lại, các định chế là nơi làm tắc nghẽn.
Tắc nghẽn thì cần phải khơi thông. Đây chính là điều mà những người Áo Vàng lớn tiếng đòi hỏi.

 Để khơi thông tắc nghẽn, phong trào Áo Vàng muốn « trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân » (RIC), nhằm thay thế dân chủ đại diện bằng dân chủ trực tiếp.
Trưng cầu không chỉ để xóa bỏ một luật, mà thậm chí còn để bãi miễn một chính trị gia dân cử.

    Đọc thêm : Ai kiểm soát  RIC - Bài toán hóc búa (phần cuối)

Cải tổ cách thực thi dân chủ và quyền công dân là một trong các nội dung chính của cuộc thảo luận lớn toàn quốc mà tổng thống Pháp hứa hẹn.
 Le Monde đề nghị hãy theo dõi cụ thể xem chính quyền sẽ tiếp thu từ đây những gì.

Syria : Quyết định rút quân của tổng thống Trump bị lên án

Quyết đinh bất ngờ rút khỏi Syria của tổng thống Mỹ được hầu hết các báo Pháp hôm nay nói đến.
Le Figaro ghi nhận quyết định rút quân nhanh chóng của tổng thống Mỹ, và vấn đề người Kurdistan bị bỏ qua.
Theo Le Figaro, quyết định triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria đã được ứng cử viên tổng thống Trump đưa ra trong tranh cử.

Giờ đâyDonald Trump không còn lắng nghe giới tướng lĩnh thân cận, những người đã từng khuyên ông không nên rút quân chừng nào chưa chiến thắng Daech hoàn toàn, ông Donald Trump tin tưởng là tổng thống Nhà Nước Hồi Giáo đã bị tiêu diệt.

Le Figaro nhấn mạnh là tổng thống Trump giờ đây chỉ lắng nghe « bản năng của mình », cho dù lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo vẫn còn bám trụ được ở một số vùng đất nhỏ hẹp tại Syria.

Theo Le Figaro hiện chưa ra lý do cụ thể nào đã khiến tổng thống Mỹ bất ngờ quyết định rút 2.000 quân thuộc lực lượng đặc nhiệm, hiện đang hỗ trợ lực lượng Dân Chủ Kurdistan Syria chống Daech, tại miền đông bắc nước này.
Các tướng lĩnh Hoa Kỳ sợ là người Kurdistan bị phản bội, bởi với quyết định rút quân Mỹ, lực lượng Kurdistan sẽ phải đối mặt trực tiếp với đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara coi một số lực lượng Kurdistan tại Syria là khủng bố, và cáo buộc họ hỗ trợ phong trào Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa tỏ ý sẽ mua thêm nhiều tên lửa Patriot của Mỹ với tổng trị giá 3,5 tỉ đô la.

Libération dẫn lời của ông Charles Lister, giám đốc Chương trình chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, của Viện Trung Đông ở Washington, phản ứng ngay sau tuyên bố của tổng thống Mỹ.
Theo vị chuyên gia này, thì quyết định rút quân nói trên là « thiển cận và ngây thơ ».

Đối với các đồng minh của Hoa Kỳ cũng như đối với các đối thủ của Mỹ, quyết định rút quân này hoàn toàn không phải là hệ quả của một chiến thắng trước lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo, mà đơn giản chỉ là một sự triệt thoái quân sự.
Và trên bình diện địa chính trị, đây là một kịch bản mơ ước đối với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Nga cũng như chế độ Assad, tất cả đều được hưởng lợi từ quyết định của Trump.

Về phần mình, báo Les Echos chỉ rõ quyết định rút quân của tổng thống Mỹ là kết quả của một « thỏa thuận » có đi có lại với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm thứ Sáu tuần trước, tổng thống Mỹ có cuộc điện đàm với nguyên thủ Thổ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tuyên bố dự định sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng Kurdistan tại miền bắc Syria, cho dù lực lượng này chống Daech, với hậu thuẫn của Mỹ.

Liên Âu chuẩn bị đối phó với Brexit không thỏa thuận

Le Figaro cho hay, Ủy Ban Châu Âu hôm qua, 19/12, thông báo đã chuẩn bị 14 biện pháp đối phó với kịch bản Anh Quốc rời Liên Âu không thỏa thuận, trong bối cảnh Quốc Hội Anh đang phân hóa cao độ trong vấn đề này.

 Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker dự báo, nếu xảy ra, đây sẽ là một thảm họa.
 Các biện pháp của Ủy Ban Châu Âu bao gồm hàng loạt lĩnh vực như tài chính, giao thông, thuế quan, chính sách khí hậu và di trú.

Facebook : Một quyết định đe dọa tự do ngôn luận toàn cầu

Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Monde có bài « Khi Facebook áp đặt luật pháp của mình lên 2 tỉ dân mạng ».
Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg hôm 15/12 thông báo sẽ thành lập một lực lượng 30.000 người có trách nhiệm loại trừ khỏi mạng xã hội này các nội dung gây tranh luận mạnh.

Chính thông báo này đã gây lo ngại lớn.
 Le Monde nêu quan điểm của luật sư Benoit Huet, theo đó, loại « tòa án » mà Facebook đang tìm cách lập ra trên mạng xã hội này, để kiểm duyệt nội dung, có thể có một tác động lớn đến quyền tự do ngôn luận trên thế giới mạng nói chung.

Châu Âu lao vào cuộc đua ắc quy xe hơi điện

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro có bài đáng chú ý : « Cuộc chiến xe hơi chạy điện : Châu Âu dấn thân vào cuộc chạy đua marathon toàn cầu về ắc quy ».

Maros Sefcovic, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, vừa khởi sự chương trình đầu tư lớn, được mệnh danh là « kế hoạch Airbus về ắc quy xe hơi » (đầu tư có thể lên tới 250 tỉ euro, từ nay đến 2025).
Dự án của châu Âu mang tên chính thức « Liên Minh Ắc Quy Châu Âu », có trụ cột là Đức và Pháp, hai quốc gia chế tạo xe hơi hàng đầu của khối.

Theo Le Figaro, quyết định của châu Âu tài trợ mạnh cho lĩnh vực chế tạo ắc quy, vừa được đưa ra, có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng trong cuộc chiến xe hơi điện, nơi các nhà sản xuất châu Á đang dẫn đầu.

 Vì sao châu Âu lại đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm này ?

Điều cơ bản là vì ắc quy xe hơi điện chiếm đến 40% giá trị của một chiếc xe.

Hiện tại, châu Âu rất mạnh về động cơ và bộ phận kiểm soát tốc độ, nhưng lại yếu về ắc quy.
Dự kiến đến năm 2025, bốn quốc gia chính trong lĩnh vực xe hơi điện, rất có thể trong đó sẽ có Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc (đang đứng đầu thị trường hiện nay), sẽ chiếm hơn 71% thị trường xe hơi điện toàn cầu.

Hiện tại có hai hướng đầu tư. Một là nhanh chóng đầu tư xây dựng một nhà máy ắc quy lithium-ion.
Nhược điểm của hướng này là thời điểm nhập cuộc hiện nay là quá trễ, châu Âu sẽ khó mà cạnh tranh lại các tập đoàn châu Á đi trước.

Hướng thứ hai là đầu tư cho nghiên cứu sản xuất « ắc quy rắn ». Đây là hướng đi của Saft – chi nhánh của tập đoàn Total – chuyên về ắc quy.
Dự tính phải hơn 10 năm sản phẩm này mới có thể ra lò, nhưng ưu thế của ắc quy này là an toàn hơn, hiệu suất hơn, và cần ít kim loại hiếm hơn.

    Đọc thêm : Thách thức nào với xe chạy điện châu Âu ?

Chạy đua để không bị bỏ rơi trong cuộc chiến xe hơi điện có ý nghĩa quan trọng trước hết, để giúp châu Âu có thể thực hiện được các mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngay tại chính châu lục.

Hiện tại, Bruxelles đang đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chính vì vậy các nhà sản xuất sẽ buộc phải tăng tốc cuộc đua xe hơi điện.

Switch mode views: