Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-10-2018

Công nghiệp quốc phòng : Mỹ muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc

chip TQ

Một vi mạch điện tử.
Ảnh : Wikipedia

Trên trang nhất, báo kinh tế Les Echos có bài đáng chú ý nói về « Ngành công nghệ Mỹ đương đầu với gián điệp mạng Trung Quốc ».

Theo một điều tra của Bloomberg, chíp điện tử của Trung Quốc đã bí mật được cấy vào máy chủ của nhiều doanh nghiệp Mỹ.
Tiết lộ trên cho thấy sự lệ thuộc của ngành công nghiệp, công nghệ của Hoa Kỳ vào các nhà sản xuất Trung Quốc, khiến công nghệ Mỹ dễ bị tổn thương.

Trong bài viết này, Les Echos cho biết các nhà báo của Bloomberg đã dựa trên 17 nguồn tin xin ẩn danh bên trong các cơ quan tình báo Mỹ và các tập đoàn khổng lồ về công nghệ.
Theo đó, các con chíp điện tử nhỏ chỉ bằng hạt gạo đã bí mật được Trung Quốc cấy vào bên trong máy chủ của khoảng 30 doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Apple và Amazon.

Bảo vệ toàn bộ các sản phẩm của Mỹ có nghĩa là không được dùng sản phẩm từ các nhà máy của Trung Quốc, điều này cũng có nghĩa là phải xem xét lại sự phân bố địa lý trong ngành công nghiệp.
Sự xáo trộn lớn đó sẽ gây ra nhiều khó khăn, chi phí sản xuất cao kinh khủng khiến sự thay đổi đó rất khó có khả năng thực hiện được.

Còn trong bài viết trên trang Doanh nghiệp và Thị trường « Công nghiệp quốc phòng Mỹ muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc », Les Echos cho biết theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, ngành chế tạo vũ khí của Mỹ lệ thuộc ở « mức cao đáng ngạc nhiên » vào các nhà thầu của Trung Quốc.
Đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh « Trung Quốc là nhà cung cấp duy nhất một số hóa chất đặc biệt trong ngành sản xuất đạn dược và tên lửa ».
 Nếu Trung Quốc ngưng cung cấp hàng, toàn bộ chương trình của bộ Quốc Phòng Mỹ - từ chế tạo tên lửa đến vệ tinh và bệ phóng vệ tinh, tên lửa - đều bị đe dọa.

Trong một số trường hợp, Lầu Năm Góc có thể sử dụng các nguyên vật liệu thay thế, nhưng chi phí phát triển các chương trình sẽ bị đội lên rất cao.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là một số hệ thống vũ khí của Mỹ, có linh kiện điện tử được sản xuất ở nước ngoài, có thể dễ bị tấn công.

 Vấn đề là nhiều doanh nghiệp Mỹ đặt nhà máy tại Trung Quốc để giảm chi phí sản xuất.
Đổi lại, theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ.
 Điều này cũng có thể đe dọa nước Mỹ.

Vì thế, bộ Quốc Phòng Mỹ kêu gọi các doanh nghiệp phương Tây cân nhắc, xem xét lại các hoạt động tại Trung Quốc.
 Lầu Năm Góc cũng quyết định sẽ kiểm tra lại, với sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo, mạng lưới cung cấp hàng hóa của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm như hàng không vũ trụ và quốc phòng, để tìm ra các điểm yếu kém trong ngành sản xuất vũ khí của Mỹ.

Biến đổi khí hậu : Báo cáo của GIEC và ý thức của con người

Biến đổi khí hậu là đề tài được báo Libération quan tâm đưa lên trang nhất : « Khí hậu : bây giờ hoặc là không bao giờ ».

Hôm nay 08/10/2018 là ngày Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC) công bố báo cáo đầu tiên về các hậu quả nghiêm trọng đối với hành tinh, nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm quá 1,5 độ C.

Trong bài viết « Bản báo cáo lạnh người của GIEC », Libération cho biết báo cáo dài 250 trang của 80 tác giả tới từ 39 nước.
 Theo mục tiêu COP 21 đề ra, từ nay tới năm 2100, nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng từ 1,5 đến 2 độ C.

Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính nhiệt độ sẽ tăng 3 độ C chứ không phải 1,5 độ C, kéo theo những thảm họa không thể đảo ngược cho cả con người và nhiều loài sinh vật sống.

Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng quá 1,5 độ C, mực nước biển sẽ tăng trong nhiều thế kỷ, nhiều vùng đất, nhất là các đảo nhỏ sẽ không kịp thích nghi, hệ sinh thái sẽ bị xáo trộn nhiều, các loài động vật không có khả năng di chuyển nhanh sẽ có tỉ lệ chết cao, đại dương sẽ bị axit hóa.

Sự thay đổi khí hậu sẽ diễn ra ở mọi vùng đất, không phân biệt mức độ phát triển của xã hội, nhưng bị tác động mạnh nhất vẫn là các quốc gia nghèo nhất.
Một phần tư nhân loại sẽ sống ở những khu vực có nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C so với mức trung bình, ít nhất trong một mùa trong năm.

 Ở Bắc bán cầu, các đợt nắng nóng sẽ ngày càng nhiều và với mức độ ngày càng cao.
Khu vực Nam Âu có nguy cơ sa mạc hóa. Nguy cơ lũ lụt và hạn hán cũng ngày càng tăng, nhất là ở Nam Mỹ, châu Âu và châu Á. Các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng mạnh.

Libération cũng dành bài xã luận « Có ý thức » cho đề tài biến đổi khí hậu.
Trong nhiều năm, các báo cáo của GIEC đều rơi vào « hố đen », nói cách khác là chúng trở nên vô hình. Thế giới vẫn tiếp tục không chút do dự trong cuộc chạy đua điên rồ về tăng trưởng và tiêu dùng vô độ.

Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên sâu sắc hơn. Lý do ?
Các hiệu ứng do biến đổi khí hậu là có thật. Phải điếc, mù hay vô cảm thì mới có thể không nhận ra điều đó. Các thông tin đáng lo ngại về sự biến đổi ở cả đại dương và đất liền được báo về từ mọi nơi trên Trái đất.

Báo cáo của GIEC cho thấy mọi chuyện đang rất nghiêm trọng, bởi vì lộ trình - để đạt mục tiêu cho tới cuối thế kỷ này nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C - đã chệch hướng. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải đã hết hy vọng.

Theo Libération, đa phần công dân ý thức được rằng có một thảm kịch đang diễn ra, nhiều người cố tìm cách để cải thiện tình hình ở địa phương.
Giới chính trị gia, trừ một số trường hợp như tổng thống Mỹ Donald Trump, đã hiểu nên tiếp tục cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Các nhà công nghiệp cũng bắt đầu ý thức được rằng chống biến đổi khí hậu cũng là một yêu cầu của người tiêu dùng.
Giờ đây, điều quan trọng trong cuộc chiến của nhân loại là thuyết phục các nhà quản lý ngân sách, tài chính « tránh những việc không thể quản lý nổi » và « quản lý những điều không thể tránh khỏi ».

Hãm hiếp phụ nữ : Vũ khí chiến tranh

Ra sạp sớm từ chiều thứ Bảy 06/10, báo Le Monde có bài xã luận đề tựa « Một giải thưởng Nobel chống vũ khí hãm hiếp ».
Le Monde nhận định không ai xứng đáng đoạt giải Nobel Hòa Bình 2018 hơn cô gái trẻ Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege.

Khi quyết định trao giải Nobel Hòa Bình 2018 cho cô gái trẻ Nadia Murad, từng là nô lệ tình dục của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và sau này là nhà đấu tranh chống bạo lực tình dục, và cho bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege, người đã dành cả cuộc đời cứu chữa cho những phụ nữ từng bị hiếp dâm, Ủy ban Nobel cuối cùng đã tấn công nhắm vào một thảm họa, vốn chỉ bị coi là một tổn thất phụ đáng tiếc và đáng xấu hổ trong suốt một thời gian rất dài.

Mỗi người một cách, nhưng cả cô gái trẻ Nadia Murad và bác sĩ sản phụ khoa Denis Mukwege đều có chung một trận chiến, đều có chung lòng can đảm : đó là đấu tranh để các vụ hiếp dâm không còn bị xem là một hệ quả phụ không thể tránh khỏi trong các cuộc xung đột vũ trang mà là thực sự là một loại vũ khí chiến tranh.

 Và Ủy ban Nobel muốn nhấn mạnh đến cái gọi là vũ khí chiến tranh, khi quyết định trao giải Nobel Hòa Bình cho hai nhà tranh đấu.
Việc dùng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh cũng đã có từ lâu, không kém gì chính bản thân các cuộc xung đột : loại vũ khí răn đe, vô nhân đạo này đã được sử dụng trong Đệ Nhị Thế Chiến, ở Yougoslavie, Rwanda, hay mới đây là ở Syria và Miến Điện.

Nhưng sự im lặng trong một thời gian quá dài khiến các thủ phạm không bị trừng phạt và cản trở công tác phòng ngừa nạn hiếp dâm trong các lực lượng vũ trang.
 Theo Le Monde, giải Nobel Hòa Bình năm nay sẽ góp phần phá vỡ sự im lặng đó.

Việc thông báo quyết định trao giải Nobel Hòa Bình năm nay trùng vào dịp tròn một năm phong trào chống bạo lực tình dục #Metoo ở phương Tây.
So với mức độ tàn bạo mà phụ nữ ở các nước có chiến tranh phải hứng chịu, phong trào #Metoo có vẻ không đáng kể.

Nhưng Le Monde kết luận, trong lĩnh vực đấu tranh chống bạo lực tình dục, không có gì là không đáng kể. Nền văn minh của chúng ta không thể hòa hợp với bạo lực tình dục, dù chỉ là với một cá nhân hay trên diện rộng.

Pháp : Đấu tranh chống bạo lực tình dục và các trở ngại

Nhân dịp một năm xảy ra vụ bê bối tình dục Weinstein, báo Le Monde chạy tựa trang nhất « #Metoo : Tư pháp và cảnh sát không có đủ phương tiện đối phó với bạo lực tình dục ».
 Trong bài viết về cuộc đấu tranh chống bạo lực tình dụctrên trang Nước Pháp, Le Monde cho biết số đơn kiện về các vụ hãm hiếp tại Pháp tăng mạnh.
Trung bình, mỗi năm ở Paris có 600 - 800 đơn kiện về các vụ hiếp dâm, nhưng trong vòng 8 tháng đầu năm 2018, con số này đã tăng 25%.

 Phong trào #MeToo được khởi xướng trên các mạng xã hội vào tháng 10/2017, sau khi nhiều ngôi sao Mỹ tố cáo nhà sản xuất phim Hollywood, Harvey Weinstein, hiếp dâm họ.
Phong trào này đã có những hiệu ứng không thể phủ nhận ở Pháp. Hiệp hội nữ quyền chống hãm hiếp (CFCV) tồn tại từ 30 năm nay và trong những tháng sau vụ bê bối tình dục Harvey Weinstein, số cuộc gọi đến cho hiệp hội này đã tăng 30%.

Thế nhưng, Le Monde đặt câu hỏi tại sao trong 10 năm qua, số vụ xét xử về tội hiếp dâm lại giảm 40% và số vụ xét xử về bạo lực tình dục giảm 20% ?

Các thẩm phán cũng rất ngạc nhiên về số liệu nói trên. Sự trái ngược, giữa hiện tượng số vụ đệ đơn kiện trong vòng một năm qua tăng (dấu hiệu cho thấy có sự biến chuyển sâu sắc trong xã hội) và việc số vụ xét xử trong 10 năm qua giảm, đặt ra nghi vấn về khả năng đấu tranh có hiệu quả của hệ thống tư pháp Pháp chống lại nạn bạo lực tình dục.

Các nhà điều tra, thẩm phán, nhà nghiên cứu đại học và cả các hiệp hội bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục đều khẳng định đó không phải là một vấn đề liên quan tới việc làm ra luật.
Bộ luật hình sự của Pháp hiện khá hoàn chỉnh, đủ để xử lý mọi vụ việc hoặc hầu như mọi vụ việc.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra và xét xử chỉ có thể được tiến hành, nếu cảnh sát nhận được đơn tố cáo.
Vấn đề là theo bộ Nội Vụ Pháp, cứ 10 nạn nhân bị tấn công tình dục thì có đến 9 người không trình báo vì nhiều lý do : sợ gia đình tan nát, cuộc sống của họ bị thủ phạm kiểm soát…
Ngoài ra, nhiều nạn nhân cảm thấy không được lắng nghe khi trình báo ở sở Cảnh sát.

Tuy nhiên, ông Philippe Conte, giám đốc Viện Tội phạm học và luật hình sự Paris cho rằng trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực cải cách trong đào tạo cảnh sát để họ có kỹ năng đón tiếp và lắng nghe tốt hơn khi các nạn nhân đến trình báo.

Le Monde cũng nêu lên nhiều lý do khiến các vụ xét xử gặp trở ngại, không đi đến cùng, chẳng hạn theo quy định tại nhiều nơi, băng ghi hình vidéo theo dõi chỉ được lưu trong vòng 15 ngày, sau đó sẽ bị xóa hoặc theo quy định, nếu nạn nhân không hồi đáp thư triệu tập của Tư pháp thì vụ xét xử sẽ phải ngưng lại …

Le Monde kết luận, trung bình hàng năm có 100.000 vụ cưỡng hiếp, nhưng chỉ có 14.000 đơn tố cáo và chỉ có 1.000 vụ được xét xử, và trước quy mô của hiện tượng này, một mình tư pháp không thể làm xuể.

Switch mode views: